×

Giỏ hàng

Sống tự do trong ơn gọi
Lượt xem:794   Ngày đăng: 2024-01-25 20:34:28

SỐNG TỰ DO TRONG ƠN GỌI

 

Susana Vilas Boas | Nhà  truyền giáo giáo dân Dòng Comboni

Chủng sinh Giuse Huỳnh Chí Khang chuyển ngữ từ Word Mission

Con đường ơn gọi là con đường của giải thoát và biện phân tự do của mỗi người.

“Tình thương vẫn sẽ giải quyết được vấn đề tự do; những người yêu nhau sẽ trở nên bất khả chiến bại.” Những lời này của Walt Whitman, một nhà thơ và ký giả người Mỹ, khiến tôi mới đây phải suy nghĩ về chiều kích tự do trong ơn gọi.

Nếu đúng là khái niệm tự do thường bị hiểu sai và nhầm lẫn là đơn thuần “làm điều mình thích”, thì khi chúng ta nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta biết mọi thứ không hoàn toàn như vậy.

Tự do và ơn gọi là hai mặt của một đồng tiền: chúng  không thể tách rời và chỉ có giá trị khi ở bên nhau. Quả thật, như Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo, “người ta không thể đòi hỏi từ con người một sự dấn thân tôn trọng đối với thế giới, nếu không công nhận kiến thức, ý chí, tự do và tinh thần trách nhiệm đặc biệt của con người và đánh giá cao các khả năng đó” (Laudato Si', 118).

Bởi ơn gọi không phải là cái “bên ngoài” hay “phụ thêm” trong cuộc sống của chúng ta, nên tự do có thể được sống một cách đích thực trên con đường phân định ơn gọi suốt cuộc đời của mình. Chúng ta tự do lựa chọn sống trọn vẹn con người mình và do đó, sự tự do của chúng ta được phát triển (bằng sự lựa chọn) theo yêu cầu của con người chúng ta và những gì chúng ta muốn trở thành.

Chẳng hạn, điều này cũng xảy ra trong những mối quan hệ tình yêu. Tình yêu có những đòi hỏi khiến chúng ta phải bỏ chạy và vượt qua sự tự mãn. Chúng ta tự do chọn sống lưu tâm đến những người chúng ta yêu thương và hy sinh những ý tưởng bất chợt của mình vì hạnh phúc của họ và đó là nơi chúng ta cảm thấy trọn vẹn hạnh phúc đích thực.

Tự do với trách nhiệm

Vì thế, con đường biện phân ơn gọi xuất hiện như là con đường của của giải thoát và biện phân tự do của mỗi người, vì “sự tự do của con người có thể đem đến một sự nâng đỡ khôn ngoan cho một sự phát triển tích cực, nhưng cũng có thể gây nên một điều xấu mới, những nguyên nhân của khổ đau và suy thoái đích thực” (Laudato Si', 79).

Tự do mà không có trách nhiệm thì nó trở nên ngột ngạt và thành một gánh nặng cho con người và những người xung quanh. Quả thật, nếu sống tự do chỉ với một ý thức vị kỷ, thì việc “chỉ làm những gì mình cảm thấy thích” đưa người ta tới vòng xoáy chủ nghĩa cá nhân, mà trong một thời gian ngắn sẽ biến thành nỗi cô đơn sâu thẳm. Mặt khác, khi sống như thế, chúng ta đang huỷ hoại và tiêu diệt mọi sự và mọi người xung quanh. Rốt cuộc đâu là điều thích hợp của mối quan hệ với ai đó mà chỉ ý muốn của họ mới đáng giá?

Suy nghĩ về tự do với trách nhiệm là mở ra cánh cửa trải nghiệm nó trong suốt cuộc đời một người. Để làm được điều này thì rất cần can đảm để thấu hiểu và phân biệt ý thích với sứ mạng; và ích kỷ cũng như quà tặng là gì? Chúng ta phải làm sao? Ngay từ đầu, kiểu phân định này không phải là điều có thể thực hiện một mình!

Giải thoát bản thân

Có một số dây ràng buộc mà chúng ta phải cắt bỏ để được tự do đích thực. Đầu tiên thực sự là mối dây tự chủ. Bất cứ khi nào chúng ta tin rằng có thể tự mình biết và chọn điều tốt nhất, là chúng ta đang chìm đắm trong “thế lực mù quáng của vô thức, của nhu cầu trước mắt, của chủ nghĩa cá nhân”. (Laudato Si', 105).

Điều này không nghĩa chúng ta sẽ phải sống và suy nghĩ như bao người người khác, nhưng chúng ta phải sống có trách nhiệm và tìm một ai đó đồng hành với mình cũng như giúp chúng ta nhìn xa hơn và nhìn vào chính mình.

Khi chúng ta hoàn toàn tin tưởng ai đó, không có nghĩa là chúng ta sẽ mù quáng đi theo họ nhưng [có nghĩa là] chúng ta nên nghiêm túc lưu ý những gì người đó nói khi suy nghĩ và quyết định trong cuộc sống. Nếu không cắt đứt sự ràng buộc này chúng ta sẽ không bao giờ có tự do đích thực. Chúng ta sẽ chỉ là cô đơn thực sự.

Một sợi dây ràng buộc khác cũng phải được phá vỡ là ý tưởng về sự mất mát. Mỗi ngày, hầu như mọi khoảnh khắc, chúng ta đều phải lựa chọn: Chúng ta thức dậy mấy giờ? Mặc gì? Ăn gì? Chúng ta đi đâu và bằng cách nào? Mọi thứ đòi hỏi chúng ta phải đưa ra lựa chọn, mà đôi khi  liên quan đến những điều đơn giản và khi khác lại đòi hỏi chúng ta nhiều hơn.

Khi sử dụng tự do của mình để chọn lựa, chúng ta luôn luôn đứng trước một nhận thức về tha thứ: “Nếu tôi chọn con đường này, tôi sẽ đóng cửa với người khác. Thật là một mất mát lớn!” Tư tưởng này làm băng hoại sự tự do! Nó giam cầm con người trong khát khao có được mọi thứ khiến họ không thể trở thành phiên bản tốt nhất. Để giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc này thì phải chọn lựa cách vui vẻ - không vì dễ dàng lựa chọn, nhưng vì không có cảm giác mất mát, mà được lợi!

Điều này làm tôi nhớ lại chuyến đi truyền giáo tại Cộng hoà Trung Phi. Khi đó, nhiều người nói với tôi “Nếu đi, bạn sẽ mất tất cả!” Và tôi luôn đáp lại “Tôi sẽ tìm thấy mọi thứ!” Quả thật thì không có gì mất mát: những mối quan hệ đích vẫn còn và được củng cố, môi trường làm việc thay đổi và tôi vẫn sống ổn. Tôi đã đạt được sự thỏa mãn của mình với tư cách là một con người và theo nghĩa đó, tôi đã chiến thắng mọi thứ! Nó có dễ dàng không? Có ai đang mong đợi những điều dễ dàng khi sống đích thực với con người của mình không? Đây là một sự ràng buộc khác mà chúng ta phải giải thoát bản thân nếu [chúng ta] muốn hoàn toàn tự do sống ơn gọi của mình.

Con đường dễ dàng không nhất thiết là lựa chọn tốt nhất. Một lần nữa, cám dỗ đi theo chiều gió không phải là đường dẫn đến tự do. Nó loại trừ khả năng sống ơn gọi. Những người dám bước đi theo một con đường đích thực sẽ không bao giờ có một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng… sứ mạng này sẽ chỉ bất khả thi với những ai ảo tưởng mình có thể hoàn thành nó một mình.

Sự tự do

Sự tự do trong đồng hành ơn gọi dựa trên sự chắc chắn rằng con người có khả năng sống đích thực. Tin vào điều này là để nhìn vào bản thân và người khác với niềm hy vọng không bị cuốn theo những khó khăn và những lý do hoàn cảnh.

Ngay cả khi chúng ta bước đi sai lầm, điều đó không có nghĩa là mất tất cả! Trái lại, mọi thứ là một phần của cuộc hành trình, vì “con người có thể vượt qua chính mình, chọn lại điều tốt và biến đổi bản thân, vượt ra khỏi những ràng buộc áp đặt lên họ. Họ có khả năng nhìn nhận bản thân cách trung thực, bày tỏ sự đau buồn của họ và dấn thân vào những con đường mới dẫn tới tự do đích thực” (Laudato Si', 105).

Sự chắc chắn này sẽ khích lệ chúng ta trên đường đi của mình và mở ra những cánh cửa để nhìn người khác một cách tự do.