HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ VỀ MỤC VỤ VÀ HỌC TẬP
Từ ngày 22-25/5/2024, Đại Chủng viện Sao Biển đã tổ chức các chuyên đề hội thảo nhằm giới thiệu và cung cấp những kiến thức cần thiết cho các chủng sinh về các đoàn thể Công giáo tiến hành cũng gọi là các đoàn thể tông đồ giáo dân, chương trình đào tạo Giáo lý, Caritas, dinh dưỡng và sức khỏe và cách thức nâng cao việc học tiếng Anh tại Đại Chủng viện.
Ngày 22/5/2024, mở đầu cho ngày hội thảo đầu tiên Cha Phêrô Nguyễn Thời Bá, quản xứ Tân Bình và Hạt trưởng hạt Cam Lâm trình bày đề tài “Các đoàn thể Công giáo tiến hành trong Giáo hội hiệp hành”. Bắt đầu buổi chia sẻ, cha đã gợi nhớ lại lời căn dặn của cha giám đốc khi cha còn ở Tiểu chủng viện: “Để làm một linh mục triều, chúng con phải nhớ hai điều là: sống với Chúa và thao thức chăm lo cho các linh hồn”. Qua đó, Cha Phêrô nhận thấy rằng các đoàn thể Công giáo tiến hành là phương pháp khá hữu hiệu để chăm sóc các linh hồn, nên có thể nói nơi nào có nhiều đoàn thể nơi đó giáo xứ sống động và đạt được nhiều thành công.
Nội dung trình bày gồm phần 3 chính: Công giáo tiến hành: Một cộng đoàn hiệp thông; Một cộng đoàn tham gia; và Một cộng đoàn sứ vụ (Tân Phúc Âm Hóa).
Kế đến, Cha Phêrô Ngô Ngọc Lắm, quản xứ Đồng Hộ và đặc trách Hội Các Bà Mẹ Công giáo, trình bày về về sự hình thành của hội “Các Bà Mẹ Công giáo” qua sắc lệnh của Tòa Thánh vào ngày 11/3/1856, cũng như mục đích, cùng những thuận lợi và khó khăn của hội hiện nay. Tại Giáo phận Nha Trang, hội “Các Bà Mẹ Công giáo” đang hiện diện tại 104 giáo xứ trên tổng số 116 giáo xứ, với hơn 6.000 hội viên.
Legio Mariae hay Đạo Binh Đức Mẹ là đoàn thể được hai ông Simon Phùng Hữu Thành và ông FX Nguyễn Văn Lâm giới thiệu tổng quát về tổ chức, mục đích, điều kiện gia nhập và nhiệm vụ hoạt động. Đây là một đoàn thể nhằm thánh hóa bản thân và phục vụ phần rỗi các linh hồn, bằng lời cầu nguyện và bằng hoạt động tông đồ như thăm viếng, nhất là những gia đình hay cá nhân gặp khó khăn, dạy giáo lý tân tòng... Tại Giáo phận Nha Trang hiện có khoảng 10.000 hội viên trưởng thành (senior, trên 18 tuổi) và hội viên thiếu niên (junior, dưới 18 tuổi) gồm hội viên hoạt động và tán trợ.
Hội thảo đã diễn ra cách sinh động với những vấn đề rất thực tế từ môi trường giáo xứ. Qua đó, các chủng sinh có cơ hội để đặt ra nhiều câu hỏi và nhận được sự giải đáp thuyết phục từ kinh nghiệm quý báu của quý cha và quý ông điều hành Regia của Legio Mariae tại giáo phận Nha Trang.
----------------------------
Vào buổi chiều ngày 22/5/2024, hội thảo về Tổ chức và hoạt động của Ban Giáo lý do Cha Phêrô Nguyễn Văn Mân, quản xứ Bắc Thành và Trưởng ban Giáo lý Giáo phận Nha Trang và Thầy Phạm Đình Tú trình bày. Mở đầu, Cha Trưởng ban đã giới thiệu cơ cấu tổ chức và hoạt động giáo lý trên toàn quốc, cũng như tại Giáo phận Nha Trang. Qua phần trình bày, Cha đã cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm về việc huấn giáo cho thanh thiếu niên tại Giáo hội Việt Nam nói chung và tại Giáo phận Nha Trang nói riêng.
Tiếp nối, Thầy Phạm Đình Tú trình bày đề tài “Giáo xứ và các em học sinh giáo lý” qua hai phần chính:“Giáo xứ dạy các em làm người và Giáo xứ dạy các em làm Kitô hữu. Thầy Phạm Đình Tú cho thấy môi trường giáo xứ rất quan trọng vì nơi đây không chỉ dạy cho các em biết các điều cần phải tin, các việc phải giữ hay những kiến thức về Kinh thánh, Phụng vụ, Lịch sử Hội Thánh, giáo huấn của Giáo hội,… mà còn dạy cho các em các đức tính nhân bản, cách đối nhân xử thế và làm người trong cuộc sống.
-------------------------
Ngày 23/5/2024, chuyên đề về “Caritas” do Cha Phêrô Trần Huy Hoàng, quản xứ Thanh Hải và Giám đốc Caritas Giáo phận Nha Trang trình bày. Cha đã nêu lên ý nghĩa, nguồn gốc của Caritas. Caritas là tên gọi chung của toàn thể hệ thống từ thiện Công giáo quốc tế, là một tổ chức bác ái trên phạm vi toàn cầu của Hội thánh Công giáo. Tại Việt Nam, Caritas đã được thành lập vào năm 1965 nhưng do tình hình xã hội nên tổ chức đã ngưng hoạt động vào năm 1976. Ngày 2/7/2008, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tái thiết lập Caritas Việt Nam để hoạt động tại 27 giáo phận.
Trong phần trình bày, Cha đã cho biết các tiêu chí của Caritas Việt Nam là: thăng tiến và phát triển con người toàn diện; sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc; phát huy tinh thần yêu thương bác ái, liên đới giữa con người trong xã hội; người Công giáo tốt là người công dân tốt; giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai, dịch bệnh và cuối cùng là vấn đề môi trường.
Sau phần trình bày của Cha Giám đốc Caritas Nha Trang, các chủng sinh đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của Caritas. Trong đó, môi trường là một trong những vấn đề được các chủng sinh thảo luận rất nhiều. Nhìn chung, Cha Giám đốc Caritas Nha Trang và các chủng sinh rất thao thức và quan tâm làm sao để môi trường xung quanh Chủng viện được chăm sóc, gìn giữ và phát triển một cách tốt đẹp nhất.
--------------------------
Để giúp các chủng sinh hiểu rõ hơn về sức khỏe và dinh dưỡng, sáng 24/5/2024, chuyên đề “Dinh dưỡng hợp lý – Nền tảng sức khỏe” do Giảng viên -Thạc sĩ Nguyễn Văn Chường của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương-Nha Trang trình bày.
Với hai nội dung chính: các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và dinh dưỡng hợp lý – nền tảng của sức khỏe, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chường đã cho các chủng sinh thấy được vai trò và sự cần thiết của các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Các chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe cũng như sự tăng trưởng về tầm vóc và trí tuệ của con người. Nếu chúng ta có một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng thì sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và tránh nguy cơ mắc phải nhiều loại bệnh lý.
Sau phần trình bày của Thạc sĩ Nguyễn Văn Chường, các chủng sinh đã đưa ra một số câu hỏi liên quan về chế độ ăn uống cũng như thực trạng mà các chủng sinh đang gặp phải. Chẳng hạn như: Tại sao cùng một chế độ ăn uống mà có người tăng cân nhiều, có người lại chẳng tăng cân? Hay sử dụng các thực phẩm chức năng lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Với những giải đáp về chế độ ăn uống hợp lý, hay chỉ số khối cơ thể (BMI) của mỗi người, cũng như sử dụng vừa đủ các chất bổ sung đã giúp cho các chủng sinh hiểu rõ hơn về nguồn dinh dưỡng cần thiết, cũng như hiện trạng sức khỏe của mỗi người.
----------------------
Vào buổi chiều ngày 24/5/2024, các thầy từ lớp Tu Đức đến lớp Thần học 4 đã có buổi trình bày những dự án nhằm giới thiệu những phương án có thể giúp cải thiện môi trường xung quanh Chủng viện theo Thông điệp Laudato Si' của Đức Phanxicô.
Lớp Tu Đức: Cải tiến, tận dụng nguồn năng lượng từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Lớp Triết học 1: Tái chế rác hữu cơ để trồng rau.
Lớp Triết học 2: Tái chế bã cà phê để khử mùi và trồng cây cảnh.
Lớp Thần học 1: Trồng thêm canh xanh lọc khí xung quanh Chủng viện.
Lớp Thần học 2: Ý tưởng về điện tuần hoàn tại Chủng viện.
Lớp Thần học 3: Phủ xanh tường Chủng viện bằng cây hoa dạng leo.
Lớp thần học 4: Tái chế vỏ chuối làm phân hữu cở và tái sử dụng nước giặt giũ cho nhu cầu vệ sinh.
Dự án cuối cùng của một số ban chuyên môn: Tận dụng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt ở Chủng viện.
---------------------------------
Ngày 25/5/2024, hội thảo cuối cùng về Đề nghị giải pháp nâng cao việc học tiếng Anh tại Chủng viện do Sr.Châu Phúc, Phó Tổng Phụ trách Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ - Nha Trang, tiến sĩ giáo dục; Thầy Phạm Đức Sử, tiến sĩ ngôn ngữ; Cha Simon Nguyễn Phú Cường, quản xứ Vĩnh Hòa và cha Giám đốc Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến trình bày.
Về “Động lực học tiếng Anh” Sr. Châu Phúc trình bày các nội dung chính: Câu chuyện truyền cảm hứng, động lực và phương pháp tiếng Anh, thuyết thủ đắc ngôn ngữ, và kinh nghiệm cá nhân về việc học tiếng Anh khi du học tại Hoa Kỳ. Qua những nội dung trên, Sr Châu Phúc đã truyền cảm hứng cho các thầy về động lực để học tiếng Anh cũng như đưa ra kết luận ngắn gọn, súc tích với các tiêu chí như: Cần phải có niềm tin vào bản thân, xác định mục đích, sử dụng phương pháp linh động, thực hành thường xuyên và cuối cùng là tìm kiếm sự hỗ trợ.
Tiếp đến, phần trình bày ngắn của Thầy Phạm Đức Sử về việc “Học và sử dụng tiếng Anh”. Với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ, Thầy đã nêu lên những nguyên tắc học và sử dụng tiếng Anh như: Điều kiện cần phải có (thích – cần – buộc); Nguyên tắc như: Học – sử dụng; Sắp sẵn (Thời gian - dụng cụ - nội dung); bền bỉ - đều đặn - cố thêm; tìm bạn - tìm thầy - tìm dịp/cơ hội để thực tập. Qua những chia sẻ trên, Thầy Phạm Đức Sử đã giúp các chủng sinh hình dung được chương trình và kế hoạch học tập một cách thiết thực, cụ thể và hiệu quả.
Sau đó là phần chia sẻ về việc “Sử dụng tiếng Anh trong dịch thuật và nghiên cứu” của cha Simon Nguyễn Phú Cường. Với kinh nghiệm sử dụng tiếng Anh trong dịch thuật và nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu Lời Chúa, cha đã chỉ cho các chủng sinh thấy được sự cần thiết của tiếng Anh khi tiếp xúc với những nguồn tài liệu phong phú khác ngoài tiếng Việt. Nếu không sử dụng tiếng Anh, chúng ta sẽ tự giới hạn bản thân mình. Học tiếng Anh là chìa khóa mở ra kiến thức cho bản thân và cho việc chu toàn sứ vụ linh mục.
Sau cùng là phần trình bày của Cha Giám đốc Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến về “Lý do và lợi ích của học tiếng Anh”. Cha Giám đốc đã đưa ra các lý do để học tiếng Anh như: xu hướng chung của xã hội và Giáo hội; yêu cầu của chương trình đào tạo trí thức tại các Đại Chủng viện; phục vụ cho việc học hỏi và việc thi cử nhân Thần học (STB), một khuyến khích của đào tạo tri thức. Về lợi ích, có thể kể ra 4 lợi ích: 1)Tự tin giao tiếp và liên lạc với người nước ngoài; 2) Lợi ích trong việc học tập, làm bài ở Chủng viện và mục vụ giáo xứ; 3) Gia tăng hiểu biết khi có cơ hội tiếp xúc với các diễn giả nước ngoài, như các giám mục, linh mục, tu sĩ…; 4) Phục vụ nhu cầu học tập và mục vụ sau khi tốt nghiêp chủng viện trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.
-------------------------
Tin liên quan