CUỘC TRANH LUẬN THẦN HỌC CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI VỚI HỒNG Y WALTER KASPER TRÊN TẠP CHÍ AMERICA
James T. Keane
Chủng sinh Giacôbê Nguyễn Tiến Lộc chuyển ngữ từ America Magazine (03/01/2023)
Đức Hồng y Joseph Ratzinger diễn thuyết tại New York vào tháng 1 năm 1988. (Ảnh CNS/KNA)
Bạn có biết Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng viết bài cho tạp chí America? Đó là sự thật – khi vị giáo hoàng vừa qua đời còn là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã được tổng biên tập tạp chí America, cha Thomas J. Reese, S.J., mời đưa ra ý kiến phản hồi một bài viết năm 2001 của Đức Hồng y Walter Kasper, người đồng hương với Đức Ratzinger, với đề tài về giáo hội địa phương và giáo hội phổ quát.
Gần đây, khi xem xét việc lưu trữ của văn phòng tạp chí, tôi đã tìm thấy bản chính lá thư của Đức Hồng y Ratzinger khi ngài chấp thuận lời mời của cha Reese; có lẽ vài nhân viên vì lý do tình cảm đã lưu lại lá thư này vào một ngày đáng nhớ ít có khả năng xảy ra nhất trong lịch sử. Chúng tôi cũng đăng trực tuyến bài phản hồi của Đức Hồng y Ratzinger đối với bài viết khai mào vấn đề của Đức Hồng y Kasper.
Hồng y Joseph Ratzinger
Vatican, 15/9/2001.
Kính gửi cha Thomas J. Reese, S.J.
Tạp chí America, New York, USA.
Cha Reese thân mến,
Xin cám ơn cha về lá thư ngày 3/5/2001, trong đó cha tạo điều kiện để tôi phản hồi bài viết của Đức Hồng y Walter Kasper, đăng vào tuần lễ 23-30, tháng 4 của quý báo.
Sau khi đã suy xét kỹ, tôi tin rằng sẽ hữu ích cho các bên liên quan, nếu như phần giải thích quan điểm của tôi được quý báo đăng tải. Vì thế, tôi đã gửi kèm theo đây bài viết của tôi. Xin quý báo cho tôi xem trước bản dịch tiếng Anh của bài viết trước khi ấn hành.
Thành tâm chúc mọi điều tốt lành,
Thân ái trong Chúa Kitô,
Hồng y Joseph Ratzinger
Từ năm 1983, tên tuổi Đức Hồng y Ratzinger đã xuất hiện trong các bài viết cho tạp chí America của các cha Thomas Reese và Avery Dulles, S.J., liên quan đến lập luận của vị Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin rằng các hội đồng giám mục không có thẩm quyền giáo huấn đích thực[1]. Đức Hồng y Ratzinger cho rằng chỉ có cá nhân và tập thể giám mục cùng với Đức Giáo hoàng mới có thẩm quyền như vậy, một điểm mà Đức Giáo hoàng Phanxicô dường như cũng đồng thuận[2]. Nghị trình bận rộn của Đức Hồng y Ratzinger ở Bộ Giáo lý Đức tin khiến ngài trở thành nhân vật thường xuyên được nhắc đến nơi tạp chí America những năm sau đó, bao gồm thời điểm cha Reese làm tổng biên tập từ năm 1998 đến năm 2005.
Vào năm 2001, không ai nghĩ rằng một ngày nào đó Hồng y Ratzinger sẽ lên ngôi giáo hoàng; cũng như nhiều người không thể ngờ rằng với tư cách là Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngài sẽ chứng tỏ mình là một con người mục vụ và hiền từ hơn nhiều so với những gì người ta có thể đoán trước về danh tiếng là “Con chó Rotweiller của Thiên Chúa”[3] trong nhiệm kỳ người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin. Tất nhiên, càng không ai hình dung được rằng một giáo hoàng đương nhiệm sẽ từ chức, như Đức Bênêđictô XVI đã làm vào năm 2013. Ngài chắc chắn là vị Giáo hoàng của những điều bất ngờ.
Từ lâu trước khi đảm nhận vai trò Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, hay làm Giáo hoàng, cha Joseph Ratzinger đã là một học giả. Là peritus (cố vấn thần học cho giám mục) tại Công đồng Vatican II, ngài là một trong số những thần đồng trẻ về thần học (wunderkind), làm việc từ hậu trường của Công đồng, bao gồm các cha Karl Rahner, S.J., Henri de Lubac, S.J., Yves Congar, O.P., Edward Schillebeeckx, O.P., và nhiều vị khác nữa. Cha Ratzinger đã xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Đức về những điểm nổi bật của Công đồng Vatican II ngay trước lúc Công đồng này kết thúc; chỉ vài năm sau, ngài tiếp tục cho ra mắt bản tiếng Đức và tiếng Anh của cuốn Dẫn vào Kitô giáo (Introduction to Christianity), một cuốn sách quan trọng vào năm 1968 và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Các ấn bản Tiếng Việt của tác phẩm Dẫn vào Kitô giáo và bộ ba cuốn sách về cuộc đời Chúa Giêsu Nazareth. Cuốn Lãnh đạo trong Giáo hội, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Đức Hồng y Walter Kasper, là tuyển tập các bài viết với nhiều đề tài: Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương, tác vụ Giám mục, linh mục, phó tế, sự kế nhiệm tông truyền và các ứng dụng thực tiễn về giáo luật.
Ngay cả sau khi được bổ nhiệm làm giám mục và sau đó là tổng giám mục, ngài vẫn viết thêm các cuốn sách khác – kể cả bộ ba cuốn sách về cuộc đời Chúa Giêsu Nazareth ngài đã viết trong thời gian làm Giáo hoàng (xem thêm: đánh giá về tập I của bộ sách này từ học giả Kinh thánh nổi tiếng Daniel Harrington, S.J.). Đức Giáo hoàng Bênêđictô luôn mang cốt cách của một giáo sư.
Bài viết cho tạp chí America năm 2001[4] bắt nguồn từ một cuộc tranh luận trước đó giữa Hồng y Walter Kasper (là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự hợp nhất Kitô giáo từ năm 2001 đến 2010, và là giám mục Rottenburg-Stuttgart, nước Đức, từ năm 1989 đến 1999) và Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 1981 đến năm 2005. Năm 1999, Đức Hồng y Kasper đã công bố bài viết “Về chức Giám mục”[5]. Từ bài này, vào năm 2000, Đức Hồng y Ratzinger đáp trả lại điều mà Hồng y Kasper gọi là “thái độ phê phán gay gắt chống lại lập trường của tôi”. Đức Hồng Y Kasper đã phản hồi sau đó trên tạp chí Dòng Tên tiếng Đức, Stimmen der Zeit vào năm 2000; ngay sau đó Ladislaus Orsy, S.J., đã chuyển ngữ bài viết sang tiếng Anh và được phép đăng nơi tạp chí America vào tháng 4 năm 2001[6]. Sau đó Hồng y Ratzinger đã phản hồi bài viết này.
Về bản chất, cả hai vị Hồng y tranh luận về một vấn đề mà sự căng thẳng có thể cảm nhận được qua một trong những tước hiệu của Đức Giáo hoàng: Giám mục Rôma. Ngoài nhiệm vụ phải săn sóc Giáo hội phổ quát, mỗi vị Giáo hoàng còn là giám mục của một nơi riêng biệt, giống như mọi giám mục khác trên toàn cầu - với việc nắm giữ quyền bính và trách nhiệm trên các tín hữu trong giáo phận của mình. Chúng ta có thể định nghĩa về Giáo hội bằng chính những hiện thân địa phương nơi các giáo phận và giáo xứ? Hay chúng ta nghiêng về cách nhìn nhận Giáo hội của Đức Hồng y Ratizinger, người đã luôn giữ nguyên tắc rằng “Giáo hội phổ quát (ecclesia universalis) trong mầu nhiệm cốt yếu của nó luôn là một thực tại có trước về hữu thể (ontologically) và thời gian (temporally), đối với từng Giáo hội địa phương riêng lẻ”?
Đức Hồng y Ratzinger lập luận rằng không nhất thiết phải đánh đồng Giáo hội phổ quát với một Giáo hội tập quyền Rôma (ngay cả đây chính là điều mà nhiều người nghĩ, như ngài đã thừa nhận[7]). Nhưng đồng thời, nếu để ẩn dụ trong Kinh thánh về Giáo hội như là hiền thê của Chúa Kitô có ý nghĩa, thì phải có một tân nương và một chàng rể:
Ý tưởng nền tảng của lịch sử thánh là quy tụ và liên kết con người trong một thân thể của Đức Kitô, là sự hợp nhất của toàn nhân loại và việc thông qua nhân loại vạn vật cũng được liên kết với Thiên Chúa. Chỉ có một hiền thê, chỉ có một thân thể Đức Kitô, chứ không phải nhiều hiền thê, cũng không phải nhiều thân thể. Dĩ nhiên, như các giáo phụ đã nói, hiền thê, được phác hoạ nơi Thánh vịnh 44, ‘mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, phục sức huy hoàng…’, thân thể có nhiều bộ phận. Nhưng sau cùng thì sự hợp nhất mới là nguyên tắc tối cao và đó là điều quan trọng ở đây. Sự đa dạng chỉ trở nên phong phú thông qua quá trình hợp nhất.
Đây là một cuộc tranh luận thần học phức tạp, đụng chạm đến Giáo hội học, Thánh linh học cũng như Thánh Kinh[8], dù không đề cập các vấn đề về giới [tân nương/hiền thê/chàng rể] – nhưng đó là một cuộc tranh luận mang những hệ quả quan trọng đối với cách mà Giáo hội hình dung về chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và tạo thành, và do đó hoạt động ở những cấp độ khác nhau. Ai quyết định về mặt giáo huấn và kỷ luật Giáo hội? Ai có thẩm quyền đối với các tài sản trần thế của Giáo hội? Vấn đề thẩm quyền trên các bí tích? Và vì Chúa, ai sẽ quyết định thời điểm và hoàn cảnh các chính trị gia ủng hộ lựa chọn giới tính thai nhi được phép rước lễ?[9]
Một số học giả đương thời sẽ tranh luận rằng lối nói tân nương/chàng rể chỉ là một phép ẩn dụ và không nên áp dụng quá khắt khe vào những thực tại cụ thể của Giáo hội trên thế giới, nhưng nó vẫn là trọng tâm trong cách Giáo hội hiểu về chính mình: vấn đề lại nổi lên gần đây trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô của các biên tập viên của America vào năm 2021, lúc đó ngài cũng đã sử dụng lối ẩn dụ để biện minh cho việc Giáo hội chỉ phong chức linh mục cho người nam[10].
Tuy nhiên, đối với các Hồng y Ratzinger và Kasper, việc phong chức cho nữ giới không phải là vấn đề (ít nhất không phải trong cuộc tranh luận qua lại nêu trên); thay vào đó, vấn nạn quyền bính trong Giáo hội mới là trọng tâm cuộc trao đổi. Cũng nên lưu ý rằng cách đây chưa đầy hai tháng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bớt đi thẩm quyền của các Hội đồng giám mục để ủng hộ vai trò của chính vị Giám mục địa phương: “Hội đồng giám mục là một tổ chức nhằm tương trợ và đoàn kết, một biểu tượng của sự hợp nhất. Nhưng ân sủng của Chúa Giêsu Kitô nằm trong mối tương quan giữa Giám mục và dân của ngài, giáo phận của ngài.”[11] Giống như Đức Bênêđictô lúc trước, Đức Phanxicô xem mình là một mục tử hoàn vũ – đồng thời là Giám mục Rôma.
Tác giả bài viết James T. Keane là biên tập viên cao cấp của America Magazine.
Tất cả chú thích trong bài là của người dịch (ND).
----------------
[1] Theo Đức Hồng y Avery Dulles, S.J, lúc đầu Joseph Ratzinger cho rằng các Hội đồng Giám mục cũng là một cơ quan mang tính hiệp đoàn và có nền tảng thần học đích thực (chẳng hạn trong một bài ngài viết trên Concilium vào năm 1965). Tuy nhiên, đến năm 1986, thì Đức Hồng y Ratzinger lại khẳng định: “Chúng ta đừng quên rằng tổ chức các Hội đồng Giám mục không có nền tảng thần học nào cả, chúng không thuộc về cấu trúc Giáo hội như ý muốn không thể bị phớt lờ của Chúa Kitô; các Hội đồng Giám mục chỉ mang chức năng thực hành cụ thể”.
Thực chất, ngay từ năm 1983, khi thảo luận về lá thư mục vụ đang được soạn thảo về vấn đề hoà bình với các Giám mục Hoa kỳ, Đức Hồng y Ratzinger đã phát biểu: “Một Hội đồng Giám mục thì không mang thẩm quyền giáo huấn (mandatum docendi). Thẩm quyền này chỉ thuộc về các cá nhân Giám mục [trong giáo phận của ngài] hoặc thuộc về Giám mục đoàn với Đức Giáo hoàng”.
X. Avery Dulles, “The Teaching Authority of Bishops' Conferences”, America 148 (n. 23, 11/6/1983): 453-455; “Bishops’ Conference Documents: What Doctrinal Authority?” Origins 14 (n. 32, 24/1/1985): 529-534.
X. Avery Dulles, “From Ratzinger to Benedict”, First Things (02/2006), https://www.firstthings.com/article/2006/02/from-ratzinger-to-benedict
X. Francis A. Sullivan, S.J., “The teaching authority of Episcopal Conferences”, Theological Studies 63 (2002): 472-493, https://theologicalstudies.net/articles/the-teaching-authority-of-episcopal-conferences/
X. Dianne Irving, “'Experts' Teaching Scandals and Catholic 'Confusion'”, (11/2003), https://lifeissues.net/writers/irvi/irvi_17scandalsconfusion.html
Một phân tích tổng hợp về thời điểm Hồng y Ratzinger đưa ra ý kiến về thẩm quyền của cơ cấu Hội đồng Giám mục, xem thêm: Richard A. McCormick, S.J, “Bishop as Teachers and Jesuits as Listeners”, Studies: in the Spirituality of Jesuits 18 (5/1986): 1-22, file:///C:/Users/HP/Downloads/3814-Article%20Text-6894-1-10-20130304%20(2).pdf
[2] Trong các phát biểu gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô có khuynh hướng ủng hộ gia tăng thẩm quyền cho cá nhân các Giám mục tại các Giáo hội địa phương, hơn là cho cơ cấu Hội đồng Giám mục quốc gia hoặc miền vốn chỉ mang tính điều phối kỹ thuật.
Xem thêm:
The Editors, “Exclusive: Pope Francis discusses Ukraine, U.S. bishops and more’, America Magazine (28/11/2022), https://www.americamagazine.org/faith/2022/11/28/pope-francis-interview-america-244225;
Hannah Brockhaus, “Pope Francis: ‘Jesus did not create bishops’ conferences’”, Catholic News Agency (28/11/2022), https://www.catholicnewsagency.com/news/252925/pope-francis-jesus-did-not-create-bishops-conferences;
Isabella H. de Carvalho, “Pope to US Jesuit magazine: Don’t confuse bishops with bishops’ conference”, Aleteia (28/11/2022), https://aleteia.org/2022/11/28/pope-to-us-jesuit-magazine-dont-confuse-bishops-with-bishops-conference/;
[3] Rottweiler là giống chó thông minh và khỏe mạnh có nguồn gốc từ nước Đức. Tác giả bài viết ngụ ý người luôn canh phòng gìn giữ đức tin, như con chó trung thành bảo vệ nghiêm ngặt, miệng luôn sủa vang giảng dạy chân lý.
[4] X. Joseph Ratzinger, “The Local Church and Universal Church: A Response to Walter Kasper,” America 185 (19/11/2001): 7-11. Bài này tiếp tục được tạp chí America đăng lại vào tháng 1/2014 và tháng 1/2023 tại: https://www.americamagazine.org/faith/2014/01/06/ratzinger-benedict-local-universal-church-kasper-157678.
[5] X. Hồng y Walter Kasper, Lãnh đạo trong Giáo hội: Làm thế nào các vai trò truyền thống có thể phục vụ cộng đoàn Kitô ngày nay, dịch giả Ngô Đình Tiến và Nhóm Sao Biển (Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2021), 73-118.
[6] X. Walter Kasper, “On the Church: A Friendly Reply to Cardinal Ratzinger,” America 184 (23-30/4/2001): 8-14. Xem tại: https://www.americamagazine.org/faith/2001/04/23/kasper-church-ratzinger-145624; cũng xem trên tờ The Furrow 52:6 (2001): 321-2, và bài “On the Church,” The Tablet (23/6/2001): 927-30.
[7] Vấn đề tập quyền Rôma (Roman centralism) là một trong những thành kiến phổ biến trong cách hiểu về Giáo hội phổ quát. Đức Hồng y Kasper hoài nghi về sự đồng hoá có thể thấy được giữa Giáo hội phổ quát với Giáo hoàng Rôma và Giáo triều của ngài, trong khi đó Đức Hồng y Ratzinger dù thừa nhận cần phải nghiêm túc nhìn nhận và sửa chữa thái độ tập quyền Rôma, nhưng vẫn khẳng định “nỗi sợ hãi về chủ nghĩa tập quyền mà Kasper lên tiếng là không có căn cứ”. Thực chất là khi Kasper, cũng như nhiều người Công giáo khác hôm nay, nghe đến khái niệm “Giáo hội phổ quát”, thì ngài lại nghĩ ngay đến Giáo hoàng, Giáo triều, vấn đề chính trị Giáo hội và giả định về vấn nạn “tập quyền” trong Giáo hội. Nhưng như Ratzinger đã chỉ ra, điều này thật không hợp lý, bởi vì Giáo hội Rôma cũng là một Giáo hội địa phương, mặc dù mang lấy trách nhiệm phổ quát trong vị thế đặc biệt của mình. Vấn nạn thần học về ưu quyền của Giáo hội phổ quát (hình ảnh Hôn phu, Thân thể) vượt trên các giáo hội địa phương (bộ phận thân thể) không có bất kỳ điều gì can hệ đến vấn đề chính trị Giáo hội và cũng không giả định cho kẽ hỡ nào về “tập quyền Rôma”. Những kiểu liên tưởng như vậy để lộ một cách hiểu sai lầm về các thực tại mang tính thực hành cụ thể của Giáo hội Công giáo như được diễn tả trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II, và cách hiểu này phổ biến đến mức mà các quan niệm chính trị hoá sai lầm về Giáo hội (dẫn dắt bởi chủ nghĩa Marxist, phong trào nữ quyền, chủ nghĩa tương đối quân bình, chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa phân tách…) đã trở nên thịnh hành ngay giữa những người Công giáo. Đức Hồng y Ratzinger tỏ ra ngạc nhiên tại sao những giả định như vậy lại có nơi một thần học gia lớn như là Kasper.
Chú thích theo J. Ratzinger, “A Response to Walter Kasper: The Local Church and the Universal Church,” America 185 (19/11/2001): 8 và Philip Blosser, “The Kasper-Ratzinger Debate and the State of the Church: When Cardinals clash in public, It’s serious”, The New Oxford Review (4/2002): 18-25, https://www.newoxfordreview.org/documents/the-kasper-ratzinger-debate-the-state-of-the-church/
[8] Xem các phân tích về Giáo hội học, Thánh linh học và nền tảng Thánh kinh trong cuộc tranh luận này qua các bài viết:
Kilian Mcdonnell, “The Ratzinger/Kasper Debate: The Universal Church and Local Churches,” Theological Studies 63 (2002): 227-250, https://theologicalstudies.net/articles/the-ratzinger-kasper-debate-the-universal-church-and-local-churches/ ; The Free Library (6/2002), https://www.thefreelibrary.com/The+Ratzinger%2fKasper+debate%3a+the+universal+church+and+local+churches.-a087080329
Philip Blosser, “The Kasper-Ratzinger Debate and the State of the Church: When Cardinals clash in public, It’s serious”, The New Oxford Review (4/2002): 18-25, https://www.newoxfordreview.org/documents/the-kasper-ratzinger-debate-the-state-of-the-church/
Adam Koester, “The Local Churches and the Universal Church: Reflections on the
Kasper/Ratzinger Debate”, Obsculta 3 (1/2010): 12-21, https://digitalcommons.csbsju.edu/obsculta/vol3/iss1/6.
[9] Đức Hồng y Ratzinger lập luận rằng Giáo hội phổ quát có thẩm quyền về tín lý và kỷ luật bí tích vượt trên các Giáo hội địa phương, trong khi Đức Hồng Y Kasper có quan điểm ngược lại. Tại Thượng Hội đồng Giám mục 2014, lại xuất hiện tranh cãi về chủ trương muốn phân cấp cho các Hội đồng Giám mục quốc gia một số thẩm quyền về kỷ luật bí tích và tín lý nhất định.
X. Raymond J. de Souza, “Kasper-Ratzinger III: Synod Is Latest Battleground for Two Theological Heavyweights” National Catholic Register, https://www.ncregister.com/news/kasper-ratzinger-iii-synod-is-latest-battleground-for-two-theological-heavyweights
X. “Synod poised to reject Kasper proposal?” Catholic World News, https://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=26484
[10] Trong cuộc phỏng vấn dành cho America Magazine vào ngày 22/11/2022, Đức Giáo hoàng Phanxicô diễn giải mầu nhiệm Giáo hội theo 3 nguyên tắc: 1/ nguyên tắc Phêrô, thể hiện qua con đường thừa tác vụ chức thánh trong đời sống Giáo hội; 2/ nguyên tắc Maria, cho thấy Giáo hội là hiền thê, là một người nữ và là nguyên tắc quan trọng không được bỏ qua để nhìn nhận phẩm giá người nữ; 3/ nguyên tắc hành chính, là nơi phụ nữ được tham gia vào các quyết định trong Giáo hội. Trong khi nguyên tắc đầu tiên không dự kiến một không gian để phụ nữ được tham gia vào thừa tác vụ chức thánh, thì hai nguyên tắc sau cho thấy sự kiện phụ nữ không được phong chức linh mục không phải là một sự tước đoạt, nhưng vị thế và đặc sủng của phụ nữ trong Giáo hội còn quan trọng hơn vấn đề tham dự vào chức thánh.
X. The Editors, “Exclusive: Pope Francis discusses Ukraine, U.S. bishops and more’, America Magazine (28/11/2022), https://www.americamagazine.org/faith/2022/11/28/pope-francis-interview-america-244225
[11] Cũng trong bài phỏng vấn trên, Đức Phanxicô đã nói: “Chúa Giêsu đã không tạo ra các Hội đồng Giám mục, nhưng người lập nên chức Giám mục, và mỗi Giám mục mới là mục tử của dân mình.”
Tin liên quan