×

Giỏ hàng

Tông thư Ad Pascendum của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ấn định một số quy luật về chức phó tế
Lượt xem:365   Ngày đăng: 2024-04-23 19:46:13

TÔNG THƯ AD PASCENDUM CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

ẤN ĐỊNH MỘT SỐ QUY LUẬT VỀ CHỨC PHÓ TẾ (*)

NGÀY 15 THÁNG 08 NĂM 1972

Để hướng dẫn và giúp cho dân Chúa tăng trưởng luôn mãi, Đức Kitô đã thiết lập trong Hội Thánh những tác vụ khác nhau, nhằm mưu ích cho toàn diện Nhiệm Thể Người.[1]

Vì thế, từ thời các Tông Đồ, chức Phó Tế luôn được trọng kính trong Hội Thánh, được phân biệt với các tác vụ khác bởi tầm mức trang trọng đặc biệt. Thánh Phaolô Tông Đồ đã chứng minh rõ rệt điều đó trong thư gửi tín hữu Philippê khi ngài chào chẳng những các giám mục mà cả các Phó Tế nữa (x. Pl 1,1), cũng như trong thư gửi cho Timôtê, ngài nhấn mạnh đến các tính chất và các nhân đức mà các Phó Tế cần phải có để chu toàn những tác vụ được giao phó (x. 1Tm 3,8-13).

Tiếp đến là các văn nhân thời Hội Thánh sơ khai, mỗi khi tuyên xưng phẩm giá chức Phó Tế, không quên đề cao các nhân đức và các đặc ân thiêng liêng mà các Phó Tế phải có để chu toàn tác vụ của họ, tức là đức trung tín với Chúa Kitô, nếp sống trong sạch về phong hóa và tinh thần tùng phục Đức Giám Mục.

Thánh Inhaxiô thành Antiokia quả quyết rằng: “Tác vụ của Phó Tế chính là ‘tác vụ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ thuở đời đời ngự bên Chúa Cha nhưng đã đến ở giữa chúng ta’.[2] Ngài còn nhấn mạnh: ‘Là thừa tác viên các mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, Phó Tế cần phải làm hài lòng mọi người bằng mọi cách. Vì họ không phải là những phó tế ngồi trên bàn ăn, nhưng là những thừa tác viên của Hội Thánh Chúa’”.[3]

Thánh Pôlicarpô thành Smyrna khuyên các Phó Tế: “Hãy biết tiết độ trong mọi sự, ôn hòa, sốt sắng. Trong đời sống hằng ngày, phải suy niệm về tinh thần phục vụ của Chúa, Đấng đã tự nguyện làm tôi tớ mọi người”.[4]

Tác giả tập “Giáo Huấn của các Tông Đồ” (Didascalia Apostolorum) nhắc lại lời của Chúa Kitô: “Ai muốn làm người lớn nhất giữa các con, người đó hãy trở nên đầy tớ của các con” (Mt 20,26-27), mà áp dụng lời nhắn nhủ này cho các Phó Tế: “Hỡi các Phó Tế, nếu cần phải dâng mạng sống mình cho anh em để chu toàn tác vụ của các ngài, thì các ngài đừng ngại hiến mạng sống mình… Vì nếu Chúa trời đất đã trở nên tôi tớ chúng ta, đã chịu đau khổ và chấp nhận chịu chết vì chúng ta, thì chính chúng ta là những kẻ bắt chước Chúa Giêsu, những kẻ tiếp nhận phần nào sứ vụ của Người, lẽ nào lại không hy sinh cả mạng sống cho anh em chúng ta sao?”.[5]

Cũng vậy, các giáo phụ của các thế kỷ đầu, nhắc nhiều đến tầm quan trọng của tác vụ Phó Tế, đồng thời cũng trình bày sâu rộng những công vụ, vừa nhiều vừa quan trọng, đã giao phó cho họ. Các ngài quả quyết rõ ràng quyền bính của các Phó Tế tới mức nào trong các cộng đồng Kitô hữu và phần tham dự vào việc tông đồ. Phó Tế được coi như “tai, miệng, trái tim và linh hồn của Đức Giám Mục”.[6]

Thầy Phó Tế ở bên cạnh Đức Giám Mục để tận hiến cho toàn thể dân Chúa và nâng đỡ các bệnh nhân cùng những người nghèo túng.[7] Vì thế mà Thầy Phó Tế đáng được gọi là “bạn các cô nhi, bạn của tất cả những ai thành tâm lo việc đạo đức, nâng đỡ những người góa bụa, những người nhiệt tâm tông đồ… Các Thầy là bạn của tất cả những điều tốt lành”.[8] Nhưng trên tất cả mọi phận vụ, Thầy Phó Tế có phận vụ đem Mình Thánh Chúa đến cho các bệnh nhân ở nhà,[9] ban bí tích Rửa Tội [10] và tùy theo ý muốn và chỉ thị của Đức Giám Mục mà rao giảng lời Chúa.

Bởi đó, chức vụ Phó Tế đã phát triển mạnh mẽ trong Hội Thánh, đã trở thành chứng tá lớn lao về lòng mến Chúa và yêu thương Hội Thánh, mỗi khi các Phó Tế chu toàn công trình bác ái,[11] cử hành mầu nhiệm thánh [12] và khi thực thi những công tác mục vụ.[13]

Nhờ ở sự thực thi các phận vụ Phó Tế, những người hướng tới chức linh mục đương nhiên có một dấu chỉ tốt về khả năng của họ, về giá trị việc làm của họ, và như thế, họ đắc thủ sự chuẩn bị cần thiết để lãnh nhận thiên chức linh mục và công việc mục vụ.

Nhưng qua các thế hệ, kỷ luật liên hệ đến chức này đã thay đổi. Đành rằng người ta trở nên cứng rắn trong việc cấm không cho truyền chức ‘nhảy’ các cấp trung gian, nhưng dần dần số những người muốn giữ chức Phó Tế Vĩnh Viễn giảm sút. Bởi đó, trong Hội Thánh Latinh, chức Phó Tế Vĩnh Viễn, thực tế đã dần dần biến mất. Thiết tưởng cũng chẳng cần nhắc lại sắc lệnh của Công đồng Tridentinô muốn cải tổ các chức thánh theo đặc chất của mỗi chức, cho phù hợp với các phận vụ xưa kia của Hội Thánh.[14]

Thực ra tư tưởng muốn lập lại chức thánh này, một chức thánh quan trọng có tính cách vĩnh viễn, mãi về sau mới rõ ràng. Vị tiền nhiệm của Ta là Đức Piô XII đã có dịp đề cập vắn tắt điều đó [15]. Cuối cùng Công đồng Vatican II đã chú ý đến những nhu cầu và thỉnh nguyện, và đã lập lại chức Phó Tế Vĩnh Viễn. Vì thiện ích của các linh hồn đòi hỏi, Công Đồng đã tái lập chức Phó Tế Vĩnh Viễn, như là một chức trung gian giữa các chức trên của hàng giáo phẩm và phần còn lại của dân Chúa. Theo Công Đồng, các Phó Tế Vĩnh Viễn là những người nói lên những nhu cầu và những nguyện vọng của cộng đồng, những người cổ võ việc phục vụ của Hội Thánh bên cạnh các giáo đoàn địa phương và như dấu chỉ hay nhiệm tích của chính Chúa Kitô, Đấng ‘không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ’ (Mt 18,28). Bởi đó tháng 10- 1964, trong phiên họp thứ ba của Công Đồng, các nghị phụ đã chấp nhận nguyên tắc canh tân chức Phó Tế. Tháng sau, tức tháng 11, Công đồng công bố Hiến Chế Lumen Gentium, trong đó số 29 diễn tả những nét chính và đặc điểm của thiên chức này như sau:

- ‘Ở bậc thấp của hàng giáo phẩm có các Phó Tế, những người đã được đặt tay ‘không phải để lên chức linh mục, nhưng để phục vụ’. Nhờ ơn của bí tích, họ được nên vững mạnh, liên kết với Đức Giám Mục và linh mục đoàn mà phục vụ dân Chúa bằng việc phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và công trình bác ái’ [16].

- Về tính cách ‘vĩnh viễn’ của chức Phó Tế, Hiến chế tuyên bố: ‘Vì những phận vụ này của Thầy Phó Tế rất cần thiết cho đời sống của Hội Thánh, nên trong tương lai, tuỳ theo nhu cầu của mỗi địa phương và dựa theo kỷ luật hiện hành của Hội Thánh, chức Phó Tế sẽ được lập lại như là một chức vụ riêng biệt và cố định của hàng giáo phẩm’ [17].

Những quyết định của Công Đồng về việc tái lập chức Phó Tế Vĩnh Viễn cần được suy xét sâu rộng và tìm hiểu kỹ càng những điều kiện pháp lý của chức Phó Tế, độc thân hay kết bạn. Đồng thời phải thích ứng vào những hoàn cảnh hiện tại tất cả những gì liên hệ đến chức Phó Tế. Đặc biệt đối với những Phó Tế được gọi lên chức linh mục, để thời gian mang chức Phó Tế thực sự giúp họ đi vào đời sống, thấy mình trưởng thành và đủ khả năng thi hành tác vụ của chức linh mục họ sẽ lãnh nhận.

Bởi đó, ngày 18-06-1967, Ta đã ban hành một Tông Thư, đó là ‘Tự Sắc’ Sacrum diaconatus Ordinem’ (Thánh chức Phó Tế) về Phó Tế Vĩnh Viễn, thiết định những quy thức giáo luật được thích ứng [18]. Ngày 27-06 năm sau, do Tông hiến Pontificalis Romani Recognitio [19], Ta đã phê chuẩn các nghi thức mới truyền chức Phó Tế, chức Linh Mục và chức Giám Mục, đồng thời cũng xác định cách thức và hình thức của chính việc truyền chức nữa.

Hơn thế, khi ban hành Tông thư ‘Ministeria quaedam’, Ta đã xác định những quy thức rõ ràng về chức Phó Tế. Ta muốn những ai sắp lên chức Phó Tế biết rõ họ phải thực thi những tác vụ nào, tại sao họ phải giữ luật độc thân và phụng vụ giờ kinh.

Mặc dầu việc gia nhập hàng giáo sĩ khác với việc chịu chức Phó Tế. Nhưng nghi thức cắt tóc ‘là dấu chứng một giáo dân gia nhập hàng giáo sĩ’ trước đây không còn nữa. Vì thế, cần thiết lập một nghi thức mới để những ai muốn tiến tới chức Phó Tế hay chức linh mục, được biểu lộ rõ ràng ý muốn dâng mình cho Chúa và Hội Thánh. Khi tiếp nhận sự hiến dâng của họ, Hội Thánh tuyển chọn và mời gọi họ chuẩn bị để lãnh nhận các chức đó, và như vậy họ được chính thức gia nhập vào số những ứng viên sẽ lãnh nhận chức phó tế và chức linh mục.

Vì thế, tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ được trao cho những ai là ứng viên chức Phó Tế hay chức Linh Mục, nghĩa là cho những người tỏ rõ lòng ước ao hiến thân cho Chúa và Hội Thánh cách đặc biệt. Vì Hội Thánh luôn lấy ‘bánh hằng sống ở bàn tiệc Lời Chúa và ở bàn tiệc Mình Chúa mà ban phát cho giáo dân’ [20], nên Hội Thánh nghĩ là điều rất thuận tiện khi ứng viên sẽ lên chức thánh, nhờ ở sự gần gũi lâu dài và thực thi dần dần các tác vụ Lời Chúa và Bàn Thờ, họ sẽ thấu triệt và suy gẫm hai phương diện đó của chức vụ linh mục. Nhờ đó, tác vụ chính xác của họ sẽ có hiệu lực dồi dào. Vì các ứng viên sẽ tiến tới các chức thánh sẽ ý thức rõ rệt về ơn kêu gọi của mình, sẽ đầy lòng hăng hái, hiến thân phục vụ Chúa bền vững nhờ việc cầu nguyện và nhờ sự nâng đỡ của các thánh (x. Rom 12, 11-13).

Sau khi đã cân nhắc tất cả các điều đó, đã hỏi ý kiến các nhà chuyên môn, đã bàn hỏi những Hội Đồng Giám Mục và rất lưu tâm đến các ý kiến của các ngài, và cuối cùng, sau khi đã hỏi ý kiến các tôn huynh là những thành phần của các thánh bộ có thẩm quyền trong vấn đề này, Ta nhân danh Tông quyền mà ra sắc lệnh sau đây – bãi bỏ, nếu cần và bao lâu cần thiết, những quy định của Giáo Luật hiện hành – và Ta công bố sắc lệnh này cùng trong Tông Thư này.

I. a) Đã thiết lập một nghi thức tiếp nhận vào số các ứng viên sẽ lên chức Phó Tế và linh mục. Để sự tiếp nhận này được hợp thức, thì đòi phải có đơn tự do của thỉnh viên, viết và ký tên do chính tay đương sự, và sự ưng thuận của Đấng Bề Trên có thẩm quyền trong Hội Thánh tuyển chọn.

Các Thầy đã khấn trong dòng tu giáo sĩ và chuẩn bị lên chức linh mục không buộc phải giữ nghi thức này.

b) Đấng Bề Trên có thẩm quyền tiếp nhận là Đức Giám Mục hay bề trên cao cấp trong các dòng tu giáo sỹ. Có thể tiếp nhận những ai có những dấu của ơn thiên triệu thực thụ, có đời sống văn hóa tốt, không có trở ngại gì về thể lý cũng như tâm lý, muốn dâng cuộc đời để phục vụ Hội Thánh, làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Những thỉnh viên chức phó tế sẽ tiến lên chức linh mục (không phải phó tế vĩnh viễn) cần phải có ít là 20 tuổi chẵn và đã bắt Çầu chu kỳ thần học.

c) Do sự tiếp nhận này, ứng viên chức Phó Tế phải lo lắng đặc biệt đến ơn kêu gọi của mình và phải làm triển nở ơn kêu gọi này cho sâu đậm; Đồng thời, họ có quyền được giúp đỡ thiêng liêng cần thiết, để vun trồng ơn kêu gọi và tùng phục thánh ý Chúa vô điều kiện.

II. Các ứng viên chức Phó Tế vĩnh viễn hay chuyển tiếp, và các ứng viên chức linh mục, nếu chưa lãnh nhận các tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ, thì phải lãnh nhận hai tác vụ này và thi hành một thời gian xứng hợp, để họ được chuẩn bị kỹ càng hơn cho việc phụng vụ Lời Chúa và Bàn Thờ sau này. Đối với các ứng viên này, chỉ có Tòa Thánh mới có quyền chuẩn chước việc lãnh nhận các tác vụ trên.

III. Những nghi thức tiếp nhận các thỉnh viên vào số các ứng viên chức Phó Tế và chức Linh Mục, cũng như những nghi thức ban các tác vụ nói trên phải được cử hành bởi Đấng Bản Quyền của ứng viên (Đức Giám Mục và bề trên cao cấp trong dòng giáo sĩ).

IV. Phải tuân giữ thời gian cách quãng giữa những lần trao ban các tác vụ mà Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám Mục đã ấn định trong chu kỳ thần học: tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ, và giữa tác vụ Giúp Lễ và chức Phó Tế.

V. Trước khi chịu chức, những ứng viên Phó Tế phải nộp cho Đấng Bản Quyền (Đức Giám Mục hay bề trên cao cấp trong dòng tu giáo sĩ), một bản tuyên cáo viết và ký tên do chính tay đương sự. Trong bản đó, đương sự phải minh xác là đương sự chịu chức với cả tự do và ước muốn.

VI. Đối với ứng viên Phó Tế lên chức Linh Mục và ứng viên Phó Tế Vĩnh Viễn không có đôi bạn, thì việc tận hiến đặc biệt sống độc thân được thực sự gắn liền với chức Phó Tế. Việc tuyên hứa công khai giữ luật độc thân trước mặt Chúa và Hội Thánh phải được cử hành, kể cả đối với các tu sĩ, bằng một nghi thức riêng đi trước việc thụ phong Phó Tế. Luật độc thân tuyên nhận như vậy sẽ làm thành một cản trở tiêu hôn.

Đúng với truyền thống của Hội Thánh, những Phó Tế đã kết bạn, khi bạn chết, sẽ không còn quyền tái hôn [21].

VII. a) Những Thầy Phó Tế sẽ lên chức linh mục, không được thụ phong Phó Tế trước khi hoàn tất chu kỳ học do Tòa Thánh ấn định.

b) Còn đối với chu kỳ học thần học phải có trước khi thụ phong Phó Tế Vĩnh Viễn. Hội Đồng Giám Mục sẽ tùy hoàn cảnh địa phương ấn định những quy thức xứng hợp, rồi gửi về Bộ Giáo Dục Công Giáo để được chấp thuận.

VIII. Đúng với các quy thức nói ở số 29-30 của quy chế tổng quát về Phụng Vụ Giờ Kinh:

- Các Phó Tế sẽ lên chức linh mục có nhiệm vụ giữ Phụng Vụ Giờ Kinh do chính việc thụ phong Phó Tế đòi buộc.

- Các Phó Tế vĩnh viễn cử hành mỗi ngày ít là một phần Phụng Vụ Giờ Kinh là việc rất phải lẽ. Hội Đồng Giám Mục sẽ định đoạt việc cử hành này.

IX. Do việc chịu chức Phó Tế, đương sự sẽ nhập hàng giáo sĩ và gia nhập một giáo phận.

X. Nghi thức tiếp nhận vào số các ứng viên Phó Tế và sẽ lên chức linh mục, và những nghi thức thánh hiến đặc biệt giữ luật độc thân, sẽ được ban hành nay mai do phân bộ thẩm quyền của Giáo Triều Roma.

XI. Quy thức chuyển tiếp: Ứng viên các chức thánh đã chịu phép cắt tóc trước ngày ban hành Tông Thư này, sẽ giữ nguyên tất cả những nghĩa vụ, quyền lợi và đặc ân hàng giáo sĩ: Những người đã chịu chức phụ-phó tế, phải giữ các bó buộc họ đã tuyên nhận về luật độc thân và về Phụng Vụ Giờ Kinh. Nhưng họ còn phải cử hành một lần nữa việc tuyên hứa công khai giữ luật độc thân trước mặt Chúa và Hội Thánh theo nghi thức riêng mới, trước khi thụ phong Phó Tế.

Ta truyền cho tất cả những gì Ta đã quy định trong Tự Sắc này phải được coi là bền vững và đã chính thức được phê chuẩn, bất chấp tất cả những gì trái ngược. Ta cũng ấn định rằng các quy thức này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01-01-1973.

Ban hành tại Roma, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 15-08-1972,

nhằm lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời,

năm thứ Mười của giáo triều Ta.

+ PAULUS VI

Giáo Hoàng

Bản dịch của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ, Sài Gòn, 1974.

Bản văn này đã hiệu đính một số từ hay câu văn (như “Phó Tế cố định” sửa lại “Phó Tế vĩnh viễn”...) cho phù hợp

 ______________________

[*] Có sửa cho đúng tên Tự sắc và thêm các ghi chú còn thiếu từ số 15-21 nơi bản dịch ở trang   http://giaophanthanhhoa.net/van-kien-giao-hoi/tong-thu-ministeria-quaedam-cua-dgh-phaolo-vi--an-dinh-mot-so-luat-ve-chuc-pho-te-21378.html.

Có thể đọc bản dịch tiếng Anh của Tự sắc Ad pascendum tại: https://diaconate-form.blogspot.com/2012/05/ad-pascendum-english-translation.html

[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 18: AAS. 57 (1965), pp. 21-22.

[2] Ad Magnesios, IV, 1: Patres Apostolici, ed. Fx. Funks, I, Tubingae, 1901, pp. 235.

[3] Ad Trallianos, II, 3: Patres Apostolici, ed. Fx. Funk, I, Tubingae, 1901.

[4] Ad Philippenses, V, 2: Patres Apostolici, ed. Funk, I, Tubingae 1901, pp. 301-303.

[5] Didascalie des Apôtres, III, 13,2-4: Didascalia et Constitutiones Apostolorum, ed. Funk, I Paderbornae, 1906, pp. 214.

[6] Didascalie des Apôtres, II, 44,4: Didascalia et Constitutiones Apostolorum, ed. Funk, I Paderbornae, 1906, pp. 138.

[7] x. Traditio Apostolica 39 và 34: La Tradition Apostolique de saint Hippolyte. Essai de reconstruction, par B. Botte Munster 1963, pp. 87 và 81.

[8] Testamentum D.N. Jesu Christi, I, 38, ed. et latine red. I. E. Rahmani, Moguntinae 1889, pp. 93.

[9] x. St Justin, Apologia I, 65,5 và 67.

[10] x. Tertulien, De Baptismo, XVII.

[11] x. Didascalie des Apôtres, II, 31,2: Testamentum D.N.I.C. I,31

[12] x. Didascalie des Apôtres, II, 57,6; 58,1.

[13] St. Cyprien, Epistola XV và XVI.

[14] Sessio XVIII, ch.I-IV: Mansi, XXXIII, col. 138-140.

[15] Allocutio ad eos qui interfuerunt Conventui alteri catholicorum ex universo orbe pro Laicorum Apostolatu Romae habita, die 5 Octobris anno 1957: AAS 49 (1957), p. 925.

[16] AAS 57 (1965), p. 36.

[17] Ibidem.

[18] AAS 59 (1967), pp. 697-704.

[19] AAS 60 (1968), pp. 369-373.

[20] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, n. 21: AAS 58, 1966, p. 827.

[21] Paulo VI, Litt. Ap. motu prop. Sacrum Diaconatus Ordinem, n. 16: AAS 59 (1967), p. 701.