×

Giỏ hàng

Phục sinh nói về mối thân tình của Thiên Chúa
Lượt xem:331   Ngày đăng: 2024-04-27 15:50:56
PHỤC SINH NÓI VỀ MỐI THÂN TÌNH CỦA THIÊN CHÚA
Suy niệm Chúa nhật V Phục sinh Năm B
 
Victor Cancino, S.J.
Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 14,21-26.
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ americamagazine.org

 

Trong diễn tiến mùa Phục sinh, các bài đọc Chúa nhật V mang đến những suy niệm và hình ảnh về sự thân tình của Thiên Chúa. Biến cố Đức Kitô sống lại từ cõi chết, không chỉ là điều kỳ diệu củng cố niềm tin của các môn đệ, nhưng còn cho toàn thể nhân loại biết rằng giờ đây họ được chia sẻ đời sống thần linh. Lời hứa này rất rõ ràng nơi bài đọc II. Thánh Gioan trong thứ thứ nhất đã tóm lược tính cách của người môn đệ trong một ý tưởng súc tích: tin vào danh Chúa Giêsu Kitô, và thương yêu nhau như lệnh truyền của Chúa (1Ga 3,23). Những ai yêu thương sẽ được đưa vào cùng một mối tương quan thần linh như Đức Giêsu đã cảm nghiệm trong từng giây phút cuộc đời. Thánh Gioan khẳng định với các độc giả rằng “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ” (1 Ga 3,24). Tin vào Đức Kitô và yêu thương tha nhân sẽ cho chúng ta thông phần vào cùng một sự sống huy hoàng của Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.

Bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ cũng cho thấy cái nhìn sâu sắc về mối thân tình của Thiên Chúa. Phaolô, được gọi là Saolô trong đoạn văn này, đã sống tính cách người môn đệ mới bắt đầu tại Đamas khi ngài chia sẻ niềm tin vào Đức Giêsu với những người từng bị ngài bắt bớ. Cuối đoạn văn cho chúng ta thấy rõ công trình của Thánh Thần trong việc đưa Saolô và nhiều người khác đi vào tương quan bình an với nhau: “Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và (đầy ơn an ủi của Thánh Thần) tiến bước trong sự kính sợ Chúa và phát triển” (Cv 9,13). Đây là một hình ảnh có chủ đích về  một Giáo hội  bình an bất chấp những thách đố. Giáo hội giờ đây được bình an, phát triển, lớn mạnh và tiến bước trong sự kính sợ Chúa.

Cụm từ “tiến bước trong sự kính sợ Chúa” cũng nói lên sự thân tình của Thiên Chúa. Trong thế giới cổ đại, “kính sợ” bất kỳ vị thần nào được xem như hành vi tôn kính, và với dân Israel ngày xưa, “kính sợ Thiên Chúa” là một trong những nhân đức cao cả nhất. Cụm từ này diễn tả lòng kính sợ cùng sự bối rối khi con người cảm nghiệm sự hiện diện thánh thiêng cao cả, nhưng nó còn hàm ý nhiều hơn cảm xúc sợ hãi. Nhân đức “kính sợ Thiên Chúa” nói lên lòng khao khát kết nối với sự thánh thiện và phụng sự Thiên Chúa. Những khát khao này xuất hiện ở những dòng đầu của Thánh vịnh hôm nay. “Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa” (Tv 22,26).

Lòng kính sợ này chính là hình thức của sự thân mật thần linh như bài đọc I Chúa nhật V Phục sinh thuật lại. Bằng cách kể lại sự siêng năng của các Kitô hữu thời sơ khai trong việc tham dự lễ bẻ bánh, đọc Kinh Thánh, các buổi cầu nguyện và chia sẻ đời sống chung, thánh Luca minh họa lòng kính sợ Chúa sâu sắc của họ. Cùng chung cái nhìn sâu sắc như thánh sử Gioan, thánh Luca cho thấy rằng rằng những thực hành tỏ lòng kính sợ này là  kênh Chúa Thánh Thần dùng để  dẫn đưa các thành viên Hội Thánh sơ khai vào mối thân tình sâu sắc hơn với nhau và với Thiên Chúa. Thánh nhân nói về Hội Thánh sơ khai như sau: “Hội thánh đang được xây dựng…và đầy ơn an ủi của Chúa Thánh Thần” (Cv 9,31).

Bài Tin mừng Chúa nhật V Phục Sinh cũng là một suy niệm về sự thân mật thần linh. Trước đây Chúa Giêsu đã ví mình như người mục tử, giờ đây Chúa lại dùng một hình ảnh khác từ trồng trọt. “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15, 1). Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến tương quan thân tình nơi biểu tượng cây nho này. “Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con,” vì “Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15:4-5). Như bài đọc II, bài Tin mừng cũng nhấn mạnh đến mối tương quan. Sự thân thiết riêng từng người với Thiên Chúa là nền tảng của người môn đệ. Đời sống Kitô hữu đòi hỏi sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, cũng như sự sống của cành nho phụ thuộc vào cây nho.

Tin mừng thánh Gioan có tính chất trữ tình đáng kể. Những diễn từ  dài và diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu giống như những bài ca giúp dễ dàng cho việc suy niệm. Bất cứ một câu hay một dòng nào cũng gợi lên tâm tình cầu nguyện sâu sắc. Chẳng hạn, chúng ta có thể dừng lại ở câu: “Thầy là cây nho, các con là cành”. Đây là một bài ca về tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh của Người, tựa những đôi tình nhân gắn bó với nhau và hiểu được mối tương quan sâu xa của mình.

Các bài đọc Chúa Nhật V Phục Sinh nhắc nhở chúng ta rằng cái nôi của Kitô giáo là vùng đất Israel, Palestine và Syria ngày nay. Trong bài đọc I, thánh Luca nhắc nhớ chúng ta rằng ở nơi đó Giáo Hội sống với nhau bình an. Ngày nay chúng ta cũng thấy chính nơi đây có biết bao cuộc xung đột xảy ra. Các bài đọc mời gọi người tín hữu dừng lại trong tuần này và cầu nguyện cho hòa bình và sống sự thân mật của Thiên Chúa đối với thế giới. Đây là con đường hòa bình mà Chúa Giêsu đã gợi ra cho các môn đệ, và vẫn là con đường mà bất cứ ai cầu nguyện đều có thể bước theo. Những ai chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thiên Chúa, chúng ta không thể làm được gì (Ga 15, 5).

CẦU NGUYỆN
Làm thế nào chúng ta có thể góp phần cho một Giáo hội  bình an biết truyền cảm hứng cho sự phát triển?
Ai đang cậy dựa vào chúng ta như cành nho gắn với cây nho và cần lời cầu nguyện của chúng ta?
Trong tuần này, làm thế nào chúng ta có thể chuyển hướng lời cầu nguyện của mình tập trung vào sự thân tình mà Thiên Chúa mời gọi?