×

Giỏ hàng

643   2024-05-09 20:09:06

BUỔI CHIA SẺ VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI PHI CHÂU CỦA CỘNG ĐOÀN THỪA SAI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19)

Chiều thứ Bảy ngày 4 tháng 5 năm 2024, Đại Chủng viện Sao Biển hân hoan chào đón Cha Victor Otieno và cha Alex Campon thuộc Cộng Đoàn Thừa Sai Thánh Phaolô Tông Đồ (Missionary Community of Saint Paul the Apostle) đến chia sẻ về sứ vụ truyền giáo tại Phi châu.

Cộng đoàn Thừa sai Thánh Phaolô Tông Đồ là một hiệp hội công gồm các linh mục và nam nữ giáo dân đến từ nhiều giáo phận khác nhau. Sứ mạng của Cộng đoàn là giúp đỡ những người nghèo khổ nhất ở những nơi xa xôi hẻo lánh, đặt biệt tại Phi châu, nhằm thăng tiến cuộc sống xứng với phẩm giá là con cái Chúa và mở ra tương lai cho người dân tại châu Phi.

Chủ đề của buổi chia sẻ là “Mission: An Occasion of Grace and Moving Towards Serving Others” (Truyền giáo: Một cơ hội của Ân sủng và Hướng tới việc phục vụ anh chị em) dựa theo Tin mừng Mt 28,18-20 và Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Mở đầu, hai cha trình bày sơ lược về bản thân, về vùng đất, văn hóa cũng như tình hình Giáo hội Phi châu, cụ thể tại Kenya là nơi Cộng đoàn đặt trụ sở chính và cũng là nơi các ngài đã hoạt động truyền giáo.

Theo Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, điều quan trọng sống còn đối với Giáo hội là ra đi và loan báo Tin mừng cho mọi người, ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, không do dự, không chán nản và không sợ hãi. Niềm vui Tin mừng được dành cho toàn dân: không ai có thể bị loại trừ (x. EG 23).

Thật vậy, sứ vụ truyền giáo phải là một cuộc ra đi, với nhiều nỗ lực đổi mới không ngừng. Đã qua rồi những cách thức rao giảng “truyền thống” với kết quả là nhiều người mau chóng đón nhận và được rửa tội. Thật vậy, nhà truyền giáo ngày nay cần phải hiện diện giữa dân chúng, nói bằng ngôn ngữ của họ, lắng nghe và tìm hiểu những giá trị, bản sắc địa phương và trình bày sứ điệp Kitô giáo cho họ. Vì thế, cần sự chuẩn bị, thời gian, sự hiện diện và đối thoại lắng nghe để con người có thể mở lòng và dần dần chấp nhận sứ điệp Tin mừng cũng như đón nhận phép rửa.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một đan nữ dòng Kín, nhưng lại được Giáo hội chọn làm vị bổn mạng, vị bảo trợ của các nhà truyền giáo. Khi nghe tin một vị truyền giáo tại Trung Hoa phải vất vả đi bộ mấy cây số mỗi ngày đến các giáo điểm nên chị Têrêsa cũng cố gắng đi bộ mấy cây số mỗi ngày trong đan viện và dâng nhiều hy sinh, để cầu nguyện cho nhà truyền giáo. Đó là một mẫu gương cho mỗi người chúng ta sống tinh thần truyền giáo.

Sau phần trình bày, các chủng sinh đã đặt một số câu hỏi về chủ đề truyền giáo và được hai cha nhiệt tình trả lời.

 

1/ Đâu là những khó khăn các cha gặp phải khi truyền giáo tại Kenya?

Có muôn vàn khó khăn. Đa số người Phi châu theo nhiều tín ngưỡng bản địa khác nhau như thuyết vật linh (animism) nên họ có những khái niệm về một Thượng đế hay về thần linh khác với Thiên Chúa của Kitô giáo. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, vấn đề đói nghèo, xung đột sắc tộc và tôn giáo cũng là những thách đố nổi bật.

2/ Làm sao tìm được niềm vui trong đời sống truyền giáo?

Khi hoạt động tại môi trường truyền giáo, bản thân chúng tôi  được mời gọi phục vụ, chia sẻ, trao ban tất cả những gì mình có, ngay cả của ăn hằng ngày. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhận ra Chúa luôn đồng hành, ban cho chúng tôi sức mạnh để có thể đến những khu ổ chuột, bệnh viện, để gặp gỡ những người đau khổ và khiêm tốn trao ban cho họ một hình ảnh về Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc con người. Nhà truyền giáo phải khám phá hình ảnh Chúa Kitô nơi những con người mà mình được sai đến để phục vụ.

3/ Theo Đứcg Hồng y Robert Sarah, hội nhập văn hoá là nền thần học chủ đạo trong sứ mạng của Giáo hội tại Phi Châu. Vậy các nhà truyền giáo đã có những thích nghi thế nào trong vấn đề này?

Giáo hội tại Phi châu tìm cách áp dụng nhiều phương thức hội nhập văn hoá vào đời sống đức tin, để có được những cử hành phụng vụ sống động và đậm nét truyền thống bản địa. Người Phi châu rất ưa chuộng các lễ hội và thích đưa âm nhạc, các loại nhạc cụ, các điệu nhảy truyền thống vào các lễ nghi tôn giáo và phụng vụ.

Hội nhập văn hoá là một cách tiếp cận truyền giáo rất quan trọng đối với sự hiện diện của Kitô giáo tại Phi châu. Kitô giáo đã từng mang diện mạo của một văn hoá Tây phương, nay cần mặc lấy cách diễn tả bản địa gần gũi hơn với người dân. Chẳng hạn, người Phi châu thường theo chế độ đa thê, nên người mẹ không chỉ quan tâm nuôi dưỡng con của mình, nhưng còn yêu thương những đứa con khác của chồng, hay con cái của các gia đình khác. Đây là cách thú vị để nói về tình mẫu tử của Mẹ Maria đối với hết thảy mọi dân tộc, ngay cả với người ngoài Kitô giáo. Tuy nhiên, hội nhập văn hoá là một tiến trình khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để đưa đức tin Kitô giáo gần gũi với người bản địa cũng như để có thể thanh lọc các yếu tố văn hoá địa phương cho phù hợp với đức tin Kitô giáo.

4/ Những phương cách nào giúp nuôi dưỡng đời sống đức tin trong linh đạo truyền giáo?

Sau 32 năm truyền giáo tại Phi châu, 2 năm gần đây tôi được giao công việc đào tạo ơn gọi cho Cộng đoàn tại Manila, Philipines. Đây là một thay đổi khá lớn đối với tôi. Cụ thể là thay đổi lối sống từ một môi trường rộng mở nơi Kenya sang một không gian có vẻ chật chội tại Manila. Tuy nhiên, tôi tin tưởng và hạnh phúc phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Tin tưởng Thần Khí thúc đẩy tinh thần truyền giáo ra đi đến với muôn dân vẫn ở bên cạnh và hướng dẫn tôi trong những hành trình mới đang chờ đón mình. Hiện nay, tôi không thể truyền giáo như ở Kenya nhưng tôi chuẩn bị các nhà truyền giáo cho tương lại với hy vọng rằng họ sẽ là những nhà truyền giáo còn tốt hơn thế hệ của chúng tôi.

Ước mong qua buổi chia sẻ này các chủng sinh của Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang có thêm những hiểu biết hữu ích về hoạt động truyền giáo tại Phi châu cũng như ý thức dấn thân nhiều hơn cho sứ mạng truyền giáo, nhất là nơi những vùng đất mà Công giáo vẫn còn là một thiểu số.

Ban truyền thông ĐCV Sao Biển Nha Trang.