×

Giỏ hàng

Một kho tàng trường tồn: Thông điệp Rerum Novarum
Lượt xem:1520   Ngày đăng: 2022-06-03 09:52:32

MỘT KHO TÀNG TRƯỜNG TỒN: THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM

VÀ VIỆC BẢO VỆ GIAI CẤP CÔNG NHÂN

David Werning

Trong Thông điệp xã hội Rerum Novarum (Tân sự), Đức Giáo hoàng Lêô XIII ủng hộ các điều kiện lao động công bằng, các quyền thương lượng tập thể, thành lập các công đoàn, và hưởng mức lương đủ sống.

Hãy tưởng tượng bạn làm việc trong một nhà máy, mà mỗi cuối tuần người chủ sẽ đặt hoa nơi thiết bị máy móc có năng suất cao nhất chứ không phải tặng hoa cho công nhân. Điều này đã xảy ra ở Pháp trong cuộc Cách mạng công nghiệp, và đó là câu chuyện mạnh mẽ nói lên lý do tại sao Đức Lêô XIII cho rằng cần phải bảo vệ giai cấp công nhân trong Thông điệp Tân sự, ban hành 15/5/1891.

Bối cảnh

Trong phần lớn thế kỷ XIX, thế giới tiếp tục trải qua những thay đổi lớn trong xã hội, theo sau các cuộc cách mạng khác nhau đã lật đổ các chế độ lâu đời và thậm chí đã tước đi quyền giáo hoàng trên các lãnh thổ ngoài Vatican. Đức Lêô XIII đưa ra bối cảnh trong đoạn mở đầu Thông điệp:

“Thực thế, kỹ nghệ đã tiến bộ; phương pháp sản xuất đã hoàn toàn đổi mới; những mối liên hệ giữa chủ nhân và công nhân cũng đã đổi khác hẳn. Sản phẩm thì thu dồn vào tay một thiểu số, còn phần đa số thì lâm vào cảnh cơ cực . . . Xã hội tránh sao được những cuộc xung đột kinh khủng sắp bùng nổ”.

Đức Lêô XIII nhận ra mối đe dọa chống lại giai cấp công nhân. Cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi cách người ta làm việc và chu cấp cho gia đình. “phương pháp sản xuất đã hoàn toàn đổi mới” đã tạo ra máy móc sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn công nhân, và máy móc này cũng làm giàu cho chủ nhân. Giai cấp công nhân, đã từng miệt mài với nghề thủ công và buôn bán để kiếm sống, nay phải tự đánh đổi sức lao động để lấy tiền công. Trong khi thợ thủ công có phường hội để bảo vệ quyền lợi cho mình, thì người lao động lại không có được một sự bênh vực nào. Đức Giáo hoàng đau xót nói rằng “công nhân cô lập lại lần lần không còn được ai bảo vệ nữa. Ngày qua tháng lại, họ nhận thức mình tùy thuộc các chủ nhân bất công. Họ không sao chịu được. Các chủ nhân lại cạnh tranh tham của tham lợi quá đỗi, tuy họ phải chịu, nhưng oan ức và đầy căm hờn. . . . Ðó là một ách đè nặng trên vai người vô sản giống như ách nô lệ ngày xưa” (số 3).

Thấy rõ tình hình này, Đức Lêô XIII bằng những suy tư riêng đã đem Thánh kinh và Thánh truyền chiếu sáng cảnh ngộ của giai cấp công nhân và đưa ra cách khắc phục trong Thông điệp Tân sự. Ngoài ra, Đức Giáo hoàng còn nói rõ phải tìm thấy cách khắc phục ở đâu và nên áp dụng như thế nào, với sự cân nhắc thích đáng về “quyền hành và bổn phận, vốn làm quy tắc cho sự giao thiệp giữa chủ nghiệp và người vô sản: giữa chủ nhân và công nhân” (số 2). Về bản chất, Thông điệp kêu gọi mọi người tôn trọng phẩm giá mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người, giàu cũng như nghèo, bằng cách loại bỏ lòng tham và khuyến khích quyền tư hữu cho mọi người. Tuy nhiên, nỗ lực kiếm sống của những người nghèo đáng được quan tâm đặc biệt vì họ dễ bị áp bức hơn.

Nội dung

Đức Giáo hoàng tuyên bố rằng giải pháp “xây hạnh phúc cho thế tục . . . [phải] hết sức tôn trọng quyền tư hữu của từng người” (số 15), một nguyên tắc bắt nguồn từ Kinh thánh, lên án sự thèm muốn tài sản của người khác (x. số 11). Hơn nữa, luật tự nhiên của Thiên Chúa buộc con người phải bảo toàn cuộc sống của mình và gia đình mà không được làm ngơ công ích (x. các số 9, 12). Quyền tư hữu cho phép con người tuân giữ những nghĩa vụ này. Thật vậy, khả năng lý trí giúp con người canh tác phần đất của mình (hoặc quản lý tiền lương) cho những nhu cầu trước mắt hoặc tương lai. Do đó, con người có quyền cơ bản, không thể bị tước đoạt– trước bất kỳ cứu xét nào của nhà nước – để thu được các nguồn lực tương xứng cho cuộc sống nhờ việc thủ đắc quyền tư hữu (x. số 7).

Sau đó, Đức Giáo hoàng lưu ý rằng quyền tư hữu phải đạt được thông qua sự hợp tác giữa các thành viên trong xã hội. Giáo hội, các lãnh đạo quốc gia, các chủ lao động, những người giàu có và thậm chí chính những người lao động phải tham gia vào nỗ lực nhằm xúc tiến hơn nữa những lợi ích của giai cấp công nhân.

Mục tiêu này không phải là để đạt đến một xã hội không tưởng hay nơi mà mọi thứ được giữ làm của chung, như lập luận của một số người hay gièm pha Đức Giáo hoàng vào thời điểm đó. Ngược lại, có những khác biệt thực sự giữa con người (chưa kể đến thực tại tội lỗi và sự dữ). Một số người kiếm được nhiều tiền hơn những người khác. Mỗi người có những tài năng khác nhau. Tuy nhiên, những khác biệt này không nhất thiết dẫn đến sự thù nghịch giữa các giai cấp. Điều đó cũng không có nghĩa là người này được sống xa hoa trong khi người kia phải sống nghèo túng. Như Đức Lêô XIII đã chỉ ra, “không thể nào có tư bản nếu không có cần lao, cũng không thể nào có cần lao nếu không có tư bản” (số 19). Họ có thể và nên làm việc cùng nhau vì công ích như được công bình xác lập. Người ta thậm chí có thể nói rằng Thiên Chúa cho phép những khác biệt một cách chính xác để con người học cách sống trong cộng đồng.

Công ích có được khi mỗi người hoặc nhóm thực hiện không chỉ quyền lợi nhưng còn bổn phận của họ – nói cách khác, khi họ sống một đời sống đức hạnh. Giáo hội góp phần vào nỗ lực này bằng cách đào tạo con người thực hành đức hạnh (x. số 28), vốn dĩ “vừa sức mọi người bất phân kẻ sang người hèn, người giầu kẻ khó” (số 24). Từ viễn tượng bất biến này, vị thế xã hội của một người không cho họ bất cứ lợi thế nào. Thiên Chúa yêu thương mỗi người cách bình đẳng. Nhưng người ta sống và sử dụng ơn ban thế nào thì sẽ chịu trách nhiệm trước sự phán xét của Thiên Chúa thế ấy. Thông điệp đưa ra một danh sách các bổn phận cho cả người lao động và người chủ nhằm tôn trọng phẩm giá người khác và bảo vệ các nghĩa vụ công bình (x. số 20). Cuối cùng, mỗi người được mời gọi đến với “tình huynh đệ” (số 25), để bước theo con đường của Đức Giêsu.

Thông điệp Tân sự đưa ra một số ứng dụng thực tế nhằm tôn trọng quyền tư hữu và hỗ trợ công ích. Giai cấp công nhân cung cấp hàng hóa giúp nhà nước gia tăng sự thịnh vượng (x. số 34). Người chủ tốt không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn cả lợi ích của nhân công và xã hội. Giáo hội thành lập các tổ chức (như các tổ chức từ thiện Công giáo) để chăm sóc và bênh vực cho những người kém may mắn. Và nhà nước có bổn phận chính yếu là “gây nên sự thịnh vượng toàn quốc và riêng cho từng công dân”, xem lợi ích của mọi người là bình đẳng như nhau – dù ở địa vị cao hay thấp (số 32).

Theo Thông điệp, một cách thức mẫu mực mà nhà nước ủng hộ giai cấp công nhân là khuyến khích và bảo vệ các tổ chức và công đoàn nào lôi kéo chủ nhân và công nhân lại với nhau. Các công đoàn như vậy có lợi thế là cho phép hai giai cấp thỏa thuận với nhau để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên và thúc đẩy việc thực thi các bổn phận. Nhà nước nên can thiệp khi cần giải pháp cho một điều xấu hoặc để loại bỏ mối hại nào đó, đồng thời đảm bảo rằng sự can thiệp không vượt ra ngoài giải pháp khắc phục (x. số 36).

Đức Lêô XIII kết luận rằng khi các thành viên trong xã hội cùng làm việc vì công ích, dựa trên sự ngay chính và công bình, để ngay cả người lao động cũng có thể dễ dàng nuôi sống bản thân và gia đình nhờ thủ đắc tư hữu (đất đai, tiền lương), thì sẽ kéo theo một vài kết quả vượt bậc khác: khoảng cách giữa nhóm quá giàu và người quá nghèo sẽ được nối lại, mọi người sẽ đạt được nhiều kết quả hơn trong công việc, và công dân sẽ ở lại đất nước thay vì cố gắng tìm kiếm một cuộc sống đàng hoàng ở nơi khác (x. số 47).

Lời mời gọi

Sau khi đưa ra cách khắc phục, phải tìm thấy ở đâu và áp dụng như thế nào, Đức Giáo hoàng kêu gọi mọi người hành động: “Mong người nào có phận nấy, sẽ kíp bắt tay vào việc kẻo vì chậm thuốc mà cơn bệnh đã quá trầm trọng rồi, khó mà thuyên giảm được” (số 62).

Vài người có thể lập luận rằng chúng ta không còn giải pháp trong việc phân phối tài sản (thu nhập, của cải) và quyền lực trong thế giới. Luôn có những nỗ lực không ngừng nhằm xóa đói giảm nghèo và loại bỏ tham lam và độc tài ra khỏi thế giới. Tuy nhiên, vài người có thể không đồng ý rằng chúng ta vẫn còn những bất công thực sự cần sửa chữa và những thách thức phải đối mặt. Ví dụ, chúng ta sống trong xã hội tán thành việc mỗi người trong số 15 Nhà quản lý Quỹ phòng hộ [Tài chính] hàng đầu kiếm hơn 840 triệu USD mỗi năm trong khi giáo viên tiểu học phải cần đến hai khoản thu nhập để có thể trang trải cho gia đình. Hầu hết công dân Mỹ đơn giản cho rằng hệ thống kinh tế thiên vị các chính trị gia, tập đoàn lớn và những người giàu. Trong khi đó, có lẽ để phản ứng trước những bất công như vậy, chúng ta có một thế hệ mới xuất hiện, họ tán thành những ý tưởng của chủ nghĩa Mác như bác bỏ quyền tư hữu và luân lý Kitô giáo. Rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trong các lĩnh vực công bình và bác ái.

Thông điệp Tân sự vẫn đang nói với chúng ta mặc dù đã được ban hành cách đây 131 năm và đưa ra một cách thế để đáp lại những bất công của thời đại hôm nay. Đức Lêô XIII, khi viết Thông điệp, đã sử dụng một phương pháp thần học mà ngài học được khi nghiên cứu thánh Tôma Aquinô. Phương pháp này bao gồm ba bước: xem thực tại thời đại, xét chúng qua lăng kính Mạc khải (Thánh kinh và Thánh truyền), và làm theo kết luận đạt được nhờ cầu nguyện phân định.

Đức Hồng y người Bỉ Joseph Cardijn (1882–1967), học trò và là người ngưỡng mộ Đức Lêô XIII, đã phát triển phương pháp của Đức Thánh cha để các nhóm lao động, đặc biệt lao động trẻ, dấn thân vào xã hội trong các vấn đề quan trọng của thời đại. Ngay cả Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 100 năm sau Thông điệp Tân sự, đã đề nghị phương pháp Xem-Xét-Làm “như một hệ hình lâu dài cho Giáo hội”, một công cụ được sử dụng để cân nhắc “những tình huống cụ thể của con người, cả cá nhân và cộng đồng, cả quốc gia và quốc tế” (Thông điệp Centesimus Annus, số 5). Theo cách này, Giáo hội thực hiện bổn phận của mình với tư cách là “công dân” để đem lại công ích và quy hướng thế giới vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đó là bổn phận mà mỗi chúng ta đều chia sẻ.

David Werning viết từ Virginia.

Đọc thêm

Hai Thông điệp dựa trên giáo huấn của Thông điệp Tân sự  là Quadragesimo Anno (Tứ thập niên), do Đức Giáo hoàng Piô XI ban hành 15/5/1931, và Centesimus Anno (Bách chu niên) do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành 15/5/1991. Tứ thập niên, giống như Tân sự, xem xét không những các vấn đề tiền lương công bằng và quyền tư hữu nhưng còn điều kiện xã hội trên phạm vi rộng lớn khi bị các hệ thống ủng hộ chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa cộng sản thách thức. Đức Piô XI giới thiệu ý tưởng nguyên tắc phụ trợ [subsidiarity], một ý niệm cho rằng cá nhân hoặc nhóm nào gần với vấn đề nhất thì nên giải quyết nó. Nhà nước nên thúc đẩy những nỗ lực của các nhóm địa phương, cũng như tham gia vào khi cần thiết. Bách chu niên mở đầu với việc Đức Gioan Phaolô II đọc Thông điệp Tân sự, ca ngợi nó vì đã ủng hộ quyền của người lao động. Ngài tiếp tục viết về việc cách thức thị trường phải luôn ưu tiên phẩm giá con người.

Cũng có thể đọc các Thông điệp Laudato Si’Fratelli Tutti của Đức Thánh cha Phanxicô dưới ánh sáng của Tân sự. Cả hai Thông điệp của Đức Phanxicô đều xây dựng chủ đề về phẩm giá con người và đặc biệt là của người lao động, những người không nên bị bóc lột hoặc đối xử như một món hàng.

Ban học tập Sao Biển chuyển ngữ từ Osvnews.com (07/3/2022)

Xem thêm: Một kho tàng trường tồn: Tổng quan