LIỆU THUYẾT TIẾN HÓA TỔNG HỢP MỞ RỘNG CÓ LÀM SÁNG TỎ NHÂN LUẬN THẦN HỌC? [1]
Chủng sinh Grêgôriô Trần Nhựt và Gioan Quốc Trầm
chuyển ngữ từ University of Notre Dame
Hiệu đính: Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh
Nhà vật lý hạt Stephen Barr thường chỉ ra rằng vật lý học đương thời quá tinh vi và đầy thách thức về mặt toán học đến nỗi cho tới nay, một thế kỷ sau Einstein, vật lý học Newton vẫn là nền tảng của lớp vật lý cấp đại học. Nhận xét của ông thường xuất hiện trong tâm trí khi tôi soạn cuốn sách giáo khoa Faith, Science, and Reason: Theology on the Cutting Edge (Đức tin, Khoa học và Lý trí: Thần học trên đỉnh cao), ấn bản lần thứ hai, không phải khi viết Chương 7 bàn về vật lý và đức tin, nhưng nơi Chương 8 và 9 dành cho sinh học tiến hóa và nguồn gốc loài người. Khi bắt đầu Chương 8, tôi đưa ra một giải thích rất ngắn gọn về Thuyết tiến hóa tiêu chuẩn (Standard Evolutionary Theory – SET) do mối liên hệ giữa SET với giáo lý và thần học Công giáo. Khi đó, tâm trí tôi cứ lang thang đến một mô hình tiến hóa mới, đơn giản là quá mới đối với sách giáo khoa cấp đại học hoặc trung học. Tuy nhiên, mô hình này mang đến những cơ hội hấp dẫn để suy tư về thần học, đặc biệt là về những câu hỏi thường bị hiểu sai nhưng hết sức lôi cuốn liên quan đến nguồn gốc của loài người chúng ta, loài động vật “đi tìm biểu tượng” theo lối nói của Walker Percy[2].
Khoa học tiến hóa có thể cống hiến gì cho nhân luận thần học? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải chú ý đến tình trạng hiện tại của thuyết tiến hóa. Điều quan trọng là phải xét đến thực tế là cuộc điều tra khoa học đương đại có một bước ngoặt mới, Tổng hợp tiến hóa mở rộng (Extended Evolutionary Synthesis – EES), trong câu chuyện về nguồn gốc của loài người chúng ta. Có một sự nhất trí ngày càng tăng, đó là: tất cả những gì SET cho chúng ta biết là không đủ. Các nhà khoa học đã bắt đầu tính đến những cơ chế mới giúp mở rộng khoa sinh học tiến hóa vượt ra khỏi những giả định của SET, cho rằng mọi di kế (inheritance) đều xảy ra thông qua DNA và rằng chọn lọc tự nhiên là nguyên nhân duy nhất của sự thích nghi[3]. Dựa trên hàng trăm thí nghiệm, những người ủng hộ EES như Eva Jablonka, Kevin Laland và Gerd Müller chỉ ra một số cơ chế – chưa được công nhận trước đây – thách thức các giả định lý thuyết của SET.
Để có được một cái nhìn thoáng qua về tính cách mạng của những khám phá mới này, ta chỉ cần xem xét quy tắc nền tảng của SET: mọi di kế sinh học đều là di truyền và ngẫu nhiên. Người ta thường diễn tả – cách triết học hơn (dù đã mất công dụng) trong giả thuyết di truyền tất định – cái ý tưởng cho rằng một sinh vật chỉ đơn giản là một biểu hiện của thông tin di truyền, đứng một mình, với các cơ thể động vật không hơn gì “những con rôbốt khổng lồ chậm chạp” được vận hành bởi các kỹ sư di truyền (theo cách nói của Richard Dawkins[4]), là những tác nhân thực sự của tiến hóa. Ngược lại, giờ đây người ta biết rằng biểu hiện của gen chịu ảnh hưởng bởi các hóa chất gắn vào chúng, thậm chí cả các hóa chất được tạo ra bởi hành vi và kinh nghiệm của cha mẹ. Trong một nghiên cứu vào năm 2014, các nhà khoa học tại Emory đã khám phá ra rằng những con chuột được huấn luyện để sợ mùi hạnh nhân đã chuyển lại, về mặt di truyền[5], khuynh hướng sợ hãi ấy cho con cái trực hệ của chúng và thậm chí cho thế hệ tiếp sau[6]. Di kế sinh học không chỉ bao gồm gen mà còn bao gồm cả những thay đổi ngoài gen (extra-genetic changes), một số trong đó phát sinh từ hành vi và kinh nghiệm mà các nhà lý thuyết EES gọi là tính linh hoạt phát triển (developmental plasticity).
Và đây chỉ là một trong số các cơ chế được công nhận trong EES. Một cơ chế khác là xu hướng phát triển (developmental bias), tức khuynh hướng chi phối sự tiến hóa ở cấp độ trước khi chọn lọc, và do đó thách thức sự chọn lọc tự nhiên, nếu ta hiểu nó là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự thay đổi tiến hóa, như chúng ta thấy nơi hiện tượng được gọi là sự hội tụ tiến hóa (evolutionary convergence)[7]. Cơ chế thứ ba đến từ khoa học về gen (genomics), là ngành học cho thấy trình tự bộ gen có thể được thủ đắc từ các sinh vật khác, như thể trường hợp tiến hóa của nhau thai động vật có vú nhờ một virút retro được chèn vào bộ gen của một trong các tổ tiên tiến hóa của động vật có vú của chúng ta hơn 130 triệu năm trước[8]. Cuối cùng, EES công nhận tác động tiến hóa từ sự cấu trúc môi trường của sinh vật (niche construction[9]) hay đồng tiến hóa–gen và văn hóa (gene-culture coevolution), là nơi mà quần thể các sinh vật tham dự tích cực vào việc hình thành môi trường của chúng, tạo ra các điều kiện chọn lọc của các quần thể sau này, như trong khả năng đồng tiến hóa của của bàn tay người hiện đại và việc sử dụng công cụ bằng đá giữa các họ người[10]. Các nhà lý thuyết EES nói đến sự đồng tiến hóa–gen và văn hóa, như một cách suy nghĩ mới không chỉ về sự tiến hóa của loài người, mà còn về toàn bộ thế giới động vật. Sự học tập về khía cạnh xã hội về việc ăn uống, nuôi dưỡng, giao tiếp, kết đôi và chọn địa điểm sinh sản, thì phổ biến ở cả động vật có vú, chim, cá và côn trùng. Những khác biệt về hành vi từng được cho là thuộc về di truyền giờ đây được xem là do các truyền thống văn hóa, chẳng hạn sự đa dạng của các kỹ năng săn mồi giữa những con cá voi sát thủ (orcas) có thể khiến chúng phân chia thành nhiều loài. Theo thời gian, các truyền thống ngoại gen này định hình và cho biết cách các sinh vật thích nghi, và “kéo theo sự thay đổi gen sau đó”[11]. Bởi thế, các nhà lý thuyết EES tán thành nguyên tắc nhân quả tương hỗ (reciprocal causation), theo đó các cơ chế tiến hóa gần được công nhận vì sự đóng góp của chúng vào động lực của sự thay đổi tiến hóa, đồng thời được định hình bởi di truyền học[12]. Nếu các lý thuyết trên đúng, chúng ta không còn có thể đặt câu hỏi: “Đặc tính này là sản phẩm của tự nhiên hay của nuôi dưỡng?”. Sự phân biệt tự nhiên/nuôi dưỡng, sinh học/hành vi, di truyền/văn hóa đã bị vượt qua.
Chính lãnh vực cuối cùng này – tức ảnh hưởng của văn hóa đối với sự tiến hóa – mang lại tiềm năng cung cấp thông tin cho nhân luận thần học nhất. Thật vậy, người ta đã công nhận rằng EES mở ra những con đường mới cho chính nhân học khoa học và cho việc nghiên cứu nguồn gốc loài người, rằng các giả định lý thuyết của nó hứa hẹn hơn để hiểu ý nghĩa của việc là người và trở thành người[13]. Về mặt này, một công trình có tính chất đột phá đã được thực hiện bởi Agustin Fuentes, nhà nhân chủng sinh học và linh trưởng học của trường Đại học Notre Dame, nhờ đó ông đã được đánh giá cao trong lĩnh vực thần học tự nhiên qua bài diễn thuyết tại chương trình Gifford Lectures năm 2018 có tựa đề “Why We Believe: Evolution, Making Meaning, and the Development of Human Natures” (“Tại sao chúng ta tin: Tiến hóa, Tạo ra ý nghĩa, và Sự phát triển của bản tính con người”). Fuentes vận dụng EES để lập luận cách thuyết phục rằng tính liên tục văn hóa với các tổ tiên vượn người của chúng ta và tính độc đáo của loài người chúng ta không phải là những lựa chọn thay thế loại trừ lẫn nhau. Ông lập luận rằng chính trong một cộng đồng – có những truyền thống văn hóa lâu đời nhưng lại tiến triển – mà con người đã phát huy được những năng lực độc đáo của mình, những năng lực mà theo cách nói của ông là “hoàn toàn mới lạ[14]. J. Wentzel Van Huyssteen, được xem là thẩm quyền thần học hàng đầu về nguồn gốc loài người[15], đã ca ngợi Fuentes vì cho thấy rằng “giờ đây người ta có thể hình dung một trí tưởng tượng đặc thù như là phần cốt lõi của con người (human niche), là cái rốt cục đã tạo ra khả năng tư duy siêu hình”, và rằng “sự xuất hiện của ngôn ngữ và một lý thuyết phát triển đầy đủ về trí tuệ với các cấp độ cao về ý hướng tính, sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, sự nhận thức về luân lý, tư duy biểu tượng và sự hợp nhất xã hội . . . là những gì sẽ không thể có được nếu không có một hệ thống xã hội cực kỳ hợp tác và hòa hợp hỗ tương . . . như cấu trúc cốt lõi có tính thích nghi của chúng ta[16]”.
Đây không phải là một ý tưởng mới; nó đã được người sáng lập Laval Thomism, là Charles De Koninck, gián tiếp đoán trước vào năm 1936, dựa trên những quan sát đơn giản của ông về hành vi của động vật:
Không có gì sánh ngang với sự nghiêm túc và thực dụng của các động vật bậc thấp, vì chúng không làm gì vô ích. Ngược lại, những động vật bậc cao lại chơi đùa . . . Không có gì ngăn cản chúng ta tưởng tượng rằng chính trong trò chơi đòi hỏi một sự thích nghi nhanh chóng với các tình huống mới và sự chú ý nhạy bén, rằng các loài động vật bậc cao đã dần dần được đặt định và đưa trí tuệ vào thế giới. Vì cuộc sống đúng đắn của trí tuệ (vượt lên trên mọi trò chơi) là một trò chơi nằm trong phạm vi các nguyên tắc của hiện hữu và tư duy[17].
Quan sát của De Koninck về bản chất trò chơi của động vật có liên quan đến một số ý tưởng về văn hóa động vật; thực vậy, ông lưu ý rằng “tình yêu của những loài sinh vật không lý trí là đáng kể[18].
Nghiên cứu nhân học lấy cảm hứng từ EES có thể dẫn đến nhiều con đường. Nhưng trước những điều đó, cần phải nhận ra và suy ngẫm về sự cộng hưởng rõ ràng giữa tầm nhìn về nguồn gốc loài người và sự khác biệt xuất hiện từ bối cảnh xã hội: sự phù hợp nổi bật của bức tranh mới này về nguồn gốc loài người, xuất hiện từ văn hóa động vật và sự học tập về khía cạnh xã hội, và đạo lý Tạo dựng phát xuất từ Ba Ngôi (ex Trinitate).
Vì chưng, việc thế giới có khởi đầu nơi Thiên Chúa Tạo Hóa không chỉ có nghĩa là vũ trụ được tạo dựng mọi lúc từ hư vô, trong thời gian và cách tự do, nhưng nó còn có nguồn gốc từ Ba Ngôi. Không chỉ đơn thuần từ Chúa Cha—mà cả Cha, Con và Thánh Thần là cội nguồn duy nhất của mọi sự. Theo lời dạy của Công đồng Florence:
[Công đồng] tin tưởng, tuyên xưng và rao giảng một cách vững vàng rằng Thiên Chúa duy nhất, chân thật, là Cha, Con và Thánh Thần, là Đấng tạo dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình, khi Ngài muốn, đã tạo nên tất cả từ lòng tốt của Ngài. các sinh vật, cả loài thiêng liêng lẫn loài có thể chất, thực sự tốt lành vì chúng được tạo ra bởi sự thiện tối cao, nhưng chúng có thể thay đổi vì được tạo ra từ hư vô, và Công đồng khẳng định rằng không có cái xấu tự nhiên bởi vì mọi bản tính, xét về mặt tự nhiên, đều tốt lành. (DZ 1333)[19].
Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp thông tình yêu trọn hảo, điều đó có nghĩa vũ trụ là sản phẩm của tình yêu Thiên Chúa. Nếu sự xuất hiện của con người là hành động sáng tạo cao nhất, liền ngay trước lịch sử cứu độ và sự cứu chuộc trong Đức Kitô, thì chúng ta có thể mong đợi, dựa trên sự sáng tạo từ Ba Ngôi (ex Trinitate), rằng nguồn gốc con người có tính chất cộng đoàn sâu xa, và sự khao khát Thiên Chúa (capax Dei) đã tiềm ẩn trong mọi khao khát tôn giáo, xuất phát từ một thực tại hiệp thông, là thực tại – ở cấp độ nguyên nhân đệ nhị – tạo nên thực tại con người chúng ta. Khi suy tư về Trình thuật Tạo dựng thứ hai dưới ánh sáng của nhân học EES và đạo lý về Tạo dựng ex Trinitate, liệu có phù hợp không khi coi Ađam và Eva là biểu tượng của một cộng đồng, cộng đồng đầu tiên tạo ra bước đột phá đối với lý tính và tự do, hiện thân trong sự tương tác cộng đồng? Trong bối cảnh này, chúng ta có thể xem xét hình ảnh mà Meister Eckhart[20] lấy để mô tả cuộc Tạo dựng từ tiếng cười của Ba Ngôi, trong đó sự xuất hiện của con người chỉ đơn giản là sự mở rộng, ad extra (hay diễn ngoại), của niềm vui vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời của ông đáng được nhắc lại: “Bạn có muốn biết điều gì diễn ra trong tận sâu tâm can của Thiên Chúa Ba Ngôi không? Tôi sẽ nói cho bạn. Trong tận sâu tâm can của Ba Ngôi, Chúa Cha cười và sinh ra Chúa Con. Chúa Con cười lại Chúa Cha và sinh ra Thần Khí. Cả Ba Ngôi cười và sinh ra chúng ta”[21]. Tiếng cười là thực tại xã hội, nó đến từ sự chia sẻ cho nhau cuộc đời và quan điểm. Theo EES, những thực tại xã hội như thế cũng chính là sự cấu thành bản tính con người như đột biến gen vậy.
Giống như thánh John Henry Newman đã dự đoán tư duy tiến hóa của Darwin, và đã áp dụng khái niệm này vào học thuyết của mình 14 năm trước khi Darwin áp dụng nó vào đời sống sinh vật, thì Joseph Ratzinger cũng đã đoán trước về điểm nhấn của EES trên tính ưu việt của văn hóa trong quá trình tiến hóa của loài người bằng cách phát triển một khoa nhân luận thần học trong đó tương quan, chứ không đơn thuần yếu tính, mới là cấp độ thích hợp để tiếp cận ý nghĩa thần học của ngôi vị tính. Từ quan điểm này, ngôi vị tính của con người không phải là ngoại lệ đối với ngôi vị tính thần linh, nhưng được thực hiện trong mức độ nó phản chiếu “mối tương quan thuần túy hướng về ngôi vị khác” của các ngôi vị thần linh. Theo quan điểm của Ratzinger, “trong Kitô giáo, không chỉ có một nguyên lý [nhân học] đối thoại . . . một tương quan ‘Tôi–Bạn’ thuần túy, bởi vì nơi Thiên Chúa không chỉ đơn thuần có ‘Tôi’ hoặc ‘Bạn’; ‘Tôi’ và ‘Bạn’ chỉ tồn tại nơi Thiên Chúa khi được sáp nhập vào cái ‘chúng ta’ lớn hơn”[22]. Hãy xem xét lời khẳng định của ngài về nền tảng nhân học của khái niệm truyền thống dưới ánh sáng của EES và điểm nhấn của nó trên quan hệ nhân quả hỗ tương:
Tinh thần con người tạo ra lịch sử; lịch sử quy định sự tồn tại của con người . . . trí tuệ về cơ bản là ký ức, một bối cảnh nuôi dưỡng sự thống nhất vượt ra ngoài những giới hạn của khoảnh khắc hiện tại . . . đó là ký ức mà trí tuệ tự chứng minh mình là trí tuệ. Ký ức tạo ra truyền thống; truyền thống hiện thực hóa chính nó trong lịch sử; với tư cách là bối cảnh đã tồn tại của loài người, lịch sử làm cho nhân loại trở nên khả hữu, vì nếu không có mối tương quan tất yếu xuyên thời gian giữa con người với con người, thì loài người không thể thức tỉnh với chính mình, không thể thể hiện chính mình[23].
Cũng có thể là chính trong cộng đồng, hay đúng hơn là sự đổ vỡ, biến dạng hoặc hạn chế do con người gây ra nơi cộng đồng, mà có sự đứt đoạn trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho nhân loại, điều mà ngày nay chúng ta gọi là Tội tổ tông? Không có gì đáng ngạc nhiên, khi Joseph Ratzinger mở rộng nhân học “chúng ta” ở đây, một lần nữa vượt lên trên yếu tính để đi đến tương quan. Việc chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa” nghĩa là chúng ta là những hữu thể mà đời sống chúng ta sẽ chẳng có nghĩa gì nếu không có cộng đồng, [những hữu thể] hiện hữu trong những tương quan đích thực với nhau. Tội lỗi là sự xáo trộn các mối tương quan; bất cứ khi nào phạm tội, tôi biến mình thành trung tâm vũ trụ, chối từ Thiên Chúa và tha nhân. Tội tổ tông phá hủy các tương quan ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại. Thế giới của cộng đồng loài người mà tất cả chúng ta bước vào “được đánh dấu bằng sự phá hủy tương quan”. Theo cách giải thích của Ratzinger,
Vào chính thời điểm mà một người bước vào cuộc sống nhân loại, vốn là một điều tốt, thì người đó phải đối mặt với một thế giới bị tội lỗi tàn phá. Mỗi người trong chúng ta đều bước vào một tình huống trong đó tương quan tính đã bị thương tổn. Kết quả là ngay từ đầu, mỗi người đã bị tổn hại trong các tương quan và không thể đi vào các tương quan như đáng có. Tội lỗi đeo đuổi con người, và con người đầu hàng nó[24].
Khi nghe lần đầu, ta có cảm tưởng như Ratzinger đang gợi ý về lạc thuyết Pêlagiô, vốn coi tính phổ quát của tội hoàn toàn là do bắt chước (imitation) chứ không phải do lan truyền (generation). Tuy nhiên, dưới ánh sáng của những gì EES cho chúng ta biết về nguồn gốc loài người, thì có lẽ những gì ngài đang ám chỉ ở đây là sự kế thừa ngay từ giữa các cá nhân và giữa các mối tương quan hơn là những giả định quy-vào-gen mà chúng ta có thể nghĩ tưởng. Nếu điều tạo nên tôi không chỉ đơn giản là thông tin di truyền của cha mẹ, mà còn là kinh nghiệm của họ, là nền văn hóa nơi tôi sinh ra, v.v. thì Pêlagiô đã sai trước tiên không phải về sự bắt chước mà trên hết là về con người, một đơn sinh vật (monad) tự chọn lấy cho mình những ảnh hưởng về mặt luân lý, giống như một đứa trẻ chọn món tráng miệng tại Quán ăn tự phục vụ Piccadilly. Khi được suy tư cẩn thận về mặt thần học, EES đưa nguyên tắc của Augustinô ra, làm bằng chứng thực nghiệm: “ý chí con người là một chiếc tàu bị thủng quá nhiều để có thể đóng vai trò con thuyền cứu độ”[25].
Nhiều thập kỷ sau nhận xét này, và với tư cách là Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Ratzinger sẽ hoàn thiện cái nhìn sâu sắc này bằng một ngoại lệ tuyệt đẹp chứng minh nguyên tắc trên: sự vô tội của Đức Trinh Nữ Maria, được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi từ lúc được thụ thai. Tất cả chúng ta đều mang trong mình “giọt thuốc độc” khi nghĩ rằng chúng ta đứng một mình, nâng mình lên ngang hàng với Chúa, thì sẽ viên mãn, tìm được hạnh phúc thực sự. “Chúng ta gọi giọt chất độc này là 'tội tổ tông'”, theo cách nói của ngài. Khi phạm tội, mỗi con người “lấy quyền lực làm mục tiêu, qua nó người ấy mong muốn tự nắm lấy cuộc sống của mình. Và khi làm như vậy, người ấy tin tưởng vào sự lừa dối hơn là sự thật và do đó, làm cho cuộc đời mình chìm đắm vào hư vô, vào sự chết”. Nhưng tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là quà tặng; cố gắng đứng vững bằng sức riêng – trong tình trạng tội lỗi – là nô lệ hóa chính mình, bởi vì sự tự do mà chúng ta có, phải được sống “với nhau và cho nhau” để nhờ đó mà nó được thực hiện. Mặt khác, Mẹ Maria cho chúng ta thấy ý nghĩa thực sự của tự do, đó là đón nhận sự sống của mình qua sự gần gũi không giới hạn với tha nhân.
Người hướng về Thiên Chúa không trở nên nhỏ bé hơn mà là vĩ đại hơn, vì nhờ Thiên Chúa và với Thiên Chúa, người ấy trở nên vĩ đại, trở nên thần thánh, trở thành chính mình thực sự. Người đặt mình trong tay Thiên Chúa không xa cách người khác, thu mình vào phần rỗi của bản thân; trái lại, chỉ khi ấy trái tim họ mới thực sự thức tỉnh và họ trở thành một con người nhạy cảm, từ đó trở nên nhân từ và cởi mở. Người càng gần Chúa thì càng gần tha nhân. Chúng ta thấy điều này nơi Đức Maria. Việc Mẹ hoàn toàn ở với Thiên Chúa là lý do khiến Mẹ rất gần gũi với con người[26].
Để kết luận, thật hữu ích khi nhớ lại rằng chính thánh Gioan Phaolô II đã từng nêu câu hỏi được đặt ra ở đây: “Liệu quan điểm tiến hóa có mang lại bất kỳ ánh sáng nào cho nhân luận thần học, về ý nghĩa con người là hình ảnh Thiên Chúa (imago Dei) . . . ?” Sự xuất hiện của EES, một mô hình lý thuyết mới về sự tiến hóa và nguồn gốc loài người, dường như chứa đựng một câu trả lời thú vị cho câu hỏi đó, một sự kích thích mới mẻ đối với suy tư thần học. Nếu suy nghĩ về nhân luận thần học theo cách của EES, Giáo hội có thể vượt qua bệnh lý của một thứ ngôn ngữ thần học khép kín, trong đó sự hoài niệm làm biến dạng phương pháp luận[27]. Đồng thời, nó có thể mở ra một con đường để những cư dân – có kiến thức khoa học của thế kỷ XXI – nghĩ về Đức tin Công giáo theo cách hiểu của họ. Vượt ra khỏi biên giới của các bộ môn theo cách này, chúng ta có thể hy vọng rằng Giáo hội có thể nhận ra, theo lời của Đức Gioan Phaolô, “hoạt động của Chúa Kitô trong Giáo hội một cách mãnh liệt hơn: 'Vì Thiên Chúa – trong Đức Kitô – đã hòa giải thế giới với Ngài' (2Cr 5,19)”[28].
----------------------
[1] Christopher Baglow, “Does the Extended Evolutionary Synthesis Shed New Light on Theological Anthropology?”, Church Life Journal, 10/01/2020, truy cập ngày 14/9/2022, https://churchlifejournal.nd.edu/articles/does-the-extended-evolutionary-synthesis-shed-new-light-on-theological-anthropology/ .
Về tác giả: Christopher Baglow là Giám đốc Sáng kiến Khoa học và Tôn giáo của Viện McGrath về Đời sống Giáo hội tại Đại học Notre Dame. Ông là tác giả của Faith, Science and Reason: Theology on the Cutting Edge và đồng nhận giải thưởng Expanded Reason Award 2018 ở hạng mục giảng dạy.
[2] Walker Percy, “The Delta Factor,” pp. 3-45 in The Message in the Bottle: How Queer Man Is, How Queer Language Is, and What One Has to Do with the Other (New York: Farrar, Straus and Giroux, 1992), 38.
[3] Kevin Laland and Tobias Uller, "About the EES," Extended Evolutionary Synthesis, accessed May 22, 2019, https://extendedevolutionarysynthesis.com/about-the-ees/#how-the-ees-differs-from-the-modern-synthesis.
[4] x. Richard Dawkins, Gen vị kỷ (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2012) Chú thích của người dịch [ND].
[5] Epigenetically, về mặt di truyền hay cụ thể hơn là về mặt di truyền học biểu sinh (epigenetics), hoặc ngoại di truyền học. Cơ chế này xem xét sự thay đổi trong chức năng gen mà không phải do đột biến (không có sự thay đổi nào trong chuỗi DNA của bộ gen) nhưng vẫn truyền cho các tế bào con. Xem thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/Epigenetics [ND].
[6] Kevin Laland, "Science in Flux: Is a Revolution Brewing in Evolutionary Theory? – Kevin Laland | Aeon Essays," Aeon, May 22, 2019, accessed May 22, 2019, https://aeon.co/essays/science-in-flux-is-a-revolution-brewing-in-evolutionary-theory. Về nghiên cứu ban đầu, xem Brian G. Dias and Kerry J. Ressler, "Parental Olfactory Experience Influences Behavior and Neural Structure in Subsequent Generations," Nature Neuroscience 17, no. 1 (2013): 89-96.
[7] Gerd B. Müller, "Correction to ‘Why an Extended Evolutionary Synthesis Is Necessary’," Interface Focus 7, no. 6 (2017): 3, doi:10.1098/rsfs.2017.0065.
[8] Edward B. Chuong, : “The placenta goes viral: Retroviruses control gene expression in pregnancy,” PLoS Biology 16:10 (October 2018):: e3000028. https:// doi.org/10.1371/journal.pbio.3000028; A. Muir, A. Lever, and A. Moffett, "Expression and Functions of Human Endogenous Retroviruses in the Placenta: An Update," Placenta 25, no. Supplement (April 2004): S16-S25, doi:10.1016/j.placenta.2004.01.012. Một ví dụ suy tư thần học về nhau thai, xem Kristen M. Collier, “Some Human Beings Carry Remnants of Other Humans in Their Bodies,” Church Life Journal, July 25, 2019, accessed November 15, 2019, https://churchlifejournal.nd.edu/articles/human-beings-carry-remnants-of-other-humans-in-their-bodies/.
[9] Cần biết thêm, trong sinh thái học, ổ sinh thái (ecological niche) của một loài (a species’ niche) nói chung bao gồm tất cả những nhân tố môi trường và tương quan liên loài ảnh hưởng lên loài đó. Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ổ_sinh_thái [ND]. Cấu trúc ổ sinh thái (niche construction) nói đến khả năng của sinh vật trong việc cấu trúc môi trường sống cho phù hợp, ví dụ qua việc xây tổ, đào hang, hoặc di chuyển đến một môi trường sống phù hợp hơn [ND].
[10] Sara Reardon, "Stone Tools Helped Shape Human Hands," New Scientist, April 10, 2013, accessed May 22, 2019, https://www.newscientist.com/article/mg21829124-200-stone-tools-helped-shape-human-hands/.
[11] Kevin Laland, "Science in Flux.”
[12] K.N. Laland, K. Sterelny, J. Odling-Smee, W. Hoppitt, and T. Uller, “Cause and Effect in Biology Revisited: Is Mayrs Proximate-Ultimate Dichotomy Still Useful?” Science 334, no. 6062 (2011): 1514–15, doi:10.1126/science.1210879.
[13] Ví dụ, xem Cameron M. Smith, Liane Gabora, and William Gardner-O'Kearney. “The Extended Evolutionary Synthesis Paves the Way for a Theory of Cultural Evolution,” Cliodynamics: The Journal of Quantitative History and Cultural Evolution 9:2 (2018): 84–107; Karola Stoltz, “Extended Evolutionary Psychology: the Importance of Transgenerational Developmental Plasticity,” Frontiers in Psychology 5 (2014). doi:10.3389/fpsyg.2014.00908; .
[14] Fuentes, Agustín. “Why We Believe: Evolution, Making Meaning, and the Development of Human Natures.” The Gifford Lectures, October 27, 2017, accessed May 22, 2019. https://www.giffordlectures.org/lectures/why-we-believe-evolution-making-meaning-and-development-human-natures.
[15] Xem Christopher Lilley and Daniel J. Pederson, eds., Human Origins and the Image of God: Essays in Honor of J. Wentzel Van Huyssteen (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Company, 2017).
[16] J. Wentzel Van Huyssteen, "Human Origins and the Emergence of Morality and Religion," Gifford Lectures Blog, March 7, 2018, accessed May 22, 2019, https://giffordsedinburgh.com/2018/02/25/getting-the-conversation-started/.
[17] Charles de Koninck, The Cosmos, pp. 235-354 in The Writings of Charles De Koninck, ed. and trans. Ralph McInerny, vol. 1 (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2008), 310.
[18] Ibid., 308
[19] Ecumenical Council of Florence, Bull of Union With the Copts (1442), accessed May 21, 2019, http://www.ewtn.com/library/COUNCILS/FLORENCE.HTM.
[20] Meister Eckhart (1260–1327) nhà thần bí và cũng là triết gia người Đức nổi tiếng thời Trung cổ. Giáo huấn tâm linh của ông: nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự [ND].
[21] Meister Eckhart, Meister Eckhart: A Modern Translation, translated by Raymond Bernard Blakney (New York: HarperPerennial, 2004), 245.
[22] Joseph Ratzinger, “Concerning the Notion of Person in Theology,” Communio 17 (1990): 444, 449, 453.
[23] Ratzinger, Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology, translated by Mary Frances McCarthy (San Francisco: Ignatius Press, 1987), 87. Bản dịch tiếng Việt có tham khảo Ratzinger, Nguyên lý của thần học Công giáo, Nguyễn Luật Khoa, OFM. dịch (Hà Nội: NXB Phương Đông, 2010), 138.
[24] Ratzinger, In the Beginning: A Catholic Understanding of the Story of Creation and the Fall, translated by Boniface Ramsey (Grand Rapids: Eerdmans, 1986), 73.
[25] John D. Sykes, Flannery O'Connor, Walker Percy, and the Aesthetic of Revelation (Columbia, MO: 2007), 164.
[26] Benedict XVI, Homily on the Feast of the Immaculate Conception, December 8, 2005, accessed May 20, 2019, http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi_hom_20051208_anniv-vat-council.html.
[27] Józef Życiński, trans. by Kenneth W. Kemp and Zuzanna Maślanka, God and Evolutionism: Fundamental Questions of Christian Evolutionism (Washington: Catholic University of America Press, 2006), 4.
[28] John Paul II, “Letter.”
Tin liên quan