×

Giỏ hàng

Tham dự đều đặn nghi lễ như là cách Thiên Chúa ra tay trợ giúp
Lượt xem:193   Ngày đăng: 2023-04-16 09:43:50

THAM DỰ ĐỀU ĐẶN NGHI LỄ NHƯ LÀ CÁCH THIÊN CHÚA RA TAY TRỢ GIÚP

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật II Phục Sinh năm A.

Cv 2,42-47, 1Pr 1,3-9, Ga 20,19-31.

Đôi lúc phải thấy mới tin. Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần này, thánh Tôma đã cố gắng tin Chúa Giêsu sống lại từ lời các môn đệ khác. Và khi Đấng Phục sinh hiện ra, thánh nhân tuyên xưng đức tin cách sâu sắc, rồi Chúa Giêsu đáp lại: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin” (Ga 20,29). Một lối giải thích Tin mừng Gioan là coi những “dấu lạ” như cơ hội để con người chứng kiến quyền năng của Chúa Giêsu mà tin vào Ngài. Trong suốt Mùa Chay, các bài đọc được chọn đều có những dấu lạ này như việc chữa lành người mù hay cho Ladarô sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, câu chuyện giữa Chúa Giêsu và thánh Tôma còn nói lên sự cần thiết phải lặp lại các nghi lễ trong đời sống của các tín hữu từ thế kỷ thứ nhất và của những ai hôm nay đang cố gắng giữ vững đức tin.

Ở một chuyển biến đáng chú ý của các biến cố, một trong những cảnh cuối trong Tin mừng Gioan thực sự làm đảo ngược ý tưởng thấy mới tin. Chúa Giêsu trả lời thánh Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,29). Nói cách khác, những ai đọc Tin mừng Gioan ngay từ đầu sẽ khám phá ra cuối cùng mục đích của Tin mừng là cung cấp bằng chứng cho những ai không thấy nhưng cảm thấy được mời gọi để tin.

Ngoài việc đọc một bản văn Kinh Thánh, bài đọc I của Chúa nhật tuần này có đưa ra một cách khác để củng cố đức tin. Tác giả sách Công vụ Tông đồ có viết: “Các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện.” (Cv 2,42). Những nghi lễ như vậy nếu được thực hành thường xuyên cũng nuôi dưỡng đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai và giúp đối phó với cám dỗ nghi ngờ. Công vụ Tông đồ thường xuyên đề cập đến những thực hành nghi lễ này, như trong Cv 2,46 có nhắc lại: “Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà”. Việc đều đặn thực hành như vậy đã giữ cho ngọn lửa đức tin luôn cháy sáng, mặc dù họ không thể nhìn thấy Chúa Phục sinh như đã từng thấy.

Khi kết thúc cuộc trò chuyện với thánh Tôma bằng câu nói: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”, Chúa Giêsu đề nghị một cách nhìn mới cần thiết cho đức tin của thánh Tôma. Các giác quan thể lý mà thánh Tôma dựa vào trước đây sẽ không còn giải đáp được những nghi ngờ nữa. Đứng trước những ngờ vực, Giáo hội thường xuyên kể lại những câu chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như thực hành các nghi lễ và cầu nguyện để củng cố đức tin. Ngày nay, những điều này vẫn quan trọng cho chúng ta, vì đó là những phương tiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội để xây dựng đức tin của các tín hữu, và cung cấp thêm phần ý nghĩa cho lời của vịnh gia, “Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này” (Tv 118,13 ).

Mùa Phục sinh có lẽ là thời gian tốt để một người củng cố lại đức tin thông qua việc đều đặn tham dự các nghi lễ, có thể là đọc Kinh Thánh hàng ngày, cầu nguyện, suy niệm hoặc một số thực hành khác. Việc thực hành giản dị các nghi lễ như vậy có thể giữ cho mầu nhiệm Phục sinh sống động và không bị nghi ngờ.

CẦU NGUYỆN

Nghi lễ hàng ngày nào có thể giúp ích cho cuộc hành trình đức tin của chúng ta?

Nghi lễ hàng tuần nào trong gia đình hoặc cộng đoàn giúp ích cho đức tin của chúng ta?

Nghi lễ hàng năm nào mang lại ý nghĩa cho kinh nghiệm đức tin của chúng ta?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (12/4/2023)