×

Giỏ hàng

Sự chậm hiểu của các môn đệ trong Tin mừng Máccô
Lượt xem:168   Ngày đăng: 2024-10-17 06:54:28

SỰ CHẬM HIỂU CỦA CÁC MÔN ĐỆ TRONG TIN MỪNG MÁCCÔ

 

Unsok Hur

Chủng sinh Giuse Phạm Thanh Tú chuyển ngữ từ Sage Journals

Tóm tắt

Bài viết này bắt đầu với quan điểm của William Wrede (1901) vốn cho rằng tác giả Tin mừng Máccô đã thêm vào những cảnh Đức Giêsu tiên báo việc Ngài bị đóng đinh, và bản văn chỉ ra rằng ngay cả khi Đức Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài, các môn đệ vẫn không hiểu được lời tiên báo đó. Tôi đồng ý với Wrede. Hơn nữa, tôi cho rằng một số đoạn mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ trong suốt Tin mừng Máccô là một sự dàn dựng của tác giả Tin mừng nhằm giải thích sự thiếu hiểu biết của các môn đệ khi Đức Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài. Ví dụ điển hình là khi Đức Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai, họ đã hoàn toàn quên phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất. Trong phần kết luận, tôi cho rằng sự chậm hiểu của các môn đệ được mô tả trong Tin mừng Máccô có thể được hiểu như là một sự hư cấu. Điều này nghĩa là sự mô tả các môn đệ trong Tin mừng Máccô khác với những gì mà các ông đã thực sự hành động trong lịch sử. Không giống như những gì được mô tả trong Tin mừng, tôi cho rằng vào thời điểm Đức Giêsu bị đóng đinh, các môn đệ đã không bỏ trốn cũng như không đánh mất niềm tin vào Đức Giêsu, nhưng họ vẫn tin tưởng không nao núng vào Ngài.

Một số học giả Tân ước đã lưu ý đến vấn đề sự chậm hiểu của các môn đệ mà Tin mừng Máccô đã mô tả (4,40; 6,51–52; 8,4.14–21; 8,33; 9,2–10; 14,68–72). Ví dụ, David E. Garland đã coi việc Máccô diễn tả mức độ nhận thức kém cỏi của các môn đệ là “khắt khe một cách bất thường” (David E. Garland 2015, 388–437). Trên thực tế, sự mô tả này của Tin mừng Máccô có thật sự phản ánh chính xác lịch sử không? Wrede đặt ra một vấn nạn liên quan đến lịch sử tính (historicity) của Mc 9,9–10 (Wrede 1901, 12–14). (Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.) Thật vậy, việc mô tả sự kiện Đức Giêsu tiên báo cái chết của Ngài được lặp lại nhiều lần trong Mc 8,31; 9,31 và 10,32–34. Vos cho rằng:

Nhiều lần chúng ta đọc thấy rằng các môn đệ không nhận thức, không hiểu được lời tiên báo này, mặc dù nó đã được trình bày cho các ông bằng những ngôn từ dễ hiểu và rõ ràng nhất. Vì vậy, Wrede một lần nữa kết luận rằng tình huống này tuyệt đối là không có thật. Theo ông, toàn bộ sự tự mặc khải được cho là của Đức Giêsu này chỉ là một sự hư cấu của thánh sử [Máccô]. Việc trình diễn một vở kịch không hề tạo ra giá trị hay hiệu quả nào về lịch sử tính cho các tình tiết của vở kịch, và vì thế vở kịch đó tự bản chất vẫn là hư cấu (Vos, 75–76).

Như chúng ta có thể thấy trong đoạn này, Vos đã tóm tắt điều mà Wrede khẳng định: “Việc trình diễn một vở kịch không hề tạo ra giá trị hay hiệu quả nào về lịch sử tính cho các tình tiết của vở kịch, và vì thế vở kịch đó tự bản chất vẫn là hư cấu.” Dựa trên lời phê bình đó, dường như cảnh Đức Giêsu tiên báo việc Ngài bị đóng đinh là một sự dàn dựng của tác giả Tin mừng Máccô. Điều này nghĩa là trên thực tế, Đức Giêsu đã không tiên báo việc Ngài bị đóng đinh. Nếu đúng như vậy, thì cảnh các môn đệ không hiểu lời tiên báo của Đức Giêsu về việc đóng đinh cũng trở thành hư cấu. Hơn nữa, Wrede khẳng định rằng cả lời tiên báo của Đức Giêsu về việc Ngài bị đóng đinh lẫn việc mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ đều do Máccô tạo ra như một phần của “bí mật thiên sai” (Wrede, 131). Trong khi giải thích lý do đằng sau hiện tượng này, ông lập luận rằng Đức Giêsu chỉ được chấp nhận là Đấng Mêsia chỉ sau khi phục sinh chứ không phải khi Ngài còn sống. Tôi nghĩ rằng lập luận của Wrede là thuyết phục và vì lý do đó, tôi bắt đầu bài viết này với quan điểm của Wrede vốn cho rằng trong Tin mừng Máccô, lời tiên báo của Đức Giêsu về việc Ngài bị đóng đinh là một sự dàn dựng của tác giả Tin mừng, và do đó, việc mô tả các môn đệ không hiểu được lời tiên báo này cũng là một sự dàn dựng của tác giả.

Tuy nhiên, dù đồng ý như vậy, tôi sẽ khai triển lập luận và đưa ra kết luận của mình theo một hướng khác. Wrede khẳng định rằng sự dàn dựng của tác giả Tin mừng Máccô về lời tiên báo của Đức Giêsu và những cảnh cho thấy sự chậm hiểu của các môn đệ có liên quan đến căn tính Mêsia của Đức Giêsu; tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng các cảnh này được tác giả Tin mừng tạo ra vì “bí mật thiên sai”. Tôi lập luận cách khác như sau. Đức Giêsu đã không tiên báo việc Ngài bị đóng đinh, nhưng điều này đã được các Kitô hữu tiên khởi mô tả trong Tin mừng Máccô, để qua đó cho thấy Đức Giêsu biết trước tương lai, như Bond khẳng định (Bond, 134–51). Bond cũng đồng ý với Brown về sự mơ hồ nơi Đức Giêsu liên quan đến số phận của mình (Brown, 1468–91). Cả hai đều cho rằng từ số phận thảm thương của các ngôn sứ khác trong quá khứ, Đức Giêsu đã có một trực giác mơ hồ về số phận có thể xảy đến với mình. Tuy nhiên, việc Đức Giêsu thật sự bị bắt và chết trên thập giá hẳn là điều mà cả Đức Giêsu và các môn đệ đều không ngờ tới. Có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc thấy trước số phận khả thể của một người dựa trên số phận của các ngôn sứ trong quá khứ, với việc tuyên bố rõ ràng và chi tiết về việc người đó bị đóng đinh. Cũng vậy, nếu quan điểm của Bond và Brown là đúng, tức là Đức Giêsu chỉ biết trước số phận của mình một cách chung chung và đại khái, thì rõ ràng Ngài đã không tiên báo việc bị đóng đinh như tác giả Tin mừng Máccô trình bày.

Từ quan điểm này, sẽ thật hợp lý khi thấy rằng cả Đức Giêsu và các môn đệ đều không ngờ trước việc Ngài bị đóng đinh. Tuy nhiên, khi nói đến những cảnh mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ, ta cần phải xem xét nhiều hơn. Những cảnh này được trình bày như một bút pháp văn chương (literary device) chứ không nhắm đến sự thật lịch sử. Vì vậy, tôi sẽ xét xem việc mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ như một bút pháp văn chương sẽ kéo theo những hệ quả gì. Từ đó tôi sẽ lập luận rằng Tin mừng Máccô đã nhiều lần sử dụng bút pháp này để chuẩn bị cho sự chậm hiểu của các môn đệ khi Đức Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài. Nói cách khác, sự chậm hiểu của các môn đệ không phản ánh sự thật lịch sử, trái lại, nó được thêm vào để giải thích cho những lời nói và hành động của họ vào thời điểm Đức Giêsu bị đóng đinh và giết chết. Để giải thích việc các môn đệ không thể hiểu được thông điệp của Đức Giêsu khi Ngài tiên báo về cái chết của mình, tác giả Tin mừng đã thêm vào những đoạn cho thấy họ cũng không hiểu gì vào những lúc khác, như trong Mc 4,40; 6,51–52; 8,4.14–21; 8,33; 9,2–10 và 14,68–72. Việc trình bày sự chậm hiểu của các môn đệ nhiều lần trong các hoạt động sứ vụ của Đức Giêsu giống như một dẫn nhập (preview), qua đó tác giả Tin mừng đưa độc giả dần đến chỗ hiểu và chấp nhận sự chậm hiểu của các môn đệ khi Đức Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài. Điều này đưa chúng ta đến một hình ảnh khác về các môn đệ vào thời điểm Đức Giêsu bị đóng đinh. Bây giờ chúng ta hãy nhìn xem những gì có thể là chân dung thật sự của các môn đệ.

Phê bình văn chương

Kể từ khi Wrede lưu ý đến “tính không thực” (unrealness) của Mc 9,9–10, nhiều ý kiến khác nhau (Schweitzer; Taylor 1948; Cullmann; Dibelius; Burkill; Watson; Weeden; Kelber; Kee; Tannehill; Kingsbury; Tolbert; Dunn 1970; Tuckett) đã cố gắng giải thích cách hiểu về “tính không thực” đó. R.T. France cho biết quan điểm phổ biến nhất cho đến nay là các môn đệ, những người đi theo Đức Giêsu, đã hiểu sai về Ngài khi tin rằng Ngài là một Đấng Mêsia chính trị. Tuy nhiên, tôi cho rằng lập luận này, mặc dù có ảnh hưởng, nhưng ít thỏa đáng vì nó giả định một sự khác biệt rõ ràng về cách hiểu giữa Đức Giêsu với các môn đệ, và khoảng cách này đã không được lấp đầy trong suốt thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ. Có phải các môn đệ cũng đã hiểu sai về Đức Giêsu khi nghĩ Ngài là một Đấng Mêsia chính trị không? Liệu Đức Giêsu có gặp khó khăn để thuyết phục các môn đệ rằng Ngài không phải là một Đấng Mêsia chính trị? Lời tiên báo lặp đi lặp lại của Đức Giêsu về cái chết của Ngài có khó hiểu đến như vậy hay không (Mc 8,31; 9,31; 10,32–34)? Tôi nghĩ rằng thật ít thuyết phục và dường như không thể nào các môn đệ – những người “đã từ bỏ mọi sự” (Mc 10:28) để đi theo Đức Giêsu, lại không thể hiểu được lời tiên báo lặp đi lặp lại của Ngài về cái chết của mình, nhất là khi tác giả Tin mừng mô tả Đức Giêsu là một người “giảng dạy có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 10,22). Hơn nữa, như Mc 6,7 (“Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một”) thuật lại, khi Đức Giêsu sai các môn đệ, Ngài cho thấy Ngài rất tin tưởng các ông. Vì lý do này, tôi tin rằng ý kiến xem Đức Giêsu không thể thuyết phục các môn đệ rằng Ngài không phải là một Đấng Mêsia chính trị và Ngài không thể lấp đầy khoảng cách giữa sự hiểu biết của chính Ngài với sự hiểu biết của các môn đệ là không thỏa đáng, nhất là khi xem xét ý kiến này dưới nhãn quan của toàn bộ trình thuật Kinh thánh. Phần còn lại của bài viết này sẽ giải thích lý do tại sao phải thêm vào việc mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ.

Những cảnh được thêm vào nhằm cho thấy sự chậm hiểu của các môn đệ

Trong Tin mừng Máccô, khi nói đến việc nhận thức các phép lạ và giáo huấn của Đức Giêsu, các môn đệ được mô tả với một sự chậm hiểu đến khó tin. Một ví dụ điển hình được trình bày trong phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai của Đức Giêsu. Xem Mc 8,14–21:

Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”

Đức Giêsu hỏi xem các môn đệ có hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều hay không: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe?” “Anh em vẫn chưa hiểu ư?” Làm sao có thể có cảnh này? Liệu có thể các môn đệ mới đây đã chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều của Đức Giêsu lại có thể phản ứng một cách ngây ngô như thế này không? Không thể lý giải được sự chậm hiểu của các môn đệ sau tất cả những gì họ được học hỏi và chứng kiến, kể cả phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất. Vì phản ứng của các môn đệ thật thiếu chân thực đến kỳ lạ, tôi tin rằng đó là một yếu tố được thêm thắt vào của Tin mừng Máccô. Một khuôn mẫu tương tự cũng được tìm thấy trong trình thuật Chúa biến hình (Mc 9,2–10):

Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Sau khi các môn đệ chứng kiến cuộc biến hình của Đức Giêsu, họ vẫn không thể hiểu được lời tiên báo về cái chết của Ngài, vốn đã được trình bày “một cách dễ hiểu và rõ ràng nhất” (Vos, 75). Máccô (9,9–10) nói với chúng ta rằng: “Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.”

France chỉ ra rằng Đức Giêsu biến hình trước mắt các môn đệ nhằm chứng tỏ Ngài không đơn thuần là một vị rabbi phàm trần mà còn hơn thế nữa (France, 326–59). Thư 2 Phêrô (1,16–18) mô tả tình trạng của Đức Giêsu sau khi biến hình là một tình trạng “danh dự và vinh quang” (Marcus 2000, 1108–18). Có thể tin rằng các môn đệ đã không thể chấp nhận giáo huấn của Đức Giêsu sau khi họ đã trải qua một biến cố ấn tượng như vậy hay không? Làm sao có thể nghĩ rằng các môn đệ đã từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu (Mc 1,16–20; 3,13–19) lại không thể hiểu được những gì Thầy mình đang nói? Sự chậm hiểu của các môn đệ cũng xuất hiện tương tự nơi phép lạ hóa bánh lần thứ hai (Mc 8,14–21). Đáng ngạc nhiên là điều này xảy đến ngay sau khi họ chứng kiến các phép lạ của Đức Giêsu. Vì lý do này, tôi cho rằng sự chậm hiểu của các môn đệ vào lúc xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8,14–21) và vào lúc Đức Giêsu biến hình đã được tác giả Tin mừng dựng ra nhằm làm cho việc các môn đệ không hiểu lời tiên báo về cái chết của Đức Giêsu có sức thuyết phục hơn. Tác giả Tin mừng đang cố tình tạo ra một phông nền rộng lớn hơn cho sự chậm hiểu của các môn đệ.

Những cảnh rõ ràng khác cho thấy sự chậm hiểu của các môn đệ cũng được tìm thấy trong Tin mừng Máccô:

Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,39–41).

Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội! (Mc 6,47–52).

Các trình thuật bổ sung chắc hẳn được thêm vào với mục đích tương tự:

“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”

Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,33–45).

Khi Giacôbê và Gioan, các con ông Dêbêđê, đến xin Đức Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”, một lần nữa các môn đệ còn lại phản ứng theo một cách thức cho thấy tất cả họ đều có những cách hiểu khác nhau về những gì Đức Giêsu đang nói. Quan điểm của Wrede vẫn còn giá trị trong bối cảnh này. Lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết của mình trong tương lai chẳng có tác dụng gì, vì nó “không hề tạo ra giá trị hay hiệu quả nào về lịch sử tính cho các tình tiết của vở kịch, và vì thế vở kịch đó tự bản chất vẫn là hư cấu” (Vos, 75). Tác giả Tin mừng dàn dựng ra bức chân dung về sự ngây ngô của các môn đệ giống như cách ông vận dụng những giáo huấn khác của Đức Giêsu, chẳng hạn như trong Mc 9,35. (Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.") Hơn nữa, cảnh Phêrô chối Đức Giêsu cũng có thể là một sự dàn dựng của tác giả Tin mừng Máccô bởi vì cảnh này có thể được hiểu một cách tương tự như khi tác giả vẽ ra đặc tính chậm hiểu của các môn đệ. Thông điệp cuối cùng là các môn đệ không thể nắm bắt vấn đề khi Đức Giêsu tiên báo về cái chết của mình, ngay cả khi Đức Giêsu thực sự bị giết chết.

Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy. Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.” Nhưng ông Phêrô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê!” Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!” Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc. (Mc 14,68–72).

Một số học giả đã tranh cãi về lịch sử tính của cảnh Phêrô chối Đức Giêsu. Một trong những lập luận mạnh mẽ nhất để phủ nhận lịch sử tính của cảnh này là: không có lý do gì để thêm vào một cảnh làm suy yếu địa vị của Phêrô, người đã trở thành một nhà lãnh đạo rất quan trọng đối với các Kitô hữu. Tuy nhiên, một trong những lập luận ủng hộ việc đưa cảnh này vào là Phêrô đã hối cải sau đó. Như vậy, việc thêm vào cảnh Phêrô chối Thầy được xem là ít khó hiểu hơn. Việc Phêrô chối Thầy có thể mang lại sự dũng cảm và niềm hy vọng cho độc giả khi họ đối mặt với những thử thách về đức tin của mình và trải qua thất bại (Brown, 587–626). Tôi đồng ý với lập luận sau cùng này vì cuối cùng, Phêrô đã lấy lại được vị trí danh dự của mình. Hơn nữa, các môn đệ dần đảm nhận trách nhiệm cao cả là loan báo Tin mừng sau khi Đức Giêsu phục sinh. Vì lý do này, không thể xem việc chối Thầy và hối cải của Phêrô là hoàn toàn tiêu cực.

Một lý do khác để chúng ta có thể nghĩ rằng cảnh Phêrô chối Thầy được dựng ra là nhằm cho thấy Đức Giêsu là người duy nhất có thể được mô tả với một phẩm cách cao quý nhất. Không có lý do gì để các Kitô hữu sơ khai mô tả các môn đệ một cách tiêu cực. Khi nói đến mối tương quan của các môn đệ với Đức Giêsu, có vẻ như không có lý do gì để các môn đệ bị mô tả một cách tiêu cực trừ khi có một động cơ ẩn kín. Chúng ta có thể xác định được động cơ như vậy bởi vì suy cho cùng Đức Giêsu mới thực sự là nhân vật chính của các sách Tin mừng. Do đó, Đức Giêsu được mô tả là nhân vật đáng kính nhất, và các môn đệ được mô tả với địa vị tương đối thấp. Theo lối hiểu này, thật hợp lý khi cho rằng tác giả Tin mừng Máccô có ý tạo ra hay biến đổi các yếu tố của Tin mừng trong việc mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ nhằm nhấn mạnh biến cố quan trọng nhất trong Tin mừng, đó là cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu.

Tại sao tác giả lại thêm vào cảnh các môn đệ chậm hiểu trước việc Đức Giêsu tiên báo cái chết của Ngài?

Trong bài viết này, tôi đã xem xét những cảnh mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ và cho rằng có những điểm rất khó chấp nhận. Tôi cũng lập luận rằng sự chậm hiểu của các môn đệ khi Đức Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài là một sự dàn dựng của tác giả. Và lý do đằng sau rất nhiều đoạn minh họa cho điều này, nơi Mc 8,14–21; 9,2–10; 4,39–41; 6,47–52; 10,33–45; 14,68–72, là chúng được đưa vào nhằm xác nhận cách chắc chắn và đầy thuyết phục rằng: các môn đệ đã không hiểu được lời tiên báo cái chết của Đức Giêsu.

Vậy câu hỏi còn lại là, tại sao tác giả lại làm điều này? Tôi đề xuất một khả năng: Tôi tin rằng tác giả Tin mừng Máccô nghĩ rằng việc mô tả các môn đệ với sự chậm hiểu có thể là một trong những cách tốt nhất để giải thích thỏa đáng về bối cảnh Đức Giêsu bị đóng đinh. Và bởi vì việc mô tả các môn đệ của Đức Giêsu chậm hiểu thì sẽ hợp lý hơn việc nghĩ rằng họ đã không thể và đã không làm bất cứ điều gì để ngăn cản việc Thầy mình bị đóng đinh. Chỉ một mình Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, và không một môn đệ nào có thể làm gì để ngăn cản. Trong hoàn cảnh Đức Giêsu bị đóng đinh, các môn đệ đã bỏ rơi Ngài không chỉ về mặt thể lý mà còn về mặt tâm lý. Tôi tin rằng đây là một lý do khả dĩ để giải thích tại sao, như một phần của bối cảnh cuộc đóng đinh, các môn đệ có thể được mô tả, bằng một bút pháp văn chương, là “không biết” và “không có khả năng”. Nếu các môn đệ không thể làm bất cứ điều gì trong tư cách là những người đi theo Đức Giêsu, đặc biệt vào thời điểm quan trọng nhất khi Ngài bị đóng đinh, thì việc tác giả Tin mừng mô tả các môn đệ như những người bỏ trốn có thể được hiểu như là một lối diễn đạt văn chương không dựa trên sự kiện lịch sử. Sau đó, tác giả có thể mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ như một bút pháp văn chương, và các cụm từ “không hiểu” và “không có khả năng” trở thành một phần của bối cảnh cuộc đóng đinh vốn không có thật về mặt lịch sử.

Tôi nghĩ rằng có thể tác giả đã quyết định sử dụng phép ẩn dụ “bỏ chạy” thay vì cho thấy sự bất lực thực sự của các môn đệ lịch sử trong việc trợ giúp Đức Giêsu bằng mọi cách. Một lý do khả dĩ khác khiến tác giả Tin mừng Máccô tạo ra một khung cảnh mâu thuẫn với thực tế lịch sử là trong chiều hướng văn chương của tác giả Tin mừng, các môn đệ phải chịu trách nhiệm về việc để Đức Giêsu chịu đau khổ và chịu chết. Việc bị đóng đinh, tự nó, là một sự kiện kinh hoàng không thể phủ nhận, mặc dù tác giả Tin mừng nhìn nó dưới ánh sáng rộng lớn hơn của vinh quang phục sinh. Trên thực tế, việc mô tả các môn đệ như những người không thể hiểu được giáo huấn của Đức Giêsu và cuối cùng đã bỏ chạy là một điều đáng chê trách trong bối cảnh Tin mừng, đặc biệt là khi nó không có thật về mặt lịch sử. Nếu tác giả Tin mừng một mực sử dụng những lối mô tả này, thì tôi khẳng định rằng có thể đưa ra một lập luận hợp lý cho điều này, đó là tác giả có ý định buộc các môn đệ phải chịu một phần trách nhiệm về sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu.

Như vậy, vì tác giả Tin mừng cảm thấy hợp lý khi quy trách nhiệm cho các môn đệ về việc họ không bảo vệ Đức Giêsu và sử dụng một lý do về văn chương hơn là về lịch sử, nên có thể tác giả Tin mừng Máccô đã chọn mô tả các môn đệ là “thiếu hiểu biết” và “không có khả năng”. Điều này nghĩa là tác giả Tin mừng Máccô đã cố tình dựng ra và phóng đại “sự chậm hiểu của các môn đệ”.

Vẫn có thể đưa ra một lời giải thích khác: có khả năng là các môn đệ đã không bỏ chạy khi Đức Giêsu bị đóng đinh như Tin mừng mô tả trong Mc 14,50 (“Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”). Các ông vẫn tin tưởng và trung thành với Đức Giêsu, nhưng các ông không thể ngăn được việc Đức Giêsu bị bắt và bị đóng đinh trên thập giá. Cũng như những người bình thường không thể giúp đỡ, các môn đệ thực sự bất lực khi Đức Giêsu bị bắt.

Hơn nữa, vì các môn đệ của Đức Giêsu không có vũ khí và giáo huấn của Ngài cũng phản đối gay gắt việc sử dụng sức mạnh thể lý (“Đức Giêsu nói với họ: ‘Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?’” Mc 14,48), các ông lâm vào một tình thế không còn cách nào chống cự. Quan trọng nhất, rất có thể các môn đệ đã không chậm hiểu như tác giả Tin mừng đã mô tả. Thật hợp lý khi cho rằng các môn đệ thực ra đã trung thành tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu ngay cả khi Ngài bị bắt. Sẽ thỏa đáng hơn nếu hiểu rằng các môn đệ của Đức Giêsu vẫn giữ được sự tin tưởng vững chắc vào Đức Giêsu, bởi vì họ không chỉ trở thành môn đệ bằng cách từ bỏ cuộc sống trước đây của mình (Mc 10,28), mà còn chứng kiến những lời giảng dạy có uy quyền của Đức Giêsu (Mc 1,22) và một số phép lạ (Mc 4,35–41; 5,21–43; 6,30–44). Vì lý do này, có thể hiểu những trình thuật cho thấy các môn đệ không hiểu lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết của Ngài – thực ra là một sự hư cấu, cũng như trình thuật các môn đệ bỏ rơi Đức Giêsu khi Ngài bị đóng đinh cũng là một sự hư cấu.

Vậy, bức tranh lịch sử chính xác là gì? Như tôi đã nêu ra ở phần đầu bài viết này, lời tiên báo của Đức Giêsu về việc Ngài bị đóng đinh trên thập giá hẳn đã được tác giả Tin mừng tạo ra để bày tỏ uy quyền của Đức Giêsu và quyền năng thấy trước tương lai của Ngài. Thật hợp lý khi xem việc bắt và đóng đinh Đức Giêsu là những sự cố mà Ngài hay các môn đệ đều không ngờ tới. Tác giả Tin mừng đã dựng ra bức tranh về Đức Giêsu tiên báo Ngài sẽ bị đóng đinh. Các môn đệ của Đức Giêsu không hiểu lầm Ngài là một Đấng Mêsia chính trị. Các môn đệ hẳn đã có lòng tin tưởng vững chắc nhưng không thể ngăn cản được việc Thầy mình bị bắt và đóng đinh trên thập giá. Các môn đệ không được trang bị vũ khí cũng như không được chuẩn bị để kháng cự, và do đó không thể ngăn cản việc Đức Giêsu bị bắt, và do đó, như bất cứ một người bình thường nào, các ông không thể ngăn cản được việc Đức Giêsu bị bắt. Tác giả Tin mừng Máccô đã sửa lại bức tranh này về việc các môn đệ không thể ngăn Đức Giêsu bị bắt và bị đóng đinh, thay vào đó là các môn đệ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, để hỗ trợ cho sự mô tả các môn đệ chậm hiểu lời tiên báo về cuộc đóng đinh và họ không thể ngăn cản điều đó, tác giả Tin mừng Máccô đã thêm vào một số đoạn nữa để minh họa cho sự chậm hiểu của các môn đệ trong suốt Tin Mừng này.

Bằng cách này, những đoạn trong Tin mừng Máccô liên quan đến các môn đệ hẳn đã được hình thành theo trình tự như sau. Tác giả Tin mừng đã dàn dựng bức tranh Đức Giêsu tiên báo về việc Ngài bị đóng đinh để thể hiện quyền lực của Đức Giêsu và quyền năng thấy trước tương lai của Ngài. Sau đó, tác giả thêm vào cảnh các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Đức Giêsu về việc Ngài bị đóng đinh. Như Wrede đã chỉ ra, lời tiên báo của Đức Giêsu về việc Ngài bị đóng đinh không có tác dụng gì, và do đó không thể có thật trong lịch sử. Nếu đúng như vậy, thì sự chậm hiểu của các môn đệ trước lời tiên báo của Đức Giêsu cũng là không có thật trong lịch sử. Vì lý do này, thật hợp lý để kết luận rằng tác giả Tin mừng đã thêm vào những cảnh Đức Giêsu tiên báo việc Ngài bị đóng đinh và các môn đệ không hiểu được lời tiên báo đó. Các môn đệ được mô tả là chậm hiểu vì họ không thể ngăn cản được việc Thầy mình bị bắt và bị đóng đinh. Đây hẳn là một trong những lý do mạnh mẽ khiến người viết nghĩ rằng các môn đệ phải được mô tả là chậm hiểu biết. Để hỗ trợ cho việc mô tả các môn đệ là những người chậm hiểu, nhận thức kém và không thể ngăn cản việc Thầy mình bị đóng đinh, những cảnh khác về sự chậm hiểu của các môn đệ cũng phải được thêm vào trong suốt Tin mừng này.

Kết luận

Bởi vì ý kiến cho rằng các môn đệ không thể hiểu được lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết của Ngài, như Wrede chỉ ra, “là tuyệt đối không có thật” (Vos, 75), nên ý kiến này cần được giải thích. Tôi tin rằng việc mô tả sự kiện Đức Giêsu tiên báo Ngài sẽ bị đóng đinh và các môn đệ chậm hiểu trước lời tiên báo này, có thể là một điểm gây ra kẽ hở trong trình thuật Tin mừng, đồng thời tạo nên một manh mối có thể cho phép chúng ta suy ra ý định của tác giả Tin mừng. Vì vậy, tôi đã suy luận như sau: tác giả Tin mừng đã dựng ra cảnh Đức Giêsu tiên báo về cái chết của mình và các môn đệ phản ứng cách ngây ngô về những gì Ngài đang nói. Để mô tả cảnh này một cách thuyết phục, tác giả đã thêm vào những đoạn mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ trong Mc 4,40; 6,51–52; 8,4.14–21; 8,33; 9,2–10; 14,68–72. Hơn nữa, tôi tin rằng các môn đệ vì không thể ngăn cản được việc Đức Giêsu bị bắt, nên đã được tác giả Tin mừng  Máccô cố ý mô tả là “bỏ chạy” khi Ngài bị bắt. Tôi cho rằng thực tế có thể hoàn toàn khác; Đức Giêsu có thể đã không tiên báo về việc mình bị đóng đinh. Lời tiên báo đó có thể đã được tạo ra và thêm vào để thể hiện quyền năng thấy trước tương lai của Đức Giêsu. Không giống như trình thuật trong Tin mừng, các môn đệ đã không lầm tưởng Đức Giêsu là một Đấng Mêsia chính trị, cũng không phải họ đã không biết gì, nhưng họ đã tin tưởng vững chắc vào Đức Giêsu. Việc bắt giữ Đức Giêsu diễn ra bất ngờ và các môn đệ chỉ đơn giản là không thể ngăn cản được việc Thầy mình bị bắt, cũng như không thể kháng cự lại quân lính vì họ chỉ là những người bình thường, không được trang bị vũ khí. Điều này đã được tác giả Tin mừng Máccô mô tả là “Các môn đệ đã không thể ngăn cản được việc Đức Giêsu bị đóng đinh vì sự chậm hiểu của họ”. Tác giả củng cố hình ảnh đó bằng những ví dụ khác mô tả sự chậm hiểu của các môn đệ trong những phần khác của Tin mừng. Tôi đã đặt nghi vấn đối với sự mô tả đó về các môn đệ vì những lý do đã được nêu ra trong bài viết này. Dựa trên nghiên cứu chuyên sâu của tôi về Tin mừng này, tôi suy luận rằng, ngay cả vào thời điểm Đức Giêsu bị đóng đinh, các môn đệ vẫn hiểu những giáo huấn của Ngài và vẫn giữ vững đức tin mãnh liệt vào Ngài.

-------------------

 

Tài liệu tham khảo:

Bermejo-Rubio, F. 2013. “(Why) was Jesus the Galilean Crucified Alone? Solving a False Conundrum.” Journal for the Study of the New Testament 36: 127–54.

Best E. 1986. Disciples and Discipleship. Edinburgh, UK: T&T Clark.

Best E. 1983. Mark: The Gospel as Story: Studies of the New Testament and Its World. Edinburgh, UK: T&T Clark.

Best E. 1983. Following Jesus. Sheffield, UK: JSOT Press.

1976–77. The Role of the Disciples in Mark. New Testament Studies 23: 377–401.

Bond, H. K. 2012. The Historical Jesus: A Guide for the Perplexed. London, UK: Bloomsbury/T & T Clark.

Boring, M. E. 2006. Mark: A Commentary. Louisville, KY: Westminster John Knox Press.

Brown, R. E. 1994. The Death of the Messiah: From Geth- semane to the Grave: A Commentary on the Passion Narratives in the Four Gospels. New York, NY: Doubleday.

Burkill, T. A. 1963. Mysterious Revelation: An Examination of the Philosophy of St. Mark’s Gospel. Ithaca, NY: Cornell University Press.

Camery-Hoggatt, J. 1992. Irony in Mark’s Gospel. Cambridge MA: Cambridge University Press.

Crossan, J. D. 1973”Mark and the Relatives of Jesus.” Novum Testamentum 15: 81–113.

Cullmann, O. 1957. Die christologie des Neuen Testaments. Tübingen, Germany: J. C. B. Mohr.

Dibelius, M. 1971. From Tradition to Gospel, translated by B. L. Woolf. Cambridge UK: James Clarke & Co. Ltd.

Donahue, J. R. 1983. The Theology and Setting of Discipleship in the Gospel of Mark. Milwaukee, WI: Marquette University Press.

Dunn, J. D. G. 2003. Jesus Remembered. Grand Rapids, MI: WB Eerdmans Publishing Co.

Dunn, J. D. G. 1970. “The Messianic Secret in Mark.” Tyndale Bulletin 21: 92–117.

France, R. T. 2002. The Gospel of Mark: A Commentary on the Greek Text. Grand Rapids MI: WB Eerdmans Publishing Co.

Garland, D. E. 2015. A Theology of Mark’s Gospel. Grand Rapids MI : Zondervan.

Harrington, W. J. 2002. Mark: Realistic Theologian: The Jesus of Mark. Dublin, Ireland: Columba Press.

Hawkin, D. J. 1972. “The Incomprehension of the Disciples in the Marcan Redaction.” Journal of Biblical Literature 91: 491–500. Hengel M. 1985. Studies in the Gospel of Mark. London, UK: SCM.

Juel, D. H. 1990. Mark. Minneapolis MN: Augsburg Fortress.

Kee, H. C. 1977. Community of the New Age: Studies in Mark’s Gospel. Philadelphia PA: Westminster Press.

Kelber, W. H. 1974. The Kingdom in Mark: A New Place and A New Time. Philadelphia PA: Fortress Press.

Kingsbury, J. D. 1983. The Christology of Mark’s Gospel. Philadelphia PA: Fortress Press.

Marcus, J. 2009. Mark 8–16: A New Translation with Introduction and Commentary. New York, NY:

Doubleday. 2000. Mark 1–8: A New Translation with Introduction and Commentary. New York, NY: Doubleday.

Doubleday. 1986. The Mystery of the Kingdom of God. Atlanta GA: Scholars Press.

Marshall, C. D. 1989. Faith as a Theme in Mark’s Narrative. Cambridge UK: Cambridge University Press.

Meggitt, J. J. 2007. “The Madness of King Jesus. Why Was Jesus Put to Death, but His Followers Were not? Journal for the Study of the New Testament 29: 379–413.

Meier, J. P. 1991. A Marginal Jew: Rethinking the Historical Jesus. New York, NY: Doubleday.

Moloney, F. J. 1981. “The Vocation of the Disciples in the Gospel of Mark. Salesianum 43: 487–516.

Raisanen, H, 1990, The ‘Messianic Secret’ in Mark’s Gospel. Ed- inburgh, UK: T&T Clark.

Schweitzer, A. 1914. The Mystery of the Kingdom of God: The Se- cret of Jesus Messiahship and Passion, translated by W. Lowrie. Eugene OR: Wipf & Stock Publishers.

Tannehill, R. C. 1977. “The Disciples in Mark: The Function of a Narrative Role.” Journal of Religion 57: 386–405.

Taylor, V. 1981. The Gospel According to St. Mark: The Greek Text with Introduction. Notes, and Indexes. Grand Rapids MI: Baker Book House.

Taylor, V. 1948. “Unsolved New Testament Problems. The Messianic Se- cret in Mark.” The Expository Times 59: 146–151.

Tolbert, M. A. 1989. Sowing the Gospel: Mark’s World in Literary-Historical Perspective. Minneapolis, MN: Fortress Press. Tuckett, C. M. 1983. The Messianic Secret. Philadelphia PA: Fortress Press.

Tyson, J. B. 1961. “The Blindness of the Disciples in Mark.” Journal of Biblical Literature 80: 261–68.

Vos, G. 1954. The Self-Disclosure of Jesus; The Modern Debate about the Messianic Consciousness. Grand Rapids MI: W. B. Eerdmans Publishing Co.

Watson F. 1985. “The Social Function of Mark’s Secrecy Theme.” Journal for the Study of the New Testament 24: 49–69.

Weeden, T. J. 1971. Mark: Traditions in Conflict. Philadelphia PA: Fortress Press.

Wrede, W. 1971. The Messianic Secret. London, UK: James Clarke & Co. Ltd.

Wright, N. T. 1996. Jesus and the Victory of God. London, UK: SPCK.