×

Giỏ hàng

135   2025-02-15 19:45:53

MỐI PHÚC THỨ NHẤT TRONG TIN MỪNG LUCA:

MỘT GIÁO HUẤN KHÓ HIỂU

 

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật VI Thường niên C

Gr 17,5-8; Tv 1; 1Cr 15,12-20; Lc 6,17-26

 

Trong bốn sách Tin mừng, có những đoạn trình bày cả lời chúc phúc lẫn lời cảnh báo để làm nổi bật giáo huấn của Chúa Giêsu. Đó là những đoạn được gọi là “Các mối phúc,” một thể loại được biết đến nhiều nhất qua Bài giảng trên núi trong Tin mừng Mátthêu (Mt 5,1-12). “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đôi khi, như trong bài Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên năm C, những lời chúc phúc đi kèm với một loạt các “mối hoạ” dưới dạng lời cảnh báo. “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi” (Lc 6,24). Nếu tìm hiểu kỹ hơn, cả trong Cựu ước lẫn Tân ước, văn chương khôn ngoan tràn ngập những lời chúc phúc hoặc cảnh báo ngắn gọn như vậy. Trong các bài đọc của Chúa nhật tuần này như bài đọc I, thánh vịnh và bài Tin mừng đều nhấn mạnh đến những lời “chúc phúc” và “chúc dữ hay mối họa” ấy.

Kiểu nói “phúc cho” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Trong tiếng Hy Lạp và Do Thái, nó cũng có thể được dịch là “hạnh phúc,” “may mắn,” “có phúc,” thậm chí là “chúc mừng.” Chẳng hạn, Mt 5,3 có thể được dịch như sau: “Chúc mừng anh em là những người nghèo khó trong tâm hồn, vì Nước Trời là của anh em.” Khi suy ngẫm ý nghĩa phong phú này một cách chậm rãi trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá ra một thế giới khôn ngoan và huyền nhiệm về Nước Thiên Chúa.

Ví dụ, thánh vịnh Chúa nhật tuần này bắt đầu với một mối phúc: “Phúc cho ai không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thỏa trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày” (Tv 1,1-2). Có lẽ chúng ta nghĩ rằng đối nghịch với việc giao du với kẻ gian ác là tìm đến những người đạo đức hoặc kết thân với những người tốt hơn. Tuy nhiên, Thánh vịnh 1 cho thấy rằng điều đối nghịch với việc tiếp xúc với kẻ tội lỗi và nghe theo lời cám dỗ của họ chính là việc chìm đắm trong Lời Kinh thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện. Điều này không loại trừ việc tìm kiếm lời khuyên từ những người khôn ngoan, nhưng trọng tâm của thánh vịnh này là mời gọi chúng ta tìm đến nguồn mạch khôn ngoan: đó là khám phá chính sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc suy niệm Lời Ngài.

Bài Tin mừng Chúa nhật tuần này liệt kê một số mối phúc đi kèm với một hệ quả trái ngược. Chẳng hạn, mối phúc thứ hai mở đầu với lời: “Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát,” kèm theo lời hứa “vì các ngươi sẽ được no đầy” (Lc 6,21). Tương tự, “Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.” Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra với những lời chúc phúc cho người nghèo. Họ không trở nên giàu có, nhưng sẽ được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp (Lc 6,20).

Đây là một mầu nhiệm. Tại sao không thay đổi hoàn cảnh của người nghèo bằng sự giàu có? Có phải để tránh hy vọng hão huyền rằng người nghèo sẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh bần cùng? Hay phải chăng người đau khổ (đói khát, sầu muộn) mai sau sẽ được no thỏa trong Nước Thiên Chúa? Giáo huấn của Chúa Giêsu đảo ngược mong muốn của con người là được thoả mãn ngay lập tức. Ngài dạy rằng những ai đang đau khổ hôm nay không xa cách Thiên Chúa, Đấng không bao giờ lãng quên họ. Theo sự khôn ngoan của mối phúc này, những cơ cấu xã hội gây ra nghèo khó không chỉ bắt nguồn từ sự phân chia bất công của cải vật chất mà còn từ sự xa cách giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Trong tâm trí của Chúa Giêsu, người nghèo dễ dàng thoát khỏi những ảo tưởng thế gian vốn chỉ mang lại tiện nghi vật chất. Nước Thiên Chúa trước hết là nơi con người kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa; thực tại vật chất xuất phát từ sự kết hiệp ấy. Nhưng Nước Thiên Chúa mở rộng cho tất cả những ai có lòng tin. Trong Tin mừng Luca, người nghèo chỉ ra con đường đến một mầu nhiệm mà tất cả chúng ta đều được mời gọi bước vào.

 

CẦU NGUYỆN:

Ai là người nghèo hiện đang sống xung quanh chúng ta?

Ai là những người đang đói khát mà chúng ta chưa biết đến?

Những người khóc than trong thế giới hôm nay đang ở đâu?

 

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (12/2/2025)