Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA LÀ GÌ?
Victor Cancino S.J
Chúa nhật XXXI Thường niên B
Đnl 6,2-6; Tv 18; Dt 7,23-28; Mc 12,28-34
Các bài đọc Chúa nhật trước đã giới thiệu câu chuyện anh mù Bartimê quyết định đi theo Đức Giêsu dù rằng anh có thể chọn ở lại Giêrikhô. Các bài đọc Chúa nhật XXXI Thường niên B hôm nay giới thiệu một vài đoạn văn chính yếu mà theo một số người, nó tóm lược toàn bộ Kinh thánh. Những bài đọc này làm sáng tỏ ý nghĩa của việc tuân theo tư tưởng của Thiên Chúa. Chúng trả lời cho vấn đề: Mục đích của con người là gì? Và cũng ngụ ý câu hỏi: Thiên Chúa xét như là Chúa có ý định gì? Trả lời cho câu hỏi thứ hai về Thiên Chúa thì cũng gần như trả lời cho câu hỏi thứ nhất về con người.
Năm cuốn sách đầu của Kinh thánh gọi là Ngũ thư (tiếng Do Thái là Torah), đặc biệt thánh thiêng đối với người Do Thái. Có một câu trong Ngũ thư đóng vai trò là qui tắc nền tảng của Do Thái giáo, gọi là Shema, theo từ Do Thái đứng đầu trong câu, có nghĩa là “Hãy nghe đây!” Toàn bộ Shema này được nhắc đến trong bài đọc I. “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất!” (Đnl 6,4). Việc đáp lại lời mặc khải và tuyên xưng này được giải thích rõ ràng ở câu tiếp theo: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi” (Đnl 6,5). Ba yếu tố: tấm lòng, linh hồn và sức lực là ba cách nhấn mạnh đến một ý hướng duy nhất là hết lòng đi theo Thiên Chúa và không giữ lại điều gì. Việc tập trung thiết yếu này giúp định hình mục đích cuộc sống vào việc yêu mến Thiên Chúa bằng hành động của con người.
Đức Giêsu hiểu rõ tâm điểm của lời kinh Shema nơi thực hành thiêng liêng của người Do Thái. Chương 12 Tin mừng Máccô là một loạt các câu hỏi khó nhất dành cho Thầy Giêsu để gài bẫy nếu Ngài đưa ra câu trả lời không thuyết phục. Giống như mùa bầu cử, người ta cũng đặt ra các câu hỏi cho các ứng viên như những cách thức kiểm tra đường lối của họ. Tuy nhiên, trong bài Tin mừng tuần này, một luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu về vấn đề thực tế liên quan đến những nguyên tắc cốt lõi của đức tin Do Thái giáo, và Ngài đã không làm ông thất vọng. Trích dẫn lời kinh Shema, nhưng Đức Giêsu còn thêm vào một điều nữa mà Ngài tin rằng được ngụ ý nơi lệnh truyền [Shema] này, Ngài nói: “Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc 12,31).
Theo Đức Giêsu, hai giới răn này chính là giáo huấn nền tảng của Kinh thánh. Vị luật sĩ nhận ra rằng hai giới răn quả thực đáng giá hơn mọi lễ toàn thiêu và lễ hy sinh. Thực ra, quan niệm này mang lại ý nghĩa cho việc hy tế. Một của lễ sâu xa, có ý nghĩa là một nỗ lực hằng ngày kính mến Thiên Chúa, yêu thương con người. Của lễ toàn thiêu cụ thể hóa lòng kính mến, yêu thương này. Bài Tin mừng cho thấy Đức Giêsu đã thấm đẫm lời kinh Shema, đến mức hy sinh mạng sống mình tại Giêrusalem.
Các bài đọc hôm nay ngụ ý một suy tư cuối cùng. Thiên Chúa muốn gì? Ý định chung cục của Ngài là gì? Kinh thánh có cho thấy ý tưởng này dẫn đến điều gì không? Thông điệp mới đây của Đức Phanxicô, Dilexit Nos (“Người đã yêu thương chúng ta”), gợi ý một câu trả lời. Đức Giêsu mặc khải ý định và tấm lòng của Thiên Chúa Cha, đó chính là yêu thương chúng ta. Phải mất cả đời để học cách làm rõ câu trả lời trước tình yêu này với trọn cả tấm lòng, linh hồn và sức lực.
CẦU NGUYỆN
Điều gì xuất hiện đầu tiên trong đời sống đức tin của chúng ta?
Việc yêu mến Thiên Chúa đối với đời sống của chúng ta quan trọng như thế nào?
Phải chăng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là điều quan trọng nhất cần ghi nhớ?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (29/10/2024)
Tin liên quan