NHỮNG THẦN THOẠI CỦA PLATO
Neel Burton[1]
Neel Burton đặt vấn đề tại sao bậc thầy về lý tính chuyển sang triển khai các huyền thoại.
Có lẽ phúng dụ nổi tiếng nhất trong triết học là Phúng dụ cái hang của Plato, trong đó Plato, thông qua Socrates, ví những người không được đào tạo triết học với những tù nhân đã sống cả đời trong một hang động dưới đất và không nhận ra có một thế giới rộng lớn vượt ra khỏi những gì họ nhận thức. Phúng dụ cái hang không hẳn đủ tiêu chuẩn là thần thoại, vì thiếu chiều kích thần thánh vốn là cốt lõi của thần thoại. Nhưng Plato cũng thêm những thần thoại ‘đúng nghĩa’ vào các đối thoại kiểu Socrates[2] –khác thường vào thời điểm đó– do đó làm cầu nối cho sự phân chia rạch ròi giữa mythos [thần thoại] và logos [lý tính/lý lẽ]: giữa kể chuyện và diễn ngôn thuần lý.
Plato không viết những lập luận phân tích khô khan, mà là những đối thoại sống động hư cấu hoặc bán hư cấu, khiến ông trở thành một trong những triết gia được nhiều người đọc nhất. Những đối thoại thời kỳ đầu mô tả Socrates đặt câu hỏi cho một hoặc nhiều người về ý nghĩa của một khái niệm cụ thể, chẳng hạn cái đẹp, lòng dũng cảm hoặc mộ đạo, để phơi bày những mâu thuẫn trong các giả định và kích thích họ tái đánh giá lại khái niệm – một phương pháp tranh luận đã nổi tiếng với tên gọi phương pháp elenchus[3] (‘bác bỏ’) hay phương pháp Socrates. Trong các đối thoại, Plato đã dệt nên những thần thoại, phúng dụ và ẩn dụ. Ví dụ, ông nổi tiếng so sánh hồn (hay còn gọi là tâm trí – psyche) với người đánh xe trong cỗ xe do hai con ngựa có cánh kéo, một con thuần phục và cao quý (lý trí), con kia hoang dã và bất kham (đam mê). Tất cả các đối thoại, ngoại trừ cuốn Đối thoại Crito, đều có hình ảnh động vật, và bản thân Socrates được so sánh cách đa dạng với con ruồi trâu, thiên nga, cá đuối điện, rắn, cò và nai con – và ngoài thế giới động vật, là với một cái lọ rỗng chứa đầy ý tưởng của người khác, và với một bà đỡ giúp những tâm trí đang thai nghén sinh ra khôn ngoan. Đây là lời của Meno, chỉ huy trẻ tuổi của một đoàn quân đánh thuê và có sở thích triết học, trong cuốn Đối thoại Meno của Plato:
“Socrates, ngay cả trước khi gặp ông, tôi đã thường nghe rằng ông luôn luôn trong tình trạng nghi ngờ bản thân mình, và rằng ông làm cho những người khác cũng nghi ngờ mình như vậy, và bây giờ tôi nghĩ rằng ông đang thi triển tà thuật trên người tôi, khiến tôi mất kiểm soát hành động và suy nghĩ, khiến tôi như thể hoàn toàn bối rối, hoang mang. Và nếu như tôi đánh liều trêu ông, thì đối với tôi, ở cả ngoại hình và năng lực, ông giống như loài cá đuối phóng điện, cá “ngư lôi”, vì nó cũng thế, làm bất cứ ai đến gần và chạm vào nó, đều cảm thấy bị tê liệt, và bây giờ có vẻ như ông đã có được loại hiệu lực đó vào tôi, vì cả linh hồn tôi và lưỡi của tôi đều tê liệt, và tôi không biết phải đối đáp với ông như thế nào. . . . Tôi nghĩ rằng ông là người khôn ngoan, nên đừng dong thuyền đi khỏi nhà, vì nếu ông tiếp tục làm những điều tương tự như ở Athens, ông sẽ bị tống ngục ngay vì hành nghề phù thủy”[4].
Plato cũng sử dụng cả thần thoại truyền thống và thần thoại mà ông sửa đổi hoặc sáng tạo ra cho mục đích riêng – những thần thoại được ông sáng tác nổi tiếng nhất là Thần thoại Atlantis, Thần thoại Aristophanes và Thần thoại Er. Nhưng tại sao lại đưa ra những thần thoại? Tại sao không đơn giản viết triết học ‘thuần túy’?
Thần thoại và ẩn dụ của Plato phục vụ nhiều mục đích. Ví dụ, Thần thoại Atlantis giúp làm nền cho viễn tượng của Plato về một xã hội lý tưởng. Và ẩn dụ cỗ xe ngựa dựa trên thuyết về tri thức, về ý niệm và về tình yêu, cho thấy cách thức chúng phù hợp và hoạt động chung với nhau: cỗ xe ngựa của những hồn giống thần linh nhất có thể bay lên đủ cao để những người đánh xe ngẩng đầu lên trên vành đai thiên đường và thoáng nhìn các ý niệm phổ quát. Hồn nào ngắm nhìn các ý niệm lâu nhất thì được tái sinh thành triết gia, nghệ sĩ và người yêu đích thực, và bị thu hút bởi những gì thấy được đến mức quên đi mọi lợi ích trần thế.
Nhưng ngoài những công dụng thuần túy về mặt nhận thức, thần thoại của Plato còn có một chức năng quan trọng về mặt cảm xúc, khiến triết học của ông trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn; thậm chí, đôi khi, ấn tượng hơn. Ít người biết về sự phức tạp của tác phẩm Cộng hòa, nhưng hầu như mọi người đã biết đến Atlantis, vốn truyền cảm hứng cho vô số cuốn sách và thậm một bộ phim của Disney. Trong cuốn Đối thoại Lysis, Socrates nói rằng cái đẹp là một thứ “mềm mại, dịu dàng và trơn tuồn tuột, vậy nên có tính chất dễ dàng trôi vào và thâm nhập tâm hồn chúng ta”[5], và thần thoại của Plato chỉ đơn giản thấm đẫm vẻ đẹp. Trong cuốn Đối thoại Charmides, Socrates kể cho chàng trai trẻ Charmides, đang bị đau đầu, một câu thần chú chữa bệnh đau đầu mà ông đã học được từ vị thầy thuốc thần bí của Vua xứ Thrace. Tuy nhiên, thầy phù thủy vĩ đại này cảnh báo rằng tốt nhất nên chữa lành tâm hồn trước khi chữa lành thể xác, vì sức khỏe và hạnh phúc cuối cùng phụ thuộc vào trạng thái của tâm hồn:
“Bởi lẻ tất cả mọi điều tốt và xấu, dù trong thân xác hay nơi bản tính con người, theo lời ông ta nói, đều phát xuất từ tâm hồn và chảy tràn ra từ đó. . . . Vì vậy, nếu muốn đầu và thân mình được lành mạnh, thì trước hết phải khởi sự bằng việc chữa trị tâm hồn. Ông ta nói rằng linh hồn đã được chữa trị bằng một số câu thần chú, Charmides thân yêu của tôi ạ, và những câu thần chú này rất hay. Nhờ đó mà đức tiết độ mới thâm nhập và hiện hữu trong tâm hồn con người. Khi nào đức tiết độ hiện diện nơi tâm hồn con người, thì khi đó sức khỏe mới được bảo đảm không chỉ cho đầu mà còn cho cả toàn thân nữa”[6].
Đây dường như là bài hát ca tụng dành cho sức mạnh của ngôn ngữ! Đối với Plato, thần thoại là một phương tiện bỏ qua lý trí và khai thác thẳng vào những khía cạnh cảm xúc và phi lý trí nổi trội hơn của hồn. Nó cũng là một phương tiện vươn ra ngoài những giới hạn của lý trí và ngôn ngữ để nắm bắt những chân lý sâu sắc, thậm chí huyền bí – một phương tiện, nếu bạn muốn, để nói điều không thể nói được.
Một thần thoại mà Plato sáng tạo (dù không được xem là thần thoại) là câu chuyện nguồn gốc của phương pháp elenchus hay đối thoại triết học, mà trên thực tế, đã có trước Socrates rất lâu. Nhưng nếu có thể tin Plato, Socrates là người tiên phong của phương pháp elenchus để đối lại sấm truyền. Trong cuốn Apology (Socrates tự biện), Plato kể rằng, ngày xưa, Chærephon, bạn của Socrates, đã hỏi sấm truyền đền Delphi liệu có ai khôn ngoan hơn Socrates không, và nữ tư tế của thần Apollo trả lời rằng không có ai khôn ngoan hơn. Để khám phá ý nghĩa lời nói của thần linh, Socrates đã hỏi một số người được cho là thông thái về các khái niệm khác nhau, và trong mỗi trường hợp, ông kết luận: “tôi dường như khôn ngoan hơn ông ấy trong điểm nhỏ này, rằng tôi không nghĩ tôi biết điều tôi không biết”[7]. Từ đó trở đi, Socrates chuyên tâm phục vụ thần linh bằng cách tìm bất kỳ ai có vẻ khôn ngoan, và “nếu hắn không khôn ngoan, hãy cho hắn thấy điều đó”. Đối với Plato, ý nghĩa của thần thoại này không phải là để chỉ ra nguồn gốc phương pháp elenchus, nhưng là dựng lên hình ảnh người thầy của mình là Socrates, đã bị kết án chết như kẻ lạc giáo và làm hư hỏng thanh thiếu niên, như đang thực hiện một sứ mạng triết học cao quý do thần linh gợi hứng.
Chủng sinh Phêrô Trần Vũ Quang Khải chuyển ngữ từ Philosophy Now
[1] Neel Burton là tác giả của The Meaning of Myth. Ông là một bác sĩ tâm thần học, triết gia và người yêu rượu, và là thành viên cao cấp của Green Templeton College thuộc Đại học Oxford.
[2] “Socratic dialogues” có thể được hiểu và tạm dịch là “những đối thoại có Socrates” (lấy Socrates làm nhân vật chính), hay “những đối thoại kiểu Socrates” (lấy các cuộc đàm luận của Socrates làm mẫu mực). X. Nguyễn Văn Khoa, “Socrates của Plato”, cước chú 17, trong Plato, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch, chú giải và dẫn nhập (Hà Nội: NXB Tri thức, 2012), 9. Chú thích của người dịch [ND].
[3] Hay khảo hạch elenchus, là một biện chứng vấn đáp nhằm bác bỏ cái sai, phát hiện những mâu thuẫn ngay trong luận điệu của kẻ đối thoại bằng một cuộc đối chất trực tiếp, đầy nghiêm túc song cũng đầy mỉa mai. X. Nguyễn Văn Khoa, “Socrates thành Athens, ‘tên hành khất’ và bà đỡ”, trong Plato, Đối thoại Socratic 1, 71. [ND].
[4] Có tham khảo bản dịch trong Benjamin Jowett & M. J. Knight, Plato chuyên khảo, biên dịch Lưu Văn Hy và Trí Tri (Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 2008), 237 [ND].
[5] Có tham khảo bản dịch trong Benjamin Jowett & M. J. Knight, Sđd, 574 [ND].
[6] Ibid., 534 [ND].
[7] Ibid., 296 [ND].
Tin liên quan