CHÚA NHẬT LỄ LÁ NHẮC NHỞ RẰNG:
LÚC GIAN NAN, HÃY LÀM NHỮNG GÌ MÌNH CÓ THỂ
Victor Cancino , SJ
Chúa nhật Lễ Lá Năm B
Is 50,4-7; Tv 22; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15.47
Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra như chúng ta hình dung hay mong muốn. Đồng thời, hành động đóng vai trò là một bằng chứng cho niềm tin sâu sắc của chúng ta theo cách mà lời nói đôi khi không thể diễn tả được. Các bài đọc Chúa nhật Lễ Lá tuần này nhấn mạnh rằng lời nói và hành động đều tìm cách giải thích ý nghĩa sự khổ đau như vô nghĩa của Đấng được Thiên Chúa xức dầu.
Bài đọc I làm nổi bật bài ca thứ ba trong số bốn bài ca về “người tôi tớ Chúa” trong sách Isaia. Ngày nay, những bài ca này vẫn còn rất phù hợp cho mọi Kitô hữu để đọc và cầu nguyện. Người tôi tớ vô danh này chịu đựng những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà không nghĩ đến việc trả thù hung bạo. Cả “người tôi tớ” và độc giả vẫn đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cuộc tấn công điên rồ về thể lý lẫn tinh thần này.
Bài đọc này có phần hơi kỳ lạ bởi vì người tôi tớ trong sách Isaia lên tiếng nhắc nhở độc giả của mình rằng sự rèn luyện lời ăn tiếng nói có thể giúp đỡ những người nhọc nhằn: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn” (Is 50,4). Là một độc giả, người ta thực sự muốn biết cách nói những lời khích lệ và động viên với những người chán nản. Vậy mà, trong trường hợp này, người tôi tớ lại không hề nói gì. Anh chấp nhận bị đánh, đồng thời, tin chắc rằng Thiên Chúa giúp đỡ mình. Người tôi tớ nói: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu” (Is 50,6). Nói cách khác, người tôi tớ nói với người đang đau khổ bằng cách chấp nhận cuộc chiến đấu mệt mỏi của chính mình vào lúc này.
Từ bối cảnh hoàn toàn khác biệt, bài Tin mừng nêu bật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu qua lăng kính của thánh sử Máccô. Khi đọc bài Tin mừng Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào một tấn kịch dài về cách thức Đấng được xức dầu phải chịu cuộc khổ nạn như vô nghĩa giống như người tôi tớ Chúa trong bài ca của ngôn sứ Isaia.
Tuy nhiên, trong trình thuật của Máccô, không ai nhìn thấy cuộc khổ nạn này đang cận kề ngoại trừ một người phụ nữ vô danh đến từ Bêtania gần Giêrusalem. Hành động xức dầu cho Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ nạn và chịu chết nhục nhã là sự minh chứng hùng hồn mà không cần dùng lời nói nào. Bà đập vỡ một bình thạch ngọc đựng dầu thơm có giá trị rất lớn và đổ dầu thơm trên đầu Chúa Giêsu (xem Mc 14,3). Phải chăng bà có biết gì về kế hoạch của Thiên Chúa trong khi những môn đệ khác không nhận ra? Điều này có vẻ đúng, khi đoạn văn sau nói về hành động của bà: “Vài người ở đây tỏ ra bất bình” (Mc 14,4). Chỉ có Chúa Giêsu bênh vực bà: “Những gì làm được, cô đã làm rồi. Đó là ướp dầu thơm cho thân xác trước khi mai táng.” (Mc 14,8).
Việc làm của người tôi tớ trong sách Isaia và của người phụ nữ trong Tin mừng đều mời gọi chúng ta hành động với những gì mình có thể làm trong lúc khốn cùng. Chúa Giêsu nói rằng người phụ nữ “đã làm những gì [cô] làm được”; và như người tôi tớ trong sách Isaia, bà đã đáp lại cuộc thương khó sắp xảy đến bằng một sự hiện diện đầy phúc lành. Với người tôi tớ, điều này có nghĩa là một lời nhắc nhở không ngơi rằng Thiên Chúa giúp đỡ anh. Còn với người phụ nữ, nó có nghĩa là sự chuẩn bị dầu thơm cho việc táng xác Chúa Giêsu tương xứng với một vị vua.
Hành động của chúng ta sẽ phản ánh điều gì khi Giáo hội bước vào cuộc tưởng niệm sự thương khó của Chúa vào Chúa nhật Lễ Lá và Tuần Thánh này?
CẦU NGUYỆN
Trong Tuần Thánh này, chúng ta sẽ dành thời gian cầu nguyện như thế nào?
Đức tin có giúp chúng ta “nhận ra” điều gì mà người khác không thể nhận ra không?
Chúng ta sẽ ngồi xuống cầu nguyện như thế nào trước hành động như vô nghĩa của cuộc thương khó Chúa Giêsu?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (19/3/2024)
Tin liên quan