×

Giỏ hàng

348   2024-10-19 12:34:24

KINH MÂN CÔI KHÔNG PHẢI LÀ LẢI NHẢI CẦU NGUYỆN

 

JP Nunez

Chủng sinh Giuse Võ Thái Thuận chuyển ngữ từ Catholic stand

 

Có lẽ không có lời cầu nguyện nào mang tính Công giáo hơn lời kinh Mân Côi. Tôi nghe nói có những tín hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác cũng cầu nguyện với kinh Mân Côi, nhưng rất ít. Đa số những người Tin Lành đều có những vấn đề thần học lớn liên quan đến việc cầu nguyện với Đức Maria, trong khi Chính thống giáo vẫn tôn kính Đức Maria như chúng ta, nhưng họ cũng có những hình thức riêng tôn kính Đức Mẹ. Nói chung, người Công giáo chúng ta là những người duy nhất lần hạt Mân Côi.

Vì thế, lòng sùng kính này thường là một vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc tranh luận giữa Công giáo và Tin Lành. Không chỉ đại đa số người Tin Lành cho rằng việc cầu nguyện với Đức Maria là hảo huyền, mà nhiều người trong họ còn có một vấn đề khác liên quan trực tiếp đến lời dạy của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng:

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6, 7-8)

Nhiều người thuộc Hội thánh Tin Lành cho rằng khi chúng ta lần hạt Mân Côi, thì cơ bản là chúng ta đang “lải nhải” (hoặc, trong một số bản dịch, “chỉ lặp lại vô ích”) và “nghĩ rằng sẽ được lắng nghe vì nói nhiều,” chính điều này tạo nên kiểu cầu nguyện mà Chúa Giêsu bảo chúng ta không nên thực hiện.

Chúng ta phải trả lời cáo buộc này như thế nào? Phải chăng là sai lầm khi lần hạt Mân Côi hay chúng ta đang “lải nhải như dân ngoại” khi làm điều đó?

Các phản đối cơ bản

Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta hãy suy nghĩ về lôgic đằng sau lập luận này và xem nó có thực sự vững vàng hay không. Có ba lý do khiến Kinh Mân Côi có thể rơi vào lời kết án của Chúa Giêsu trong Tin mừng Matthêu:

Thứ nhất, có thể là vì bất kỳ lời cầu nguyện nào được soạn trước đều là “những lời vô nghĩa,” và chúng ta nên cầu nguyện tự phát. Thứ hai, có thể là do lời kinh Mân Côi lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện giống nhau, dường như trở thành một chuỗi “lặp lại vô ích.” Và thứ ba, vấn đề có thể nằm ở chính độ dài của nó. Có lẽ chúng ta nên cầu nguyện ngắn gọn và chỉ nêu những gì cần nói hơn là kéo dài lời kinh trong mười lăm hoặc hai mươi phút.

Tất cả những lập luận đó đều rất khác nhau, vì vậy để bảo vệ Kinh Mân Côi một cách toàn diện, chúng ta cần xem xét từng lập luận và chỉ ra chỗ nào sai. Hãy bắt đầu với lập luận đơn giản nhất.

Một số người Tin Lành nghĩ rằng bất kỳ lời cầu nguyện nào đã được soạn trước thì giống như “những lời vô nghĩa,” nhưng điều đó không đúng. Tiếp sau đoạn Tin mừng (Mt 6,7-8) mà chúng ta nói ở trên, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha (Mt 6,9), và những lời kinh đó đã trở thành chuẩn mực trong lời cầu nguyện của các Kitô hữu trong suốt 2.000 năm qua. Chúa Giêsu đã soạn một lời kinh để giúp chúng ta cầu nguyện, vì vậy Ngài không thể nào lên án tất cả những lời cầu nguyện đã được soạn trước.

Những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại

Những người khác cho rằng vấn đề thực sự của Kinh Mân Côi là sự lặp lại. Họ nói rằng Chúa Giêsu không muốn chúng ta lặp đi lặp lại khi cầu nguyện; thay vào đó, chúng ta chỉ nên nói những gì chúng ta muốn nói và sau đó kết thúc.

Thoạt nghe, có vẻ thuyết phục, nhưng nếu chúng ta biết Cựu Ước, lập luận này rõ ràng cũng sai lầm như lập luận đầu tiên. Ví dụ, hãy xem những câu này từ Thánh vịnh 136:

“Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Thần các thần,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa các chúa,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
(Tv 136, 1-3)

Trong Thánh vịnh này, có một câu giống hệt nhau: “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Tôi chỉ trích dẫn ba câu đầu, nhưng hai mươi ba câu còn lại đều tuân theo khuôn mẫu này mà không có sự sai lệch nào. Nửa sau của mỗi câu trong toàn bộ Thánh vịnh này hoàn toàn giống nhau, vì vậy nó lặp đi lặp lại nhiều lần. Chúng ta không có gì sai khi cầu nguyện với Thánh vịnh này.

Thánh vịnh là sách cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng, và dân Chúa đã cầu nguyện với các Thánh vịnh từ trước thời của Chúa Kitô. Người Do Thái xưa đã sử dụng Thánh vịnh khi cầu nguyện (do đó chính Chúa Giêsu cũng đã làm như vậy); các Kitô hữu đầu tiên cầu nguyện với Thánh vịnh; và ngày nay các Thánh vịnh vẫn được Giáo Hội sử dụng trong Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Thánh vịnh là sách cầu nguyện tuyệt hảo của Giáo Hội, vì vậy, khi Thánh vịnh sử dụng kiểu lặp lại nhiều lần như vậy, Chúa Giêsu không thể nào lên án cách cầu nguyện với Thánh vịnh. Do đó, lập luận này cũng đi vào ngõ cụt.

Lời cầu nguyện dài dòng

Cuối cùng, một số người phản đối việc lần hạt Mân Côi có thể nói rằng vấn đề thực sự là vì lời kinh này dài dòng. Vì nó quá dài nên chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe vì chúng ta “nhiều lời”. Vậy chúng ta có thể nói gì về lập luận thứ ba này?

Một lần nữa, chúng ta hãy trở lại với các Thánh vịnh. Một số Thánh vịnh thì ngắn, như Thánh vịnh 117 (chỉ có hai câu!), nhưng những Thánh vịnh khác thì dài. Ở đây, tôi muốn nói đến độ dài của nó. Chương dài nhất của Kinh Thánh là Thánh vịnh 119, gồm 176 câu.

Một lần nữa, Chúa Giêsu không thể lên án những lời cầu nguyện dài. Nếu như vậy, Ngài đang lên án cuốn sách cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng mà chính Ngài đã sử dụng. Chắc chắn rằng Ngài sẽ không làm điều đó.

Thông điệp thực sự của Chúa Giêsu

Trước tất cả những điều này, chúng ta có thể bị cám dỗ để kết luận rằng Chúa Giêsu không nhằm lên án việc cầu nguyện rỗng tuếch, gồm việc lần hạt Mân Côi và sau đó tự tán thưởng bản thân vì đã bảo vệ thành công đức tin Công giáo, nhưng chúng ta không nên vội vàng tuyên bố chiến thắng. Bác bỏ những giải thích không chính xác về lời dạy của Chúa Giêsu chỉ là một nửa trận chiến. Nửa còn lại liên quan đến việc giải thích những lời đó thực sự có ý nghĩa gì, và khi đó, chúng ta sẽ tìm thấy một bài học quan trọng cho đời sống thiêng liêng của mình.

Ý chính của Chúa Giêsu trong Mt 6,7-8 là chúng ta cần chú ý đến nội dung, cách thức chúng ta cầu nguyện và ý hướng thực sự khi cầu nguyện. Chỉ đơn giản thốt lên lời kinh, cho dù đó là Kinh Mân Côi, một trong các Thánh vịnh, hay bất cứ điều gì khác, thì không thể xem đó là cầu nguyện. Đó chỉ đơn thuần là “lải nhải như dân ngoại,” và là điều mà Chúa Giêsu đã lên án.

Để thực sự cầu nguyện, chúng ta phải nói lên lời và có ý hướng chân thành. Nếu làm như vậy thì dù chúng ta chọn cầu nguyện bất cứ điều gì, chúng ta đang cầu nguyện theo cách Chúa Giêsu mong muốn.