VỊ TRÍ VÀ CÁC ĐẶC TÍNH NỔI BẬT CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
TRONG SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU
DẪN NHẬP
Nước Thiên Chúa là một chủ đề chiếm vị trí then chốt trong sứ điệp của Tin mừng. Trong suốt cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã không ngừng rao giảng về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Với việc sử dụng các dụ ngôn, những hình ảnh biểu tượng cùng phép ẩn dụ, Đức Giêsu đã giúp chúng ta có được những hiểu biết gần gũi nhưng đầy phong phú về thực tại siêu việt này.
Trong nội dung dưới đây, sau khi khai triển khái quát về thuật ngữ Nước Thiên Chúa, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và khám phá vị trí của Nước Thiên Chúa trong sứ điệp của Đức Giêsu cũng như những đặc tính nổi bật của mầu nhiệm này. Nhờ đó, chúng ta sẽ thấy rằng, Nước Thiên Chúa, như trong cách trình bày của Đức Giêsu, không chỉ là một ý niệm thần học, nhưng còn là một lời mời gọi để mỗi Kitô hữu dấn thân cho đức tin trong đời sống hằng ngày.
Nước Thiên Chúa, βασιλεία τοῦ θεου[1] trong Hy ngữ, là một thuật ngữ Kinh thánh quan trọng. Dựa theo từ ngữ, việc định nghĩa Nước Thiên Chúa phụ thuộc vào cách chúng ta hiểu về hạn từ βασιλεία. Trong Analytical Greek Lexicon of the Greek New Testament, hạn từ này được định nghĩa theo ba phương diện: (1) cách trừu tượng, βασιλεία nói đến quyền lực được thực thi bởi nhà vua, nghĩa vương quyền; (2) cách cụ thể, hàm ý về lãnh thổ được cai trị bởi nhà vua, nghĩa vương quốc; và (3) cách vượt trội, diễn tả thời trị vì của Thiên Chúa như đã hứa, đã loan báo và giờ đây được thực hiện qua sự ngự trị thiêng liêng của Người nơi tâm hồn nhân loại để rồi sẽ được hoàn tất nơi vương quyền Đức Kitô, nghĩa triều đại.[2]
Chúng ta có thể xác định cách khái quát rằng Nước Thiên Chúa là khái niệm diễn tả thời gian và không gian nơi quyền năng Thiên Chúa thống trị.[3] Tuy nhiên, cách hiểu này chưa nêu rõ những tính chất cụ thể của Nước Thiên Chúa như những gì Đức Giêsu nhắm đến. Mặt khác, một số học giả cho rằng không thể có một định nghĩa rõ ràng về Nước Thiên Chúa. Số khác xem đây không phải là một “khái niệm” (concept) hay “ý tưởng” (idea) cho bằng một “biểu tượng” (symbol).[4] Vì lẽ đó, để có được một cách hiểu rõ ràng hơn, chúng ta cùng đến với chính những mặc khải của chính Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
2.1. Đặt nền tảng trên thần học và lịch sử Cựu ước
Khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu không rao giảng một điều gì mới. Vì chưng, sứ điệp của Ngài nằm trong một truyền thống ngôn ngữ và suy tư, một lịch sử đức tin và cầu nguyện đã có trước. Ngài chỉ đón nhận, triển khai và chuyển đổi sứ điệp về Nước Thiên Chúa cách mới mẻ.[5]
Quả thế, Nước Thiên Chúa là một niềm tin đã được bén rễ sâu từ trong Cựu ước (x. Is 24,23; Gr 3,17; Kn 10,10). Đối với người Do Thái, cách nói “vương quyền” hay “Nước Thiên Chúa” chỉ là ý niệm trừu tượng nhằm diễn đạt Yahweh chính là Vua. Đây là niềm hy vọng căn cốt nhất của dân tộc Israel. Vì chưng, khi được thiết lập, nước này sẽ đem lại bình an (shalom) đích thực, đem lại phúc cứu rỗi cho thế giới.[6]
Niềm tin Yahweh là Vua được Cựu ước chuyển tải qua một số lối diễn tả đặc trưng. Trước hết, Thiên Chúa nắm giữ quyền năng cứu độ trong lịch sử Israel. Để diễn tả những hành vi có tính cứu độ của Thiên Chúa, các tác giả Cựu ước sánh ví Người như là Mục tử (St 49, 24-31; Gr 31, 10; Mk 7,14), Go’el (Is 41,14; Tv 19,15),[7] Cha (Đnl 32,6; Gr 31,9), “Mẹ” (Is 49,15; Tv 131,2)… Đặc biệt hơn cả, Người là vị Dũng sĩ đưa dân vượt Biển Đỏ và dẫn họ vào Đất hứa (Xh 15,1-18). Tiếp đó, Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo và cai quản vũ trụ. Sau nữa, kinh nghiệm về nền quân chủ, những tan vỡ trong các mối tương quan xã hội và nhất là biến cố lưu đày khiến dân Israel mong chờ Đấng Mêsia và vương quyền của Ngài vào thời cánh chung.[8]
2.2. Trọng tâm của sứ điệp Tin mừng
Niềm hy vọng vào Nước Thiên Chúa của Cựu ước đã được Đức Giêsu loan báo ngay từ khi Ngài khởi đầu sứ vụ công khai (x. Mc 1,14-15). Đây chính là chìa khóa cho hoạt động rao giảng của Đức Giêsu. Theo nghiên cứu của Đức Joseph Ratzinger, thuật ngữ này xuất hiện 122 lần trong Tân ước, với 99 lần trong các Tin mừng Nhất lãm và 90 lần phát ra từ môi miệng Đức Giêsu.[9] Tần suất xuất hiện này cho thấy vị thế đặc biệt của Nước Thiên Chúa trong sứ điệp của Ngài.
Hơn nữa, Nước Thiên Chúa không chỉ là trọng tâm mà bài giảng khai mạc sứ vụ xoay quanh, nhưng còn là nội dung và mục đích của các dụ ngôn (x. Mc 4, 10-12; Lc 8,9-10), là động cơ và đích điểm cho đời sống đạo đức (x. Mc 9,42-50). Đức Giêsu cũng giới thiệu cho mọi người cách thế để tiếp cận (Mc 10,14-15; 23-25) và đặt định những tiêu chuẩn cho nước ấy mà chúng ta thường gọi là Hiến chương Nước trời (x. Mt 5,1-12).[10]
Ngoài việc rao giảng, những hoạt động khác của Đức Giêsu cũng thường xuyên quy hướng về Nước Thiên Chúa, nhất là các phép lạ.[11] Quyền năng siêu vượt tự nhiên mà Đức Giêsu tỏ hiện là “dấu chỉ uy quyền của vương quốc” và việc chữa lành hay trừ quỷ là “hoa quả đầu mùa của sự hiện diện của vương quốc.”[12] Có thể nói, Đức Giêsu đã dành cả cuộc đời công khai của mình để làm cho “Nước Cha trị đến” (Mt 6,10).
2.3. Được tiếp nối bởi truyền thống Tông đồ
Trọng tâm lời rao giảng của Đức Giêsu là Nước Thiên Chúa. Nhưng hậu Phục sinh, có hay không một sự “chuyển đổi” trong lời rao giảng của các Tông đồ? Sứ điệp chính yếu của các Tông đồ là kerygma, nghĩa là Đức Giêsu, Đấng đã chịu chết, nay Thiên Chúa đã cho sống lại. Trong tác phẩm Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, Đức Joseph Ratzinger đã đưa ra một số lý giải cho hiện tượng này. Trên hết, việc xây dựng một nền Kitô học như thế cho thấy có cả sự tiếp nối lẫn cải biến trong lời rao giảng của các Tông đồ so với sứ điệp của Đức Giêsu lúc sinh thời.[13]
Một mặt, sự tiếp nối vẫn liên tục sau lễ Ngũ tuần. Nước Thiên Chúa là viễn ảnh tối hậu của việc loan báo Tin mừng (x. Cv 19,8; 20,25…). Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu mời con người chung phần Vương quốc và vinh quang của Người (x. 1Tx 2,12). Mặt khác, sự thay đổi nằm ở chỗ, từ nay, Danh thánh Giêsu phải được gắn liền với Nước Thiên Chúa (x. Cv 8,12).[14] Như thế, tin vào Nước Thiên Chúa là tin vào Đức Giêsu và ngược lại.
Đức Giêsu phác họa về Nước Thiên Chúa với nhiều nét đặc sắc và đa dạng. Trong giới hạn bài viết này, chỉ xin đề cập đến những điểm nghịch lý của mầu nhiệm này theo ba cặp song đối dưới đây.[15]
Khi người Pharisêu hỏi về thời gian xuất hiện (πότε) của Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng tuyên bố: “Nước Thiên Chúa thì ‘ἐντὸς’ các ngươi” (Lc 17,21).[16] Khi chuyển hướng câu trả lời và dùng giới từ ἐντὸς theo cả hai nghĩa: ở trong (within) và ở giữa (among), Đức Giêsu đã cho thấy đặc tính sóng đôi đầu tiên của mầu nhiệm này.
Nghĩa “ở trong” cho thấy Nước Thiên Chúa không phải là một thực tại ngoại lai, nhưng hiện diện và phát triển bên trong nội tâm con người. Con người sẽ nên thành viên Nước Thiên Chúa khi đưa sự hiện diện của Đức Giêsu vào tận sâu tâm hồn và để sự hiện hiện ấy biến đổi. Nghĩa “ở giữa” đồng hóa Đức Giêsu với Nước Thiên Chúa và chính Ngài đang ở giữa họ. Họ phải ra khỏi mình để đến với Ngài. Ngài là hiện thân của Nước Thiên Chúa qua việc thực thi thẩm quyền của một vị Vua (x. Mt 11,28). Người ta cần xuyên qua những lời nói, công việc Đức Giêsu thực hiện để nhận ra căn tính đích thực của Ngài. Khi đón nhận thẩm quyền của Đức Giêsu trên cuộc đời mình - nghĩa là tin theo Ngài, người ta sẽ gia nhập vào Nước Thiên Chúa.[17]
Nước Thiên Chúa đã đến cùng với sự xuất hiện của Đức Giêsu. Những lời loan báo của các ngôn sứ xưa về phúc cứu độ đã ứng nghiệm (x. Mt 11,5; Lc 4,21) và niềm hy vọng cánh chung đang ở ngay tầm tay (x. Mc 1,16; Mt 4,17).[18] Một trong những xác quyết mạnh mẽ nhất về hiện tại tính của Nước Thiên Chúa nằm ở chương 11 Tin mừng Luca: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa ‘ἔφθασεν’ giữa các ông” (Lc 11,20). Hạn từ ἔφθασεν, xuất phát từ φθάνω (đến, hiện diện), được dùng ở thì bất định theo ngữ pháp Hylạp, diễn tả một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.[19] Như thế, với việc dùng quyền năng Thiên Chúa để trừ quỷ, Nước Thiên Chúa là thực tại đã đến, đã xuất hiện trong chính bản thân Đức Giêsu, là autobasileia theo cách nói của Origenes.[20]
Dù đã xuất hiện, nhưng nước ấy còn chưa hoàn tất. Bởi đó, Đức Giêsu nhiều lần nhấn mạnh việc Vương quốc đang đến và phải đến, dù Ngài không đưa ra một ngày giờ xác định (x. Mt 24,30). Giữa sự khai mở trong hiện tại và sự thành toàn trong tương lai, Nước Thiên Chúa có một sự tăng triển và trưởng thành tiệm tiến. Các giai đoạn phát triển ấy được diễn tả rõ nét qua các dụ ngôn về hạt giống, hạt cải, men, cỏ lùng và lúa tốt, lưới cá... Có thể xem thời kỳ trung gian này là thời kỳ của Giáo hội, của những người lữ hành trong đức tin đang tiến về bữa tiệc cánh chung (x. Lc 22,17tt).[21]
3.3. Nỗ lực của cá nhân và ân ban của Thiên Chúa
Để đạt đến nước Thiên Chúa, Đức Giêsu mời gọi con người “hoán cải và tin” (Mc 1,15). Thông điệp này trước hết phản ánh việc Thiên Chúa luôn kêu gọi con người phải quay trở lại (μετανοέω) với Người tự nơi con tim (x. Is 44,22). Đồng thời với đó là hành vi tin, tức đón nhận và thi hành ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.[22] Đức Giêsu cũng chỉ ra những điều kiện khác để bước vào Nước Trời, nhất là qua bài giảng trên núi (x. Mt 5). Vì những điều này, J. Schmidt khẳng định việc vào Nước Trời cần có một thái độ nội tâm, một cố gắng về mặt cá nhân và mang tính cách luân lý.[23]
Ở chiều hướng ngược lại, chúng ta cũng nhận ra rằng, chỉ thuần túy những đáp trả, nỗ lực, cố gắng của con người là chưa đủ. Có thể nói, Nước Thiên Chúa nằm ngoài tầm năng lực nhân loại và vượt ra khỏi khía cạnh luân lý như nhân định của K. L. Schmidt.[24] Việc sám hối và tin không nhất thiết đi liền với phúc cứu độ nếu Thiên Chúa không ban phúc ấy cho nhân loại. Hơn nữa, sám hối và tin tự nó cũng đã là một ơn huệ nhưng không. Đối với Nước Thiên Chúa, con người, đầu tiên và trước hết, chỉ là những kẻ được thừa hưởng (x. Mt 25,34).[25]
KẾT LUẬN
Qua những gì đã trình bày, chúng ta nhận thấy Nước Thiên Chúa chiếm một vị trí hàng đầu trong sứ điệp Tin mừng. Dù đã có hình bóng từ Cựu ước, chính Đức Giêsu đã biến đổi sứ điệp ấy và đồng hóa nó với bản thân Ngài. Các Tông đồ tiếp nối lời loan báo này, nhưng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh, các ngài đã đặt Danh thánh Giêsu vào trọng tâm của Nước Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận ra được những nét nghịch lý của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Chúng đánh dấu cho sự siêu việt của thực tại này khỏi các phạm trù nhân loại thuần túy. Qua đó, con người được mời gọi bước vào cuộc hành trình đức tin để không ngừng hoán cải và khám phá chính con người Đức Giêsu. Có như thế, chúng ta mới có thể để cho Nước Thiên Chúa được lớn lên trong chính đời mình.
[1] Thánh sử Mátthêu sử dụng βασιλεία τῶν οὐρανῶν (Mt 3,2) thay cho βασιλεία τοῦ θεου với một ý nghĩa tương tự.
[2] X. Barbara Friberg and Neva F. Miller Timothy Friberg, Analytical Greek Lexicon of the Greek New Testament (British Columbia: Trafford Publishing, 2005), s.v. “βασιλεία”; Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo (SGLHTCG), Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2017), 2816; Raymond Deville và Pierre Grelot, “Vương quốc,” trong Điển ngữ Thần học Thánh kinh, Xavier Léon-Dufour et al. eds, Phân khoa thần học – Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2016), 1619-1621.
[3] X. Gerard O’Collins, Kitô học – Một nghiên cứu hệ thống, lịch sử và Kinh thánh về Chúa Giêsu, Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012), 90.
[4] Về những lập trường này, xin xem: Donald Senior, “Reign of God,” trong The New Dictionary of Theology, Joseph A. Komonchak, Mary Collins và Dermot A. Lane eds. (Pasay City: Daughters of St. Paul, 1991), 857.
[5] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2013), 46.
[6] X. Nguyễn Văn Khanh, Thiên Chúa của Tin mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2015), 63-64. Về tương quan giữa Thiên Chúa là Vua và Nước Trời, xin xem: Albert Descamps, “The Kingdom of God,” trong The God of Israel – The God of Christians, J. Giblet ed. (New Jersey: Paulist Press, 1964), 230-246.
[7] Thời Cựu ước, theo định chế của dân Israel, khi một người bị bắt làm nô lệ, thì thân nhân có thể trả một món tiền để chuộc về. Thiên Chúa cũng được tuyên xưng là Đấng “chuộc” (go’el) (Is 41,14; 43,14; 44,6; 47,4; Tv 19,15; 78,35). Người đã “chuộc” dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập (Đnl 6,6-8; Tv 111,9), và sau đó đã chuộc Israel ra khỏi cảnh lưu đày bên Babylon (Is 51,11; 52,3-9). X. Phan Tấn Thành, “Về nguồn – Thời các Tông đồ,” truy cập ngày 14/12/2023, https://catechesis.net/thoi-cac-tong-do-chuong-nam/.
[8] X. Donald Senior, “Reign of God,” 851-856.
[9] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, 44.
[10] X. Từ điển Kinh thánh Anh-Việt, Geoffrey Wigoder et al. eds., Lưu Văn Hy, Đỗ Đức Minh và Nguyễn Minh Sơn chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Từ điển Bách Khoa, 2013), s.v. “Kingdom of God”; Nguyễn Văn Khanh, Thiên Chúa của Tin mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, 68-71.
[11] X. Nguyễn Văn Viên, “Đức Giêsu Kitô – Đường Vương quốc Thiên Chúa,” truy cập 14/12/2023, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-vuong-quoc-thien-chua-46760.
[12] Gerard O’Collins, Kitô học – Một nghiên cứu hệ thống, lịch sử và Kinh thánh về Chúa Giêsu, 91.
[13] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, 44-45.
[14] X. Raymond Deville và Pierre Grelot, “Vương quốc,” trong Điển ngữ Thần học Thánh kinh, 1623.
[15] Về các điểm nghịch lý khác, xin xem: Raymond Deville và Pierre Grelot, “Vương quốc,” trong Điển ngữ Thần học Thánh kinh, 1624-1625.
[16] Trong ấn bản Kinh thánh 2011, nhóm CGKPV dịch giới từ “ἐντὸς” theo nghĩa “ở giữa”. Nhưng ngoài nghĩa này, “ἐντὸς” còn có nghĩa “ở trong”. Xin xem: Nguyễn Bá Đương, Hy ngữ Tân ước – Tập I (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2022), 76. Bản dịch Kinh thánh của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn cũng sử dụng nghĩa “ở trong”.
[17] X. R. Alan Culpepper, “The Gospel of Luke,” trong The New Interpreter’s Bible, Leander E. Keck et al. eds., vol. 9 (Nashville: Abingdon Press, 1995), 329-330.
[18] X. Nguyễn Văn Khanh, Thiên Chúa của Tin mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, 65-66.
[19] Bên cạnh tuyên bố này (Lc 11,20), để cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến cùng với sự xuất hiện của Đức Giêsu, một số học giả, nổi bật như Xavier Leon Dufour còn viện dẫn tuyên bố tại Luca 7,22.
[20] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, 55.
[21] X. Raymond Deville và Pierre Grelot, “Vương quốc,” trong Điển ngữ Thần học Thánh kinh, 1625.
[22] X. Nguyễn Văn Khanh, Thiên Chúa của Tin mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, 74; Mary Healy, Catholic Commentary on Sacred Scripture: The Gospel of Mark (Michigan: Baker Academic, 2008), 40-42.
[23] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, 51.
[24] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận – Sự chết và đời sống vĩnh cửu, 51-53.
[25] X. Nguyễn Văn Khanh, Thiên Chúa của Tin mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, 67-73.
Bài liên quan