×

Giỏ hàng

Cộng hòa của Plato: Một utopia cho cá nhân
Lượt xem:1118   Ngày đăng: 2022-06-05 08:59:06

 

CỘNG HÒA CỦA PLATO: MỘT UTOPIA CHO CÁ NHÂN

Alfred Geier

Alfred Geier cho rằng tác phẩm không bàn về tình trạng của nhà nước.

Cộng hòa (The Republic[1]) là tác phẩm đối thoại trứ danh nhất của Plato, chứa đựng nhiều lập luận nổi tiếng nhất và là một trong những tác phẩm kinh điển vĩ đại của văn học thế giới. Tác phẩm cũng là nạn nhân của một quan niệm sai lầm nghiêm trọng và phổ biến, cho rằng nó đưa ra một xã hội chính trị không tưởng (utopia[2]), một polis [thành quốc] cần noi theo. Quan niệm này dẫn đến việc phê bình Cộng hòa là khuyến nghị một chế độ toàn trị hoặc một xã hội cực kỳ cộng sản. Cả hai đều không đúng.

Làm sao phát sinh sai lầm như vậy? Như hầu hết các sai lầm thường mắc phải trong việc giải thích là do đọc bất cẩn – trong trường hợp này là do không xem xét toàn bộ tác phẩm Cộng hòa từ đầu đến cuối. Nếu nghiên cứu toàn bộ tác phẩm, chúng ta có thể thấy một sự sóng đôi ấn tượng giữa cấu trúc của cuộc đối thoại và một trong những lập luận chứa đựng trong đó có tên phúng dụ Cái hang. Trong phúng dụ này, nơi Quyển VII, Socrates mô tả một số tù nhân trong hang, bị trói quay lưng vào đống lửa, họ quan sát trên vách hang những hình bóng chuyển động được hắt lên bởi những người và sự vật lướt qua sau lưng họ. Socrates xem đây là tình trạng của chúng ta trong thế giới, và ông bàn luận về trải nghiệm có thể xảy ra khi một tù nhân trốn thoát khỏi hang, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sau đó quay trở lại để cố gắng giải thoát những người bạn tù, nhưng bị từ chối và gọi là điên rồ.

Bây giờ hãy xem xét cấu trúc đầy kịch tính của Cộng hòa. Đó là một cuộc đối thoại mà nhân vật chính là Socrates và Glaucon (anh trai của Plato ngoài đời). Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ phần mở màn nổi tiếng của Quyển I: “Hôm qua, cùng với Glaucon, bản nhân đi xuống bến cảng Piraeus [ở Athens]…”[3]. Sau khi xem những cuộc diễu hành đầy màu sắc ở bến cảng, cả hai đang trên đường về nhà thì người nô lệ của anh bạn tên Polemarchus chặn lại, hắn cầm chân họ cho đến khi chủ nhân và những người khác có thể bắt kịp. Polemarchus nói đùa họ không thể rời đi: “Tiên sinh có thấy bọn tiểu điệt bao nhiêu người không hở? Vậy tiên sinh nên chọn, một là coi nhẹ bọn tiểu điệt, hai là chiều ý ở lại”[4]. Sau đó, ông dùng các lý lẽ khác để lôi kéo Socrates và Glaucon ở lại Piraeus. Sẽ có lễ hội, ăn tối và đàm đạo. Glaucon bị thuyết phục và Socrates theo ý kiến ​​của số đông. Bấy giờ, không còn nói đến việc về nhà. Vì vậy, toàn bộ Cộng hòa trình bày việc Glaucon lưu lại Piraeus cùng với Socrates.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một sự song đối có dụng ý: cũng như Piraeus (bến cảng của Athens) ứng với thành phố Athens, thì cái hang (tức thế giới khả giác) ứng với cái bên ngoài hang (tức thế giới thực bị ẩn giấu). Do đó, kịch tính của Cộng hòa sẽ bao gồm liệu Socrates có thể thuyết phục Glaucon trở về nhà hay không.

Khi những người bạn tiếp tục đàm đạo, họ chuyển sang bàn về bản chất của đức hạnh và công bình[5]. Ở phần đầu Quyển II, Glaucon nói ông không tin cuộc đời công bình chính trực thì tốt hơn và mang lại hạnh phúc lớn hơn cuộc đời bất công bất chính, và muốn thấy một tâm trí[6] hoàn toàn công bình chính trực và một tâm trí hoàn toàn bất công bất chính. Socrates nói chúng ta không đủ tinh tường để nhìn thấu tâm trí như thế, và đề nghị nhìn nó [công bình chính trực và bất công bất chính] nơi một cái gì đó lớn hơn, cụ thể là polis [thành quốc]. Lưu ý rằng mục đích duy nhất của việc nói đến polis là để có được cái nhìn sâu sắc về cá nhân. Thành quốc mà họ sẽ mô tả không có chức năng chính trị; mà chỉ có chức năng nhận thức. Đến cuối Quyển IV, họ đã hoàn thành việc khảo sát polis lý tưởng, và do đó có thể mô tả tâm trí của cá nhân công bình chính trực, mà họ muốn thực hiện. Thành quốc lý tưởng đã đáp ứng được mục đích, và vì thế không còn cần thiết hay cần chú ý nữa. Nhưng khi họ chuẩn bị tiếp tục xem xét các thành quốc suy đồi và những cá nhân bất công bất chính, Polemarchus và Adeimantus muốn nghe nhiều hơn về các thiết chế của thành quốc công bình, chẳng hạn như bình đẳng giới trong giáo dục, và tập thể phụ nữ và thiếu nhi. Glaucon cũng quan tâm như họ, và Socrates chiều lòng. Điều này lên đến đỉnh điểm khi Glaucon rất nôn nóng yêu cầu Socrates bỏ qua mọi thứ khác và giải thích làm sao có thể có thành quốc này. Glaucon lúc này dường như không còn ước muốn đến việc về nhà. Đây có thể được gọi là điểm thoái trào của Cộng hòa.

Socrates nói rằng polis lý tưởng chỉ có thể có nếu các triết gia trở thành người cai trị. Sự quan tâm của Glaucon sau đó chuyển sang bản chất và việc giáo dục các vua-triết gia. Đến cuối Quyển VII, Socrates nói “thế ngô bối chẳng đã nói khá đủ về thành quốc của ngô bối và mẫu người tương ứng rồi sao”[7]. Glaucon đồng ý, và họ không nói thêm về polis công bình nữa. Một triết gia có thể thú vị vô cùng, nhưng rõ ràng một vua-triết gia thì không.

Trong Quyển VIII và IX, họ xem xét các thành quốc suy đồi và những cá nhân tệ hại tương ứng trong các thành quốc đó, kết thúc bằng kẻ bạo chúa và so sánh giữa người hoàn toàn công bình chính trực và người hoàn toàn bất công bất chính – do đó họ đạt được mục tiêu ban đầu. Có một đoạn quan trọng ở cuối Quyển IX – điểm cao trào của đối thoại: “song có lẽ thành quốc đó tồn tại như mô hình trên trời, nơi ai muốn cũng có thể quan sát và xây dựng trong tâm hồn. Thành quốc đó tồn tại hay sẽ tồn tại, sự thể không hề khác biệt, vấn đề không đáng quan tâm. Bởi đây là thành quốc duy nhất người đó thể tham gia sinh hoạt chính trị, không phải thành quốc nào khác”[8]. Số phận của thành quốc, sự tồn tại của nó chỉ là trong lời nói, do đó là một utopia [nơi không tưởng] hoặc lý tưởng để truyền cảm hứng cho sự vươn lên của con người cá nhân – cho người như Glaucon – và không có mục đích nào khác.

Ở cuối Quyển X, Socrates cố gắng lần cuối để thuyết phục Glaucon trở về nhà bằng cách kể một thần thoại. Trong thần thoại, những anh hùng của Homer [rút thăm] chọn cuộc đời của họ. Odysseus rút lượt thăm sau cùng, và chọn cuộc đời không ai thèm ngó tới; cuộc đời thầm lặng của người bình thường thôi không ham muốn.

Vào cuối thần thoại Glaucon im lặng. Phải chăng điều này có nghĩa rằng không thuyết phục được anh từ bỏ (cái hang) thế giới khả giác và các sự vụ của nó? Có lẽ. Plato mời gọi chúng ta tự vấn và trả lời cho câu hỏi này. Những gì chúng ta có thể nói đó là: cốt lõi cuối cùng của vấn đề chính trị phải được tìm thấy nơi Glaucon, và quan tâm liệu anh ta sẽ tiếp tục ở lại trong hang hay được thuyết phục về nhà. Nhưng nền cộng hòa bên trong anh có tầm quan trọng lớn hơn bất kỳ thành quốc nào, trong quá khứ hay tương lai. Chúng ta cũng có thể nói rằng Cộng hòa cung cấp một hình mẫu cho các Glaucon tương lai. Có lẽ họ sẽ được thuyết phục trở về nhà.

© Tiến sĩ Alfred Geier 2008

Alfred Geier đang làm việc tại Khoa Văn học kinh điển của Đại học Rochester.

Ban học tập Sao Biển chuyển ngữ từ Philosophynow.org (07/8/2020)

 

[1] Nhan đề triết phẩm: tên triết phẩm Plato đặt là Politeia; chữ này xuất hiện mấy lần trong tác phẩm; Politeia là đời sống công cộng và sinh hoạt chính trị của cộng đồng; chữ politeia bắt nguồn từ chữ polis, nghĩa là thành phố, cộng đồng dân chúng chung sống [ . . . ]. Thế kỷ I TCN Marcus Ciceron dịch sang tiếng Latinh là de re publica, dịch vụ công cộng, chữ này thoạt đầu nghĩa tương tự, về sau nghĩa hẹp hơn, chỉ loại cơ chế đặc biệt. [ . . . ] Polis có nét đặc biệt, lối sống đặc biệt của polis được thiết lập bởi tổ chức của thành quốc gồm thành phần khác biệt. Vấn đề chủ yếu là tổ chức thành quốc, politeia là tổ chức đó. Politeia là linh hồn của thành quốc; politeia liên hệ với cá nhân cấu thành thành quốc như hình thức liên hệ với nội dung; politeia dịch đúng nghĩa là chế độ hay chính thể. Xem thêm Platon, Cộng Hòa, Đỗ Khánh Hoan dịch (Hà Nội: NXB Thế giới, 2013). [Chú thích của người dịch – ND]

[2] Khái niệm này được Sir Thomas More đưa ra trong tác phẩm cùng tên “Utopia” năm 1516, nhằm đề xuất một đảo quốc lý tưởng, như Plato đề xuất lần đầu tiên trong tác phẩm Cộng Hòa. Thực ra, người ta tin rằng tác phẩm của More chỉ nhằm châm biếm, vạch trần bản chất của nước Anh lúc bấy giờ chứ không phải đưa ra một xã hội lý tưởng. Điều này được thấy rõ trong tiêu đề “Utopia”, được More sáng tạo từ tiếng Hy Lạp: ou- ‘no’ + topos ‘place’, nghĩa là “không phải nơi chốn”, đồng thời khi phát âm lên thì sẽ giống như “eutopia”, trong đó eu- ‘good’ nghĩa là tốt, do vậy Utopia ngụ ý là một nơi chốn hoàn toàn tốt đẹp thì thật sự không thể có được. Xem thêm: Utopia - Wikipedia [ND].

[3] Platon, Cộng Hòa, 66.

[4] Platon, Cộng Hòa, 67.

[5] Chữ Hy Lạp là dikaiosuné, dịch giả Tây Âu dịch là “justice”, nghĩa là công bình, đây là chủ đề của tác phẩm. Nhưng chữ dikaiosuné nghiêng nhiều về đạo lý hơn pháp lý; thông thường người Hy Lạp hiểu là đạo đức, vừa là phẩm chất cá nhân, vừa là biểu lộ việc làm hợp lý. Bởi thế có người dịch là cư xử chính đáng, ăn ở ngay thẳng. Xem thêm cước chú số 2, Platon, Cộng Hòa, 74. Dịch giả Đỗ Khánh Hoan trong đối thoại dịch ra là “công bình chính trực”, còn từ trái nghĩa adikia dịch là “bất công bất chính” [ND].

[6] Chữ Hy Lạp là Psyché, từ phần này trong nguyên tác chỉ nguyên tắc cuộc sống (nghĩa nguyên thủy là hơi thở cuộc đời) và địa vị của chức năng tâm linh. Bởi thế chữ này đôi khi nghĩa là cá tính, tính tình, bản ngã, đôi khi hàm ngụ nghĩa tôn giáo, đạo đức như chữ tâm hồn, linh hồn. Tính cách bất tử của psyché sẽ bàn ở Quyển X. Xem thêm cước chú số 1, Platon, Cộng Hòa, 134 [ND].

[7] Platon, Cộng hòa, 543.

[8] Platon, Cộng hòa, 656, phần nhấn mạnh là của Alfred Geier.