SỰ HIỆN DIỆN PHỔ QUÁT CỦA ÂN SỦNG
Nhìn lại mối quan hệ giữa
Sắc lệnh Truyền giáo và Tuyên ngôn Mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo
sau 50 năm
Kristin M. Colberg
. . .
CÁC CHIỀU KÍCH THẦN HỌC
Tái suy tư về sứ vụ truyền giáo trong bối cảnh hậu Công đồng
Sau Công đồng Vatican II đã có một cái nhìn chung lạc quan về những gì mà các giám mục đã có thể đạt được. Tuy nhiên, phần lớn lòng nhiệt huyết này đã sớm gặp phải những khó khăn trong nỗ lực thi hành những giáo huấn của Công đồng. Không thể thấy rõ ràng ngay lập tức là làm thế nào để một số giáo huấn Công đồng có thể hoặc nên thực hiện trong thực tế, hay làm thế nào để thực hiện và áp dụng những giáo huấn từ nhiều văn kiện khác nhau. Về sứ vụ truyền giáo thì đã có sự quan ngại là Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes) xung khắc với một vài tiến triển chính của Công đồng. Nhiều nhà truyền giáo lo ngại rằng những giáo huấn của Công đồng không dành chỗ cho việc tiếp tục những nỗ lực truyền giáo. Cảm nhận này đã làm phát sinh những cuộc tranh luận nghiêm túc về khả năng tiếp tục sứ vụ truyền giáo trong bối cảnh hậu Công đồng. Trên diện rộng, những cuộc tranh luận này chú trọng đến sự tương thích của một nền thần học truyền giáo với 4 khía cạnh đặc trưng của giáo huấn Công đồng. Khía cạnh thứ nhất, phát sinh từ chính Sắc lệnh Truyền giáo, nhất là từ chính sự khẳng định tự bản chất Giáo hội là truyền giáo. Sắc lệnh nói rằng, “tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Cảm thức về một Giáo hội toàn thể được sai đi truyền giáo cũng là một chủ đề rõ nét trong Lumen Gentium. Trong khi, bằng nhiều cách thức, Vatican II hiểu rằng lời kêu gọi truyền giáo nơi mọi tín hữu chứng thực cho trọng tâm thần học của lời loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô, thì cách hiểu này cũng đưa ra một sự thay đổi lớn trong quan niệm về công cuộc Phúc âm hoá. Bởi vì, nếu sứ vụ ra đi truyền giáo được uỷ thác cho tất cả những người được rửa tội, thì có lẽ ơn gọi truyền giáo không thực sự hiện hữu. Trong ánh sáng của khái niệm Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, có lẽ sẽ không còn thích hợp để nói về “những vùng truyền giáo” hay để xác định những cá nhân đặc biệt là “nhà truyền giáo”. Như thế, có thể Giáo hội sẽ không còn bất kỳ sự đảm bảo nào để thúc đẩy việc loan báo Lời Chúa cho những khu vực địa lý đặc thù như một hành động thực sự cao quý.
Lĩnh vực thứ hai cần nhiều suy tư liên quan đến ảnh hưởng của thái độ của Công đồng đến quyền tự do tôn giáo. Nhiều người tự hỏi phải chăng sự hiện diện tiếp tục truyền giáo của Giáo hội trong thế giới không trái nghịch với lập trường phát biểu nơi Tuyên ngôn Tự do tôn giáo (Dignitatis Humanae) rằng, tất cả mọi người nam và nữ, do phẩm giá con người của mình, phải được quyền tự do để xác định căn tính tôn giáo của chính mình mà không bị tác động bởi bất kỳ một áp lực nào từ bên ngoài. Sự cam kết đối với quyền tự do tôn giáo được tuyên bố rõ ràng nơi số 2 của Tuyên ngôn Tự do tôn giáo như sau:
Thánh Công đồng tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Sự tự do này được hiểu là tình trạng con người không bị xâm phạm bởi một áp chế nào từ cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính nhân loại nào khác, để trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù hành động đó là riêng tư hay công khai, làm một mình hay cùng với người khác, được thực hiện trong những giới hạn chính đáng.
Việc đưa ra những lý lẽ thuyết phục nơi Tuyên ngôn Tự do tôn giáo và lòng nhiệt huyết bình dân với những lý lẽ đó đã gây ra cảm tưởng rằng việc thi hành sứ vụ truyền giáo không thể duy trì được nếu không minh chứng rõ ràng rằng công việc đó không vi phạm sự cam kết của Giáo hội về quyền tự do con người.
Nguyên nhân của sự quan tâm thứ ba nảy sinh từ mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới như đã được phác hoạ trong Hiến chế Gaudium et Spes. Trong Hiến chế mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), Giáo hội tự mình dấn thân vào cuộc đối thoại chân thành với thế giới. Để cuộc trao đổi này đạt được kết quả, các giám mục nhận thấy cần thay đổi cách thức giới thiệu Giáo hội như một “người thầy tối cao” bằng cách giới thiệu Giáo hội như “người lữ hành” tìm kiếm câu trả lời cùng với những người khác trên hành trình xuyên qua lịch sử. Như vậy, câu hỏi quan trọng sau Công đồng là liệu sự tồn tại của hoạt động truyền giáo khắp nơi trên thế giới có làm thiệt hại lời tuyên bố rằng Giáo hội khao khát đối thoại với thế giới chứ không đơn thuần là hoán cải thế giới không? Hơn nữa, để Hiến chế Gaudium et Spes có thể được giải thích rằng vai trò của Giáo hội là cổ võ sự phát triển của thế giới và thúc đẩy sự thịnh vượng của nhân loại, thì vấn đề về nội dung thích hợp của công cuộc truyền giáo trong thời đại hậu Công đồng cần được cân nhắc. Theo Công đồng, nếu đúng là Giáo hội hiểu sự ra đi truyền giáo trước tiên theo nghĩa phát triển thì có lẽ công cuộc này có thể được hoàn tất cách mĩ mãn hơn với các bác sĩ, kĩ sư, nhà ngoại giao và các giáo sư, học giả như là những đối thủ của các nhà truyền giáo. Nhiều nhà truyền giáo cảm thấy rằng nếu sự phát triển là trọng tâm cho những nỗ lực của Giáo hội hơn là việc cử hành Lời Chúa và bí tích thì khi đó cần một ơn gọi truyền giáo mới mà với nhiều người đó không phải là một ơn gọi hấp dẫn. Do đó, vấn đề không chỉ là liệu có nên tiếp tục công cuộc truyền giáo hay không, nhưng còn là liệu mô hình truyền giáo được Công đồng đề ra có phải là điều lôi cuốn cộng đoàn truyền giáo hay không.
Cuối cùng, điều cần quan tâm thứ tư và có lẽ là giáo huấn quan trọng nhất của Công đồng là những quan điểm của Công đồng liên quan đến ơn cứu độ và thần học về ân sủng, cách đặc biệt được trình bày nơi Nostra Aetate. Khái niệm ân sủng Thiên Chúa hiện diện dồi dào khắp thế giới xuất hiện trong các văn kiện của Công đồng Vatican II. Khái niệm đó bao gồm một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể và sẵn sàng ban ơn cứu độ ở bất kỳ mọi ngóc ngách của trái đất và ở mọi thời điểm của lịch sử. Quan điểm này được trình bày đặc biệt rõ ràng nơi lời khẳng định của Nostra Aetate về sự hiện diện của Thiên Chúa trong kinh nghiệm tôn giáo của những người nam và người nữ thuộc các truyền thống niềm tin khác. Hơn nữa, ý tưởng này cũng được diễn đạt trong Hiến chế Lumen Gentium số 16 như sau:
Thật vậy, những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin mừng của Đức Kitô và Giáo hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.
Trong ánh sáng của việc khẳng định có thể có ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội thì rõ ràng sự khẩn cấp của hoạt động truyền giáo có thể không còn bắt nguồn nơi sự lệ thuộc của linh hồn vào việc loan báo Tin mừng cách rõ ràng để được cứu độ. Johannes Schutte, dòng Ngôi Lời, lưu ý rằng “động cơ ơn cứu rỗi của các linh hồn, theo nghĩa của chủ trương độc quyền ơn cứu độ, vốn đã thôi thúc mãnh liệt thánh Phanxicô Xaviê băng vượt qua những khu vực trải rộng bao la của vùng Viễn Đông thì ngày nay không còn thuyết phục nữa” (Schutte, 1972: 306). Schutte còn nói thêm,
Ý định của Thiên Chúa không thể không đơm hoa kết quả và vô dụng; do đó, Thiên Chúa đã ban phát ơn cứu độ của Ngài bằng một cách thức hiệu nghiệm như thể là một khả năng thực sự, có thể thực hiện được và như là một món quà cá nhân đặc biệt cho mọi người, mọi quốc gia và thời đại, thậm chí cho cả những nơi sơ khai nhất. Cũng vậy, vô số những người không phải là Kitô hữu, những người được gọi là những Kitô hữu vô danh có thể và phải tìm kiếm ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội hữu hình. Sự kiện chúng ta không hiểu được làm thế nào điều này có thể xảy ra không hề làm thay đổi thực tại theo bất cứ cách nào, bởi vì đó là một phần toàn vẹn của mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Nếu điều này đúng là như thế, thì tại sao lại phải truyền giáo?” (Schutte, 1972: 306).
Vatican II quả quyết rằng ân sủng của Thiên Chúa đã có trước khi các nhà truyền giáo hiện diện và rằng có thể có hiệu năng cứu độ mà không cần bất kỳ lời loan báo rõ ràng lời Chúa, đã tạo ấn tượng rằng những gì mà trước đây có lẽ là những lập luận có sức mạnh nhất ủng hộ hoạt động minh nhiên truyền giáo thì nay không còn giá trị nữa. Nếu tình yêu vô tận của Thiên Chúa không thể là vô hiệu thì tại sao phải dấn thân vào công việc ra đi khắp thế giới với nhiều khó khăn và thường bị giải thích sai lầm để đem Tin mừng đến nơi mà Tin mừng đã hiện diện?
Với những câu hỏi khó khăn trên đây, không có gì ngạc nhiên khi nhiều năm sau Công đồng Vatican II, một số người đã nghi ngờ khả năng vừa có thể giữ những cam kết thần học của Công đồng vừa có thể đón nhận một chương trình truyền giáo lớn lao. Tuy nhiên, dù hai khả năng này có vẻ không tương hợp, vẫn có nhiều người trong các cộng đoàn truyền giáo tin rằng theo truyền thống lâu đời về truyền giáo của Giáo hội và với kinh nghiệm về lời mời gọi truyền giáo đặc thù thì phải có một cách thức để ơn gọi truyền giáo đặc biệt tương hợp với nền thần học của Vatican II. Hơn nữa, nhiều người hăng say với những giáo huấn của Vatican II tin tưởng rằng điều đòi hỏi không phải là việc ngưng những hoạt động rõ ràng về truyền giáo nhưng là đưa ra một quan điểm truyền giáo năng động và đổi mới theo tầm nhìn của Công đồng.
Dưới ánh sáng của những thảo luận sau Công đồng thì rõ ràng là cách hiểu truyền thống về công cuộc truyền giáo chú trọng đến những kết quả thực tế. Trong lịch sử, công cuộc truyền giáo được xem là lệnh truyền ủy thác của Đức Giêsu khi Ngài truyền dạy “Hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19). Cách chung, lệnh truyền này thường được hiểu là từ bên ngoài đến với những người Kitô hữu, và nhắm đến những ai ở bên ngoài cộng đoàn Giáo hội. Theo đó, công cuộc truyền giáo thường được quan niệm như thể có hiệu quả một chiều khi nhà truyền giáo luôn mang Chúa đến cho những ai trước kia không thể đến với Ngài. Hiểu như thế, thành công của sứ vụ mở rộng truyền giáo chỉ được lượng giá phần lớn dựa trên những lĩnh vực có thể đo lường được như đã xây dựng bao nhiêu nhà thờ, đã thành lập bao nhiêu trường học, và quan trọng hơn là đã có bao nhiêu người trở lại. Sau Công đồng, rõ ràng là nhiệm vụ loan báo Tin mừng cũng bao gồm một khía cạnh nội tại. Phải nhìn nhận rằng Giáo hội mang tính truyền giáo không phải chỉ vì Thiên Chúa ra lệnh cho Giáo hội phải truyền giáo, nhưng cũng vì kinh nghiệm đón nhận Tin mừng của những người nam cũng như người nữ cảm thấy thấy ngập tràn và dư đầy niềm vui đến nỗi họ thấy mình bị thôi thúc phải chia sẻ niềm vui ấy cho người khác. Có những điều gắn liền với sứ điệp Tin mừng mà những người đón nhận nó không thể trốn tránh được nhưng phải nhìn nhận rằng nó là Tin mừng thực sự, và như vậy, họ khao khát chia sẻ cho người khác. Bằng cách này, hoạt động truyền giáo của Giáo hội không phải là một nhiệm vụ giữa bao nhiệm vụ khác; nhưng là nhiệm vụ trung tâm của kinh nghiệm Kitô giáo.
Tái nhận thức về bản chất của công cuộc truyền giáo trong kỷ nguyên hậu Công đồng làm sáng tỏ một thực tại là sự thôi thúc truyền giáo đâm rễ sâu trong kinh nghiệm vững mạnh về ân sủng của Thiên Chúa, điều đã thúc đẩy những người nam và người nữ loan báo điều họ đã lãnh nhận. Thi hành việc “ra đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19) phản ánh một khát vọng muốn cùng Thiên Chúa tiếp tục công cuộc hoà giải mọi thụ tạo với chính Ngài và tiến sâu hơn vào mầu nhiệm của Tin mừng. Ra đi truyền giáo cũng được đâm rễ nơi ý thức rằng ân sủng của Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi đến nỗi khi những nhà truyền giáo đi vào những môi trường mới, họ không mang theo Thiên Chúa bên mình nhưng bắt gặp Ngài ở đó trong những cách thức mới mẻ. Hơn nữa, sứ vụ truyền giáo tăng trưởng từ kinh nghiệm về ân sủng dư đầy của Thiên Chúa và về sự chia sẻ ân sủng đó. Như vậy, sau khi suy tư cẩn thận, cộng đoàn truyền giáo đạt được một sự đồng thuận chung: sự khẳng định của Công đồng về kinh nghiệm Kitô giáo liên quan đến ân sủng dư tràn và năng động của Thiên Chúa không loại trừ nhưng cần có những hoạt động ra đi truyền giáo.
TƯƠNG QUAN GIỮA AD GENTES VÀ NOSTRA AETATE
Việc thiết lập bối cảnh thần học và lịch sử về sự phát triển của Ad Gentes và Nostra Aetate làm nổi bật mối tương quan giữa hai văn kiện này. Điều chúng ta nhận ra là nơi trung tâm của hai văn kiện này đều có cùng một nhận thức mạnh mẽ về ân sủng biến đổi và hiện diện mọi nơi của Thiên Chúa. Khi nhìn thấy sự trùng lập này thì có thể thoáng thấy toàn bộ nền thần học của Công đồng Vatican II. Cốt lõi của nền thần học Công đồng là một niềm tin nơi tình yêu vô tận và ân sủng ở khắp mọi nơi của Thiên Chúa. Ý thức được tình yêu Thiên Chúa là tràn đầy, vô điều kiện và hiện diện khắp toàn thế giới thì không cho phép nhìn nhận rằng có một ai đó nằm ngoài tình yêu của Thiên Chúa cũng như không chấp nhận ý tưởng rằng tình yêu Thiên Chúa chỉ dành riêng cho một ai đó mà lại không san sẻ với người khác. Ngược lại, tình yêu này thúc đẩy Kitô hữu dấn thân vào hoạt động truyền giáo và đòi buộc họ dấn thân mãnh liệt vào việc đối thoại liên tôn. Như thế, việc xem xét kỹ lưỡng các văn kiện cho thấy rằng Công đồng Vatican II trình bày việc ra đi truyền giáo và đối thoại liên tôn như là những hoạt động xuất phát từ một cảm nghiệm năng động về ân sủng Thiên Chúa.
Với nền tảng thần học chung của Nostra Aetate và Ad gentes thì việc dừng lại hay giới hạn những nỗ lực này chuyển tải một điều gì đó không chỉ là tầm quan trọng của những hoạt động mà còn là bản chất của ân sủng thúc đẩy hoạt động này. Trước tiên, hãy nhìn đến sứ vụ truyền giáo, trong đó có sự đáp trả bẩm sinh đối với cuộc gặp gỡ ân sủng Thiên Chúa, do đó ngừng hay giảm hoạt động truyền giáo đưa đến những hậu quả không thể biện minh được. Đặt hoạt động truyền giáo ra bên lề sẽ làm hạ giá nhận thức cảm nghiệm ân sủng lan tràn và biến đổi của Thiên Chúa và cho thấy rằng hành động đón nhận ân sủng Thiên Chúa là một công việc riêng tư được ban cho một cá nhân riêng biệt mà không gợi lên sự đáp trả bên ngoài hay của cộng đoàn. Tương tự, cắt bớt việc đối thoại liên tôn cũng tạo ra những vấn đề với việc áp dụng thần học. Đối thoại với những người ngoài Kitô giáo không phải chỉ đơn thuần là một thực hành đúng đắn về dân sự khi chúng ta lôi cuốn “người khác” nhằm tuân theo những mong muốn hiện nay; nhưng thay vào đó là một sự dấn thân mạnh mẽ vào hình thức trao đổi này vốn gắn liền với niềm tin Kitô giáo rằng tất cả là anh chị em trong Chúa Kitô. Như thế, thất bại trong việc dấn thân đối thoại thực sự với những người ngoài Kitô giáo có nguy cơ làm tổn thương sự hiểu biết về Chúa Kitô và ý nghĩa của cuộc nhập thể của Ngài. Việc đề cao đúng đắn mối tương quan giữa Ad Gentes và Nostra Aetate cho thấy cả hai văn kiện này không đối nghịch nhau nhưng tùy thuộc lẫn nhau. Việc giảm bớt một hoạt động không làm cho sự cam kết đối với hoạt động kia mạnh mẽ hơn bởi vì cả hoạt động này không tồn tại như một hình thức trò chơi có bên thắng thì có bên thua. Cũng thế, không có nghĩa là việc đi ra trong sứ vụ truyền giáo phải ngừng lại hoặc giảm bớt để làm cho những nỗ lực đối thoại liên tôn của Giáo hội trở nên có ý nghĩa hoặc hiệu quả hơn. Thay vào đó, cả hai hoạt động truyền giáo và đối thoại liên tôn tồn tại trong một mối quan hệ trực tiếp, bởi đó, hành vi giảm bớt một trong hai hoạt động này sẽ làm suy yếu cảm thức mạnh mẽ về ân sủng mà cả hai hoạt động cùng cậy dựa vào. Ngược lại, phát triển một cảm thức mạnh mẽ về truyền giáo bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc về sức mạnh mầu nhiệm của ân sủng sẽ cổ võ một quan điểm vững chắc về đối thoại liên tôn. Đi sâu vào sự dấn thân của Giáo hội và sự hiểu biết một trong những thực tại này phản ánh việc đào sâu cảm thức của tính năng động của ân sủng và như thế gia tăng sự hiểu biết của đối tượng kia.
Việc nhìn nhận mối quan hệ hỗ tương giữa Ad Gentes và Nostra Aetate không những gợi lên đặc điểm của truyền giáo và bản chất của đối thoại liên tôn mà còn gợi lên nhiều điều về chính Giáo hội. Một cách đặc biệt, công việc này làm sáng tỏ những khía cạnh chính yếu về bản chất của Giáo hội Công giáo. Mối quan hệ giữa hai văn kiện này nhấn mạnh một thực tại là công giáo tính của Giáo hội không được tạo nên trong việc lập lại nhàm chán của sự giống nhau nhưng trong một ý thức mạnh mẽ về sự hợp nhất trong đa dạng. Như thế, một cách tổng quát, công giáo tính không thể hiện trong những chọn lựa loại trừ, hoặc cái này hoặc cái kia, giữa những thực tại đích thực, hoặc truyền giáo hoặc đối thoại liên tôn, nhưng trong việc nhìn nhận cách thức trong đó những thực tại khác biệt có thể hòa giải trong tính duy nhất của sứ điệp Kitô giáo, bao gồm cả truyền giáo và đối thoại liên tôn. Sự bổ túc vốn có giữa Ad gentes và Nostra Aetate nhấn mạnh thực tại này. Việc có những khác biệt thực tế tồn tại giữa hai bản văn tuy những khác biệt này thể hiện cách diễn tả khác nhau của cùng một động lực mang tính thần học, phản ánh khả năng của Giáo hội hội nhập những phát triển đích thực trong sự duy nhất của sứ điệp Kitô giáo. Trên hết, điều được phản ánh là sự khác biệt chính đáng không phải là mối đe dọa, nhưng là nguồn phong phú của sự sôi động trong cộng đoàn Kitô.
Kết luận
Ngày nay, 50 năm sau Công đồng Vatican II, Giáo hội vẫn tiếp tục gặp khó khăn về tương quan giữa hoạt động truyền giáo và đối thoại liên tôn. Phần lớn, chúng ta đương nhiên cho rằng hai nhiệm vụ trên cần được nhìn nhận cách hài hòa với nhau. Tuy nhiên, vấn đề không luôn luôn diễn ra như vậy. Quan niệm truyền giáo và đối thoại liên tôn hòa hợp với nhau chính yếu xuất phát từ xác quyết của Công đồng Vatican II cho rằng cả hai hoạt động này cần thiết để diễn tả bản chất của hoạt động Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ và quyền năng biến đổi của ân sủng. Bất cứ quan niệm nào mô tả giáo huấn của Nostra Aetate và Ad gentes như là sự chọn lựa hoặc cái này hoặc cái kia đều gây ra thiệt hại vì đó là quan niệm năng động không đầy đủ về ân sủng Đức Kitô. Vì thế, Tuyên ngôn Mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo và Sắc lệnh Truyền giáo không thể được xem như là trò chơi có bên thắng thì có bên thua mà không làm hao mòn xác quyết của Công đồng về ân sủng, về hoạt động giải hòa của Thiên Chúa, và về hiệu quả biến đổi của Tin mừng. Cuối cùng, Công đồng Vatican II vẫn duy trì việc cam kết của Đức Gioan XXIII đối với việc Phúc âm hóa. Tuy nhiên, khi làm như thế, Công đồng tái diễn tả ý nghĩa của việc “ra đi và giảng dạy muôn dân”. Việc tái hiện này không phải là không có những căng thẳng, tuy nhiên, như thường xảy ra trong truyền thống Kitô giáo, những căng thẳng thực sự này sẽ đem lại cơ hội để tiến sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin. Khi khám phá những căng thẳng sau Công đồng chúng ta sẽ có được sự hiểu biết nhiều hơn. Tương tự, ngày nay, việc tái thẩm định mối quan hệ giữa hai văn kiện này cung cấp một nguồn hiểu biết đương thời sâu sắc về Giáo hội và lời mời gọi truyền giáo.
Thư mục
Bevans S. and Schroeder R. (2011) Prophetic Dialogue: Reflections on Christian Mission Today. Maryknoll, NY: Orbis.
Brechter S. (1969) Decree on missionary activity. In: Vorgrimmler H. (ed.) Commentary on the Documents of Vatican II, vol. 4. New York: Herder and Herder, pp. 87–182.
Congar Y (1970) Pastoral constitution on the church in the modern world. In: Vorgrimmler H. (ed.) Commentary on the Documents of Vatican II, vol. 5. New York: Herder and Herder, pp. 202–24.
Dhavamony M (ed.) (1972) Evangelization, Dialogue and Development. Rome: Universita Gregoriana Editrice.
Fries H. (1972) Evangelization and dialogue. In: Dhavamony M (ed.) Evangelization, Dialogue and Development. Rome: Universita Gregoriana Editrice, pp. 249–62.
Gutierrez G. (1996) Toward a new method: theology and liberation. In Nickoloff J. (ed.) Gustavo Guteirrez: Essential Writings. Maryknoll, NY: Orbis Books.
Hebblethwaite P. (1985) Pope John XXIII: Shepherd of the Modern World. New York: Doubleday.
Kaufmann L. and Klein N. (1990) Johannes XXIII: Prophetie im Vermächtnis. Fribourg and Brig: Edition Exodus.
McBrien R. (1981) Catholicism. San Francisco: Harper Collins.
Oesterreicher J. (1968) The declaration on non-Christian religions. In: Vorgrimmler H. (ed.) Commentary on the Documents of Vatican II, vol. 3. New York: Herder and Herder, pp. 1–154. Rynne X. (1965) The Second Session. New York: Farrar, Straus and Co.
Sanneh L. (1993) Encountering the West: Christianity and the Global Cultural Process. New York: Orbis Books.
Schütte J. (1972) Evangelization and development. In: Dhavamony M. (ed.) Evangelization, Dialogue and Development. Rome: Universita Gregoriana Editrice, pp. 303–58.
Tanner N. (ed.) (1990) Decrees of the Ecumenical Councils. Washington, D.C.: Georgetown University Press.
Wittstadt K. (1997) On the eve of the Second Vatican Council. In: Alberigo G. and Komonchak J. (eds) History of Vatican II. Maryknoll, NY: Orbis Books, pp. 405–500.
Xem lại P1: Sự hiện diện phổ quát của ân sủng (P1)
Nguồn:
Kristin Colberg, “The Omnipresence of Grace: Revisiting the Relationship between Ad Gentes and Nostra Aetate 50 Years Later”, in Missiology: An International Review 2014, Vol. 42 (2), 181-194.
Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển
Tin liên quan