×

Giỏ hàng

Ánh trăng và những nguồn ảnh hưởng khác của vũ trụ
Lượt xem:95   Ngày đăng: 2024-11-16 15:41:00

ÁNH TRĂNG VÀ NHỮNG NGUỒN ẢNH HƯỞNG KHÁC CỦA VŨ TRỤ

 

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật XXXIII Thường niên B

Đn 12,1-3; Tv 16; Dt 10,11-18; Mc 13,24-32

Bức tranh Christ of Saint John of the Cross (Cuộc khổ nạn của Đức Kitô theo thánh Gioan Thánh Giá)[1] của Salvador Dalí có lẽ mang tính biểu tượng nhất trong thế kỷ XX về cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Người ta cho rằng nguồn cảm hứng của bức tranh đến từ giấc mơ của vị họa sĩ phái siêu thực này. Dalí phác họa một Đức Kitô vũ trụ trên thập giá không đổ máu [không mão gai, không dấu đinh] như kiểm soát trung tâm vũ trụ, trong khi phía dưới là trái đất thấm đẫm những gam màu ấm áp, có dòng nước êm đềm và chiếc thuyền trống rỗng của ngư phủ. Tác phẩm nghệ thuật này vừa ám ảnh khó quên vừa an ủi, và cảm xúc này thật giống với các bài đọc về “những ngày sau cùng” của Chúa nhật XXXIII Thường niên B.

Một hiệu ứng xoa dịu của tác phẩm của Dalí đó là cách bức tranh thể hiện ánh trăng dịu dàng tỏa ra từ Đức Kitô. Hình ảnh này cần đến cả bóng tối và ánh sáng để mang lại cảm giác xoa dịu sâu sắc. Các bài đọc về thời cánh chung hôm nay đưa ra hình ảnh tương tự khi việc thiếu vắng ánh sáng tạo nên sự căng thẳng để mong đợi Đấng “ngự đến trên đám mây” sẽ phủ đầy khoảng trống đó. Không đề cập đích danh ai, bài Tin mừng cũng cảnh báo về việc đặt sai niềm hy vọng vào nguồn sáng giả tạo.

Trong bài Tin mừng, ánh sáng vũ trụ mờ tối tạo nên cơ hội đọc ra các dấu chỉ thời đại. “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển” (Mc 13,24-25). Với một người lữ khách, khi có ánh sáng trên trời dẫn đường trong đêm đen, thì bóng tối trở nên dễ chịu hơn. Nếu những ánh sáng này bắt đầu mờ đi đó là hồi chuông cảnh báo đoàn dân đức tin phải cảnh giác.

Bài đọc I cũng đưa ra lời cảnh báo về thời kỳ đen tối. “Đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ” (Đn 12,1). Lối viết khải huyền này miêu tả những giai đoạn khủng hoảng tàn khốc, giống như việc quân Rôma xúc phạm Đền thờ cực thánh Giêrusalem. Tuy nhiên, đoạn văn lại kết thúc với những lời an ủi sâu xa: “Những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời” (Đn 12,3).

Ai là người công chính sẽ chiếu sáng như những vì sao dẫn đường trong đêm tối? Vào năm 20 TCN, Hêrôđê Cả bắt đầu xây dựng một đền thờ mới ở Giêrusalem với quy mô mà ngày nay, dù với công nghệ hiện đại, khó có thể tái tạo được. Đền thờ này lớn hơn bất kỳ nơi thờ phượng nào ở Giêsuralem được xây trước hay sau nó. Nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trước khi bị quân Rôma thiêu rụi vào năm 70. Nhắc đến những gì trần thế chóng qua, Đức Giêsu nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi” (Mc 13,31). Những ánh sáng giả tạo, giống như Hêrôđê Cả, làm sao lãng nguồn dẫn đường đích thực.

Nơi những hình ảnh siêu thực của lối viết khải huyền, thế giới có thể xuất hiện giống như đêm tối đe dọa, trong khi các vì sao chiếu sáng rực rỡ dẫn đường và chỉ ra hướng đi tiềm năng. Nơi hành động của những ai hướng dẫn người khác đến sự công chính, người ta có thể tìm kiếm những chỉ dẫn hướng đến niềm hy vọng duy nhất của chúng ta nơi Đức Kitô vũ trụ. Sách Đaniel viết: “Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời” (Đn 12,3). Giống như bầu trời nơi ánh trăng, các vì sao và mặt trời nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không cô đơn. Hãy nghĩ đến họa sĩ Dalí, Đức Kitô vũ trụ như là trung tâm vũ trụ giữ mọi thứ và mọi người lại với nhau trong hy vọng. Thậm chí khi tìm kiếm ánh sáng, chúng ta cũng có thể trở thành đường dẫn truyền tải đến người khác dù chỉ là ánh sáng hy vọng yếu ớt nhất.

 

CẦU NGUYỆN

Lần cuối chúng ta trải qua thời khắc khó khăn là khi nào?

Trong lúc khó khăn đó, chúng ta tìm thấy nguồn hy vọng nơi đâu?

Chúng ta sẽ đền ơn người khác như thế nào?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (29/10/2024)

 

 

[1] [ND]: Bức tranh (Christ of Saint John of the Cross) là một tác phẩm nổi tiếng của hoạ sĩ Salvador Dalí được vẽ vào năm 1951, thể hiện phong cách siêu thực kết hợp với ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Tên của bức tranh bắt nguồn từ một bản thảo của Thánh Gioan Thánh Giá (John of the Cross). Bản phác thảo mô tả Chúa Giêsu bị đóng đinh nhìn từ trên cao. Dalí đã bị thu hút bởi ý tưởng này và tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, nhưng ông bổ sung phong cách độc đáo của mình, mang đến một góc nhìn đặc biệt. x. https://en.wikipedia.org/wiki/Christ_of_Saint_John_of_the_Cross