ÂN BAN MÙA PHỤC SINH CỦA TÌNH BẠN HỮU VỚI THIÊN CHÚA: ƠN HOÁN CẢI
Chúa nhật II Phục Sinh Năm B
Cv 10, 25-48; Tv 98; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Lộ trình hoán cải trong suốt cuộc đời Thánh Phêrô, khi ngài thực hiện sứ mạng được trao phó, là một lời nhắc nhở liên lỉ về ân ban mặc khải của Thiên Chúa cho mọi người. Điều này trở nên rõ ràng trong bài đọc I trích sách Tông đồ Công vụ.
Vào Chúa nhật VI Phục sinh, Thánh Phêrô nhận thấy chính mình đang ở trong một tình thế khó xử. Phêrô không phải không biết rằng lệnh truyền “mang ơn cứu rỗi cho hết thảy mọi người” của Thiên Chúa - thật sự có nghĩa là “tất cả”, gồm cả người ngoại cũng như người Do Thái. Nhưng những tục lệ của đôi bên [dân ngoại và người Do thái] lại quá khác nhau đến nỗi Phêrô cũng ngần ngại dùng bữa với những người không tuân giữ luật ăn kiêng của người Do Thái. Cv 10, 9-16 đã mô tả chi tiết một thị kiến dành cho Phêrô để ngài chấp nhận việc đồng bàn với những người không hoàn toàn chia sẻ và thực hành niềm tin của ngài. Đó là một vấn đề gai góc vào thời các Tông đồ cũng như đối với chúng ta ngày nay. Và không có nhiều thay đổi về điều này.
Trong bài đọc I, khi bắt đầu nhận thấy ân sủng mở ra cho những người ngoại, Thánh Phêrô nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” (Cv 10,34-35). Hai điều kiện trong lập luận của Phêrô cho thấy những điều kiện tiên quyết để có ân sủng, là lòng kính sợ Thiên Chúa và thực hành sự công chính trong mọi việc. Điều này khai mở một chân trời cứu độ cho toàn thể nhân loại. Khi Luca mô tả khung cảnh trình thuật này, thánh sử cho thấy một sự xác nhận từ Thánh Thần cho lời khẳng quyết của Phêrô. “Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời” (Cv 10,44). Đoạn văn này nhắc nhở chúng ta rằng “các tín hữu đã chịu cắt bì” đã bị sốc như thế nào trước ơn Thánh Thần tuôn đổ xuống tất cả những người không được cắt bì đang hiện diện ở đó.
Thánh Phêrô cũng choáng ngợp trước dấu chỉ những biến đổi sâu sắc đã được Thánh Thần xác nhận. Ngài vâng lời và rửa tội cho tất cả những ai xin chịu Phép Rửa, mà không yêu cầu bất kỳ điều kiện gì như cắt bì hay những hạn chế trong ăn uống. Thánh Phêrô đang học cách yêu thương những người khác biệt với mình. Họ thậm chí có thể trở thành những người bạn của ông. “Họ xin Ngài ở lại với họ ít ngày” (10:49).
Ngôn ngữ của tình yêu và tình bạn tiếp tục xuất hiện trong bài Tin mừng của Thánh Gioan. Chủ đề chính là việc Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng các môn đệ là bạn hữu của Ngài nếu họ vẫn ở lại trong tình yêu của Ngài. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,9.13). Tuy nhiên, có một sự đánh đổi. Đối với Chúa Giêsu, trong diễn từ cuối cùng trước cái chết, Ngài đang dần rời xa các môn đệ để họ có thể tự mình đảm lấy sứ mạng của Ngài. Chúa Giêsu để lại một lộ trình cho các ông tiếp bước khi Ngài về trời. Lời nhắn nhủ cuối cùng được nhắc đến hai lần trong bài Tin mừng là cách mà các môn đệ có thể “ở lại” trong tình yêu của Ngài luôn mãi. “Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau” (Ga 15,17).
Những lời cuối cùng của Giêsu ‘hãy yêu thương nhau’ là tâm điểm trong diễn từ biệt ly nơi bàn tiệc Thánh thể và có lẽ là giới răn khó tuân giữ nhất. Trong Hội Thánh ngày nay, cơn cám dỗ hướng về chủ nghĩa cá nhân cực đoan là một lựa chọn dễ dàng. Đó là một cám dỗ đóng kín kinh nghiệm đức tin của chúng ta và để cho sự hẹp hòi đó nuôi dưỡng một cảm giác nghi ngờ lo sợ đối với người khác. Đây là nguồn cơn của sự phân cực đang không ngừng làm nguy hại Giáo Hội. Sự hoán cải của thánh Phêrô mang lại một cái nhìn sâu sắc quan trọng cho thời đại chúng ta đang sống. Khi Phêrô khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa dành cả cho dân ngoại, ngài cũng học cách yêu thương họ, đặc biệt là những người đã theo một con đường rất khác. Nhưng Thánh Thần ngự xuống trên mọi người để nhắc nhở mỗi người về giới răn yêu thương nhau của Chúa Giêsu. “Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.” (Ga 15, 11).
CẦU NGUYỆN
Ai là “tha nhân” mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu thương bằng cả lời nói và việc làm?
Chúng ta có thể tĩnh lặng trước sự hiện diện của Chúa Giêsu như một người bạn hữu được không?
Chúng ta gặp thử thách nhiều nhất ở đâu trong việc sống giới răn yêu thương nhau?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (01/05/2024)
Tin liên quan