×

Giỏ hàng

Bài học từ Hài Nhi nằm trong máng cỏ
Lượt xem:263   Ngày đăng: 2023-01-06 09:25:04

BÀI HỌC TỪ HÀI NHI NẰM TRONG MÁNG CỎ

Chúng ta đang sống trong mùa Giáng sinh. Giáng sinh mời gọi chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là món quà lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ngài là đứa con của lời hứa trong Kinh thánh, là Đấng mà biết bao ngôn sứ đã loan báo trong Cựu ước, Đấng mà Gioan tẩy giả mở đường giới thiệu, Đấng mà chúng ta mong đợi ngóng trông trong suốt Mùa Vọng. Nay, Ngài đã đến ở giữa chúng ta.

Chúng ta thấy gì trong hang đá máng cỏ. Con Thiên Chúa đã trở nên một Hài Nhi bé nhỏ ngoan ngoãn nằm trong máng cỏ. Giờ đây, cùng với nhau, chúng ta hãy chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, dang đôi tay chúc lành, mĩm cười nằm trong máng cỏ. Hình ảnh ấy bày tỏ rất nhiều ý nghĩa.

1Con Thiên Chúa đã trở nên yếu đuối vì yêu chúng ta

Chúa Giêsu là vua của vũ trụ, quyền uy bất tận, thế mà nay, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, để trở nên một Hài Nhi bé nhỏ, yếu đuối, không thể tự chăm sóc mình. Ngài là trưởng tử của mọi loài thụ tạo, nhưng nay cần phải có cha có mẹ để chăm sóc mình; thông biết mọi sự, nhưng nay lại cần có thầy có cô để dạy dỗ, phải học hành để biết đọc biết viết, học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. Ngài là tất cả, nhưng nay lại phụ thuộc tất cả để có thể tồn tại. Ngài có trăm phương ngàn cách để cứu độ con người, nhưng lại chọn cách làm người, sống như con người. Như thế, Con Thiên Chúa đã trở nên yếu đuối vì yêu chúng ta. Một sự yếu đuối mà Ngài đã tự ý chọn lựa.

2Con Thiên Chúa trở nên nghèo khó vì yêu chúng ta

Không có chỗ trong thế giới loài người, nên Chúa Giêsu đã sinh hạ trong nơi dành cho súc vật. Ngài là Con Thiên Chúa tối cao, nhưng không chọn sinh nơi lầu son gác tía, mà trong cảnh thiếu thốn của một người nghèo, nghèo khó đến tột cùng: không nhà, không cửa, không chăn ấm nệm êm. Ngài sinh ra trên đường, sống một cuộc sống trôi nổi, nay đây mai đó trên đường. Từ Bêlem trốn sang Ai Cập, từ Ai Cập trở về Nadarét, từ Nadarét bôn ba đây đó để loan báo tin mừng, và rồi cuối cùng, Ngài chết nhục nhã ở một ngã ba đường, trong thân phận của một kẻ bị kết án tử hình trên thập giá. Trần trụi. Đau thương. Thậm chí, một ngôi mộ để an táng Ngài cũng không có, phải “chôn ké” trong mộ của người khác. Như thế, từ lúc sinh ra cho khi đến chết đi, Con Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó đến tột cùng vì yêu chúng ta.

3. Một Thiên Chúa của Tình Yêu

Khi yêu một ai đó, chúng ta luôn thương nhớ và muốn ở bên cạnh người đó. Nhiêu đó vẫn chưa đủ, chúng ta còn muốn đồng hóa mình với họ, để trở nên giống như họ, nên một với họ. Con Thiên Chúa cũng thế, vì quá yêu chúng ta nên Ngài cũng muốn giống như chúng ta, sống như chúng ta, nói bằng ngôn ngữ của chúng ta. Ngài không muốn yêu chúng ta ở xa xa, hoặc như một vị thần thoát ẩn thoát hiện, nhưng đã đồng hóa mình với chúng ta, bằng cách trở nên một con người, giống như chúng ta.

Như thế nào là đồng hóa? Xin lấy một ví dụ cho dễ hiểu: Khi chăm sóc các em bé còn bập bẹ bi bô, đang tập nói, chúng ta nói với các em bằng tiếng của người lớn thì các em vẫn hiểu được. Tuy nhiên, quan sát thực tế, chúng ta thấy các bà mẹ không nói bằng thứ tiếng mà người lớn vẫn nói với nhau, nhưng nói bằng thứ tiếng của các em, bập bẹ bi bô như các em... Lúc này, người mẹ, có thể nói được là, không còn là chính mình nữa, bà chấp nhận đánh mất chính mình, để đồng hóa với con của mình, nên giống như con của mình. Đó là tình yêu. Đó là ngôn ngữ của tình yêu.

Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa là tình yêu, nên Người cũng nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. Con Thiên Chúa đã dùng chính ngôn ngữ ấy để nói với chúng ta, những người mà Chúa yêu thương nhất. Ngài chấp nhận đánh mất địa vị Thiên Chúa để trở nên một con người, y như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Chúng ta chính là lý do để Con Thiên Chúa phải sinh ra đời.

Hài Nhi nằm trong máng cỏ bày tỏ cho chúng ta ba ý nghĩa và dạy cho chúng ta ba bài học.

  1. Con Thiên Chúa đã trở nên yếu đuối để dạy chúng ta dám trở nên yếu đuối. Yếu đuối để không cậy dựa vào bản thân mình. Mình khỏe, mình giàu, mình làm được hết mọi thứ mình muốn, mà chẳng cần Thiên Chúa. Không có đâu! Một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm mọi thứ tan biến đi trong chốc lát. Một cơn bạo bệnh đủ đánh tan mọi chỗ dựa mà chúng ta tin tưởng. Yếu đuối để biết cậy dựa vào Chúa và chỉ Chúa mà thôi. Cây nghiêng bên nào thì ngã bên đó. Chúng ta nghiêng về bên Chúa thì sẽ được về với Chúa. Hãy yếu đuối nơi thế gian để được mạnh mẽ trước Chúa.
  2. Con Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó để dạy chúng ta dám trở nên nghèo khó, vì Nước Trời là của những ai có tâm hồn nghèo khó. Nghèo khó để không bám víu vào của cải vật chất thế gian, sức khỏe, danh vọng, quyền lực. Những thứ đó bảo đảm hạnh phúc nơi trần gian, nhưng chúng chỉ là tạm bợ, chóng qua. Khi còn sống, chúng ta thu góp và nắm giữ cho thật nhiều, thật chặt. Tuy nhiên, đừng quên rằng, khi nhắm mắt lìa đời, tay chúng ta phải buông bỏ hết mọi thứ ở thế gian, để có thể nắm lấy tiền của Nước Trời, tức là tiền của mà chúng ta đã cho đi khi còn sống. Hãy tự hỏi: mình có bao nhiêu tiền trong ngân hàng Nước Trời? Nếu số dư hãy còn quá ít ỏi, thì hãy tích góp bằng cách cho đi, để có một kho tàng giàu có ở Nước Trời.
  3. Con Thiên Chúa không muốn điều gì khác nơi chúng ta ngoài tình yêu của chúng ta. Thật ra, chẳng có gì xứng đáng cho Chúa, chẳng có gì cao trọng đủ để tiếp rước Chúa. Đó là lý do Con Thiên Chúa đã chọn sinh ra ở hang lừa, một nơi không có gì hết, bởi vì ở đó Chúa sẽ là tất cả. Chúa thích ngự đến nơi nào mà ở đó Chúa là tất cả. Yếu đuối cũng được, nghèo khó cũng được, xấu xí cũng được... miễn là chúng ta xem Chúa là tất cả của chúng ta. Khi ấy chúng ta sẽ có được hạnh phúc thực sự, là thứ hạnh phúc mà những người tu vẫn tìm kiếm và cảm nhận được.

Mùa giáng sinh, mùa của niềm vui. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã tự đặt mình vào trong vòng tay chúng ta, dưới hình dạng của một Hài Nhi bé nhỏ. Cùng với nhau chúng ta hãy hát lên bài ca mà cả triều thần thiên quốc đã hát lên để ca mừng Con Chúa giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

 Phó tế Giuse Trần Văn Chương