×

Giỏ hàng

Giáo lý về trẻ nhỏ chết khi chưa được rửa tội
Lượt xem:1271   Ngày đăng: 2022-09-25 20:39:32

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN GIÁO LÝ

 VỀ TRẺ NHỎ CHẾT KHI CHƯA LÃNH BÍ TÍCH RỬA TỘI[1]

Francis A. Sullivan, S.J.

Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển

 

Tác giả trình bày lịch sử phát triển của Giáo lý Công giáo về tình trạng trẻ nhỏ (infants) chết mà chưa được rửa tội: (1) khởi đi từ giáo huấn của thánh Augustinô cho rằng các trẻ nhỏ này bị án phạt hỏa ngục với “mức hình phạt thấp nhất”; (2) đến giáo thuyết thời Trung cổ về lâmbô như là tình trạng của các em tuy không được hưởng kiến Thiên Chúa nhưng vẫn hưởng niềm hạnh phúc tự nhiên; (3) đến những lời đầy an ủi của Đức Gioan-Phaolô II, trong Thông điệp Evangelium Vitae (Tin mừng về Sự sống), nói với những phụ nữ phá thai rằng khi ăn năn và giao hòa với Thiên Chúa, thì họ có thể xin tha thứ từ người con hiện đang “sống trong Chúa”.

Giáo hội Công giáo tiếp tục đồng thuận với thánh Augustinô về việc trẻ nhỏ sinh ra đã phải xa cách Thiên Chúa do tội tổ tông truyền dù chúng dường như vô tội nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa; những trẻ này có thể được giải thoát khỏi tội tổ tông truyền nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô mà chúng lãnh nhận trong bí tích rửa tội. Tuy nhiên, Giáo hội không còn giữ quan điểm của thánh Augustinô là trẻ nhỏ chết không được rửa tội phải bị kết án hỏa ngục với hình phạt mà ngài mô tả là “nhẹ nhàng nhất”[2].

Trong suốt thế kỉ XII đã có một bước phát triển quan trọng trong tư tưởng Công giáo về loại hình phạt mà Thiên Chúa dành cho những ai đến trước tòa phán xét mà đã chẳng phạm bất kì tội cá nhân nào tuy còn mang tội tổ tông truyền. Đầu thế kỉ này, thánh Ansêmô thành Canterbury[3] và Hugh thành Victor[4] vẫn theo quan điểm của thánh Augustinô về việc trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội sẽ phải chịu hình phạt hỏa ngục. Nhưng sau đó Phêrô Abelard đề xuất rằng, dù tội tổ tông truyền làm xa lìa Thiên Chúa khiến trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội không được hưởng phúc kiến Thiên Chúa, chúng sẽ không đáng phải chịu thêm hình phạt nào khác nữa[5]. Việc Phêrô Lombarđô đưa quan điểm trên vào cuốn Sentences (Các luận đề)[6] của mình khẳng định sự chấp nhận rộng rãi quan điểm này giữa các thần học gia thế kỉ XIII. Ngay từ đầu thế kỉ, vào năm 1201, Đức Giáo hoàng Innôcentê III đã xác nhận quan điểm này khi tuyên bố rằng hình phạt của tội tổ tông truyền là bị tước đi ơn phúc kiến Thiên Chúa, trong khi sự dày vò nơi hỏa ngục thì dành cho những ai phạm tội riêng[7]. Lời tuyên bố này đưa đến kết luận là thật không phù hợp khi nói những người không chịu hình phạt như vậy mà lại ở hỏa ngục và dùng thuật ngữ “lâmbô” (có nguồn gốc từ tiếng Latinh limbus, nghĩa là “rìa mép”) để gọi tình trạng của trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội. Thánh Tôma Aquinô đề xuất những lý do để tin rằng trẻ nhỏ ở lâmbô có thể vui hưởng một tình trạng hạnh phúc tự nhiên và không phải mang tâm trạng buồn sầu khi phải xa lìa phúc kiến Thiên Chúa[8].

Kể từ thế kỉ XIII, các thần học gia Công giáo thường dạy về lâmbô như là tình trạng đời đời cho trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội dựa trên một lập luận gồm hai yếu tố: (1) vì trẻ nhỏ không có khả năng ước muốn phép rửa vốn có thể thay thế cho việc lãnh nhận bí tích thực sự nên việc lãnh nhận thực sự là cách duy nhất để các em có thể được giải thoát khỏi tội tổ tông truyền trước khi chết; và (2) mặc dù tội tổ tông truyền loại trừ các em khỏi ơn phúc kiến, nó không có hình phạt nào khác. Mặc dù đây là niềm tin chung của người tín hữu, nó chẳng bao giờ được coi là giáo huấn chính thức của Giáo hội Công giáo, ngay cả khi Đức Giáo hoàng Piô VI bảo vệ giáo huấn này là không theo thuyết Pelagiô khi Công đồng Pistoia – chống phái Jansenit năm 1786 – kết án nó là lạc giáo[9].

Tại Công đồng Vatican I, dự thảo Hiến chế tín lý De doctrina catholica (Giáo lý Công giáo), có viết: “Những ai chết với tội tổ tông truyền mà thôi sẽ mãi mãi không có ơn phúc kiến Thiên Chúa”[10]. Điều này không trở thành giáo lý Công giáo chính thức, vì dự thảo đó chưa bao giờ được Công đồng bỏ phiếu. Tuy nhiên, nó đã cho thấy rằng một số người trong Ủy ban soạn thảo đã muốn Công đồng loại trừ suy đoán của các nhà thần học Công giáo về những cách mà trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội có thể được giải thoát khỏi tội tổ tông truyền và được hưởng kiến Thiên Chúa. Hóa ra, suy đoán như vậy đã trở nên khá sôi nổi 50 năm sau, vào nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1954, William Van Roo, một đồng nghiệp lâu năm của tôi tại khoa Thần học của Đại học Grêgôriana, đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Trẻ nhỏ chết khi chưa được rửa tội: một khảo sát các văn phẩm gần đây và xác định tình trạng của vấn đề”[11]. Ông nghiên cứu những gì đã được các thần học gia Công giáo viết trong 30 năm qua ủng hộ quan điểm trẻ nhỏ chết có thể được tha tội tổ tông truyền dù không lãnh nhận bí tích rửa tội. Nghiên cứu này cho thấy các giải pháp được đưa ra dựa trên giáo lý cổ điển cho rằng việc thiếu phép rửa thực sự (in re) có thể được bù đắp bởi phép rửa bằng ước muốn (in voto), hoặc bằng cái chết vì Đức Kitô, như đã được ghi nhận trong trường hợp của các thánh Anh Hài. Do đó, người ta cho rằng việc trẻ nhỏ có thể được soi sáng vào lúc chết giúp các em có thể ước muốn phép rửa; hoặc đó là ước muốn của cha mẹ hay của Giáo hội rằng các em sẽ nhận phép rửa, những điều này đủ yếu tố để lãnh phép rửa bằng ước muốn (votum baptismi). Cái chết đau đớn, thậm chí tàn bạo mà nhiều trẻ nhỏ phải gánh chịu cũng được đề xuất là thay thế cho phép rửa. Van Roo đã kết thúc cuộc khảo sát của mình như sau:

Như vấn đề đặt ra ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một giáo huấn thần học chung và một xác tín xuyên suốt một số tài liệu của Giáo hội đi ngược với các lập trường mới. Bằng chứng của giáo huấn chung nơi các nhà thần học và cảm thức Giáo hội (sensus Ecclesiae) chặn đường dẫn đến các giải pháp khác nhau nhằm tìm kiếm ơn cứu độ cho trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội. Những văn phẩm gần đây cũng không làm thay đổi tình hình[12].

Các lập trường khác nhau nói chung đã được các tác giả phát triển với đủ sự khôn ngoan và thận trọng, tránh bất kỳ sự khẳng định nào, mong có được một dấu hiệu khích lệ từ Giáo hội. Vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào như vậy được đưa ra . . . Đưa ra hiện trạng của vấn đề như vậy, tôi muốn nói rằng người ta không được tự do khẳng định tất cả trẻ nhỏ đều được cứu độ, hoặc trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội được ban cho một phương tiện cứu độ khác ngoài phép rửa thực sự (in re)[13].

Rõ ràng, theo ý kiến ​​của Van Roo, những lập luận được đề xuất ủng hộ ơn cứu độ cho trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội không đủ thuyết phục để vượt qua giáo huấn chung cho rằng chúng sẽ vào lâmbô. Mặt khác, chắc chắn ông đã không đồng quan điểm ​​với một đồng nghiệp khác tại Đại học Grêgôriana là Sebastian Tromp, thư ký của Ủy ban Thần học trong giai đoạn chuẩn bị Công đồng Vatican II, người đã soạn thảo chương về trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội dự định sẽ có nơi lược đồ đề xuất Schema de deposito fidei pure custodiendo (Gìn giữ sự tinh tuyền của gia tài đức tin). Trong dự thảo của mình, ông phê bình những giáo thuyết gần đây là “hấp tấp và nguy hiểm”[14], đây là những giáo thuyết do các nhà thần học Công giáo đề xuất nhằm giải thích làm thế nào trẻ nhỏ chết có thể được cứu độ khi chưa được rửa tội, và ông nhấn mạnh rằng giáo lý phủ nhận ơn cứu độ cho những trẻ này đã được Huấn quyền phổ quát thông thường giảng dạy một cách dứt khoát[15]. Chương dự thảo này của Tromp đã bị loại khỏi lược đồ De deposito fidei vì nó chỉ được thiểu số Ủy ban Trù bị Trung ương chấp thuận[16]. Vấn đề ơn cứu độ của trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội không được đề cập trong bất kỳ tài liệu nào của Công đồng Vatican II. Mặt khác, các nhà thần học tham gia vào Công đồng chắc chắn biết cuộc thảo luận đang diễn ra sôi nổi liên quan đến cách thức trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội có thể được giải thoát khỏi tội tổ tông truyền và được cứu độ; nhiều giám mục chắc hẳn cũng biết vấn đề này. Sự im lặng của Công đồng đối với vấn đề, cũng như việc Ủy ban Trù bị Trung ương đã phản bác nỗ lực của Tromp khiến Công đồng lên án những suy đoán như thế, cho thấy ý định của Công đồng là không cản trở cuộc thảo luận đang tiếp tục.

Như thế, người ta có thể đặt câu hỏi liệu Vatican II có đóng góp gì vào cuộc thảo luận về vấn đề này hay không. Theo tôi, Công đồng đã có đóng góp quan trọng bằng cách nhấn mạnh đến tính phổ quát nơi ý định cứu độ của Thiên Chúa. Khó khăn cơ bản đối với giáo lý truyền thống về lâmbô đó là ơn cứu độ Kitô giáo chính là sự sống vĩnh hằng trong niềm hoan lạc vinh phúc được hưởng kiến Thiên Chúa, trong khi đó trẻ nhỏ ở lâmbô lại bị tước mất ơn này mà không do lỗi của chúng. Điều này đặt ra vấn đề là chúng ta có thể nói Thiên Chúa muốn cứu rỗi các em theo nghĩa nào. Công đồng Vatican II không đề cập đến vấn đề này nhưng lại nhấn mạnh hơn bất kỳ công đồng nào trước đây về ý muốn cứu rỗi thực sự phổ quát của Thiên Chúa. Trong Hiến chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân – LG) số 13, Công đồng nhấn mạnh tính phổ quát này bằng cách mô tả những người được mời gọi hưởng ơn cứu độ là “tất cả mọi người không trừ ai” (omnes universaliter homines). Trong Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và Hy vọng – GS) số 22, có một tuyên bố thật mạnh mẽ: “Thật vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì thật sự chỉ có một ơn gọi tối hậu của con người, ơn gọi từ Thiên Chúa, nên chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh ấy theo cách thế mà chỉ có Chúa biết”[17].

Tôi chưa thấy bất cứ chú giải nào về bản văn này áp dụng cho ơn cứu độ của trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội. Tuy nhiên, khi chú giải GS chương 1, Đức Joseph Ratzinger đã nhấn mạnh một điểm trong bản văn này có thể làm sáng tỏ vấn đề. Tôi đề cập đến luận điểm mà theo ngài minh chứng rằng GS 22 cho thấy một sự tiến bộ hơn so với LG 13. LG 13 quá nhấn mạnh hoạt động của con người. . . . Ngược lại, GS 22 dứt khoát thừa nhận rằng ơn cứu độ là chuyện của Thiên Chúa và chúng ta không thể xác định được. . . . Chính Thiên Chúa hay Thánh Thần của Ngài là Đấng ban ơn cứu độ cho con người và kết hiệp con người với ơn cứu độ này. . . . Ơn cứu độ không phải là một “công trình” của con người. Dù xảy ra ở đâu, ơn cứu độ cuối cùng vẫn là một sự thông phần vào mầu nhiệm phục sinh của thập giá và sự sống lại[18].

Tôi muốn áp dụng tư tưởng của Ratzinger cho vấn đề này bằng việc trích dẫn: “Cách thức cứu rỗi đối với trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội là chuyện của Thiên Chúa và chúng ta không thể xác định được. Chính Thiên Chúa hay Thánh Thần của Ngài ban cho các em ơn cứu độ bằng cách phải thông phần vào mầu nhiệm phục sinh của thập giá và sự sống lại”. Bởi vì điều loại trừ trẻ nhỏ khỏi ơn cứu độ chính là việc không lãnh nhận phép rửa, dù là phép rửa thực sự hay phép rửa ước muốn, nên người ta cũng có thể viện dẫn giáo lý của thánh Tôma Aquinô cho rằng “Thiên Chúa không ràng buộc quyền năng của Ngài vào các bí tích đến nỗi không thể ban hiệu quả của bí tích mà không qua việc lãnh nhận”[19]. Áp dụng điều này cho trường hợp trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã không ràng buộc quyền năng của mình vào bí tích rửa tội đến nỗi không thể giải thoát một trẻ nhỏ chưa lãnh bí tích khỏi tội tổ tông truyền.

Trong những năm sau Công đồng Vatican II, việc Công đồng nhấn mạnh về tính phổ quát nơi ý định cứu độ của Thiên Chúa đã củng cố xác tín của nhiều nhà thần học Công giáo rằng ý muốn cứu độ mọi người của Thiên Chúa phải có hiệu lực đối với trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội. Một bài báo tôi thấy đặc biệt quan trọng đối với cả tác giả và tạp chí đăng bài viết là “La salvezza dei bambini morti senza battesimo” của Jean Galot trong La Civiltà Cattolica[20]. Galot lập luận rằng sự phát triển từ giáo lý của thánh Augustinô cho rằng trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội bị án phạt hỏa ngục, nơi chúng phải chịu “mức hình phạt thấp nhất”, đến thánh Tôma Aquinô tin rằng các em này được hưởng sự hạnh phúc tự nhiên trong lâmbô, vốn được thúc đẩy bởi xác quyết rằng nếu Thiên Chúa giáng xuống các em ngay cả những hình phạt nhỏ nhất của hỏa ngục để trừng phạt tội tổ tông truyền thì không xứng hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Galot khẳng định, giải pháp thiện chí này, được thúc đẩy bằng việc nại đến lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, vẫn khiến các em phải chịu sự xa cách vĩnh viễn khỏi Thiên Chúa, mà thực tế đó là nỗi đau chính yếu của án phạt hỏa ngục[21]. Galot kết luận rằng việc loại trừ trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội khỏi ơn cứu độ không phù hợp với ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Sau đó, ông viện dẫn nguyên tắc mà Công đồng Vatican II đã muốn các nhà thần học lưu ý: “có một trật tự hay một ‘phẩm trật’ trong các chân lý của giáo thuyết công giáo, tùy theo mức độ liên hệ giữa chân lý ấy với nền tảng đức tin Kitô giáo”[22]. Galot không thực sự sử dụng thuật ngữ “phẩm trật trong các chân lý”, nhưng lập luận của ông dựa trên nguyên tắc tương tự. Vấn đề đối với giải pháp lâmbô là nó loại trừ trẻ nhỏ chưa được rửa tội khỏi thánh nhan Chúa – đưa đến án phạt đời đời – dựa trên sự cần thiết của phép rửa, vì việc thiếu bí tích rửa tội không được thay thế bằng rửa tội theo ước muốn. Galot đưa ra giải pháp sau.

Về giải pháp cho vấn đề này . . . sự cần thiết của phép rửa phải được đặt đúng vị trí của nó. Nó là thứ yếu đối với ý định cứu độ, chính ý định này là nguyên tắc qui định toàn bộ nhiệm cục cứu độ. Để xác định số phận của trẻ nhỏ này, người ta không nên bắt đầu với việc xem xét sự cần thiết của phép rửa. Trong lịch sử, vấn đề này được đặt ra một cách khá tệ, bởi vì người ta chỉ tìm cách giải quyết mỗi vấn đề về sự cần thiết của phép rửa. Đúng hơn, người ta nên bắt đầu với sự xác tín rằng Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho những em này, và sau đó mới đặt vấn đề tính cần thiết của bí tích rửa tội trong trường hợp này được xác minh như thế nào. Không tuân theo phương pháp cơ bản này, các nhà thần học đã đề xuất những lý thuyết xét trước hết đến tính cần thiết của bí tích rửa tội, nhưng những lý thuyết đó không phù hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Họ không nhận ra rằng sự cần thiết của phép rửa chỉ là một phương tiện do Thiên Chúa thiết lập để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài, và do đó nó không thể mâu thuẫn với kế hoạch Thiên Chúa cứu độ những trẻ nhỏ này[23].

Nên nhớ là vào cuối cuộc khảo sát của mình Van Roo đã nhận xét rằng các nhà thần học đã nhìn về Giáo hội để tìm kiếm một dấu hiệu khích lệ, nhưng không có dấu hiệu nào được đưa ra. Nhưng trong vòng 40 năm sau khi kết thúc Công đồng Vatican II, đã có một dấu hiệu như vậy, không phải dưới hình thức một văn kiện giáo lý, mà là Ordo exsequiarum (Nghi thức An táng), được Đức Giáo hoàng Phaolô VI chấp thuận và ban hành vào ngày 15/8/1969. Nghi thức này bao gồm các nghi thức an táng trẻ nhỏ, đã rửa tội cũng như chưa được rửa tội. Trước đây, người ta thường cử hành Thánh lễ Thiên Thần khi an táng trẻ nhỏ đã rửa tội, nhưng hoàn toàn không có thánh lễ dành cho trẻ nhỏ chưa được rửa tội, chúng sẽ không được chôn cất trong đất thánh. Việc Nghi thức mới nói trên có các nghi lễ an táng trẻ nhỏ chưa được rửa tội không chỉ rất an ủi cho cha mẹ chúng, mà còn khuyến khích những nhà thần học đang tìm kiếm một dấu hiệu như vậy. Họ thậm chí hân hoan phấn khởi nhiều hơn nữa do những lời cầu nguyện mà Nghi thức đã qui định đọc trong nhiều phần của nghi thức an táng trẻ nhỏ chưa được rửa tội[24].

THÁNH LỄ AN TÁNG

Nghi thức đầu lễ

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Đấng trung tín đã dựng nên tất cả chúng ta theo hình ảnh của Người. Tất cả mọi vật đều do Người tạo thành, mọi thụ tạo đều chờ ngày cứu rỗi. Giờ đây, chúng ta phó thác linh hồn … cho lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, để người con yêu dấu của chúng ta có thể tìm thấy một nơi cư ngụ trong Nước Thiên Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi cõi lòng và là Đấng an ủi đầy nhân ái, Chúa biết lòng tin của cha mẹ em, xin cho họ được cảm nhận rằng đứa con vừa lìa đời mà họ đang thương khóc đã được phó dâng cho lòng thương xót của Chúa. Chúng con cầu xin…

Phó dâng

Chúng ta hãy phó dâng em ... này trong vòng tay che chở nhân từ của Chúa; và chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện cho Ông/bà/anh/chị ... chính khi họ đau buồn vì sự mất mát của con mình, xin cho họ phó thác em … vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Chúa là Cha sinh thành và nuôi dưỡng chúng con, lạy Chúa, Chúa là cùng đích của chúng con. Chúng con tin tưởng vào lòng thương xót và tình yêu bao la của Chúa, xin nhậm lời cầu nguyện của chúng con mà cho em được hạnh phúc viên mãn trong Người.

NGHI THỨC TỪ BIỆT

Lạy Chúa là Thiên Chúa giàu lòng nhân ái và dịu dàng, chúng con phó dâng cho tình yêu của Chúa, em ..., người mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con trong một thời gian ngắn ngủi. Xin dẫn đưa em vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúng con cầu nguyện cho cha mẹ của em là những người đang đau buồn vì sự mất mát người con nhỏ bé của mình. Xin Chúa ban sự can đảm và nâng đỡ họ trong nỗi đau buồn này. Ước mong tất cả gia đình một ngày kia vui mừng gặp lại trong Nước Chúa.

Lời nguyện kết thúc

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, trong mầu nhiệm khôn ngoan Chúa đã lôi kéo em … này đến với Chúa. Giữa nỗi đớn đau sầu muộn, chúng con tin nhận Chúa là Chúa của người sống lẫn kẻ chết và chúng con tìm kiếm sự bình an theo thánh ý Chúa. Trong những giây phút cuối cùng này, chúng con cùng nhau cầu nguyện, tin tưởng vào lòng từ bi và yêu thương rộng lượng của Chúa. Xin Chúa cứu em này khỏi cái chết và ban cho em chỗ ở trong Vương quốc an bình của Chúa.

Các lời nguyện trên đã rõ ràng khích lệ những người cha mẹ mất con hy vọng rằng con mình “có thể tìm được một nơi cư ngụ trong Nước Thiên Chúa”, rằng Chúa sẽ “trao ban cho các em hạnh phúc muôn đời”, rằng họ và con cái sẽ “một ngày kia vui mừng gặp lại trong Nước Chúa”, và rằng Chúa sẽ “ban cho em chỗ ở trong Vương quốc an bình của Chúa”. Rõ ràng, Giáo hội đã không còn giữ quan điểm cho rằng những trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội phải ở trong lâmbô và đời đời xa lìa vương quốc bình an của Thiên Chúa.

Đức Ratzinger, trong cương vị là một thần học gia, có lẽ cũng đã đồng ý với quan điểm này, bởi vì trong một buổi phỏng vấn với nhà báo Vittorio Messori, sau đó đã được xuất bản trong The Ratzinger Report, có đoạn ngài phát biểu như sau: “Lâmbô không bao giờ là một chân lý đức tin được định tín. Cá nhân tôi – và ngay lúc này đây, tôi đang nói với tư cách là một thần học gia hơn là trên cương vị Tổng trưởng của Thánh bộ – tôi mong bỏ lâmbô, vì nó chỉ là một giả thuyết thần học”[25].

Văn kiện giáo lý đầu tiên từ huấn quyền nhìn nhận tình trạng mới của vấn đề trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội được tìm thấy trong Pastoralis actio: Huấn thị về Bí tích Rửa tội cho trẻ nhỏ do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 20/10/1980[26]. Mục đích của Huấn thị này là giải thích tại sao Giáo hội vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng nên rửa tội cho trẻ nhỏ trong vòng một vài tuần đầu sau khi sinh, và tại sao cha mẹ không nên thuận theo lập luận rằng việc rửa tội cần hoãn lại cho tới khi con cái đủ trưởng thành để tự mình quyết định. Chống lại quan điểm này, Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố rằng: “Qua giáo lý và thực hành, Giáo hội thấy rằng ngoài bí tích rửa tội, Giáo hội không còn biết đến một phương thế nào khác để đảm bảo cho các em được vào vinh phúc vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao Giáo hội lại cẩn thận để không xao lãng sứ vụ mình đã lãnh nhận từ nơi Chúa là phải làm cho tất cả những ai có thể lãnh bí tích này đều được sinh ra bởi nước và Chúa Thánh Thần”. Văn kiện tiếp tục: “Với trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội, Giáo hội chỉ có thể phó thác các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, như Giáo hội đã làm trong Nghi lễ an táng các em”[27]. Trong lời tuyên bố này, rõ ràng Bộ Giáo lý Đức tin thừa nhận rằng một mặt Giáo hội không thể chắc chắn trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội có được cứu độ hay không, mặt khác Giáo hội hiện nay cũng như trước đây cũng không chắc liệu có phải vì các em đã không lãnh nhận bí tích hay không có ước muốn lãnh nhận bí tích rửa tội nên các em vẫn mắc tội tổ tông truyền, và tội này loại các em khỏi phúc kiến Thiên Chúa. Đáng lưu ý rằng, Bộ Giáo lý Đức tin đã viện dẫn nghi thức an táng mới dành cho trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội như để củng cố cho lời tuyên bố của Bộ rằng người ta chỉ có thể phó thác các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Văn kiện chính thức tiếp theo nói đến vấn đề trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội là Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Đây là văn kiện mà Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II công bố bản đầu tiên vào năm 1992, cũng như bản duyệt xét lại cuối cùng vào năm 1997. Cả hai ấn bản này đều có lời tuyên bố về việc trẻ em chết chưa được rửa tội như sau:

  1. Về các trẻ em [trẻ nhỏ] chết mà chưa được lãnh bí tích rửa tội, Giáo hội chỉ biết phó dâng các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, như Giáo hội đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thật vậy, lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa, “Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi” và lòng thương mến của Chúa Giêsu đối với trẻ em khiến Người đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”, cho phép chúng ta hy vọng rằng, có một con đường cứu rỗi dành cho những trẻ em chết chưa được rửa tội. Giáo hội cũng hết sức khẩn thiết kêu gọi, đừng ngăn cản các trẻ em không cho chúng đến với Đức Kitô nhờ hồng ân của bí tích rửa tội.

Trong phần lề của số 1261 có tham chiếu đến số 1257, số này lặp lại câu đã đề cập ở trên lấy từ Huấn thị Pastoralis actio của Bộ Giáo lý Đức tin. Tuy nhiên, tiếp theo câu trích dẫn này là nguyên tắc mà thánh Tôma khẳng định, được nhấn mạnh bằng chữ in nghiêng như sau: “Thiên Chúa đã ràng buộc ơn cứu rỗi với bí tích rửa tội, nhưng chính Người không bị ràng buộc bởi các bí tích của Người”. Lúc này đây, tôi nghĩ Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã gợi ra rằng khi Giáo hội phó dâng linh hồn các em chưa được rửa tội cho lòng thương xót của Thiên Chúa, như Giáo hội đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em, thì Giáo hội đã có lý do chính đáng để tín thác rằng Thiên Chúa sẽ cho các em điều mà phép rửa mang lại.

Một bước tiến xa hơn trong việc phát triển giáo lý về vấn đề trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội có thể được tìm thấy trong Thông điệp Evangelium Vitae (Tin mừng về Sự sống – EV) được Đức Gioan-Phaolô II ban hành vào năm 1995. Trong Thông điệp này, ngài đã nói về các thai nhi trong lúc vẫn còn trong bụng mẹ, đã là “đối tượng cá vị nhất của sự quan phòng đầy tình yêu thương và phụ tử của Thiên Chúa”, và tuyên bố rằng “từ thuở đầu cho đến ngày nay, truyền thống Kitô giáo rất rõ ràng và nhất quán xem việc phá thai là tội luân lý đặc biệt nghiêm trọng”[28]. Sau khi lên án mạnh mẽ về tội phá thai trực tiếp, đến phần kết của Thông điệp, Đức Gioan-Phaolô II tiếp tục bày tỏ những lời huấn dụ mục vụ và lời an ủi cho những người mẹ đã từng phá thai. Ngài nói với họ:

Giáo hội biết có lẽ có nhiều yếu tố tác động đến quyết định của chị em. . . . Có thể vết thương trong tâm hồn chị em vẫn chưa liền lại. Dĩ nhiên, điều xảy ra cũng đã và vẫn là sai lầm nghiêm trọng. Nhưng chị em đừng để mình nản chí, đừng đánh mất niềm trông cậy. Tốt hơn nên hiểu chuyện gì đã xảy ra, và thành thật đối diện với nó. Nếu chị em chưa làm như vậy, thì xin mở rộng tâm hồn cho sự sám hối với lòng khiêm tốn và cậy trông: Chúa Cha đầy lòng thương xót sẵn sàng ban ơn tha thứ và bình an của Ngài trong bí tích giao hòa. Chị em sẽ hiểu ra chẳng có chi là hư mất hẳn cả và chị em sẽ có thể xin sự tha thứ từ đứa con của mình từ nay đang sống trong Chúa[29].

Người ta có thể dễ hình dung niềm an ủi mà người phụ nữ với lương tâm nặng trĩu vì tội cố ý phá thai sẽ tìm thấy qua những lời Đức Thánh cha Gioan-Phaolô II nhắn nhủ với họ. Tôi nghĩ rằng họ cũng có thể tìm thấy trong những lời này ý định của ngài liên quan đến tình trạng hiện tại của các thai nhi bị phá. Ý tưởng về việc người mẹ có thể xin sự tha thứ từ đứa con của mình, có thể gợi ra rằng chúng đang chia sẻ sự hiệp thông của các thánh. Việc khẳng định con của họ “từ nay đang sống trong Chúa” có thể ám chỉ rằng đứa trẻ ấy đang sống trước nhan Chúa. Người ta hầu như không thể nói như vậy về trẻ nhỏ ở lâmbô, vốn muôn đời không còn nhìn thấy Thiên Chúa. Những nhà thần học đang nỗ lực tìm kiếm các dấu chỉ khích lệ từ Giáo hội nhằm chứng tỏ niềm tin vào sự cứu độ dành cho trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội, đã có lý do chính đáng để nhìn thấy nơi những lời của Đức Gioan-Phaolô II không chỉ là sự xác nhận về những tiến triển đạt được cho đến nay mà còn thêm một bước xa hơn nhằm chính thức chấp nhận niềm tin này.

Tuy nhiên, có vẻ như “bước tiến xa hơn” đó của Đức Gioan-Phaolô II đã bị một nhân vật có ảnh hưởng trong giáo triều Rôma cho là “một bước tiến quá xa”. Bằng chứng cho sự phỏng đoán này là trong văn bản cuối cùng bằng tiếng Latinh của Thông điệp EV đăng ở Acta Apostolicae Sedis (Công báo Tòa thánh – AAS) đơn giản không có câu sau: “Chị em biết rằng chẳng có chi là hư mất hẳn cả và chị em sẽ có thể xin sự tha thứ từ đứa con của mình từ nay đang sống trong Chúa”.  Thay vào đó, bản văn cuối cùng bằng tiếng Latinh là “Infantem autem vestrum potestis Eidiem Patri Eiusque misericordiae cum spe committere” (“Với niềm trông cậy, chị em có thể phó thác đứa con của mình cho Chúa Cha và lòng thương xót của Ngài”[30]). Người ta không đưa ra lời lý giải nào cho việc dùng câu trên để thay thế cho câu trong văn kiện được công bố ban đầu. Thậm chí còn gây hoang mang hơn khi trên trang web của Vatican, nơi đăng Thông điệp EV với 8 loại ngôn ngữ khác nhau, 7 bản dịch ra các ngôn ngữ hiện đại (tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan) tất cả đều có câu nguyên gốc này, trong khi đó bản Latinh thì được thay thế bằng câu khác. Chắc chắn bản Latinh là văn bản cuối cùng, thế nhưng hầu hết bất kỳ ai vào trang web của Vatican để tìm bản văn của Thông điệp EV đều sẽ chọn một trong những bản dịch ra các ngôn ngữ hiện đại, và họ sẽ không biết rằng có một câu trong Thông điệp được công bố ban đầu không có trong bản tiếng Latinh, và câu này sẽ mang lại niềm an ủi cho người mẹ có con nhỏ chết chưa được rửa tội.

Tôi không thấy bất kỳ lời giải thích nào cho việc thay đổi này ngoại trừ một điểm lưu ý trong phần chú thích của một tài liệu có tựa đề “Niềm trông cậy ơn cứu rỗi dành cho các trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội”, do Ủy ban Thần học Quốc tế (UBTHQT) công bố năm 2007[31]. Nội dung cước chú số 98 của văn kiện như sau:

Đáng lưu ý rằng, editio typica (ấn bản mẫu) của Thông điệp EV của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã thay thế số 99 “Chị em biết rằng chẳng có chi là hư mất hẳn cả và chị em sẽ có thể xin sự tha thứ từ đứa con của mình từ nay đang sống trong Chúa” (một câu dễ bị giải thích sai) bằng bản văn cuối cùng: “Infantem autem vestrum potestis Eidem Patri Eiusque misericordiae cum spe committere” (xem AAS 87 [1995], 515) có thể được dịch như sau: “Với niềm trông cậy, chị em có thể phó thác đứa con của mình cho Chúa Cha và lòng thương xót của Ngài”.

Rõ ràng ai đó đã cho rằng câu văn nguyên thủy của Đức Thánh cha là một câu “dễ bị giải thích sai lầm”, và đã thuyết phục ngài không nên giữ lại trong bản Latinh cuối cùng. Có lẽ thật khó xảy ra khả năng có sự thay đổi mà không có sự đồng ý của ngài. Nhưng không ai nói cho chúng ta biết “sự giải thích sai lầm” là gì, khiến câu văn của Đức Thánh cha lại được xem là dễ rơi vào tình trạng này. Tôi phỏng đoán rằng câu văn của ngài có thể được hiểu là chúng ta có thể không chỉ hy vọng mà còn chắc chắn là trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội đang ở trên thiên đàng. Tôi nghĩ rằng đây là một giải thích hợp lý điều mà Đức Thánh cha thực sự đã nói, khi ngài bảo người mẹ rằng con của chị “từ nay đang sống trong Chúa”. Và đó là lý do tại sao tôi lại nghĩ là ai đó đã thuyết phục Đức Thánh cha rằng ngài đã đi “một bước quá xa”. Lý do mà người ấy có thể đưa ra đó là Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã không vượt ra ngoài quan điểm chúng ta có thể hy vọng các em được cứu độ. Tôi cho rằng tựa đề của văn kiện bàn luận về vấn đề này “Niềm hy vọng ơn cứu độ dành cho trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội”, được Ủy ban Thần học quốc tế công bố vào năm 2007 cũng có ý nghĩa quan trọng. Trong văn kiện dài này, UBTHQT đã đưa ra một đánh giá tích cực về cơ sở thần học và phụng vụ của niềm hy vọng các trẻ này được cứu độ. Thế nhưng, đánh giá này không vượt ngoài niềm hy vọng. Đúng hơn, nó còn hai lần khẳng định rằng chúng ta không thể vượt quá niềm trông cậy thành sự hiểu biết chắc chắn. Trước hết, nó nhấn mạnh quan điểm này nơi đoạn kết thúc phần có tựa đề: “Những cơ sở để hy vọng”.

Chúng ta phải thừa nhận cách rõ ràng rằng Giáo hội không biết chắc về ơn cứu độ dành cho trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội. Giáo hội nhìn nhận và vinh danh các thánh Anh Hài, tuy nhiên số phận của phần đông trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội thì không được mặc khải cho chúng ta, mà Giáo hội chỉ giảng dạy và phán quyết theo những điều đã được mặc khải. Những điều chúng ta biết chắc về Thiên Chúa, Đức Kitô và Giáo hội cho chúng ta những cơ sở để hy vọng ơn cứu độ của các em[32].

Trong phần kết luận, văn kiện nhắc lại vấn đề này như sau:

Kết luận của chúng tôi là: nhiều yếu tố mà chúng tôi đã xem xét ở trên đưa ra những nền tảng vững vàng về thần học và phụng vụ cho niềm hy vọng vào việc trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội sẽ được cứu rỗi và hưởng phúc kiến Thiên Chúa. Chúng tôi nhấn mạnh rằng đây là những lý do để hy vọng cầu nguyện, hơn là để thừa nhận cách chắc chắn. Vẫn còn nhiều điều chưa được mặc khải cho chúng ta. Chúng ta sống nhờ vào niềm tin và trông cậy Thiên Chúa của lòng thương xót và tình yêu, Đấng được mặc khải cho chúng ta trong Đức Kitô, và nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy ta cầu nguyện không ngừng trong tạ ơn và vui mừng (1Tx 5,18)[33].

Tôi xin kết thúc bài nghiên cứu này bằng một câu hỏi: Giáo hội hiện đang quan niệm và giảng dạy gì về số phận của trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội? Có người có lẽ thích đặt vấn đề như thế này hơn: cha giải tội hoặc cha linh hướng nên nói gì với người phụ nữ phá thai, nếu cô hỏi ngài về tình trạng hiện tại của con mình? Câu trả lời của tôi là: chắc chắn là ngài không nên bảo là con cô hiện ở lâmbô vui hưởng niềm hạnh phúc tự nhiên, nhưng sẽ không bao giờ được vào thiên đàng. Đúng hơn, ngài nên bảo cô ấy rằng Giáo hội muốn cô trông cậy và cầu nguyện cho con mình được ở trên thiên đàng. Tuy nhiên, liệu ngài có thể đi xa hơn, và bảo cô rằng trong một lá thư gửi đến toàn thể Giáo hội Công giáo, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã bảo một người phụ nữ phá thai rằng con cô ta từ nay đang sống trong Chúa? Và rồi liệu vị linh mục đó có để những lời này của Đức Thánh cha an ủi cô? Hay là, ngài phải bảo cô rằng sau khi công bố lá thư, Đức Thánh cha đã rút lại điều ngài đã nói, bởi vì điều đó có thể đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chắc chắn rằng trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội thì được vào thiên đàng, mà chúng ta lại không thể chắc chắn điều đó, bởi vì nó chưa được mặc khải?

Ở đây tôi sẽ hỏi, chúng ta có chắc việc trẻ nhỏ chết chưa được rửa tội được vào thiên đàng có thực sự chưa được mặc khải hay không? Câu trả lời của tôi là có nhiều lý do chính đáng để tin rằng điều đó đã được mặc khải, một cách nào đó giống với cách thức mà tín điều Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được mặc khải, đó là, chúng ẩn tàng trong những sự thật được mặc khải cách minh nhiên. Về những sự thật được mặc khải mà theo đó ơn cứu độ dành cho trẻ nhỏ chưa được rửa tội được mặc khải cách mặc nhiên, tôi sẽ đưa ra hai điều: ý muốn thật sự của Thiên Chúa về ơn cứu độ dành cho hết thảy mọi người, và tình yêu dịu vời của Ngài đối với trẻ nhỏ, đã được Đức Giêsu mặc khải khi Ngài nói với các môn đệ của mình: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Tôi nghĩ rằng bất cứ ai suy gẫm nghiêm túc về hai sự thật nêu trên và hiểu những lời này theo sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho trẻ nhỏ chết nhưng chưa được rửa tội, có thể đi đến việc tin rằng với lòng thương xót đầy tình yêu, Thiên Chúa sẽ ban cho các em điều mà bí tích rửa tội hẳn sẽ mang lại, để không có gì có thể cản trở các em đến với Ngài và sống bên Ngài mãi mãi.

 

[1] Francis A. Sullivan, S.J., “The Development of Doctrine about Infants Who Die Unbaptized,” Theological Studies 72.1 (2011): 3-14.

[2] Augustine, Enchiridion ad Laurentium c. 93 (PL 40, 275).

[3] Anselm of Canterbury, De conceptu virginali et de originali peccato c. 28, in Opera omnia, 6 vols., ed. F. S. Schmitt (Edinburgh: T. Nelson, 1946–1961), 2:170–71.

[4] Hugh of St. Victor, Summa sententiarumtract. 5, cap. 6 (PL 176, 132).

[5] Peter Abelard, Commentaria in Epistolam Pauli ad Romanos, liber II (Corpus Christianorum, Continuatio Mediavaelis 11), 169–70.

[6] Peter Lombard, Sententiae, Lib. II, dist. 33, cap. 2.

[7] Innocent III, Maiores ecclesiae causas, Letter to Humbert, Archbishop of Arles (DS 780).

[8] Thomas Aquinas, In II Sent., d. 33, q. 2, a. 2; De malo q.5, a. 3, 4.

[9] Pius VI, Bull Auctorem fidei (1794) (DS 2626).

[10] Vatican I, Schema reformatum constitutionis dogmaticae de doctrina catholica, cap. 5, no.6, in Acta et decreta sacrorum conciliorum recentiorum: Collectio lacensis, 7 vols. (Freiburg: Herder, 1870–1890), 7:565.

[11] William A. Van Roo, S.J., “Infants Dying without Baptism: A Survey of Recent Literature and Determination of the State of the Question,” Gregorianum 35 (1954): 406–73.

[12] Ibid., 472.

[13] Ibid., 473.

[14] x. Giuseppe Alberigo và Joseph A. Komonchak, eds., History of Vatican II, 5 vols. (Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1995–2006), 1:245.

[15] Ibid., 310.

[16] Ibid., 311.

[17] Các văn kiện bằng tiếng Anh của Công đồng Vatican II mà tôi sử dụng trong bài này được lấy từ Norman P. Tanner, ed., Decrees of the Ecumenical Councils, 2 vols. (Washington: Georgetown University, 1990).

[18] Herbert Vorgrimler, ed., Commentary on the Documents of Vatican II (New York: Herder & Herder, 1967–1969), 5:162.

[19] Thomas Aquinas, Summa theologiae 3, q. 64, a. 7.

[20] Jean Galot, S.J., “La salvezza dei bambini morti senza battesimo,” La civiltà Cattolica 122 (1971), 228–40.

[21] x. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (Hà Nội : NXB Tôn giáo, 2010), số 1035: “Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Người con người mới có thể có được sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng”.

[22] Vatican II, Sắc lệnh về Đại kết, Unitatis redintegratio 11.

[23] Galot, “Salvezza,” 239–40.

[24] Order of Christian Funerals Approved for Use in the Dioceses of the United States of America (New York: Catholic Book, 1989) các số: 278, 282, 289, 293, 322, 325. Xem Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hôi đồng Giám mục Việt Nam, Nghi thức An táng (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2014). Sách Nghi thức An táng này chỉ có các bản văn Kinh thánh dùng trong nghi thức an táng trẻ nhỏ, nhưng không có nghi thức phó dâng từ biệt cho trẻ nhỏ đã hoặc chưa được rửa tội. Phần dịch tiếng Việt là của người dịch.

[25] ĐHY Joseph Ratzinger và Vittorio Messori, The Ratzinger Report: An Exclusive Interview on the State of the Church, trans. Salvator Attanasio và Graham Harrison (San Francisco: Ignatius, 1985), 147.

[26] CDF, Pastoralis actioActa Apostolicae Sedis (AAS) 72 (1980), 1137–58.

[27] Ibid., 1144.

[28] John Paul II, The Gospel of Life no. 61 (Washington: U.S. Catholic Conference, 1995), 109.

[29] Ibid., no. 99, 177–78.

[30] John Paul II, Evangelium vitae, no. 99, AAS 87 (1995), 515.

[31] International Theological Commission, truy cập ngày 16/8/2010, http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20070419_un-baptised-infants_en.html.

[32] Ibid,. no. 79.

[33] Ibid., no. 103.