×

Giỏ hàng

Thần học Luân lý: Một cái nhìn mới (4)
Lượt xem:700   Ngày đăng: 2023-03-19 09:59:22

Chương 4

LỊCH SỬ THẦN HỌC LUÂN LÝ[1]

 

Tại sao ta phải tìm hiểu lịch sử môn luân lý? Louis Vereecke, người viết sử lừng danh của môn luân lý, trong cuốn: "Lịch sử và luân lý" (Histoire et Morale) đã bình luận như sau:

"Nhà luân lý muốn tìm hiểu khoa thần học luân lý cho chính xác thì cần phải biết lịch sử của nó; thực tế nếu không biết, người ta không thể nào nắm bắt được bản chất của thần học luân lý".

Ông ta tiếp tục dòng suy nghĩ mà cho rằng, sở dĩ ta xem thường tầm quan trọng của lịch sử thần học luân lý là vì đã khởi sự với tiền đề sai lầm như sau: "Tin Mừng không bao giờ thay đổi hoặc phát triển thêm, bản tính nhân loại không bao giờ thay đổi hoặc phát triển thêm, luật tự nhiên không bao giờ thay đổi hoặc phát triển thêm. Thần học luân lý cũng vậy không bao giờ thay đổi hoặc phát triển thêm."

Ta không thể so sánh Tin Mừng với giảng trình khoa thần học luân lý ngày nay, cũng như không thể so sánh những tác phẩm của thánh Tô-ma (Tổng luận Thần học chẳng hạn), với Tin Mừng trên những vấn đề luân lý. Thần học luân lý là môn học chứa đựng cả triết học, Kinh Thánh, xã hội học, tâm lý học v.v. Nó cũng được nối kết với, cũng như được diễn tả qua, những nền văn hóa khác nhau, đáp ứng những nhu cầu mục vụ khác nhau. Ta cần nhận ra những thông số này để tránh rơi vào thái độ chủ quan. Học lịch sử thần học luân lý cũng cần thiết cho việc xem xét mặt tiêu cực. Những sai lầm về phán đoán, lý luận và chú giải trong quá khứ, cũng như những hậu quả nghiêm trọng của các sai lầm trên.

Biết phân biệt giữa những mối quan tâm và yếu tố chính yếu, khỏi những gì tầm thường, phụ tùy.

Biết mở rộng tầm nhìn đối với những nền văn minh, giá trị, lối sống và hệ tư tưởng khác nhau, cũng như trong cố gắng đương đầu với những mối khó khăn đặc thù vào những giai đoạn khác nhau của lịch sử nhân loại.

Việc xét đến tính chất luân lý Kitô giáo đã xuất hiện từ xa xưa ngay chính thời Tân Ước, trong những giảng thuyết luân lý của Chúa Giêsu: Điều răn trọng nhất, Tám mối phúc thật; và các thư thánh Phaolô, tạo nên cốt lõi trung tâm của thần học luân lý. Bởi thế, học về lịch sử thần học luân lý, các tác giả thường khởi đầu với Tân Ước và tìm ra giải đáp cho thời đại mình, trải qua Công Đồng Tren-tô nơi các thủ bản, đến giáo huấn của Công đồng Vaticanô II; những giai đoạn trên, ta có thể bắt gặp trong cuốn Tự Do và Trung Tín Trong Đức Kitô của Thần học gia lỗi lạc DCCT người Đức, cha Bernard Haring và trong hai tập Đạo đức học Kitô giáo của Karl Peschke, cũng như trong tác phẩm của George V. Lobo và Timothy O'Connell.

Những năm gần đây lại thấy xuất hiện cách tiếp cận lịch sử khác của khoa Thần học luân lý, nghiên cứu những đề tài lớn, quan trọng đã làm thần học luân lý phát triển. Trong cuốn : "Sự hình thành của Thần học luân lý", John Mahoney chọn ra 8 đề tài lớn, sau đó khai triển từng đề tài theo mức độ chú ý riêng, ví dụ việc áp dụng thực hành Toà cáo giải. Ở đây ta sẽ sử dụng cách phân chia của Mahoney, kèm bổ túc thêm một vài suy tư về thời kỳ đầu của truyền thống Kitô giáo, bao gồm:

1. Luân lý thời Tân Ước: Chúng ta sẽ đề cập đến phần này trong chương bàn về Đạo đức học và Kinh Thánh.

2. Giáo hội thời sơ khai: Các giáo phụ đã có những nhận định về khó nghèo, chiến tranh, tính dục, ly dị, buôn bán nô lệ và đức khiết tịnh… Những vấn đề rất đáng quan tâm. Dầu vậy, những đề tài này đã không được triển khai theo độ dài cần thiết và riêng rẽ, mà lại được viết trải rải giữa hàng loạt các đề mục, và được rút ra sử dụng khi cần trong những hoàn cảnh cụ thể. Giáo huấn được tuần tự triển khai dựa trên nền thần học Do thái-Kitô giáo, nhấn mạnh trên tội lỗi; trên hai chiều hướng của lòng trí nhân loại: hướng thiện và hướng ác; hai loại thần thiêng: thần ánh sáng và thần bóng tối. Ví dụ trong cuốn The shepherd of Hermas, 12 người đàn bà mặc áo đen tượng trưng cho thần các thói xấu như ngờ vực, táo tợn, kiêu ngạo, giận dữ, tính hai lòng; và 12 cô trinh nữ tượng trưng cho các nhân đức. Rồi hai con đường, đường ánh sáng và đường tối tăm được triển khai trong sách trong Didache [Di huấn hay Huấn Đức của 12 Tông Đồ].

Học thuyết luân lý Kitô giáo thời kỳ đầu này cũng khai triển phổ biến ý niệm lòng dạ đơn thuần hoặc ý chí gắn bó vào Ý Thiên Chúa, như là tính đơn sơ của tâm hồn để chống lại tính nước đôi, hai lòng vốn là hành vi của Satan. Đề tài này có trong thư của Cle-men-tê hay trong Mục tử Hermas năm 145 A.D.

Song song với việc loại bỏ các nết xấu và trau giồi các nhân đức như dạ đơn thành nêu trên, còn thấy nhân tố thứ ba trong học thuyết luân lý thời kỳ này, đó là ngộ thuyết, mà tôi tạm gọi là tri thức Thần Linh [Gnosis], nhằm muốn thấu triệt những huyền nhiệm mà Chúa đã tỏ bày nơi lòng trí của những tôi trung Người và nỗ lực vươn tới sự khôn ngoan như Chúa đã từng hứa ban cho kẻ biết cố gắng sống tốt lành về mặt luân lý. Vào cuối thế kỷ II, Clément thành Alexandria phân biệt tri thức với sự mạc khải của Thiên Chúa. Tri thức giúp con người hiểu được mình và thế giới bao quanh, nhưng không đủ để dẫn đưa người tín hữu đến mục đích tối hậu đời mình. Cuộc sống hạnh phúc (vita beata) và cuộc sống vĩnh cửu (vita aeterna), vui hưởng toàn vẹn chân lý và thông hiệp với Chúa Kitô là những đòi hỏi phải vươn tới.

Lời thuyết giảng đạo đức học của Giáo hội sơ khai đã phải xét đến những lợi ích luân lý của thế giới Hy-La [Greco-Roman] lúc ấy. Do vậy, nhiều nhân tố trong các triết của khắc kỷ thuyết, lý tưởng Platon và thuật chiết trung[2] đã được ưu tiên ứng dụng trong những nguyên tắc luân lý Kitô giáo.

3. Các Giáo phụ: trải qua lịch sử môn thần học luân lý, ta thường thấy mối căng thẳng giữa lòng sốt mến Kinh Thánh và sự suy tư được hệ thống hóa; hay nói cách khác, một đàng khai thác kho tàng vô giá của Kinh Thánh và đàng khác triển khai suy tư thuần lý. Khi sử dụng lý trí để đối chiếu các triết thuyết, học thuyết đạo đức, luật tự nhiên với Lời mạc khải trong kho tàng Kinh Thánh, các vị ấy hẳn đã phải đắn đo rất nhiều. Có vài vị chỉ muốn giảng dạy luân lý dựa trên sự chú giải chi ly của Kinh Thánh, nặng ảnh hưởng của chủ thuyết duy văn tự [Fundamentalism], nhưng đôi khi với kết cuộc khá là ngộ nghĩnh: "Từ bé Origène [Origen] đã khá bối rối về đời sống luân lý của mình, và do thực lòng muốn đăt nó trên nền tảng Kinh Thánh, nên đã quyết định tự hoạn vì đã chú giải sai lạc Lời Chúa trong Mt 19, 12". Nói về sự tự nguyện sống khiết tịnh "… và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì nước trời."

Ta còn thấy nơi các giáo phụ giầu truyền thống Hy lạp đã chú giải bản văn đậm nét ngụ ý [allegorical] khi cho những thực tại trần thế biểu trưng cho những thực tại trên trời, ví dụ Sarah tượng trưng cho triết học, Hagar cho môn toán, Abraham như linh hồn say mê học tập. Cũng có sự vay mượn một vài phương pháp của các thầy Luật Sĩ [Rabbi] trong việc chú giải bản văn, ví dụ Clémentê thành Alexandria trong đoạn về người thanh niên giàu có.

4. Thời đại man di: Man dân [Barbarian] đến xâm chiếm đã gây ra biết bao bất ổn, tang thương khiến cho hoạt động suy tư thần học nên trì trệ, không có gì mới, sâu sắc. Trong giai đoạn này những bản văn của các giáo phụ được thu thập lại, sắp xếp và đối chiếu với nhau cho nó có hệ thống.

5. Ảnh hưởng của tòa cáo giải: Trong tác phẩm nghiên cứu những đề tài lớn, thiết yếu cho sự phát triển thần học luân lý, John Mahoney chọn ra tám đề tài trong tác phẩm "Sự hình thành của thần học luân lý", như ta đã từng nhắc đến. Ông gây chú ý bằng cách nêu lên tòa cáo giải: "Dẫu có thế nào đi chăng nữa, thì không thể nghi ngờ là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng mạnh mẽ làm phát triển môn thần học luân lý, đó là việc hình thành và triển khai bí tích cáo giải trong Hội thánh" (tr. 1). Ông cũng vạch cho thấy là càng nghiên cứu kỹ lưỡng việc xưng tội, càng thấy rõ những thế kỷ đã đóng góp những yếu tố quan trọng cho môn học này. Vậy, ngay từ đầu ta cần ghi nhớ công việc nghiên cứu của Mahoney đã được nhiều nhà thần học hết lời khen ngợi, nhưng cũng kéo theo sự phê bình, trong đó đáng kể là của tác giả Germain Grisez (x. Lịch sử thần học luân lý - The History of Moral Theology, trong tập san The Thomist, số 55, (1/1991), tr. 103-116). Grisez là một thần học gia luân lý được xếp vào nhóm bảo thủ.

Grisez phê bình Mahoney dựa trên năm luận điểm, mà cái chính yếu nhất như sau: "Mahoney sử dụng lịch sử để ủng hộ phe xét lại [Revisionists], đó là một vấn đề đang được tranh luận, hơn là đưa ra bài dẫn nhập lịch sử quân bình cho khoa thần học luân lý."

Mahoney từng là giảng sư thần học luân lý tại Đại học Heythrop, Luân Đôn; nay ông dạy tại Kings College, Luân Đôn.

Tác phẩm khác đề cập đến lịch sử thần học luân lý qua việc tập trung vào bí tích hối cải, đó là cuốn Time Past, Time Future: An Historical Study of Catholic Moral Theology [tạm dịch: Thời quá khứ, thời tương lai: Nghiên cứu lịch sử của nghành Thần học Luân Lý Công Giáo] của J. A. Gallagher, ông phê bình Mahoney là trong khi kiên trì tranh luận về tám nhân tố mà ông xem có ý nghĩa trong việc hình thành khoa thần học luân ly, thì ông lại không tập chú đủ trên những tổng luận mục vụ, hoặc trên những tổng luận thủ bản các cha giải tội (Summa Confessorum) dẫn đến việc triệu tập Công đồng Tren-tô. Theo Gallagher, việc đó cần thiết để thấu hiểu khoa thần học luân lý từ đầu cho đến khi không còn sử dụng các thủ bản này nữa. Vậy ta sẽ kết hợp cả hai suy tư này của Mahoney và Gallagher, xem xét một vài cuốn thủ bản giải tội, sách các cha giải tội, tổng luận thần học và những văn bản của Công đồng Tren-tô với những diễn tiến sau đó. Tất cả đều nối kết chặt chẽ với bí tích hối cải hay còn được gọi là bí tích giải tội, nhưng nay được gọi là bí tích hoà giải.

Thật ra còn nhiều điều chưa sáng tỏ về khoa bí tích hối cải trong những năm sơ khai của Hội Thánh, Tertullian từng nói: "Kỳ này tôi phải miễn cưỡng mà nói đến việc có phương thế khác để tha tội", nghĩa là có cách khác ngoài bí tích rửa tội. Một lần nữa trong tác phẩm "Về lòng khiêm hạ", Ông chống lại một thực hành do vị giám mục Carthage chỉ định, đó là việc tha thứ tội giết người, ngoại tình và chối đạo. Tertullian tin rằng những tội trên chống lại Chúa Thánh Thần và không thể được tha. Còn Thánh Cy-pri-a-nô trong tập "De lapsis" [lỗi lầm] đã lập luận để cho rằng những tội trên có thể được tha. Mặt khác Thánh Am-brô-si-ô phát biểu "Chỉ có một phép rửa, vì thế cũng chỉ có một sự xưng thú duy nhất". Trong thực tế vào năm 589 Công đồng Toledo dạy rằng việc lặp lại ơn hòa giải là một thói xấu. Vì thế nổi lên hai vấn đề lớn:

  1. a) Những tội nào có thể được tha sau khi chịu phép rửa?;
  2. b) Tội có thể được tha mấy lần, hay chỉ một lần?

Nếu chỉ được tha một lần duy nhất, dân chúng có khuynh hướng để việc xưng tội vào lúc nguy tử hay sắp chết, như vậy chắc ăn nhất, để bước vào sự chết và cuộc sống đời đời.

PHONG TRÀO NƠI NGƯỜI CELTIC.

Trong khi đó bên phía cực Tây của Châu Âu, khá phổ biến việc thực hành xưng tội riêng, ban phép tha tội và tội được tha nhiều lần. Dường như nó khởi sự như một tập quán trong dòng tu. Vị tu sĩ trẻ hay khấn sinh đặt mình dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của vị tu sĩ khôn ngoan và nhiều tuổi hơn. Nhưng việc này không chỉ đóng khung trong các tu viện mà còn lan tỏa nơi các thôn làng như là một công tác mục vụ. Nhiều sách giải tội đã được soạn thảo giúp các cha giải tội. Phần đông cho rằng cuốn sách đầu tiên thuộc loại này được viết khoảng những năm 500 bên xứ Wales và được gán cho Thánh Đa-Vit. Các tác giả ấn định việc đền tội dựa theo Thánh Kinh, theo tập tục dòng tu và theo phán quyết thiêng liêng của họ. Ta nên nhớ giáo phận không đứng ra tổ chức việc này và giám mục không có quyền tài thẩm [jurisdiction] tại xứ Wales và Ái-Nhĩ-Lan. Cho nên sách ra việc đền tội cung cấp cho các thày Dòng hàng loạt các việc đền tội ấn định cho các loại tội khác nhau. Nội dung thường xoay quanh những tội nặng như giết người, ngoại tình và thực hành pháp thuật. Ngoài ra còn chi li những tiểu tiết về tám tật xấu: mê ăn uống, dâm dục (hai mươi hai loại), hà tiện, giận dữ, rẫy bỏ vợ (chồng), làm biếng, khoe khoang.

Về việc đền tội cho tội giết người có chủ mưu phải chịu mười năm biệt xứ, còn ngộ sát phải chịu sáu năm. Cũng còn những việc thực hành khác như hành hương, kiêng ăn, kiêng quan hệ tình dục, kiêng ngủ và bố thí cho người nghèo. Gallagher nhận xét: "Những thủ bản này của toàn bộ nền văn hóa Kitô giáo thời sơ khai, cho thấy nỗ lực lớn lao nhất nhằm níu kéo người tín hữu, trong nỗi yếu hèn của họ xích gần lại với  Thiên Chúa - Đấng hằng sống". "Những gì giới linh mục - tu sĩ, vốn chưa được huấn luyện kỹ, có trong tay là nhằm vào phần việc chữa lành".

Những thủ bản ra việc đền tội như thế đã được phổ biến rộng rãi từ thế kỷ VI đến thế kỷ X.

THỦ BẢN RA VIỆC ĐỀN TỘI CỦA THÉODORE

"Tiền trộm từ nhà thờ phải đền lại gấp bốn, tiền trộm người bình thường được đền lại gấp hai lần".

Về mối liên hệ giữa những sách giải tội với thế giới văn hóa Celtic, xin xem Harold Berman, Law and Revolution: The Formation of the Western Legal System. (Luật lệ và Cách mạng: Sự Hình thành Hệ thống Pháp lý Tây phương). Do vậy các thủ bản ra việc đền tội, sản phẩm của Kitô giáo mang dấu ấn dòng tu và truyền thống văn hóa Celtic đã do các thày tu Celtic đem phổ biến sang Đức, Thụy Sĩ và Bắc Âu. Hàng giáo phẩm Châu Âu dứt khoát không chuẩn nhận thứ văn chương vốn không nhất quán và vô thẩm quyền trong các cẩm nang giải tội này. Năm 813, Charlemagne triệu tập Công đồng nhằm cố gắng kiểm soát những thủ bản đang lưu hành về lề lối thực hành việc đền tội này.

THÁNH TÔ-MA A-QUI-NÔ VÀ LỀ LUẬT MỚI

Thánh Tô-ma, được gọi là nhà thần học của Luật Mới, nói tới Lex Nova trong những bài chú giải Thánh Kinh của ngài và trong Tổng Luận Thần Học, trong đó dưới đề tựa 'De Lege Evangelii quod dicitur Lex Nova' (Luật của Tin Mừng cũng được gọi là Luật mới). Thánh nhân khảo sát Luật Mới trong ba luận đề nơi Prima Saecundae: S.T. I-II, q.106, 107, 108. Mỗi luận đề lại chứa bốn khoản [art 1,2,3,4]. Ta sẽ thấy học thuyết về Luật Mới của ngài tác động và soi dẫn như thế nào cho những ai đang cố gắng ra sức canh tân khoa Thần học Luân lý.

Theo thánh Tô-ma, nguyên tố cốt lõi của Luật Mới là ân sủng. Nói cách khác, điều nổi bật nơi Luật thời Tân Ước mà từ đây phát sinh mọi hiệu quả, đó là ân sủng Thần Khí tuôn đổ trên các tâm hồn đã tin tưởng vào Chúa Kitô. Lề Luật Mới này là 'Luật Nội Tâm' được gieo trồng nơi các tâm hồn. Đó là luật đức tin và sự sống thần linh. Thánh nhân so sánh ân sủng Thần Khí tựa như một thói quen nội tâm đã thuần thục nơi con người khiến ta hành động phải lẽ. Nó làm cho người tín hữu có khả năng tự nguyện làm những gì thuộc về ân sủng và xa lánh những gì chống lại ân sủng.

1. Khía cạnh chính yếu của luật mới

Điều chính yếu trong lề luật mới và thiếu vắng trong lề luật cũ, chính là sức mạnh của Thần Khí trong từng con người, và chỉ với ân huệ này của Chúa Thánh Thần mà người ta, nam cũng như nữ, có thể tự nguyện, không mảy may miễn cưỡng, biết sống phù hợp với sứ điệp của Chúa Kitô. Theo nghĩa đó, tín hữu sống dưới ảnh hưởng của Thánh Linh sẽ không còn ở dưới chế độ lề luật nữa (Gal 5,18), bởi nơi họ hành động và sức thôi thúc của Thần Khí chỉ là một. Nói cách khác, đức ái thôi thúc ta hành động theo đúng chỉ thị của giới luật, và cung cách hàng động không còn là gánh nặng, bởi tình yêu biến gánh nặng nên nhẹ nhàng. Do vậy, sống theo Thần Khí có nghĩa lòng tin thực hiện hành vi nhờ đức ái.

2. Luật cũ và luật mới

Thánh Tôma nêu bật tính khác biệt giữa luật cũ, luật gây sợ hãi [lex timoris], với luật mới là luật tình yêu [lex amoris]. Luật cũ gọi là luật sợ hãi bởi nó bó buộc con người vâng phục những chỉ thị qua sợ hãi hay hình phạt. Nó cũng hứa ban những sự chúc phúc tạm thời. Cả hai yếu tố trên là những phương thế bên ngoài để người ta giữ luật bên ngoài. Người Kitô hữu, ở phương diện khác, được đầy dẫy ơn Thánh Linh sẽ biết hành động chỉ vì tình yêu đối với sự thiện hảo chứ không bởi những ban thưởng hay hình phạt bên ngoài nào.

Chúa Thánh Linh không chỉ gia tăng sức mạnh hay thúc đẩy tín hữu hành động. Người còn tiếp tục dạy bảo và hướng dẫn. Trong những bài chú giải Thánh Kinh, Thánh Tôma thường xuyên nói đến chức năng của Chúa Thánh Linh, như vị thày, vị lãnh đạo dạy bảo tín hữu từ trong thâm tâm biết thực hiện điều mình phải làm. Trong nhiều bản văn, thánh nhân đề cập đến sự dạy bảo bên trong này của Chúa Thánh Thần, ta thấy rõ không chỉ hành động dạy bảo nội tâm của Thánh Linh là quan trọng mà còn có hoạt động của trí khôn con người dưới tác động của Thánh Linh. Ân sủng Thần khí tác động xuyên qua cả ý chí lẫn lý trí con người, soi dẫn lý trí sáng suốt và hướng ý chí đến hành vi chính trực (xem Peschke, Đạo Đức Học Kitô Giáo Tổng Quát. Trang, 154 tt).\

3. Khía cạnh thứ yếu của luật mới: Luật chữ viết

Mặc dầu luật mới chủ yếu bao gồm những gì thuộc về nội tâm và ân sủng, nó lại hàm chứa khía cạnh thứ hai, khía cạnh luật được viết ra nơi những chỉ thị, lời dạy bảo.

Dầu luật mới chứa đủ nội dung đầy đủ để chuẩn bị cho ta đón nhận ân sủng của Thần Khí, đi đôi với việc giúp ta gắn bó với ân sủng đó: trong lề luật mới đây là tầm quan trọng thứ nhì.

Vì thế những cách thức biểu lộ đức tin ra bên ngoài, và những mệnh lệnh hướng dẫn trực tiếp con người hành động và yêu mến đều là những nhân tố thứ cấp của luật mới. Những nhân tố thứ cấp [secondary element] này nhằm giúp ta vượt qua nguy cơ con người vốn bằng xương bằng thịt có thể giải thích sai lầm tác động của Thần Khí. Do vậy lề luật bên ngoài nhằm giúp đỡ và có tính bó buộc nhẹ nhàng, phục vụ cho yếu tố căn bản của lề luật Thần Khí.

Luật chữ viết, bằng nhiều cách khích lệ con người thực thi ân sủng mà Thần Khí ban cho và vạch ra con đường hữu dụng của ân sủng. Thánh Tôma giải thích rằng Đức Giêsu đem luật thành văn đến chỗ hoàn thiện và dẫu có hoàn thiện đến đâu thì luật thành văn này, tuy là đã được Chúa Giêsu soi sáng hướng dẫn, thì luật ấy vẫn nằm trong khía cạnh thứ hai của lề luật mới. Chỉ duy với ân sủng do Thần Khí ban, con người mới có thể hành động rập theo luật Tin Mừng (Phúc Âm) đã thành văn. Chính Chúa Giêsu đã công bố điều này, "… Thánh Thần Chúa sẽ đến và Người sẽ chỉ dạy cho các con những điều phải làm. Người sẽ soi lòng, mở trí cho các con hiểu thấu đáo những gì mà Ta đã truyền dạy (Ga 14, 26).

4. Luật mới và những hành vi bên ngoài

Chính trong luận đề thứ 108, Thánh Tôma nêu bật Kitô giáo không phải đơn thuần là thứ tôn giáo duy linh. Luật mới là luật đức tin, một đức tin hoạt động qua đức ái, vì đức tin không có việc làm là đức tin chết. Đâu là mối liên hệ giữa ân sủng Thần Khí, giữa khía cạnh thứ yếu của luật mới, tức là những lề luật thánh được viết thành văn với những hành vi nhân linh? Vấn đề này chính là cốt lõi của thần học luân lý.

Tôi tin rằng một vài thần học gia ngày nay khi quá nhấn mạnh đến khía cạnh con người chênh vênh lãnh nhận ân sủng do bản tính tội lỗi của mình, đã đề cao luật thành văn để ngăn ngừa việc diễn dịch sai ơn soi sáng của Thần Khí liên quan đến quyết định và hành vi luân lý. Vâng, không chỉ qua sự soi dẫn của Thần Khí mà con người có thể nhận ra ý nghĩa đích thực của điều luật tìm thấy trong Thánh Kinh. Cũng không chỉ là qua ân sủng Thần Khí mà họ có thể nhận ra tính thích đáng của điều lệnh và giới luật cho một trường hợp cụ thể và riêng biệt, và chân nhận rằng luật tổng quát không hề phán dạy trực tiếp trên một hoàn cảnh xung đột luân lý mà xảy ra hay sao?

Luật luân lý liên quan đến hành vi phải thực hiện. Nhưng khi đối tượng thực thi các hành vi ấy lại là cá nhân và hoàn cảnh thì hay thay đổi, do đó, một xác quyết chung hay luật tổng quát không thể cung ứng hay đáp ứng cho từng mỗi một hoàn cảnh riêng rẽ được, và đôi khi trong trường hợp khủng hoảng người ta có thể hành động vượt khỏi luật tổng quát.” (Aquinas, in 2Cor 11, lect.1)

Chúng ta thử lấy một tỷ dụ: "Không nên nói dối, hay nên nói sự thật," đó là một giới luật luân lý tổng quát. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp ta giải quyết được khi ta phải đương đầu vơí một vấn đề nan giải, chẳng hạn, như nói dối để cứu một mạng người đang bị lùng bắt. Ta phải hành xử làm sao đây?

Nói tóm lại, ta hy vọng bao lâu còn có cuộc đối thoại giữa các thần học gia, bấy lâu còn có mối liên hệ giữa huấn quyền và tín hữu trong việc xét định hành vi luân lý, sao cho ta đừng quên rằng Thần khí Thiên Chúa có khả năng hoạt động và trực tiếp hướng dẫn chúng ta, trước sự chứng kiến của mọi người và bằng mọi sự.

Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng

Copyright©tác giả giữ bản quyền 2023.

 

LIÊN HỆ NHÀ SÁCH ĐỨC BÀ HOÀ BÌNH
Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris,
Phường Bến Nghé, Quận 1, Sàigòn
- Điện thoại: 0938.037.175 - (028) 3.8250.745
- Email: 
nsachducbahoabinh@gmail.com
- Website: 
https://ducbahoabinhbooks-osp.com

 

 

[1] . Xem Lm Trần Mạnh Hùng,  Thần học luân lý: một cái nhìn mới (Hà Nội NXB Tôn Giáo, 2004 và tái bản năm 2012). https://ducbahoabinhbooks-osp.com/luan-ly/than-hoc-luan-ly-mot-cai-nhin-moi/

[2] . Chủ nghĩa chiết trung lần đầu tiên được ghi lại là đã được thực hiện bởi một nhóm các triết gia cổ Hy Lạp và La Mã không nhập vào một hệ thống thực sự nào, mà lựa chọn từ những niềm tin triết học hiện có những học thuyết mà có vẻ hợp lý nhất đối với họ. Từ các tài liệu thu thập này, họ xây dựng một hệ thống triết học mới. Thuật ngữ tiếng Anh Eclecticism xuất phát từ tiếng Hy Lạp ἐκλεκτικός (eklektikos), nghĩa là " sự lựa chọn tốt nhất". Những người Chiết trung được biết đến trong triết học Hy Lạp là Panaetius và Posidonius từ Chủ nghĩa khắc kỷ, và Carneades và Philo của Larissa từ Học viện Platon. Trong số những người La Mã, Cicero đã triệt để chiết trung, khi ông thống nhất học thuyết của trường phái Peripatetikos, Chủ nghĩa khắc kỷ, và Học viện Platon. Những người Chiết trung khác bao gồm Varro và Seneca.

Xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_chi%E1%BA%BFt_trung (Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023).