×

Giỏ hàng

Theo Thánh Kinh: Luyện ngục có tồn tại không?
Lượt xem:958   Ngày đăng: 2024-10-31 16:23:23

THEO KINH THÁNH: LUYỆN NGỤC CÓ TỒN TẠI KHÔNG?

 Ariel Álvarez Valdés

Chủng sinh Giacôbê Phạm Ngọc Luận chuyển ngữ từ 

The Bible: Questions People Ask - Vol. 2: Old Testament (Claretian Publications, 2005), 92-100.

TỪ LUYỆN NGỤC – HƯỚNG VỀ LUYỆN NGỤC

Hạn từ “luyện ngục” gợi lên trong tâm trí nhiều người Công giáo những hình ảnh về một nơi khắc nghiệt, một chốn chờ đợi đau khổ, nơi những linh hồn chưa được hoàn toàn cứu rỗi và đang chờ được vào thiên đàng. Trong thời gian đó, họ chịu đủ mọi nỗi thống khổ.

Điều đã xảy ra với ý niệm về luyện ngục, thì cũng xảy ra với ý niệm về hỏa ngục. Những hình ảnh vô lý về các ý niệm này thường phổ biến trong truyền thống dân gian, không phù hợp với đức tin vào một Thiên Chúa tình yêu, cũng như với đức cậy Kitô giáo.

Luyện ngục được tưởng tượng như một căn phòng tra tấn rộng lớn, nơi linh hồn – tùy vào những tội riêng của họ - đang bị đày dưới sông băng lạnh giá, hoặc bị nhấn chìm trong những thùng kim loại nóng chảy khổng lồ, trong hồ dầu sôi, hoặc trong đại dương lửa, từ những nơi đó, họ rướn cổ, vươn tay cách tuyệt vọng trong đau đớn và khẩn cầu.

Một số thần học gia đã xác nhận rằng, Thiên Chúa cho phép ma quỷ đến để giày vò họ bằng vô số thử thách. Vào thế kỷ XIII, thánh Tôma Aquinô đã dạy rằng luyện ngục là nơi rất gần với hỏa ngục, và ngọn lửa tra tấn những linh hồn ở hỏa ngục cũng được dùng để thanh tẩy các linh hồn trong luyện ngục.

Đã từ rất lâu, ở Rôma có một Viện bảo tàng Luyện ngục nằm trong Nhà thờ Thánh Tâm Chuyển Cầu (the Church of the Sacred Heart of Suffrage[1]). Du khách sẽ được xem hàng chục dấu tay và dấu lửa in trên gỗ, thảm, và gối, những dấu vết mà các linh hồn trong luyện ngục dường như đã khắc lên để cảnh tỉnh những người tín hữu về những nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng.

NHỮNG ĐIỀU NÊN LOẠI TRỪ

Tệ hơn nữa, một vài sách đạo đức đã liệt kê một danh sách các tội, kèm theo thời gian trừng phạt tương ứng ở luyện ngục, như thể thời gian ở thế giới bên kia có thể được đo đếm bằng năm, tháng và tuần.

Giáo hội đã bác bỏ những hình ảnh này. Vào thế kỷ XVI, Công đồng Trentô đã ban hành một sắc lệnh cấm bổ sung các vấn đề phụ thuộc và vô ích vào giáo lý về luyện ngục, nhằm tránh làm lung lay đức tin của những người đơn sơ. Sau một thời gian, Bảo tàng Roma này với những câu chuyện rùng rợn từ thế giới bên kia đã bị đóng cửa theo lệnh của Bộ Giáo lý Đức tin.

Dựa vào chính Kinh Thánh, các thần học gia đã nỗ lực miêu tả một hình ảnh đúng đắn hơn về luyện ngục và mối liên hệ của nó với Thiên Chúa chân thực, Đấng cứu rỗi chúng ta. Chúng ta hãy xem xét giáo huấn đích thực của Giáo hội về chủ đề này.

TRONG KINH THÁNH, CÓ NHẮC ĐẾN  LUYỆN NGỤC KHÔNG?

Kể từ khi Luther ly khai khỏi Giáo hội vào thế kỷ XVI và tuyên bố rằng “sự hiện hữu của luyện ngục không thể được chứng minh qua Kinh Thánh,” Giáo hội Công giáo đã nỗ lực tìm bằng chứng nơi các bản văn Kinh Thánh để chứng minh sự hiện hữu của luyện ngục cho người Tin Lành. Trong cuộc tranh cãi này, nhiều hành vi lạm dụng cũng đã diễn ra.

Ví dụ, Mt 12,32 đã được trích dẫn làm bằng chứng: “Hễ ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng hễ ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” Và lập luận được đưa ra là: Nếu Chúa Giêsu đã khẳng định rằng, có những tội không thể được tha ở đời sau, đó là bởi vì có những thứ tội khác có thể được tha ở đó. Do đó, có luyện ngục.

Tuy nhiên, cách giải thích này không xét đến việc cụm từ “cả đời này lẫn đời sau” là một cách nói của người Sêmit để ám chỉ “không bao giờ”. Cụm từ này muốn nhấn mạnh rằng tội phạm đến Thánh Thần sẽ không bao giờ được tha thứ. Nó không hề có ý đưa ra bất kỳ khẳng định nào về luyện ngục.

LÀM SAO ANH EM NHÀ MACABÊ CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC?

Một bản văn cổ khác ủng hộ quan niệm luyện ngục là sách 2Mcb 12,38-46. Bản văn này cho thấy rằng, vào năm 160 TCN, nhiều binh lính Do Thái đã chết trong trận chiến với quân Syria. Khi xác của họ sắp được chôn cất, nhiều bùa hộ mệnh và phù chú đã được tìm thấy trong áo quần của họ, một hành vi mà Thiên Chúa đã nghiêm cấm. Vì thế, Giuđa Macabê đã tập hợp những binh lính còn lại và ra lệnh cho họ phải dâng một hy lễ tạ tội ở Đền thờ Giêrusalem vì tội lỗi của những người lính đã chết, để nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa ngõ hầu người chết có thể vui hưởng sự phục sinh.

Người ta giải thích rằng những người lính đã chết chỉ phạm một tội nhẹ. Do đó, họ không ở trong hỏa ngục, nhưng họ cũng không ở trên thiên đàng; vì nếu không, những người lính còn sống đã không buộc phải dâng hy lễ tạ tội thay cho họ. Giuđa Macabê cho rằng, những người lính tử trận đang ở trong luyện ngục; và vì thế, ông đã ra lệnh cho các binh lính còn sống phải dâng hy lễ tạ tội.

Tuy nhiên, lối giải thích này đã lỗi thời. Vào thế kỷ thứ II TCN, người Do Thái chưa tin vào một tình trạng thanh luyện sau khi chết. Làm sao Giuđa Macabê lại có thể giả định điều như thế? Khi xem xét lại tư tưởng của thời đó, thì lối chú giải hợp lý phải là: tội mà những người lính đã phạm thật là nghiêm trọng, tội đó không thua kém gì với việc thờ ngẫu tượng, điều mà Thiên Chúa nghiêm cấm. Thế nhưng, loại tội này khi con người còn sống đã được tha bằng một hy lễ tạ tội được gọi là Kippur (nghĩa là Lễ đền tội), được thực hiện trong Đền thờ (x. Lv 4-5). Vì những người lính đã khuất không còn khả năng đến Đền thờ để dâng hy lễ tạ tội cho mình, nên Giuđa đã ra lệnh cho các đồng đội thực hiện việc này thay cho họ. Điều này đã khai mở sự liên đới giữa người sống và kẻ chết. Nhưng theo Giuđa, tội lỗi của những người lính đã được tha thứ là nhờ vào Lễ đền tội, chứ không phải trong luyện ngục, là điều mà họ hoàn toàn không biết đến.

CÒN THÁNH PHAOLÔ THÌ SAO?

Thư 1Cr 3,10-17 là bản văn Kinh Thánh được trích dẫn nhiều nhất để ủng hộ quan niệm về luyện ngục. Khi viết cho các tín hữu ở Côrinrô, thánh Phaolô đã chia các nhà rao giảng Tin Mừng thành ba kiểu người: những người đã sử dụng những vật liệu tốt trong công trình xây dựng của họ (c.14), những người đã phá hủy công trình đã được xây dựng (c.17), và những người đã coi thường việc chọn lựa những vật liệu cho công trình của họ. Khi đề cập đến hạng người cuối cùng này, thánh Phaolô đã nói: “Nếu công trình của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải chịu thiệt. Tuy nhiên, bản thân của người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (c.15). Chính kiểu người thứ ba này đã được các nhà chú giải lưu tâm và, quả quyết rằng cụm từ “băng qua lửa” ngầm ám chỉ đến giáo lý về luyện ngục.

Đoạn văn này không gì khác hơn là một lối nói ẩn dụ đơn giản về một tòa nhà bùng cháy trong lửa. Ngọn lửa đã được mặc cho một giá trị biểu tượng. Nghĩa là, những tín hữu kém nhiệt thành cũng có thể được cứu độ, nhưng phải trả giá bằng nhiều lao nhọc và đau khổ. Ở đây, thánh Phaolô muốn nói đến nỗ lực mà những người nửa vời phải gắng sức để được cứu độ. Ngài không trình bày một đề tài về luyện ngục, cũng không đề cập đề tài này trong các thư của ngài.

TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO LẠI TIN VÀO LUYỆN NGỤC?

Mặc dù Kinh Thánh rõ ràng đề cập đến thiên đàng và hỏa ngục, nhưng không đề cập bất kỳ từ ngữ cụ thể nào về một trạng thái thanh luyện trung gian. Chính vì giáo lý về luyện ngục này mà người Tin Lành đã từ chối đức tin Công giáo. Vậy, tại sao người Công giáo lại tin vào điều này?

Mặc dù Kinh Thánh không đề cập đến luyện ngục, nhưng điều này không có nghĩa là luyện ngục không có nền tảng. Ngược lại, Giáo hội Công giáo đã dựa vào Kinh Thánh để đặt nền tảng cho sự tồn tại của giáo lý này; Giáo hội đã không dựa vào một bản văn riêng cụ thể nào, nhưng đã dựa vào hai ý tưởng chung thường được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Hai ý tưởng này đóng vai trò như là hạt nhân của giáo lý này.

Trước tiên, Giáo hội tin rằng con người chỉ có thể diện kiến Thiên Chúa khi họ thanh sạch tuyệt đối. Không có gì, dù chỉ là một chút hoen ố hay khiếm khuyết nhỏ, có thể xuất hiện trước vinh quang Thiên Chúa. Dựa trên niềm tin này, dân Israel đã cử hành một nghi lễ thanh tẩy nghiêm ngặt trong Đền thờ, để không có gì ô uế mà lại được phép diện kiến trước nhan Đức Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này, khi Ngài nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), hoặc “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hơn nữa, sách Khải Huyền còn dạy rằng vào ngày tận thế, trong thành thánh Giêrusalem trên trời, “tất cả những gì ô uế đều không được vào thành” (Kh 21,27).

Quan niệm Kinh thánh thứ hai sau đây thì quan trọng hơn. Ở đời sau, Thiên Chúa “sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm” (Rm 2,6). Rõ ràng rằng, cái chết phân chia loài người thành những mức độ hoàn thiện khác nhau, tùy thuộc vào cách họ sử dụng tự do và phục vụ những người thân cận. Vào giờ chết, những ai chưa đạt tới sự trọn lành sẽ không thể vào diện kiến Thiên Chúa ngay được. Do đó, họ sẽ phải trải qua một giai đoạn thanh luyện.

Ý NGHĨA CỦA LUYỆN NGỤC

Sau khi trình bày như trên, bây giờ chúng ta sẽ giải thích ý nghĩa của luyện ngục.

Mỗi người đến trong thế gian này đều mang trong mình một sứ mạng, mà việc thực hiện sứ mạng đó phụ thuộc vào những hành động yêu thương, sự phục vụ và tình liên đới, khả năng từ bỏ bản thân, và công việc chúng ta làm vì hạnh phúc tha nhân. Ngay từ lúc được thụ thai Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, những tiềm năng và khả năng để chúng ta có thể thể hiện trong suốt cuộc đời.

Không phải tất cả mọi người đều tận dụng tối đa các năng lực của bản thân cũng như cống hiến hết mình vì người khác. Họ không sử dụng những tiềm năng mà Thiên Chúa đã trao ban để hoàn thành kế hoạch yêu thương đối với thế giới trước khi lìa đời. Đây là lý do vì sao mà nhiều người không đạt đến đích điểm của sự trưởng thành trọn vẹn vào cuối cuộc đời. Họ chưa chu toàn các công việc cần phải làm. Cái chết đến bất ngờ khi vẫn còn nhiều công việc chưa hoàn thành trong cuộc sống. Và không ai biết mình khi nào sẽ qua đời. Khi chết trẻ, khoảng thời gian ngắn ngủi của con người có thể đã đủ để hoàn thành chương trình yêu thương, và đạt được sự trưởng thành nội tâm và hoàn thiện mà Thiên Chúa mong đợi ở họ. Vì vậy, tất cả mọi người đều phải sử dụng những khả năng của mình để phát triển đời sống nội tâm.

THỜI GIAN LUYỆN NGỤC KÉO DÀI BAO LÂU?

Điều gì xảy ra khi con người đến cuối cuộc đời mà vẫn còn những khả năng không tiến triển? Những người chưa hoàn tất, chưa đủ trưởng thành thì không thể đến diện kiến tôn nhan Thiên Chúa được.

Chỉ khi Chúa Kitô nhìn con người với ánh mắt đầy ân sủng và yêu thương, thì bất cứ ai cũng có thể gặp được Ngài. Cái nhìn của Ngài thấu suốt phần sâu thẳm nhất cuộc sống con người, và bắt đầu giúp con người thực hiện những gì còn dang dở. Đó là một quá trình đau đớn, giống như tất cả các quá trình trưởng thành của con người. Cái nhìn này chính là điều chúng ta xem như là luyện ngục.

Chúng ta có thể nói rằng, việc chưa hoàn thiện khi diện kiến trước nhan Chúa Kitô sẽ đầy đau đớn. Sẽ rất đau đớn cho con người khi phải xóa bỏ, một cách tức thời, tất cả những lựa chọn sai lầm đã mắc phải trong suốt cuộc đời khi lầm lỗi. Nhận ra những thiếu sót của bản thân sẽ khiến mình đau khổ, và sự đau buồn này sẽ thanh luyện người đó khỏi những lỗi lầm của bản thân. Đây là sự đau khổ của luyện ngục, nhưng nó chẳng có liên quan gì đến cái gọi là “lửa thiêu đốt linh hồn” của những người vào đó, như ta vẫn thường hay nói.

Do đó, chúng ta cần phải xua tan sai lầm phổ biến rằng thời gian luyện ngục sẽ lâu dài. Sau khi con người chết, thời gian không còn tồn tại. Luyện ngục không thể kéo dài theo năm tháng, như trước đây người ta vẫn thường hay nghĩ. Thực tế, đó chỉ là một khoảnh khắc, một thời điểm khi Thiên Chúa ban ân sủng cuối cùng cho con người để giúp họ vượt qua tính ích kỷ và những khiếm khuyết trong cuộc sống. Đây là một quá trình sâu sắc của con người, không xảy ra trong thời gian vì nó đã thuộc về cõi vĩnh hằng.

LUYỆN NGỤC CÓ PHẢI LÀ MỘT TÍN ĐIỀU ĐỨC TIN KHÔNG?

Ngay từ thế kỷ I, các Giáo phụ đã dạy về sự tồn tại của một tình trạng thanh luyện sau khi chết. Vào giữa thế kỷ thứ III, các ngài đã cố gắng minh định chính xác hơn tình trạng này là gì. Đến thế kỷ XI, lần đầu tiên quá trình thanh luyện này được gọi là luyện ngục. Năm 1254, Đức Innôcentê IV là vị giáo hoàng đầu tiên chính thức bàn về chủ đề này và đưa từ “luyện ngục” vào trong giáo huấn của Giáo hội. Sau đó, từ này được dùng để ám chỉ một nơi đã được chỉ định, một nơi chịu khổ.

Tuy vậy, lúc đó nó không phải là một tín điều. Nó trở thành một vấn đề tín lý tại Công đồng Florence. Công đồng này được khai mạc vào ngày 26 tháng 02 năm 1439, với sự tham gia của 115 Giám mục và dành nhiều thời gian tranh luận lâu đề tài luyện ngục. Vào ngày 06 tháng 7 năm 1439, Công đồng đã công bố một sắc lệnh Laetentur Caeli, nhằm tuyên bố về sự hiện hữu của luyện ngục như là một tín điều đối với mọi người Công giáo.

Vậy, người Công giáo thực sự phải tin những gì về luyện ngục? Công đồng đã vạch rõ ba điều: 1) luyện ngục tồn tại; 2) luyện ngục không phải là một nơi chốn nhưng là một tình trạng để người chết được thanh luyện; và 3) người sống có thể giúp đỡ người chết bằng việc cầu nguyện. Chỉ có ba điều này thuộc tín điều về luyện ngục.

CHÚNG TA CÓ CẦN CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI Ở LUYỆN NGỤC KHÔNG?

Nếu luyện ngục chỉ kéo dài trong chốc lát, thì việc cầu nguyện cho những người đã qua đời và dâng Thánh lễ cho họ có hợp lý không? Họ không phải đã đi qua nơi đó rồi sao? Nếu luyện ngục xảy ra trong một giây lát, giống như sự chuyển giao từ thế giới bên này sang thế giới bên kia, thì những lời cầu nguyện trong tuần cửu nhật (novena prayers) cũng như những thực hành Công giáo vào những ngày lễ giỗ hằng năm có giá trị gì không?

Tất nhiên rồi! Chúng ta vốn là những người đang hiện hữu trong thời gian và coi một ai đó như đã chết trong một khoảng thời gian nhất định - thời gian ấy ít nhiều mang tính trần thế, tức là, bao lâu chúng ta còn đang sống. Và trong suốt khoảng thời gian này, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đã qua đời, để Thiên Chúa có thể đẩy nhanh tiến trình trưởng thành của họ. Thế nhưng, Thiên Chúa, Đấng ngự trong cõi vĩnh cửu, sẽ đoái nhìn những lời cầu nguyện của chúng ta như thể chúng ta vẫn còn đang thưa với Ngài trong tương lai. Ngài đoái nhận mọi lời nguyện cầu đó và chấp nhận mọi Thánh lễ mà hôm nay chúng ta dâng cho những người thân yêu đã khuất. Nếu khi họ còn sống, những hành động yêu thương của chúng ta có thể giúp họ trở nên tốt hơn, thì sau khi họ lìa đời, những lời nguyện cầu của chúng ta chính là những hành động yêu thương mà chúng ta dâng thay cho họ, ngõ hầu qua của lễ này, Thiên Chúa sẽ dẫn đưa những người thân yêu của chúng ta đạt đến sự viên mãn và hoàn thiện họ trong tình yêu.

Vì lý do này, Giáo hội vẫn giữ và xem trọng việc thực hành cầu nguyện cho những người quá cố. Giáo hội đã đặc biệt dành riêng một thời điểm nhất định trong Thánh lễ để cầu nguyện cho những người quá cố khi chúng ta xin Thiên Chúa “cho họ được nhìn ngắm ánh sáng tôn nhan Ngài”.

NIỀM VUI KHI LUYỆN NGỤC

Chúng ta thường quen nghĩ luyện ngục như là một hình phạt thánh thiêng dành cho những người tội lỗi, một dạng hỏa ngục có lối thoát. Nhưng thực tế không phải vậy! Luyện ngục thực sự là một ân huệ đến từ Thiên Chúa. Nó chính là một ân huệ cuối cùng mà Thiên Chúa tặng ban cho con người để thanh tẩy và giúp họ có thể ở cùng với Chúa. Đây chính là lúc mà con người được biến đổi hoàn toàn, để có thể trực tiếp nhìn ngắm tôn nhan Thiên Chúa và phó dâng mình trong vòng tay vĩnh cửu của Ngài. Trong Thánh lễ, không đọc là các tín hữu trong luyện ngục đang chịu cực hình, nhưng đọc “họ yên nghỉ”.

Thánh Catarina thành Genoa [1447-150] đã có lý khi viết: “Không có niềm vui nào sánh được với niềm vui của những ai đang trong luyện ngục, ngoại trừ với các thánh trên Thiên Đàng. Tình trạng này lẽ ra đáng khao khát hơn là đáng sợ, bởi vì những ngọn lửa ở nơi đây là những ngọn lửa của lòng mến vô biên và sự khao khát vô hạn.” Còn lâu, chúng ta ở thế kỷ XXI, có thể đạt tới trực giác này của thế kỷ XV!

Giáo lý về Luyện ngục là một giáo lý rất hay về niềm hy vọng và tình liên đới Kitô giáo. Giáo lý này dạy chúng ta rằng, cái chết không chấm dứt mối tương quan giữa con người với nhau. Những ai đang ở luyện ngục có thể được giúp đỡ bằng những hành động yêu thương, như chính họ đã làm cho tha nhân trong lúc họ còn sống trên trần gian.

Luyện ngục là tiếng kêu của con người, rằng tình yêu mạnh hơn sự chết.

 

[1] Nhà thờ Thánh Tâm Chuyển Cầu đôi khi còn được gọi là Piccolo Duomo di Milano (Nhà thờ Chánh tòa Milan nhỏ). Nhà thờ này cũng là nơi có Bảo tàng về các Linh hồn ở Luyện ngục, nơi có bức tường giống như khuôn mặt người, có niên đại từ vụ hỏa hoạn năm 1897. https://www.wantedinrome.com/yellowpage/church-of-the-sacred-heart-of-suffrage-rome.html, truy cập ngày 10/10/2024. Chú thích của người dịch.