×

Giỏ hàng

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô theo mẫu gương hy sinh phục vụ của Chúa
Lượt xem:261   Ngày đăng: 2022-06-18 20:01:23

MỪNG LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ THEO MẪU GƯƠNG HY SINH PHỤC VỤ CỦA CHÚA

Jaime L. Waters

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm C

St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

Chúng ta tưởng niệm Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cách đặc biệt trong Chúa nhật này. Các bài đọc làm nổi bật bữa tiệc cụ thể và thiêng liêng mà chúng ta tham dự trong Bí tích Thánh Thể. Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm nay trùng với Ngày của Cha (1) có thể gợi lên những suy tư mới về ngày lễ trọng này.

Bài đọc một trong sách Sáng thế nói về tư tế Menkixêđê, qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Ápram (sau này được đổi tên thành Ápraham) sau khi Ápram giải cứu cháu mình là Lót khỏi bị bắt cóc. Menkixêđê dâng bánh và rượu, chia sẻ những lễ vật này và chúc phúc cho Ápram. Mặc dù chúng ta không biết nhiều về Menkixêđê, thế nhưng ảnh hưởng của ông là rất lớn, vì ông được xem là vị tư tế đến muôn đời và Chúa Giêsu được kể là thuộc về dòng dõi tư tế Menkixêđê.

Bài Tin mừng theo Thánh Luca cũngnêu bật việc bẻ bánh, qua câu chuyện Chúa Giêsu nuôi dưỡng đám đông chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá. Ngài chúc lành và phân phát của ăn làm no thoả dân chúng. Trình thuật nổi tiếng này dạy chúng ta nhiều điều về việc quan tâm đến những ai túng thiếu, vì Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc phục vụ và nuôi dưỡng. Mặc dù Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, bẻ bánh và ban phép lành, nhưng Ngài vẫn hướng dẫn các môn đệ phân phát thức ăn để họ cùng cộng tác vào việc nuôi dưỡng đám đông. Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Chính anh em hãy cho họ ăn” để đáp lại lời đề nghị giải tán dân chúng của các ông. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô nhắc nhớ chúng ta hãy hòa mình với những nhu cầu của thế giới, chứ không chỉ tập trung vào nhu cầu riêng của bản thân.

Suy gẫm những bản văn Kinh thánh của Lễ Mình Máu Thánh Chúa trong khung cảnh Ngày của Cha cũng là điều thích hợp, vì cả Ápram và Chúa Giêsu đều thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu của tha nhân và chúng ta tôn vinh những người cha vì điều đó. Trong sách Sáng thế, khi gặp Menkixêđê, Ápram vẫn chưa phải là một người cha mặc dù ông sẽ trở thành cha của các dân tộc, đó là ý nghĩa tên của Ápraham. Tuy nhiên, với tư cách là một người chú, ông can thiệp vào việc cháu trai bị bắt cóc trong cuộc chiến, cho thấy sự tận tâm của ông đối với gia đình, dòng họ. Chúa Giêsu trong bài Tin mừng cũng thể hiện những đặc nét có thể nối kết với những người cha tốt lành và những người nam quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Ngài phê bình lối sống chỉ biết đến mình và hướng dẫn các môn đệ chia sẻ phúc lành của họ với người khác. Nhân Ngày của Cha, các bài đọc trong lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta hãy biết ơn những người cha và người anh trong cuộc đời, như các môn đệ, chúng ta hãy học hỏi và trưởng thành từ những trải nghiệm mà chúng ta có đối với họ.

Khi mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa trùng với Ngày của Cha vào Chúa nhật này, chúng ta được nhắc nhở tập trung vào đời sống của cộng đoàn và thế giới xung quanh chúng ta, lấy nguồn cảm hứng từ hy tế của Đức Kitô và nối tiếp sứ vụ hy sinh, phục vụ của Ngài trong cuộc đời chúng ta.

Đây cũng là điều mà Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II viết trong thư gửi cho Đức Giám mục Liège ngày 26/6/1996: Qua việc tôn sùng Thánh Thể, người kitô hữu góp phần biến đổi thế giới cách kỳ diệu và gieo vãi Tin mừng. Bất cứ ai cầu nguyện với Chúa Cứu Thế sẽ lôi kéo và nâng thế giới đến với Chúa. Những ai đặt mình trước Thiên Chúa sẽ chu toàn một công việc nổi bật. Họ trình diện cho Chúa Kitô những ai chưa biết Chúa hay còn cách xa Ngài: các kitô hữu dõi theo sự hiện diện của Chúa thay cho họ.

Ước mong khi mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô chúng ta sẽ trở thành những người lính canh của Bí tích Thánh Thể để mang lại vinh quanh cho Thiên Chúa và ơn cứu rỗi cho các linh hồn.

------------------------------

(1) Ngày của Cha (Father’s day) là một ngày lễ tôn vinh quyền làm cha, cũng như ảnh hưởng của những người cha trong gia đình và xã hội, được nhiều nước ở phương Tây tổ chức vào những thời điểm khác nhau tùy quốc gia.

Tại Hoa Kỳ, ngày 24/4/1972, Tổng thống Nixon đã chính thức ký văn bản, ấn định ngày Chúa nhật thứ ba của tháng 6 hàng năm là Ngày của Cha tại Hoa Kỳ và từ đó trở thành ngày kỷ niệm trên toàn quốc.

 

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine và Catholicexchange.com