LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI SỰ KHÓ CHỊU CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Victor Cancino S.J
Chúa nhật Chúa XXV Thường niên B
Kn 2,12-20; Tv 54; Gc 3,16–4,3; Mc 9,30-37
Chúa nhật tuần trước đã giới thiệu hướng đi dành cho Người Tôi Trung tài giỏi từ các bài ca “Người Tôi Trung của Thiên Chúa” trong sách ngôn sứ Isaia. Người Tôi Trung công chính đặt câu hỏi: “Ai còn tranh tụng với tôi được?” (Is 50,8). Ở đây xuất hiện một đòi hỏi độc đáo về một lương tâm trong sáng đượm vẻ kiên cường đón nhận cuộc bách hại đang chờ đợi Người Tôi Trung.
Ở Chúa nhật XXV Thường niên B, tác giả sách Khôn Ngoan nhận thức rõ rằng có nhiều người thấy sự trọn hảo của Người Tôi Trung chỉ đơn giản là điều gây phiền toái. “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta [vì nó chỉ làm vướng chân ta], mà còn chống đối việc chúng ta làm” (Kn 2,12).
Sự chua xót từ lời cáo buộc này quá quen thuộc với những ai từng so sánh mình, cùng những thiếu sót bản thân với một người đồng cảnh ngộ có thể dễ dàng nổi bật trong công việc hay cuộc sống. Ý nghĩa đầy đủ hơn của thuật ngữ “không làm ích gì” bao gồm: khó cộng tác, kẻ chọc phá, gây phiền toái, phiền phức. Trong các bản dịch truyền thống của đoạn Kinh thánh này, từ “chính trực” và từ “công chính” thường được dùng thay thế lẫn nhau. Cũng thế, điều này dấy lên lòng thù ghét nơi những kẻ chống lại người tôi tớ công chính vì họ thấy người này tự coi mình là công chính mà dường như không người bình thường nào có thể đạt được. “Chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó” (Kn 2,17).
Trong Kitô giáo, các Giáo phụ thời đầu thường trích dẫn Kn 2,12 để chỉ về Đức Kitô. Tin mừng hôm nay nói đến lời tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn khi thừa nhận một kết cục không thể tránh khỏi dành cho người công chính do những kẻ căm ghét việc tự nhận mình là vô tội. Đức Giêsu nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người” (Mc 9,31). Các Giáo phụ như: Barnaba, Justinô Tử Đạo, Eusebiô, Clêmentê Alexandria cùng những vị khác cho đến Augustinô, tất cả đều nối kết quan niệm của sách Khôn Ngoan với cuộc khổ nạn cuối cùng của Đức Giêsu, Người duy nhất thực sự “công chính” trước mắt Thiên Chúa. Câu nói châm biếm thường cho rằng việc tốt nào thì cũng bị phạt vẫn đúng với một thế giới chống lại kế hoạch của Thiên Chúa, nhất là khi thấy có người say mê sống theo kế hoạch này. Điều này gây khó chịu cho những kẻ đóng kín không muốn nỗ lực sống công chính theo cái nhìn Kinh thánh.
Tuy nhiên, có một cách nghĩ khácvề từ ngữ công chính, theo hướng có vẻ ít gây khó chịu hơn. Có thể trở lại Thánh vịnh 1 và tìm thấy có hai con đường dẫn đến khôn ngoan: đường của chính nhân và đường của ác nhân. Nếu chỉ thay thế từ công chính hay chính nhân bằng từ liêm chính/chính trực, thì sẽ mở ra một thế giới với những gì có thể xảy ra. Liêm chính là điều mà mọi người đều có thể nắm bắt và đạt lấy trong tầm tay. Sự liêm chính thách đố những người yếu đức tin và kém đạo đức phấn đấu để hòa nhập tốt hơn vào Nước Thiên Chúa với lối sống theo tinh thần Tin mừng. Liêm chính là điều mà các môn đệ Đức Giêsu phải đấu tranh khi các ông tập trung vào vấn đề sự cao trọng cá nhân ngay sau khi Đức Giêsu giảng dạy về đau khổ dành cho người công chính về đức tin. Thánh sử giải thích rằng: “Dọc đường các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9,34). Theo Tin mừng, “đường” ở đây là đường của sự liêm chính [hay trên con đường liêm chính]. Như vậy, con đường đó vẫn là một thế giới tách biệt khỏi việc tự coi mình là công chính và thậm chí hơn nữa, khỏi bất kỳ sự tự cao nào.
CẦU NGUYỆN
Lãnh vực nào trong cuộc sống chúng ta cảm thấy cần được hòa nhập tốt hơn với Thiên Chúa?
Chúng ta cảm thấy khó chịu với điều gì trong Kinh thánh?
Chúng ta có hiểu lầm giá trị Tin mừng nào không?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (18/9/2024)
Tin liên quan