×

Giỏ hàng

Chân lý chỉ là một: chiến tranh hoặc hoà bình
Lượt xem:55   Ngày đăng: 2024-11-23 20:01:15

CHÂN LÝ CHỈ LÀ MỘT: CHIẾN TRANH HOẶC HOÀ BÌNH

 

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật XXIV Thường niên B - Lễ Chúa Kitô Vua

Đn 7,13-14; Tv 93; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37

Vào Chúa nhật cuối cùng của mùa Thường niên, các bài đọc Lời Chúa tập trung vào Chúa Giêsu với các tước hiệu “Con Người” và “Vua Vũ trụ.” Các bài đọc Chúa nhật tuần trước đã chuẩn bị bối cảnh để Chúa Kitô vũ trụ xuất hiện như trung tâm điểm thâu họp vạn vật lại với nhau. Toàn bộ sự cân bằng của vũ trụ chuyển động theo ảnh hưởng của trọng tâm này. Nói cách đơn giản, những tước hiệu này đề cập đến một chân lý khó chấp nhận nhưng đáng được nhắc đi nhắc lại: Thiên Chúa là trung tâm của mọi sự, và tuyệt đối không điều gì có thể chiếm vị trí đó.

Các bài đọc Chúa nhật tuần này củng cố chân lý rằng thế giới hướng về Thiên Chúa và minh họa cách thức Thiên Chúa chiến thắng mọi xung đột bằng quyền năng tối cao của Ngài. Dù là bối cảnh chính trị, thiên nhiên hay nội bộ những vương quốc tranh giành nhau, trọng tâm ảnh hưởng vẫn luôn thuộc về Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta nhận ra xung đột và tìm thấy hy vọng nơi một chân lý chiến thắng mọi tham vọng cạnh tranh và nhu cầu thống trị.

Một lần nữa, các bài đọc Chúa nhật tuần này hướng về Đanien, vị ngôn sứ của những thị kiến và giấc chiêm bao. Trong bài đọc I, Đanien tiên báo “có ai như một Con Người” đang đến thế gian, Đấng được ban cho “quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài” (Đn 7,13-14). Vào thời điểm sách Đanien ra đời (khoảng năm 160 trước Công nguyên), dân Do Thái bị các đế quốc ngoại bang bao vây và tìm cách thống trị cả về văn hóa lẫn quân sự. Đoạn văn trước bài đọc I nhắc lại lịch sử đau thương của Israel khi bị bốn vương quốc bất ổn lần lượt chinh phục là Babylon, Mêđia, Ba Tư và Hy Lạp. Trong bối cảnh lịch sử của vị ngôn sứ này, một nhà cai trị địa phương tên là Antiôkhô IV Êpiphanê đã buộc người Do Thái phải chấp nhận văn hóa Hy Lạp. Trước sự hỗn loạn chính trị này, Đanien viết về sự can thiệp của Thiên Chúa thông qua một nhà lãnh đạo Israel mới, “một ai như Con Người”: “quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ” (Đn 7,14).

Có một trận chiến thời nguyên thủy ẩn giấu trong bài thánh vịnh đáp ca của Chúa nhật tuần này. Trong khi cộng đoàn chỉ nghe các câu 1-2 và 5 trong thánh lễ, cảnh chiến đấu ở các câu 3-4 bị bỏ qua. Những sức mạnh “Sóng nước” và “Biển cả” được nhân cách hóa từ các huyền thoại cổ xưa, nổi dậy chống lại Thiên Chúa của Israel: “Sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào. Sóng nước đã gầm lên, long trời lỡ đất” (Tv 93,3). Nhưng cuộc tranh giành xa xưa này nhanh chóng kết thúc vì Đức Chúa hiển trị như một vị vua và dân chúng được trấn an: “Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển” (Tv 93,1). Ngày nay, thế giới và các quốc gia có những tổ chức hay cơ quan cứu trợ ứng phó với thiên tai. Nhưng trong thế giới cổ đại, người ta đối mặt với các mối đe dọa thiên nhiên với niềm tin vào một vị Thiên Chúa mạnh mẽ hơn mọi thế lực vũ trụ.

Trong cuộc xung đột cuối cùng, bài Tin mừng hôm nay đặt hai vương quốc đối lập nhau. Một bên là vương quốc thế gian, và bên kia là vương quốc không thuộc về thế gian này. Philatô cho rằng dân riêng của Chúa Giêsu [dân Do Thái] và các thượng tế đã phản bội và trao nộp Ngài, như một hình thức đảo chính nào đó. Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” (Ga 18,33). Chúa Giêsu trả lời cách khó hiểu: “Quan nói đúng. Tôi là Vua… Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37). Theo thần học của Tin mừng Gioan, chân lý ngự trị cùng lúc với sự lừa dối. Nếu Chúa Giêsu có bất kỳ vương quốc nào, thì đó là một vương quốc xây dựng trên nền tảng chân lý, và tiêu chuẩn này thường phụ thuộc sự kiểm soát chính trị của một dân tộc. Trong cuộc tranh giành giữa hai vương quốc này, Chúa Giêsu chấp nhận bị Philatô thẩm vấn và kết án. Nhưng Ngài cũng trả lời rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”

Các bài đọc cuối cùng của chu kỳ phụng vụ năm B đưa chúng ta đến một nghịch lý mang tính quyết định. Một mặt, có vô vàn xung đột trên mọi phương diện: chính trị, thiên tai, xung đột văn hóa và mâu thuẫn giữa chân lý và dối trá. Mặt khác, lễ Chúa Kitô Vua lại nhấn mạnh những đoạn văn công bố một chiến thắng cuối cùng, là chiến thắng không còn mối đe dọa từ khởi nguyên cho đến tận cùng thời gian. Đồng thời, các bài đọc cũng nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù xung đột định hình cuộc sống này, nhưng niềm hy vọng vào chân lý Tin mừng có khả năng tái định hình vũ trụ thành một vương quốc hòa bình.

 

CẦU NGUYỆN:

Xung đột nào trong đời sống đức tin của chúng ta cần được tái định hình?

Lần cuối cùng chúng ta chia sẻ sự bình an với người đang cần là khi nào?

Hôm nay, niềm hy vọng duy nhất nơi Chúa Kitô đang định hình con người chúng ta như thế nào?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (29/10/2024)