KHOA HỌC CÓ GIÚP ÍCH GÌ CHO VIỆC SUY TƯ VỀ THIÊN ĐÀNG KHÔNG?
Người Công giáo và các Kitô hữu khác tin rằng những ai được cứu độ thì sẽ có sự sống đời đời. Nhưng cuộc sống ấy sẽ diễn ra ở đâu và như thế nào? Nó sẽ nằm trong giới hạn của vũ trụ vật lý này hay hoàn toàn vượt xa giới hạn đó? Xét về mặt vật lý, nó có gì giống với tình trạng hiện tại của vạn vật, hay hoàn toàn khác biệt? Liệu khoa học có giúp ích gì cho việc suy tư này, hay nó hoàn toàn không liên quan?
Số phận của vũ trụ vật chất
Có lẽ tốt nhất chúng ta nên bắt đầu với câu hỏi, sau cùng điều gì sẽ xảy ra với vũ trụ vật lý mà chúng ta đang sống. Nhiều bản văn Kinh thánh nói rằng vũ trụ này sẽ qua đi. Trong Thánh vịnh 102, chúng ta đọc được, “Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Người tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài, chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao. Người thay chúng khác nào thay áo, nhưng chính Người tiền hậu y nguyên; tháng năm Người vẫn triền miên.”
Chính Đức Kitô đã tuyên bố: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Mt 24, 35). Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7, 31). Thư thứ nhất của thánh Gioan nói, “thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó” (1 Ga 2, 17). Thư thứ hai của thánh Phêrô tiên báo rằng “trời và đất hiện nay … dành cho lửa trong ngày phán xét . . . các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ” (2 Pr 3, 7-10).
Khoa học hiện nay nói gì với chúng ta? Theo lý thuyết “Vụ nổ lớn” (Big Bang theory), vũ trụ có thể có hai số phận khả thi. Một là nó sẽ tiếp tục mở rộng mãi mãi, ngày càng trở nên lạnh hơn, tối hơn và trống rỗng hơn. Cuối cùng, tất cả các ngôi sao sẽ tắt ngúm, khi tiêu hết nhiên liệu hạt nhân của chúng cùng tất cả các dạng năng lượng có thể sử dụng khác. Điều này theo truyền thống được gọi là “cái chết nhiệt” của vũ trụ (“heat death”), bởi vì mọi nhiệt lượng sẽ biến mất và mọi sự sống sẽ tiêu tan theo.
Khả năng khác là vũ trụ cuối cùng sẽ ngừng giãn nở và bắt đầu co lại. Khi co và nén lại, nó sẽ ngày càng trở nên nóng và dày đặc, cuối cùng đạt đến nhiệt độ không tưởng đến mức cả không gian và thời gian cũng thu hẹp lại. Điều này được gọi là “Vụ co lớn” (Big Crunch) (giống như Vụ nổ lớn đảo ngược), tại thời điểm đó, bản thân vũ trụ và thời gian vật lý có lẽ sẽ đột ngột ngừng lại. Rõ ràng, trong trường hợp này, mọi sự sống trong vũ trụ cũng sẽ kết thúc.
Số phận nào sẽ có khả năng xảy ra nhiều hơn. Trước năm 1998, xác suất của hai số phận dường như là như nhau, nhưng vào năm ấy, người ta phát hiện ra rằng sự giãn nở của vũ trụ đã tăng tốc trong vài tỷ năm qua, cách xa “Vụ co lớn” và tiến tới một “Cái chết nhiệt”; nhưng vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết và vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Trong bất kỳ trường hợp nào, một thời gian dài trước khi bất kỳ thảm họa vũ trụ nào xảy ra, Mặt trời sẽ phát nổ trở thành “Sao khổng lồ đỏ” trong khoảng năm tỷ năm, và thiêu rụi bất kỳ sự sống nào còn tồn tại trên trái đất. Một bài thơ năm 1920 của Robert Frost bắt đầu như sau, “Có người nói thế giới kết thúc trong lửa ngùn, người khác lại rằng băng giá mới là kết cục.” Ngày nay chúng ta biết rằng trái đất sẽ kết thúc trong lửa. chúng ta không biết vũ trụ sẽ kết thúc cách nào, nhưng việc nó sẽ kết thúc như một nơi mà không sự sống nào có thể tồn tại dường như là chắc chắn.
Do đó, có vẻ như vũ trụ học hiện đại và Mặc khải Kinh thánh có một sự đồng thuận cơ bản như nhau. Tuy nhiên, về mặt thần học, mọi thứ không hoàn toàn rõ ràng như vậy. Thánh kinh và Thánh truyền có phần mơ hồ hơn về số phận sau cùng của vũ trụ so với khi nó xuất hiện lần đầu. Bởi vì, dù nói nhiều về việc trời đất qua đi, nhưng Kinh thánh cũng nói về sự xuất hiện của một “trời mới” và “đất mới”. “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa.” (Kh 21, 1). Điều này lặp lại Isaia 65, 17: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa.”
“Trời mới” và “đất mới” có thể được hiểu theo hai cách: hoặc là sự thay thế hoàn toàn hoặc là sự biến đổi và canh tân của trời và đất hiện tại. Nhiều đoạn Kinh thánh gợi ý đến cách hiểu thứ nhất, vì Kinh Thánh có nói rằng thế giới hiện tại chỉ “đang biến đi”. Và, như chúng ta đã thấy, Thánh vịnh 102 sử dụng hình ảnh “thay áo”. Mặt khác, đoạn trích dẫn từ thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô ở trên nói cụ thể hơn rằng “bộ mặt của thế gian này đang biến đi,” điều này như ngụ ý rằng mặc dù thế gian sẽ có một hình dạng mới, nhưng nó vẫn sẽ là “thế gian này.” Truyền thống thần học ủng hộ cách hiểu này. Chẳng hạn, số 1047 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói rằng “vũ trụ hữu hình được tiền định để chính nó được biến đổi.”[1] Hơn nữa, Rm 8, 20-21 nói về việc vũ trụ cuối cùng được “tự do”: “muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo. . . tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.”
Nhiều nhà thần học coi đoạn văn phong phú ý tưởng nhưng bí ẩn này có nghĩa là vũ trụ sẽ “được cứu độ” bằng cách được biến đổi thành một nơi không còn chết chóc và mục nát. Tuy nhiên, quan niệm thứ hai sẽ có vấn đề, nếu người ta giả định rằng vũ trụ biến đổi sẽ là một “vũ trụ vật lý” rất giống với vũ trụ hiện tại, tức là, một lãnh giới mà ở đó có vật chất, không gian và thời gian bị chi phối bởi cùng “các định luật vật lý” giống hệt hoặc tương tự. Vì, trong trường hợp đó, dường như không thể tránh khỏi định luật entropy[2] và do đó sự chết chóc và mục nát sẽ tiếp tục thống trị vũ trụ. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, có những lý do vững chắc về thần học và Kinh thánh để nghi ngờ rằng trời mới và đất mới sẽ là “một vũ trụ vật lý” theo nghĩa đó.
Một điểm có vẻ quan trọng trong Rm 8, 20-21 đó là nó liên kết việc giải thoát vũ trụ với việc “cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang”. Điều này như cho thấy rằng việc cứu độ vũ trụ sẽ đạt được trong và thông qua việc cứu độ con người và vinh quang tối hậu của họ trên thiên đàng. Người ta có thể nghĩ về điều đó như sau. Nếu ý định của Thiên Chúa đối với vũ trụ vật lý là nó sẽ sinh ra con cái của Thiên Chúa, và ý định của Người đối với họ là phải đạt được sự sống vĩnh cửu với Người trong vinh quang, rồi qua sự cứu độ con cái Thiên Chúa, vũ trụ sẽ đạt được mục đích và sự thành toàn, và vượt qua “tính phù phiếm” mà nếu không, nó sẽ bị kết án.
Thánh Tôma Aquinô hiểu việc cứu độ vũ trụ vật lý xảy ra thông qua việc cứu độ con người, vì con người mang trong mình tất cả các cấp độ hữu thể được tìm thấy trong vũ trụ: vật chất, hữu cơ, giác tính và lý tính. Joseph Ratzinger, trong cuốn sách Cánh chung luận: Sự chết và Đời sống vĩnh cửu, đã tóm tắt quan điểm của thánh Tôma như sau:
Chính trong chuyển động đó [của con người đối với Thiên Chúa], vũ trụ vật chất này, ý thức về chính mình, chỉ vì trong con người, vũ trụ cũng hướng về Thiên Chúa, “tất cả lượn sóng hữu thể và giá trị thuộc mọi thứ hạng sẽ quay về nguồn gốc của mình.”[3]
Theo dòng suy nghĩ đó, người ta thậm chí có thể nghĩ rằng sự tiếp tục từ thế giới này sang thế giới tiếp theo chính là nhân loại được cứu độ.
Thân xác sống lại
Tất nhiên, câu hỏi về thế giới tiếp theo sẽ như thế nào dẫn đến câu hỏi những người được cứu độ sẽ có thân thể nào sau khi “kẻ chết sống lại”, một câu hỏi mà chính thánh Phaolô đã phải đương đầu trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ngài viết: “Nhưng có người sẽ nói: Kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?” (1 Cr 15, 35). Mặt khác, chính từ “phục sinh” (“sống lại”) ngụ ý rằng thân thể “sống lại” sẽ chính là thân thể đã chết, điều mà các Giáo phụ của Giáo hội sơ khai và truyền thống sau này đã nhất trí khẳng định.
Quả thật, đó là giáo huấn thuộc đức tin Công giáo, tín lý de fide.[4] Mặt khác, một ý nghĩa rõ ràng về thân xác sống lại sẽ là “cùng một thân xác” chưa bao giờ được xác định. Trong khi về mặt lịch sử, tuyệt đại đa số các nhà thần học Công giáo hiểu điều này ngụ ý tính liên tục nào đó về mặt vật chất, thì một số ít thần học gia lại cho rằng cùng một thân xác tức là nó sẽ được kết hợp với cùng một linh hồn thiêng liêng. Tuy nhiên, huấn quyền chưa đưa ra một tín lý dứt khoát nào về vấn đề này.
Trong mọi trường hợp, bất kỳ giả thuyết nào đặt ra một sự liên tục mang tính vật lý — theo nghĩa “được vật lý học nghiên cứu” —giữa vũ trụ này và “trời mới và đất mới” và giữa thân xác con người trong thế giới này và thân xác sống lại trong thế giới tiếp theo đặt ra một số vấn đề hóc búa. Vấn đề quan trọng nhất, đã được đề cập, liên quan đến sự kiện là mọi thứ trong vũ trụ vật lý này vốn dĩ là có thể “hư hoại” hoặc “tàn lụi”, tức là không thể tránh khỏi sự lão hóa, mục nát và tan rã, trong khi ở thế giới tiếp theo sẽ không có mục nát hoặc chết chóc.
Tính hư hoại của vạn vật trong vũ trụ này là hệ quả của định luật 2 nhiệt động lực học (định luật entropy). Và nó sẽ không chỉ áp dụng cho vũ trụ này với các quy luật vật lý cụ thể của nó, mà có lẽ còn áp dụng cho bất kỳ vũ trụ vật chất nào cơ bản giống với vũ trụ của chúng ta. Và đó là bởi vì định luật 2 nhiệt động lực học là một hệ quả khá chung của các định luật xác suất và phụ thuộc rất ít vào các chi tiết của các định luật vật lý. Ý tưởng về một lãnh giới vật lý là tiếp diễn của vũ trụ này và rất giống với nó nhưng có thể miễn nhiễm với tính hư hoại, chết chóc và mục nát, là điều khó hiểu.
Một người nắm bắt rõ ràng vấn đề cơ bản này chính là thánh Phaolô. Ngài đã bàn luận nhiều về vấn đề này nơi 1 Cr 15, 35-55 khi thẳng thắn tuyên bố rằng “xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được.” Và vì lý do này, ngài nói, một sự “biến đổi” đột ngột sẽ xảy ra khi phục sinh: “Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.”
Ngài thú nhận rằng cách thức điều này xảy ra là “một mầu nhiệm lớn lao.” Ngài nhấn mạnh rằng thân thể phục sinh, không thể hư nát, nên khác rất nhiều so với thân thể trần gian, tựa như cây lúa khác với “hạt trơ trụi” mà từ đó nó mọc lên. Ngài nói, “thân thể có thần khí” phải thay thế “thân thể có sinh khí”[5] (tiếng Anh thường dịch là “thân thể vật lý - physical body” hoặc “thân thể tự nhiên - natural body”). Joseph Ratzinger trong cuốn Dẫn nhập đức tin Kitô giáo[6] đã tóm tắt lời dạy của thánh Phaolô về sự phục sinh của thân xác như sau:
Nhìn từ quan điểm hiện đại, phác họa của thánh Phaolô không đến nỗi ngây thơ như những suy đoán hết sức phức tạp, chi li của thần học về sau khi bàn về khả năng bất tử của thân xác con người. Xin nhắc lại một lần nữa, thánh Phaolô dạy con người sống lại chứ không phải cơ thể sống lại, và đây không phải nơi sự trở lại của “thân xác” (cấu trúc sinh học), là điều mà ngài đã khẳng định rõ ràng là không thể có được (“cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được”), nhưng nơi một hình thức khác của sự sống phục sinh, như đã biểu hiện nơi Chúa Phục Sinh.[7]
“Thể xác” và “Thể chất”
Khi suy tư về những vấn đề này, có thể hữu ích nếu xem xét thân xác con người từ hai quan điểm riêng biệt, mặc dù rõ ràng là có liên quan: vật lý sinh học[8] và ngôi vị. Từ quan niệm vật lý, cơ thể của thực vật và động vật có một mục đích duy nhất, đó là duy trì sự tồn tại của sinh vật (và đồng loại của nó), trước xu hướng chung là diệt vong của tất cả những gì tồn tại trong thế giới này. Nói cách súc tích, các sinh vật sinh học là “cỗ máy sinh tồn”. Để hiểu rõ hơn điều này, đòi hỏi phải có một số giải thích vật lý cơ bản.
Điều mà định luật 2 nhiệt động lực học nói là “entropy” (một đơn vị đo lường toán học về rối loạn vật lý)[9] luôn tăng theo thời gian, và tính trật tự giảm dần. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nguyên tắc này dường như loại trừ sự sinh trưởng và phát triển của thực vật và động vật, vì trong sự sinh trưởng và phát triển hữu cơ, vật chất trong các dạng ít trật tự hơn (ví dụ: nước, không khí, đất và chất dinh dưỡng) được đưa vào các cấu trúc có trật tự cao của cơ thể sinh vật. Tuy nhiên, điều mà định luật 2 nhiệt động lực học nói, chính xác hơn, là sự rối loạn, được đo bằng entropy, luôn tăng (hoặc ít nhất là không bao giờ giảm) trên tổng thể. Tiêu chuẩn này rất quan trọng, vì định luật 2 cho phép entropy giảm (và do đó tăng trật tự) ở một nơi hoặc trong một hệ thống vật chất miễn là entropy tăng ở nơi khác nhiều hơn. Đó là tổng entropy bất khả giảm.
Một minh họa hay về cho điều này là bạn có thể giảm entropy của một cốc nước bằng cách đặt nó vào ngăn đá của tủ lạnh, làm cho chuyển động mất trật tự của các phân tử H2O trong chất lỏng nhường chỗ cho sự sắp xếp có trật tự của các phân tử trong tinh thể nước đá hình thành. Nhưng sự giảm entropy bên trong ngăn đá được bù đắp nhiều hơn bằng sự gia tăng entropy bên ngoài ngăn đá. Cụ thể, năng lượng chảy vào ngăn đá ở dạng điện năng có trật tự hơn và có thể sử dụng được, và lại phát ra ở dạng thức nhiệt năng ít trật tự hơn (như bạn có thể nhận biết bằng cách cảm nhận không khí ấm thoát ra từ phía sau tủ lạnh). Như ví dụ này minh họa, để một hệ thống đi ngược lại xu hướng rối loạn phổ biến thường đòi hỏi đầu vào là năng lượng có thể sử dụng được từ bên ngoài hệ thống. Nếu bạn rút phích cắm của tủ lạnh, thực phẩm bên trong cuối cùng sẽ bị hư hỏng và đá tan chảy.
Điểm mấu chốt là sự sinh trưởng, phát triển và sự sống của các sinh vật có thể “chống lại xu hướng” hướng về rối loạn của thế giới vật lý vì chúng có thể tận dụng các nguồn năng lượng bên ngoài. (Nguồn năng lượng cơ bản cho tất cả sự sống trên trái đất là Mặt trời, hoặc trong một số trường hợp là năng lượng địa nhiệt.) Điều này cũng đúng với quá trình tiến hóa của các sinh vật từ các dạng thức ít tổ chức hơn.
Vì vậy, cuộc đấu tranh của các sinh vật trong vũ trụ này để tồn tại chủ yếu là vấn đề về hấp thụ năng lượng có thể sử dụng. Đó là lý do tại sao động vật phải ăn và thở. Mọi bộ phận trong cơ thể của một sinh vật sinh học đều có một chức năng nào đó nhằm mục đích chống lại xu hướng entropy phổ quát hướng đến sự hư hoại và mục nát. Đó là lý do tại sao cơ thể con người có một hệ tiêu hóa để dung nạp, tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng; một hệ hô hấp; sự đa dạng về hệ giác quan cho phép con người tìm thấy nguồn dinh dưỡng và tránh nguy hiểm; một số các cơ chế bảo vệ, bao gồm hệ miễn dịch và hệ bì, cho phép nó tránh trở thành chất dinh dưỡng cho các sinh vật khác, cả vĩ mô và vi mô; một hệ sinh sản để lưu truyền nòi giống; v.v với mọi cơ quan và tế bào của cơ thể.
Tất nhiên, con người còn hơn cả những cỗ máy sinh tồn. Chúng ta là những con người, được Thiên Chúa ban tặng cho lý trí, tự do ý chí, và khả năng yêu thương và tự siêu việt.[10] Và điều này khiến chúng ta cân nhắc một mục đích khác, cao hơn của thân thể chúng ta: sự hiệp thông liên ngôi vị. Con người tương tác với nhau không chỉ về mặt thể chất mà còn về mặt ngôi vị, và chúng ta thực hiện cả hai điều này chỉ với tính thân xác[11] của chúng ta. Chỉ qua những dấu hiệu, cử chỉ và hành động bên ngoài, chúng ta mới có thể biết được tâm trí và trái tim của nhau, đồng thời đón nhận và bày tỏ tình yêu thương. Sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa cũng chỉ thông qua tính thân xác của chúng ta, qua Lời và bí tích.
Điều này không có nghĩa là hai mục đích của thân thể con người, về mặt vật lý sinh học và hiệp thông liên ngôi vị, không liên quan đến nhau; chúng rõ ràng là có liên quan. Năng lực và nhu cầu hiệp thông liên ngôi vị của chúng ta bắt nguồn từ xã hội tính của chúng ta, vốn bắt nguồn từ xã hội tính của các tổ tiên loài của chúng ta. Và xã hội tính của loài rõ ràng đóng nhiều vai trò trong sự tồn tại, nếu không thì loài vật đã không thể tiến hóa. Nhưng những gì bắt đầu ở cấp độ động vật như sự hợp tác, chăm sóc và thậm chí là tình cảm được nâng lên một cấp độ cao hơn ở con người. Bữa cơm gia đình không chỉ là vấn đề phương tiện nuôi sống cơ thể, mà còn là sự gắn kết sâu sắc về tinh thần.
Nếu cơ thể chúng ta có một mục đích kép [thể chất và tinh thần] trong đời sống này, thì trong đời sống kế tiếp sẽ thế nào? Chắc chắn vai trò trung gian của sự hiệp thông liên ngôi vị, với Thiên Chúa và người khác, vẫn sẽ được duy trì. Chính nhờ sự tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô mà chúng ta sẽ có được sự hiệp thông như vậy. Thật vậy, có thể nói rằng Thân thể trọn vẹn của Chúa Kitô, bao gồm Đầu và tất cả các chi thể nhân loại, là chính thiên đàng, điều này đạt được (như Thư gửi tín hữu Êphêsô đã nói) khi “tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13). Joseph Ratzinger trong Cánh chung luận: Sự chết và Đời sống vĩnh cửu, diễn tả điều đó như sau:
Việc hoàn tất thân xác của Chúa trong sự “viên mãn” của “Đức Kitô trọn vẹn – pleroma” sẽ đem đến chiều kích vũ trụ đích thực. Ơn cứu độ cho từng cá nhân, chúng ta nói lại một lần nữa để kết thúc, chỉ trọn vẹn và tràn đầy, chỉ khi nào ơn cứu độ cho vũ trụ và của tất cả những kẻ được chọn, không phải chỉ là cận kề như trong thiên đàng, nhưng kết hợp một cách mật thiết tất cả chi thể của Đức Kitô duy nhất của thiên đàng.[12]
Nhưng mục đích khác của thân xác chúng ta ở đời này, mục đích thể lý như là “cỗ máy sinh tồn” thì sao? Rõ ràng mục đích đó không còn nữa ở đời sau, vì sẽ không còn “tính hư hoại” và hay cái chết phải được ngăn chặn bằng hoạt động thể chất. Các nhà thần học Kinh viện thời trung cổ đồng ý rằng cái mà họ gọi là chức năng “sinh dưỡng” của thân thể con người sẽ không cần thiết và do đó sẽ không hoạt động trên thiên đường, mặc dù họ tin rằng các cơ quan liên quan đến các hoạt động đó sẽ vẫn tồn tại, để những cơ thể sống lại được hoàn hảo và hoàn chỉnh.
Nhiều gợi ý trong Kinh thánh nói rằng các chức năng thể lý khác nhau của cơ thể không hiện hữu hoặc không cần thiết trên thiên đàng. Sách Khải huyền, đề cập đến Giêrusalem Mới, là hình ảnh của thiên đàng, nói, “Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” (Kh 21, 23). Điều này cho thấy rằng loại ánh sáng mà Mặt trời và Mặt trăng phát ra - ánh sáng vật lý, được tạo thành từ các sóng điện từ - sẽ không còn nữa vì không còn cần thiết nữa. Những người ở trên thiên đàng sẽ không cần ánh sáng để tìm đường đi, như họ đã làm trong vũ trụ vật lý này; và điều đó dường như ngụ ý rằng họ sẽ không có nhu cầu thể chất đối với những thứ như võng mạc, dây thần kinh thị giác, v.v. Ánh sáng duy nhất của họ sẽ là chính Thiên Chúa, “nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.” (Tv 36, 10).
Thức ăn vật chất, và các cơ quan cùng quá trình tiêu hóa cũng không cần thiết để cung cấp năng lượng vật lý. Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn, Thiên Chúa sẽ hủy diệt cả cái này lẫn cái kia.”[13] Sau đó, ngay lập tức ngài tiếp tục nói về vai trò của thân xác trong sự hiệp thông: “thân xác con người … để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1 Cr 6, 13-15).
Những người ở trên thiên đàng sẽ không cần thức ăn vật chất, vì thức ăn của họ sẽ là Đức Kitô. Không phải lương thực trần gian, nhưng là Lời do “miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4; Hc 24, 3). Trong Tự thuật của mình, thánh Augustinô kể lại một kinh nghiệm thần bí mà ngài và mẹ ngài là thánh Monica đã chia sẻ tại Ostia ngay trước khi bà qua đời, nơi cả hai đều thức tỉnh tâm linh và có một cái nhìn thoáng qua về “miền phì nhiêu vô tận, nơi Chúa chăn dắt Israel vĩnh cửu trong đồng cỏ chân lý.”[14] Tất nhiên, đồng cỏ chân lý là chính Chúa Kitô, Con đường, Sự thật và Sự sống.
Cũng không cần đến các chức năng sinh sản của thân thể, vì như Chúa Giêsu đã nói với những người Sađốc đang lập luận chống lại sự sống lại của người chết dựa trên quan niệm vật lý thái quá của họ, “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mt 22, 30). Tất nhiên, sự kiện một số bộ phận và chức năng cơ thể cần thiết ở đời này để đối phó với những thách thức do tính hư hoại của thân xác vật lý sẽ không còn cần thiết cho mục đích đó ở đời sau không nhất thiết ngụ ý rằng chúng sẽ không hiện diện hoặc sẽ phục vụ các mục đích khác. Trong trường hợp đó, vai trò của chúng sẽ không còn mang tính vật lý - sinh học nữa, mà sẽ phục vụ mục đích của sự hiệp thông liên ngôi vị.
Hơn nữa, điều này không có ý nói rằng thân thể sống lại, bởi vì ít “vật chất” hơn theo một nghĩa nào đó, nên bằng cách nào đó sẽ trở nên mượt mà, thanh khiết và ít thực hơn cơ thể của chúng ta ở đời này. Nếu có gì đó, thì đặc tính thân xác của chúng ta ở đời sau sẽ thực hơn, vững chắc hơn và hình thức hiện hữu của chúng ta sẽ có vẻ thanh khiết hơn nếu so sánh—, xin mượn những lời của thánh Phaolô, giống như chỉ là một “chiếc lều” so với một “ngôi nhà” vững chắc:
Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra. Do đó, chúng ta rên siết là vì những ước mong được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều kia, miễn là chúng ta có mặc áo, chứ không phải trần trụi. Thật thế, bao lâu còn ở trong chiếc lều này, chúng ta rên siết, khổ tâm vì không muốn cởi bỏ cái này, nhưng lại muốn trùm thêm lên mình cái kia, để cho cái phải chết tiêu tan trong sự sống… Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa (2 Cr 5, 1-6).
Vinh quang của thiên đàng
Một lập luận phổ biến — rất truyền thống và do đó rất có giá trị— là chúng ta có một ý tưởng khá đúng về việc thân xác sống lại sẽ như thế nào, vì có những mô tả về cách thức thân thể phục sinh của Đức Kitô hiện ra với các môn đệ. Điều đó đúng; và thân thể đó chắc chắn là rất vật chất — Đức Kitô phục sinh đã ăn cá với các môn đệ; họ đã thấy Người bằng mắt và nghe Người bằng đôi tai của họ; và Người mời Tôma đa nghi đặt tay vào cạnh sườn bị đâm thủng của Người. Nhưng, tất nhiên, Chúa Kitô phải hiện ra với các môn đệ một cách thể lý nếu muốn họ làm nhân chứng cho sự phục sinh của Người, vì họ vẫn đang sống trong vũ trụ vật lý này và chỉ có thể nhận biết Người bằng các giác quan. Điều này đặt ra câu hỏi liệu những gì các môn đệ có thể chứng kiến theo cách này có phải là thực tại đầy đủ của các thân thể phục sinh như họ sẽ có trong thế giới tương lai hay không. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, trong số 659, gợi ý ngược lại:
Nhưng trong bốn mươi ngày, khi Người [Đức Kitô phục sinh] ăn uống thân mật với các môn đệ của Người, và dạy dỗ họ về Nước Trời, thì vinh quang của Người vẫn còn được che giấu dưới những nét của một nhân tính thông thường. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và trời, nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa.
Điều mà những người được cứu độ sẽ có trong thế giới sắp đến là những thân thể đã “tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa”[15]. Như thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Philipphê: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 21). Điều đó sẽ như thế nào vẫn được “che đậy” khỏi tầm nhìn của chúng ta.
Có một sự tương phản kỳ lạ giữa hai lần xuất hiện sau Phục sinh của Đức Kitô, điều này có thể có một số ý nghĩa liên quan đến hai mục đích của sự tồn tại thân thể của con người. Chúa Kitô bảo thánh Tôma hãy chạm vào Chúa— thực sự là bảo ông xỏ ngón tay vào các vết đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn của Người; nhưng Người bảo bà Maria đừng động vào Người: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha” (Ga 20, 17). Có lẽ sự khác biệt là ở những gì họ đang tìm kiếm. Tôma chỉ tìm kiếm bằng chứng vật lý về một cơ thể thể lý. Ông là kiểu mẫu người hoài nghi khoa học! Nhưng Maria đang tìm kiếm một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều: sự hiệp thông với Chúa của bà. Nhưng mức độ hiệp thông mà bà tìm kiếm phải chờ đến khi Đức Kitô lên trời.
Sau đó, chúng ta bị bỏ lại với “một mầu nhiệm lớn”, như thánh Phaolô đã nói với chúng ta. Một trong những đặc điểm nổi bật của Tân Ước là chúng ta không bị dụ dỗ với những mô tả về thiên đường bằng những thú vui trần gian, như trong vô số những mô tả gợi cảm “sensuous” (chứ không nói nhục cảm “sensual”) về thiên đường trong Kinh Qur’an của Hồi giáo. Tân Ước đặc biệt chú ý đến các chi tiết của đời sau. Người ta có thể mong đợi điều ngược lại, nếu các tín hữu có thêm động lực, ngoài lời hứa rằng họ sẽ ở với Thiên Chúa và tham dự vào cuộc sống thần linh.
Nhưng, như thánh Augustinô đã nói trong Tự thuật, “đứng trước hạnh phúc của đời sống đó, tất cả khoái lạc của ngũ quan, dù lớn lao đến đâu, dù có vẻ huy hoàng biết mấy, cũng phải coi là không xứng đáng được so sánh, hơn nữa, không xứng đáng được nhắc đến.”[16] Và như Kinh thánh xác nhận rằng những gì đang chờ đợi những người được cứu độ trên thế giới sẽ đến vượt xa khả năng hiểu biết hay tưởng tượng của chúng ta hiện nay: “chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3, 2) và “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1 Cr 2, 9).
Chủng sinh Phaolô Nguyễn Tiến Lợi chuyển ngữ từ churchlifejournal.nd.edu
----------------
[1] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016), số 1047.
[2] Định luật entropy miêu tả tính chất không thể đảo ngược của một quá trình nhiệt động lực học. Từ đó dẫn đến định luật là không thể chuyển từ trạng thái mất trật tự sang trạng thái trật tự nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài. [ND]
[3] J. Ratzinger, Cánh chung luận: Sự chết và đời sống vĩnh cửu, Nguyễn Văn Trinh dịch (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2013), 188.
[4] Brugger cho rằng khi thuật ngữ “de fide” được dùng trong thần học Công Giáo để nói về một tín lý, thì nó có nghĩa một chân lý thuộc Mạc Khải Thiên Chúa. Hạn từ Mạc Khải Thiên Chúa có ý nói tới các chân lý được Thiên Chúa chọn để tự mạc khải Người và thánh ý Người cho nhân loại để hòa giải thế giới với chính Người, ngõ hầu con người nam nữ có thể sống kết hợp với Người một cách bất toàn ở đời này và, sau khi chết và phán xét, được sống hoàn toàn với Người trên thiên đàng. Như thế, Giáo Hội coi các tín lý “de fide” là cần thiết cho sự cứu rỗi. Vị thế của chúng trong giáo huấn Công Giáo là không thể sửa đổi. Và cách thế công bố chúng là vô ngộ.
[5] Trong triết học tâm lý, psukhê (sinh khí hay sinh hồn) nghĩa rộng đối lập với sôma (thân thể), chỉ trung tâm của đời sống tâm lý, tình cảm, cả tâm linh và linh hồn bất diệt nữa. Rất nhiều đoạn Tân Ước cũng hiểu psukhê theo nghĩa đó (Lc 1, 46; Ga 12, 27; Pl 1, 27; Ep 6, 6; Cl 3, 23). Nhưng trong đoạn này, đối với thánh Phao-lô cũng như với truyền thống các nhà ráp-bi, psukhê có nghĩa là nguyên lý làm cho thân thể sinh động, là sự sống của thân thể (Rm 16, 4), linh hồn sống động của nó (tiếng Híp-ri goi là nepeš). Do đó, có thể lấy từ này để chỉ toàn bộ con người. Nhưng nó vẫn chỉ là nguyên lý của sự sống tự nhiên (1 Cr 2, 14), làm cho con người tuỳ thuộc vào những định luật sinh lý như mọi động vật (St 1, 20 rồi 2, 27), tức là những định luật đưa đến suy hoại, mục nát. (Chú thích của Kinh thánh ấn bản 2011)
[6] Joseph Ratzinger, Dẫn nhập Đức tin Kitô giáo, Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2023).
[7] J. Ratzinger, Đức tin Kitô giáo: Hôm qua và hôm nay, Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam dịch (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2009), 385.
[8] “Vật lý sinh học” được gọi tắt là “lý sinh”, là môn học nghiên cứu các hiện tượng xảy ra trong các tổ chức và cơ thể sống dựa trên quan điểm và các định luật vật lý, từ mức độ điện tử nguyên tử đến toàn cơ thể hay một hệ có nhiều cơ thể sống. (https://virad.org/pdf-giao-trinh-ly-sinh-y-hoc-dai-hoc-y-ha-noi/)
[9] Trong cơ học thống kê, entropy được định nghĩa như là một đơn vị đo lường khả năng mà một hệ có thể rơi vào trạng thái độ trong một tình trạng, nó thường được gọi là "sự lộn xộn" hay "tính bừa" thể hiện trong một hệ.
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Entropy)
[10] Trong tháp nhu cầu mở rộng của Maslow, thì nhu cầu “tự siêu việt” hay “tự tôn bản ngã” (self-transcendence) là nhu cầu được thúc đẩy bởi những giá trị vượt ra ngoài bản thân, nhận thức và theo đuổi những giá trị vô hình, mang tính tâm linh, khám phá những khái niệm thần bí, kết nối với thế giới tự nhiên xung quanh.
[11] Tính thân xác (corporeality) được dùng để phân biệt với tính phi thân xác của những thực thể như thiên thần hoặc ma quỷ. [ND]
[12] J. Ratzinger, Cánh chung luận: Sự chết và đời sống vĩnh cửu, Nguyễn Văn Trinh dịch (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2013), 288.
[13] 1 Cr 6, 13.
[14] Augustine, Tự thuật, Nguyễn Khắc Ngữ dịch (Gp. Long Xuyên: Lưu hành nội bộ, 2009), 265.
[15] SGLHTCG, số 656.
[16] Augustine, Tự thuật, Nguyễn Khắc Ngữ dịch (Gp. Long Xuyên: Lưu hành nội bộ, 2009), 264.
Tin liên quan