ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II: CÁI CHẾT XỨNG VỚI PHẨM GIÁ
Rev. J. Daniel Mindling, O.F.M. Cap.
Chủng sinh Giuse Phạm Thanh Tú chuyển ngữ từ https://www.usccb.org
Giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về bệnh tật và cái chết không chỉ có nơi các bài diễn văn, huấn từ và thông điệp của ngài. Ngài đã giảng dạy đầy thuyết phục bằng chính chứng tá đức tin của mình khi đối diện với thương tích, đau khổ, thời gian nằm viện, bệnh tật và hấp hối. Ngài đã dạy giáo lý này trong suốt nhiều năm.
Ngài dạy chúng ta rằng để hiểu được cái chết xứng với phẩm giá, trước tiên hãy chấp nhận phẩm giá sự sống. Phẩm giá con người là một tặng phẩm mà chúng ta không xứng đáng, chứ không phải là một địa vị thủ đắc được. Phẩm giá sự sống bắt nguồn từ cội nguồn của nó. Chúng ta bước vào hiện hữu nhờ hành động yêu thương của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa. “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8,5–6 ). Phẩm giá sự sống là vô giá. Chúng ta đã được cứu chuộc không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc, nhưng nhờ bửu huyết của Đức Kitô (x. 1Pr 1,18–19). Phẩm giá sự sống được thể hiện rõ ràng nơi ơn gọi của chúng ta. Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người là họ “được nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29). “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23) [1].
Tất cả những ai tôn trọng phẩm giá Chúa ban đều được kêu gọi trở thành những người loan báo về một “nền văn hóa sự sống”. Sứ vụ của Đức Kitô là cho mọi người, và Chúa chúng ta đã hết mực quan tâm những người bệnh tật, đau khổ và hấp hối. Trong thời đại chúng ta, qua Giáo hội, Đức Kitô vẫn tiếp tục sứ vụ của mình, và ưu tiên đối với những người dễ bị tổn thương. Đức Kitô yêu thương nhìn đến chúng ta khi này và trong giờ lâm tử, và Giáo hội loan báo tình liên đới với những người anh chị em vào cuối hành trình dương thế của họ. Giáo hội là người bênh vực cho các bệnh nhân, nỗ lực đảm bảo việc chăm sóc thích hợp cho những người đau ốm và hấp hối qua việc cổ vũ sự tôn trọng phẩm giá của họ. Giáo Hội là thầy thuốc và y tá, là người Samaritanô nhân hậu chữa lành cho những người bị thương và bị bỏ rơi, và không bao giờ bước ngang qua họ. Giáo hội cũng là người chủ quán trọ cung cấp bệnh viện, nhà dưỡng lão và an dưỡng cuối đời, nhằm phục vụ cho công việc chăm sóc và an ủi [2]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, người đã từng trải bệnh tật và đau khổ, đã gióng lên tiếng nói ngôn sứ của Giáo hội một cách đầy cảm thông, thường nhấn mạnh việc chăm sóc tương xứng dành cho những người bệnh tật và hấp hối.
Theo truyền thống, người Công giáo thường cầu xin ơn chết lành: Lạy Chúa, xin chớ để chúng con chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Giờ đây, những tiến bộ của y học hiện đại ngày càng đặt ra thách thức khi phải đương đầu với một căn bệnh nan y có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Thay vì chỉ lo lắng chết đột ngột, ngày nay, nhiều người đối mặt với nỗi sợ về một căn bệnh kéo dài và gây suy nhược, sợ trở thành gánh nặng cho người khác và sợ phải đối diện với một hành trình đầy đau khổ [3].
“Giáo hội biết rằng giây phút lìa đời luôn đi kèm với những tình cảm đặc biệt mãnh liệt của con người: cuộc sống trần thế sắp đến hồi kết, những mối ràng buộc về tình cảm, thế hệ và xã hội vốn là một phần nội tâm của con người đang dần tan biến; những người hấp hối và những người đang giúp đỡ họ nhận thức được sự xung đột giữa niềm hy vọng vào sự bất tử và những điều còn kín ẩn vốn làm băn khoăn ngay cả những đầu óc hiểu biết nhất. Giáo hội lên tiếng để những người hấp hối không bị xúc phạm, nhưng được yêu thương chăm sóc và không bị bỏ rơi một mình khi họ chuẩn bị vượt qua ngưỡng cửa thời gian để đi vào cõi vĩnh hằng” [4].
“Việc ý thức người hấp hối sẽ sớm được gặp Thiên Chúa vĩnh viễn phải hối thúc thân nhân, những người thân yêu, các nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe và tôn giáo, giúp đỡ họ trong giai đoạn quyết định này của cuộc đời, bằng sự quan tâm lưu ý đến mọi khía cạnh của cuộc hiện hữu, bao gồm cả những điều thiêng liêng” [5].
Và trong khi lòng cảm thương thật sự “khuyến khích mọi nỗ lực hợp lý để phục hồi bệnh nhân, đồng thời, nó giúp vạch ra ranh giới khi biết rõ rằng sẽ không có cách điều trị nào nữa. Từ chối việc điều trị quyết liệt (aggressive treatment) không phải là loại bỏ bệnh nhân hay sự sống của họ”. Thật vậy, mục tiêu của quyết định bắt đầu hay tiếp tục điều trị không liên quan gì đến giá trị sự sống của bệnh nhân, mà là liệu sự can thiệp y tế đó có mang lại lợi ích cho bệnh nhân hay không. Quyết định có thể là không bắt đầu hoặc ngưng điều trị sẽ được coi là đúng đắn về mặt đạo đức nếu việc điều trị không mang lại hiệu quả hoặc rõ ràng không tương xứng với mục đích duy trì sự sống hay phục hồi sức khỏe. Do đó, quyết định từ bỏ việc điều trị quyết liệt là biểu hiện của sự tôn trọng thích đáng dành cho bệnh nhân tại mọi thời điểm” [6]. Nhìn từ phía bệnh nhân, đây không phải là việc “từ bỏ” hay coi thường bổn phận chăm sóc bản thân, nhưng đúng hơn, nó thể hiện sự chấp nhận thân phận con người khi đối diện với bệnh tật đang đe dọa mạng sống [7].
Đặc biệt vào lúc cận tử, khi biết rõ rằng cái chết sắp xảy ra và không thể tránh khỏi mặc dù đã dùng đến các liệu pháp y tế, người ta có thể từ chối những hình thức điều trị “vốn chỉ đảm bảo kéo dài cuộc sống một cách bấp bênh và mang lại gánh nặng, miễn là không đình chỉ việc chăm sóc thông thường dành cho bệnh nhân trong những trường hợp tương tự” [8]. Tuy nhiên, ngay cả với bệnh nan y không thể điều trị thích hợp và hiệu quả nữa, việc chăm sóc giảm đau (palliative care) vẫn thích đáng và cần thiết. Mục đích của việc chăm sóc như vậy có thể bao gồm việc giảm bớt nhiều loại đau đớn về thể chất, tâm lý và tinh thần. Đức Gioan Phaolô II cho biết, sự chăm sóc như vậy có thể có sự tham gia của những chuyên viên về y tế, tâm lý và tôn giáo, cùng làm việc để trợ giúp bệnh nhân khi đối mặt với cái chết [9].
Cái chết thường đi kèm với đau đớn và khổ sở [10]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thừa nhận đã có những đau khổ của chính bản thân ngài, và khẳng định chúng mang lại nguồn sức mạnh mới mẻ cho sứ vụ của ngài trong tư cách là giáo hoàng [11]. Chúng ta đọc thấy trong Thông điệp Evangelium Vitae, số 67: “Sống cho Chúa … nghĩa là nhìn nhận rằng đau khổ, tự nó là điều xấu và là một thử thách, vẫn có thể trở nên nguồn thiện hảo. Được như vậy nếu khi người ta nhờ tình yêu và với tình yêu mà chịu đau khổ, như thông phần vào sự đau khổ của Đức Kitô chịu đóng đinh, nhờ ơn nhưng không của Thiên Chúa và sự tự do lựa chọn của mỗi người. Bằng cách này, ai chịu đau khổ trong Chúa sẽ càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài đầy đủ hơn (x. Pl 3,10; 1Pr 2,21) và kết hiệp mật thiết hơn với công nghiệp cứu độ của Chúa nhân danh Giáo hội và loài người (87). Bất cứ ai đau khổ cũng được mời gọi sống lại kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Những vấn nạn luân lý có thể nảy sinh liên quan đến việc sử dụng thuốc giảm đau. Việc kiểm soát đau đớn nên tuân theo một cách thế cho phép bệnh nhân chuẩn bị cái chết trong khi còn hoàn toàn tỉnh táo. Người hấp hối nên được giữ cho khỏi đau đớn hết sức có thể. Một số người muốn làm lu mờ sự khác biệt giữa việc sử dụng thuốc để kiểm soát đau đớn ngay cả khi có nguy cơ đẩy nhanh quá trình tử vong, với việc cố ý sử dụng thuốc giảm đau quá liều gây chết người. Những người sử dụng thuốc quá liều cho rằng đây là cách để chết êm dịu, đã không nhận ra rằng “lòng trắc ẩn” đích thực dẫn đến việc chia sẻ nỗi đau với người khác, chứ nó không giết chết người mà chúng ta không chịu đựng nổi sự đau khổ của họ [12].
Đáng buồn thay, có những bác sĩ lại coi vai trò của mình là trợ giúp bệnh nhân chấm dứt mạng sống. Thật là một bi kịch khi chính những người được huấn luyện để chữa lành những người bị thương và chăm sóc các bệnh nhân lại trở thành những kẻ kinh doanh cái chết hợp pháp. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thật can đảm khi lên án điều đó. Ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu được trợ tử (physician-assisted suicide) thì đó vẫn là một “sự bất công không thể biện minh”. Mặc dù những cuộc tranh luận về được trợ tử dường như chỉ xuất hiện vào thời đại chúng ta, nhưng ngài trích dẫn lời thánh Augustinô viết cách đây hơn 1500 năm : “không bao giờ được giết kẻ khác, dù chính họ muốn thế, hoặc nhất là do chính họ yêu cầu, bởi vì bị chới với giữa sự sống và cái chết, họ van xin được giúp đỡ để giải phóng linh hồn đang đấu tranh chống lại các mối dây ràng buộc với thân xác và muốn thoát khỏi nó, cả đến bệnh nhân trong tình trạng không còn hy vọng sống được nữa, tự tử vẫn không được phép” [13].
Đặc biệt trước trường hợp thương tâm của Terri Schiavo, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tỏ ra xác quyết về giáo huấn rõ ràng của Giáo hội đối với những người ở trong tình trạng được gọi là “đời sống thực vật kéo dài” (persistent vegetative state). Theo ý kiến các bác sĩ của họ, những bệnh nhân này đã bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng đến mức họ không còn có thể đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ nhận thức được bản thân hoặc môi trường của mình. Thật không may, tình trạng của họ bị dán nhãn là “thực vật”. Con người không phải là thực vật. Thuật ngữ đáng tiếc như vậy có thể khiến một số người kết luận sai lầm rằng những người khuyết tật này giống thực vật hơn là con người. Điều này đơn giản là sai lầm. Tất cả mọi người khuyết tật đều được hưởng những quyền cơ bản [14]. Mặc dù các chức năng nhận thức phức tạp của những bệnh nhân này có thể bị suy giảm nghiêm trọng, nhưng họ là những con người có cùng giá trị nội tại và nhân phẩm như bất kỳ con người nào khác.
Cần thận trọng ngay cả khi chẩn đoán những bệnh nhân sống đời sống thực vật kéo dài. Đúng là tình trạng như vậy càng kéo dài thì khả năng phục hồi của bệnh nhân càng ít. Tuy nhiên, đôi khi tên gọi “đời sống thực vật” được áp dụng không chính xác, và có nhiều trường hợp được báo cáo trong y văn (medical literature) về những người đã thoát khỏi tình trạng “thực vật” sau khi được điều trị thích hợp, hoặc thậm chí sau nhiều năm cũng đã hồi phục ít nhất một phần. “Do đó, chúng tôi có thể tuyên bố rằng y khoa, cho đến nay, vẫn không thể chẩn đoán một cách chắc chắn rằng trong số những bệnh nhân ở tình trạng này, ai sẽ hồi phục và ai sẽ không” [15].
Cũng như tất cả các bệnh nhân khác, những bệnh nhân sống đời sống thực vật kéo dài có quyền được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Cần cho họ được giữ ấm, thoải mái và sạch sẽ. Cần cẩn trọng để ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến việc nằm liệt giường. Họ cần được chăm sóc phục hồi chức năng thích hợp và theo dõi các dấu hiệu cải thiện. Những gia đình phải chịu gánh quá nặng nề khi gặp phải tình huống này nên nhận được sự hỗ trợ từ những người khác trong xã hội, như là những đòi hỏi của tình liên đới đích thực.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã giải quyết cuộc tranh luận lâu dài về việc chăm sóc duy trì sự sống cho bệnh nhân sống đời sống thực vật kéo dài. Ngài đã dứt khoát dạy rằng những người cung cấp dịch vụ chăm sóc phải có nghĩa vụ đạo đức. Những bệnh nhân này cần được cung cấp thức ăn và nước uống, ngay cả khi qua ống truyền dinh dưỡng. Sẽ là bất công nếu từ chối bắt đầu hoặc tiếp tục việc chăm sóc cơ bản như vậy dựa trên chất lượng cuộc sống của họ hoặc vì cho rằng việc chăm sóc đó quá tốn kém. Thật bất công khi đình chỉ việc chăm sóc như vậy ngay cả khi giảm đi hy vọng hồi phục. Lời tuyên bố của Đức Gioan Phaolô II rất rõ ràng. Dinh dưỡng và việc bù nước là một phương tiện tự nhiên để duy trì sự sống và “về nguyên tắc, nên được coi là thông thường và cân xứng, và như thế là bó buộc về mặt đạo đức, trong mức độ và cho đến khi nó được coi là đã đạt được cứu cánh của riêng nó, trong trường hợp này bao gồm việc cung cấp chất dinh dưỡng cho bệnh nhân và giảm bớt đau khổ của họ” [16].
Bệnh nhân thường muốn được chỉ dẫn việc chăm sóc trong trường hợp họ không thể truyền đạt ước muốn của mình. Lời tuyên bố của Đức Thánh Cha rằng các bệnh nhân sống đời sống thực vật kéo dài cần được cung cấp dinh dưỡng và việc bù nước, như một phần chăm sóc thông thường mà tất cả mọi người đều được hưởng, đã đặt ra câu hỏi về những chỉ dẫn trước đó của bệnh nhân. Văn bản về cách trị liệu để duy trì sự sống (living wills) không nên bao gồm yêu cầu từ chối việc được cung cấp dinh dưỡng và việc bù nước trong trường hợp một người được chẩn đoán sống tình trạng thực vật kéo dài. Về nguyên tắc, việc chăm sóc thông thường và cân xứng là điều bó buộc về mặt đạo đức.
Có một sự nhầm lẫn lớn về cái chết xứng với phẩm giá. Điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi một cách đúng đắn là “nền văn hóa sự chết” coi thường tính thánh thiêng và phẩm giá của sự sống, và do đó hiểu sai về sự chết. Nền văn hóa sự chết cho rằng sự sống chỉ có giá trị trong mức độ nó còn hữu ích, khi mang lại niềm vui và hạnh phúc. Trong cách nhìn này, sự chết bị coi là “vô nghĩa” nếu đột ngột cắt đứt một sự sống trong khi nó vẫn còn mở ra cho một tương lai của những trải nghiệm mới mẻ và lý thú. Nhưng sự chết sẽ trở thành một “sự giải thoát đúng đắn” một khi sự sống bị coi như không còn ý nghĩa bởi vì nó bị lấp đầy bởi những đau khổ và không thể tránh khỏi những đau khổ thậm chí còn lớn hơn [17].
Bởi vì nền văn hóa sự chết coi thường Thiên Chúa, nên nó cũng đánh giá quá cao quyền tự quyết của con người đối với sự sống. Trong nền văn hóa sự chết, “nỗi sợ hãi về một cái chết kéo dài hoặc đau đớn và những lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho những người thân yêu đã cám dỗ một số người cố gắng kiểm soát cái chết và khiến nó xảy ra trước thời điểm cái chết tự nhiên diễn ra, bằng cách “êm dịu” kết thúc sự sống của chính mình hoặc sự sống của người khác”[18].
Ngược lại, nền văn hóa sự sống sẽ loại trừ mọi hình thức an tử (euthanasia). An tử là “một hành động hoặc một sự bỏ sót, tự chính nó hay có ý hướng, gây ra cái chết để giảm bớt đau khổ cho bệnh nhân” [19]. Đó là “sự vi phạm nghiêm trọng Lề luật của Thiên Chúa, xét như nó là việc giết chết một con người cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý” [20]. “An tử là một trong những bi kịch bị gây ra do một nền đạo đức muốn phán quyết ai được sống và ai phải chết. Ngay cả khi nó được thúc đẩy bởi sự thương cảm bị hiểu sai hoặc từ việc bảo vệ nhân phẩm bị hiểu lầm, an tử thực sự đã loại bỏ một nhân vị thay vì làm giảm bớt đau khổ cho cá nhân họ” [21].
“Cả khi lý do không phải là vì người đau khổ từ chối cách ích kỷ không muốn mang gánh nặng cuộc sống, ta cũng phải nói rằng an tử là một thứ thương hại sai lầm, hơn thế, nó còn là sự “suy đồi” đáng e ngại đối với lòng thương xót. “Lòng trắc ẩn” đích thực dẫn đến việc chia sẻ nỗi đau với người khác, chứ nó không giết chết người mà chúng ta không chịu đựng nổi sự đau khổ của họ. Hơn thế nữa, hành vi an tử càng tỏ ra độc ác, khi nó được thực hiện bởi những người – như là người trong gia đình, lẽ ra phải nâng đỡ người thân của mình với sự kiên nhẫn và yêu thương, hay bởi những người, vì nghề nghiệp của họ, như các bác sĩ, đúng ra phải chăm sóc bệnh nhân, ngay cả trong những giai đoạn cuối đầy đau khổ nhất” [22].
“Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7–8). Chết cho Chúa nghĩa là trải qua cái chết như là một hành vi cao vời của việc vâng lời Chúa Cha (x. Pl 2,8) bằng cách đón nhận cái chết vào “giờ” mà Thiên Chúa đã muốn và đã chọn cho ta (x. Ga 13,1), chỉ mình Ngài mới có thể phán quyết bao giờ chấm dứt đường trần của ta” [23].
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc tôn trọng phẩm giá và tính thánh thiêng của sự sống của bệnh nhân bao gồm việc quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của họ. “Đặc biệt, những người mắc bệnh nan y xứng đáng nhận được tình liên đới, sự hiệp thông và tình cảm của những người xung quanh; họ thường cần tha thứ và được tha thứ, hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân”. Bí tích Xức dầu bệnh nhân, việc xưng tội và lãnh nhận Của ăn đàng xác nhận và thực thi chính mối tương quan với Thiên Chúa, qua đó chúng ta đón nhận phẩm giá và tính thánh thiêng của sự sống, đặc biệt như là khúc dạo đầu cho hành trình cuối cùng về nhà Cha chúng ta [24].
Đức Gioan Phaolô II đã không bao giờ mệt mỏi cầu xin sự phù hộ của Mẹ Thiên Chúa, đặc biệt cho những người đau ốm và hấp hối. Không một bài tóm tắt giáo lý nào của ngài mà không hướng chúng ta nhìn về Đức Mẹ, Đấng đã đứng canh thức bên thập giá của Con mình. “Tôi phó thác tất cả anh chị em cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh… xin Mẹ giúp mọi Kitô hữu biết làm chứng rằng câu trả lời đích thực duy nhất cho những đau đớn, sầu khổ và sự chết là chính Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” [25].
________________________________________
Cha J. Daniel Mindling là Giám học Chủng viện Mount St. Mary, Emmitsburg, Maryland và là Cố vấn cho Ủy ban Hoạt động Bảo vệ Sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.
[1] Thông điệp Evangelium Vitae (Tin mừng Sự sống), 1995, số 7.
[2] Tự sắc Dolentium Hominum về việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng về việc Tông đồ của Nhân viên Y tế, ngày 11 tháng 2 năm 1985. X. Diễn văn nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 8, ngày 6 tháng 8 năm 1999.
[3] “Chết cũng là một phần của cuộc sống.” Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn tại An dưỡng cuối đời Rennweg, Vienna, ngày 21 tháng 6 năm 1998.
[4] “Tình yêu và sự liên đới dành cho người hấp hối.” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Học viện Giáo hoàng về Sự sống, ngày 27 tháng 2 năm 1999.
[5] “Đức tin đáp trả nỗi sợ cái chết.” Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội quốc tế về việc chăm sóc cho người hấp hối, ngày 17 tháng 3 năm 1992.
[6] Diễn từ của Đức Gioan Phaolô II cho các tham dự viên Hội nghị Quốc tế lần thứ 19 của Hội đồng Giáo hoàng về Chăm sóc Mục vụ Y tế, ngày 12 tháng 11 năm 2004, số 4.
[7] Thông điệp Evangelium Vitae, số 64.
[8] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về an tử, 1980, phần 4.
[9] Ibid. X. Thông điệp Evangelium Vitae, số 65.
[10] Tông thư Salvifici Dolores (Về ý nghĩa Kitô giáo của sự đau khổ con người), 1984. Đặc biệt xem Diễn văn nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 10, ngày 6 tháng 8 năm 2001, đoạn. 2.
[11] Diễn văn nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 9, ngày 22 tháng 8 năm 2000.
[12] Thông điệp Evangelium Vitae, số 67. “Thuốc giảm đau hay ức chế cơn đau có thể cho người cận kề cái chết dùng ngay cả khi những thuốc này có thể giảm bớt thời gian sống của bệnh nhân miễn là không có ý hướng gây ra cái chết nhanh hơn.” Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Các chỉ dẫn đạo đức và tôn giáo cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công giáo, số 61.
[13] Thông điệp Evangelium Vitae, số 66.
[14] “Quyền bất khả xâm phạm của người khuyết tật.” Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II trước Hội đồng Giáo hoàng về Hỗ trợ Mục vụ cho Nhân viên Chăm sóc Y tế, ngày 21 tháng 11 năm 1993.
[15] Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế về các phương pháp điều trị duy trì sự sống và tình trạng đời sống thực vật: Những tiến bộ khoa học và những vấn nạn về đạo đức, ngày 20 tháng 3 năm 2004.
[16] Ibid.
[17] Thông điệp Evangelium Vitae, số 64.
[18] Ibid.
[19] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về an tử, 1980.
[20] Thông điệp Evangelium Vitae, số 65.
[21] Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế về các phương pháp điều trị duy trì sự sống và tình trạng sống thực vật: Những tiến bộ khoa học và những vấn nạn về đạo đức, ngày 20 tháng 3 năm 2004.
[22] Thông điệp Evangelium Vitae, số 65.
[23] Thông điệp Evangelium Vitae, số 67.
[24] “Chết cũng là một phần của cuộc sống.” Diễn văn tại An dưỡng cuối đời Rennweg, Vienna, ngày 21 tháng 6 năm 1998.
[25] “Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 12,” ngày 12 tháng 2 năm 2004. Loạt những thông điệp này bắt đầu vào năm 1992.
Tin liên quan