×

Giỏ hàng

Sự hiện diện phổ quát của ân sủng (P1)
Lượt xem:316   Ngày đăng: 2022-07-25 21:05:44

SỰ HIỆN DIỆN PHỔ QUÁT CỦA ÂN SỦNG

Nhìn lại mối quan hệ giữa

Sắc lệnh Truyền giáo và Tuyên ngôn Mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo

sau 50 năm

Kristin M. Colberg

Tóm tắt

Bài viết này xem xét mối liên hệ giữa Sắc lệnh về Truyền giáo Ad gentes (AG) và Tuyên ngôn Mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate (NA) của Công đồng Vatican II như một cách thức để hiểu rõ hơn về hai văn kiện cũng như xem xét nền thần học Vatican II. Khi Công đồng kết thúc, nhiều người cho rằng về cơ bản, hai văn kiện này không tương hợp với nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu sự căng thẳng như vừa nhận định làm sáng tỏ thực tế rằng những giáo huấn của hai văn kiện không đối lập nhau nhưng bắt nguồn từ một khái niệm năng động về ân sủng của Thiên Chúa. Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 50 năm Công đồng, việc thẩm định lại mối liên hệ giữa hai văn kiện này là rất quan trọng như một cách thức đề ra những vấn đề nghiêm túc về cách giải thích của Công đồng và về bản chất của lời kêu gọi truyền giáo của Giáo hội.

Trong bài phát biểu trên đài truyền thanh ngày 12/9/1962, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã công khai giới thiệu kế hoạch về một công đồng đại kết sắp diễn ra bằng cách nêu bật công việc của công đồng này là nối tiếp lệnh truyền của Chúa: “Hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, khi Đức Thánh cha (ĐTC) được yêu cầu giải thích mối quan tâm về những mục đích của Công đồng, ngài trả lời như sau:

Những gì đã nói về chính lý do tổ chức Công đồng thì thiết yếu quan trọng: đó là vấn đề toàn thế giới đáp trả lệnh truyền của Chúa để lại cho chúng ta khi Ngài nói: Hãy đi và dạy dỗ mọi dân tộc. . . . Do đó, mục đích của Công đồng là loan báo Tin mừng (Kaufmann and Klein, 1990:68).

Việc lựa chọn đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu như tiêu biểu cho những mục đích của Công đồng Vatican II đã làm rõ tầm nhìn của Đức Gioan XXIII về sự kiện lịch sử này. Nó cho thấy rằng ngay từ đầu Công đồng đã có ý định tập trung vào khía cạnh chính yếu về sứ vụ của Giáo hội: Rao giảng Tin mừng Đức Giêsu Kitô cho mọi người. Tuy nhiên, khi Công đồng kết thúc 7 năm sau đó, đối với nhiều người dường như mục đích nguyên thủy của Đức Gioan XXIII về Phúc âm hóa có sự xung đột cơ bản với một vài thành tựu thần học quan trọng nhất của Công đồng. Sự xung đột này được đặc biệt nhắc tới trong mối liên hệ với một trong những thành tựu to lớn của Công đồng, đó là lần đầu tiên trong một công đồng đại kết đã nhìn nhận giá trị của những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Công đồng đã khơi dậy nơi nhiều người một câu hỏi, đó là liệu Giáo hội có thể vừa thực thi lệnh truyền của Chúa là rao giảng và rửa tội cho muôn dân mà đồng thời cũng vừa chứng minh sự tôn trọng thực sự đối với giá trị của các truyền thống đức tin khác không? Một vài câu hỏi khác đã nảy sinh khi nhận thức được sự đối lập này, đó là: lời khẳng định của Công đồng về những tôn giáo ngoài Kitô giáo có làm giảm đi sự dấn thân truyền giáo và sứ vụ “đi ra” không? Việc cam kết của Công đồng đối với sứ vụ có làm cho cách đối xử của Công đồng với các tôn giáo khác trở thành hình thức bề ngoài không? Nhìn lại những câu hỏi này sau 50 năm là cần thiết để xem xét sự căng thẳng giữa những văn kiện trên, ngõ hầu làm sáng tỏ những khía cạnh quan trọng của nền thần học Công đồng cũng như những yếu tố then chốt trong quan điểm truyền giáo và đối thoại liên tôn.

Bài viết này sẽ khảo sát mối tương quan giữa Nostra AetateAd Gentes qua ba bước nghiên cứu. Đầu tiên là thẩm định sự phát triển của hai văn kiện này nhằm thiết lập bối cảnh lịch sử và thần học. Tiếp đến, bài viết sẽ chuyển sự chú ý đến việc khám phá sự phát triển của khoa truyền giáo sau Công đồng và cách thức Công đồng đã khai triển. Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào cách thức mà những gì không tương hợp rõ ràng giữa Ad Gentes và những giáo huấn khác của Công đồng, đặc biệt là Nostra Aetate, đã làm phát sinh suy tư nghiêm túc về bản chất của hoạt động truyền giáo và gợi lên một khái niệm mới (hay có thể là được đổi mới) về vai trò của truyền giáo. Cuối cùng, bài viết sẽ nhấn mạnh cách thức mà việc hiểu biết đúng đắn về tương quan giữa Nostra AetateAd Gentes đưa đến kiến thức tổng quát về Giáo hội và bản chất công giáo tính của Giáo hội.

NHỮNG CHIỀU KÍCH LỊCH SỬ

Tuyên ngôn Nostra Aetate

Khi chuẩn bị cho Công đồng Vatican II bắt đầu vào mùa hè năm 1960, một trong những hành động đầu tiên của Đức Gioan XXIII là giao cho Đức Hồng y (ĐHY) Augustin Bea, chủ tịch Văn phòng thư ký thúc đẩy sự hợp nhất Kitô hữu, chuẩn bị bản dự thảo tuyên ngôn về mối quan hệ giữa Giáo hội và dân Israel. Việc ủy nhiệm như thế cho thấy ý định sẽ đưa tuyên ngôn này vào lược đồ về đại kết. ĐTC xem việc này có tầm quan trọng cơ bản, vì Công đồng khai triển một văn kiện như thế không chỉ vì lợi ích thúc đẩy sự liên đới giữa người nam và người nữ mà còn vì ngài xem mối quan hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo có nền tảng tinh thần độc đáo trong lịch sử cứu độ. Đức Gioan XXIII nhận thấy sự cấp bách của thần học và mục vụ để theo đuổi mối quan hệ tốt hơn giữa các cộng đồng Kitô giáo và Do Thái giáo như thời gian 10 năm ngài làm Đại diện Tông tòa ở Bungari và Thổ Nhĩ Kì (1925-1935). Trong thời gian này, khi chứng kiến những cuộc bách hại có hệ thống đối với người Do Thái, ngài (khi đó là ĐHY Roncalli) đã bị đánh động với những nỗi đau của họ. Ngài xem những nỗ lực để giải cứu người Do Thái khỏi những nỗi kinh hoàng này là một vấn đề của “lương tâm và trái tim” và vì thế, nỗ lực để đưa ra bất kì sự trợ giúp nào trong khả năng giới hạn của mình. Trong khi những kí ức về hành động tàn ác này đã ảnh hưởng đến thời điểm xuất hiện của văn kiện Nostra Aetate, ĐGH và các nghị phụ khác của Công đồng nhấn mạnh là không nên quá phóng đại tác động của biến cố này. Bởi vì, mặc dù những sự kiện lịch sử hiện đại đã làm nổi bật sự bén nhạy của Giáo hội đối với vấn đề bài Do Thái, các nhân viên Toà thánh Vatican đã khẳng định rằng những hoàn cảnh lịch sử này không làm mất ý nghĩa thần học chính đáng của tương quan của Kitô giáo đối với Do Thái giáo.

Ngay khi bắt đầu chuẩn bị bản văn về tương quan giữa Do Thái giáo – Kitô giáo thì Công đồng lại gặp ngay sự chống đối mạnh mẽ trên hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là sự phản đối của các Kitô hữu Trung Đông vì cho rằng sự khẳng định rõ ràng về mối quan hệ của Giáo hội đối với người Do Thái sẽ có những hàm ý chính trị khó có thể biện minh. Họ sợ rằng một tuyên ngôn như thế có vẻ đẩy Tòa thánh Vatican đến chỗ công nhận chính thức quốc gia Israel. Từ một mặt trận khác, những người thuộc phong trào đại kết đã chống lại dự định của Đức Gioan XXIII vì cho rằng đưa việc tuyên bố về người Do Thái vào văn kiện dành riêng cho đại kết sẽ làm giảm đi sự hợp nhất Kitô giáo. Họ lo rằng việc làm này sẽ đưa đến một sứ điệp đáng tiếc và ngoài ý muốn là xem các Kitô hữu tách rời khỏi Rôma cùng một loại như người ngoài Kitô giáo. Cuộc phản đối mạnh mẽ xoay quanh bản văn dự kiến có tựa đề “Về người Do Thái” có nghĩa là mục đích và tính hợp pháp thần học của nó phải được nêu lên bằng các thuật ngữ rõ ràng nhất hết sức có thể nếu bản văn hy vọng được thông qua tại Công đồng.

Để thiết lập tính hợp pháp của văn kiện về mối quan hệ Do Thái giáo – Kitô giáo, các tác giả của bản văn đã nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng có liên quan với nhau như nền tảng cho mối quan hệ hợp nhất giữa Giáo hội và Do Thái giáo. Sự chứng thực thần học đầu tiên là các bằng chứng Kinh thánh cho mối quan hệ này, đó là sự kiện chính Đức Giêsu, một người Do Thái, luôn hết lòng tôn trọng và tôn kính truyền thống Do Thái. Điều này được trình bày như một dấu chỉ quan trọng về lập trường mà Giáo hội nên có đối với người Do Thái. Nền tảng thứ hai có liên quan là sự kiện Giáo hội không hoàn toàn hiểu được lịch sử và nhiệm vụ riêng của mình nếu Giáo hội không bao gồm mối quan hệ với người Do Thái. Cam kết này phản ánh sự hiểu biết của Kitô giáo cho rằng giao ước mới được khai mở trong Đức Giêsu không làm mất hiệu lực giao ước của Thiên Chúa với dân Israel mà đúng hơn là xác nhận và kiện toàn nó. Điều chứng thực thứ ba và cuối cùng là ý thức rằng việc hòa giải giữa Giáo hội và Do Thái giáo bày tỏ cách diễn tả đúng đắn về tình yêu năng động và tái tạo của Thiên Chúa. Trong ánh sáng niềm tin Kitô giáo là Thiên Chúa làm việc liên lỉ để giao hòa công trình sáng tạo với chính Ngài và công việc này nhất thiết không thể thất bại, một tuyên bố của Công đồng về sự hợp nhất Do Thái giáo – Kitô giáo được xem như là phương tiện để tiến tới thực tại cánh chung này và như thế là tham dự vào công việc của chính Thiên Chúa.

Dần dần, để trả lời cho những phê bình và để bản văn về đại kết được tiếp tục, tài liệu lúc này có tựa đề “về những người Do Thái và những người ngoài Kitô giáo” được chuyển cho Văn phòng thư ký mới thành lập về những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Đến lúc này, bản văn không còn được xem như một tuyên ngôn ngắn về mối liên hệ Do Thái giáo – Kitô giáo nữa, nhưng như một khảo luận thần học về tình trạng của những tôn giáo ngoài Kitô giáo, với sự quan tâm trân trọng đặc biệt dành cho dân Israel. Trong quá trình khai triển những luận chứng hỗ trợ việc giữ lại tuyên ngôn này, thì càng rõ ràng là nhiều nguyên tắc thúc đẩy việc kêu gọi sự hợp nhất nhiều hơn với cộng đồng Do Thái, trong thực tế đã bắt nguồn nơi những luận đề thần học sâu sắc về mối liên hệ của Thiên Chúa với tất cả mọi người nam nữ. Tiến trình tuyên bố một nền tảng thần học vững chắc cho văn kiện này làm sáng tỏ cảm thức rằng tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa và khao khát hoà giải toàn thể nhân loại với chính Thiên Chúa là một thực tại không chỉ giới hạn nơi những người theo Do Thái giáo và Kitô giáo, mà đúng hơn là một thực tại nhất thiết mở rộng đến mọi người nam nữ. Nói ngắn gọn, Công đồng nhận ra rằng cùng một tình yêu thôi thúc những người Kitô hữu ôm lấy những anh chị em Do Thái giáo, và cũng thúc đẩy họ mở ra với những anh chị em của các truyền thống tôn giáo khác. Cảm nhận này được Đức Giáo hoàng Phaolô VI diễn đạt cách hùng hồn trong bài diễn văn khai mạc khóa 2 Công đồng Vatican II.

Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo hướng ra khỏi biên giới của Kitô giáo. Làm sao Giáo hội có thể giới hạn tình yêu của mình, khi Giáo hội bắt chước tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban những gì tốt nhất cho mọi người và đã yêu thế gian đến nỗi đã ban người Con Một để cứu rỗi họ? Như vậy, cái nhìn của Giáo hội vượt ra ngoài lãnh vực của riêng mình để đến với những tôn giáo khác vốn đã luôn gìn giữ một cảm thức về một Đấng Tạo hóa và một Đấng Bảo tồn tối cao, siêu việt (Oesterreicher, 1968: 86).

Như vậy, chính tình yêu vô tận của Thiên Chúa thúc đẩy thần học xác định điều gì là chân thật và thánh thiện nơi những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trên hết, khái niệm năng động về ân sủng của Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và công trình hoà giải của Ngài vẫn còn tiếp diễn, đã thúc đẩy Công đồng nhìn nhận giá trị của những niềm tin ngoài Kitô giáo.

Khi Tuyên ngôn Nostra Aetate đến giai đoạn dự thảo cuối cùng và bỏ phiếu tại Công đồng thì rõ ràng là văn kiện này đã đạt được nhiều thành tựu nhưng nó chỉ mới khởi đầu chứ chưa phải là đích điểm của một tiến trình. Bản văn cuối cùng đã không đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề đa nguyên tôn giáo; thay vào đó bản văn nhấn mạnh những nối kết giữa các dân tộc và những truyền thống tôn giáo khác nhau mà chúng ta có thể dùng như là nền tảng cho đối thoại và hợp tác. Nhiều người nhận định rằng văn kiện này đánh dấu sự kết thúc thời Chống Cải cách mà trong đó trọng tâm suy tư của Giáo hội đã được thay đổi cách hiệu quả từ “Tôi phải làm thế nào để đạt được ơn cứu độ?” đến “Làm thế nào Thiên Chúa hoàn thành chương trình cứu độ nơi mọi thụ tạo?” (Oesterreicher, 1968: 94). ĐHY Bea đã so sánh sự phát triển của Nostra Aetate với dụ ngôn hạt cải, vì bắt đầu như một tuyên bố ngắn gọn về thái độ đúng đắn của các Kitô hữu đối với người Do Thái, nó đã trở nên “một cây cho các loài chim đến làm tổ; trong ý nghĩa là tất cả những người không phải Kitô hữu cũng đã tìm thấy chỗ trong đó” (Oesterreicher, 1968: 97). Khi lần bỏ phiếu cuối cùng diễn ra, Tuyên ngôn Về các tôn giáo ngoài Kitô giáo thông qua dễ dàng với 2312 giám mục bỏ phiếu thuận (đồng ý) và 88 phiếu chống (không đồng ý).

Trong dịp ban hành mang tính lịch sử Tuyên ngôn Nostra Aetate, hai nhân vật có lẽ đã làm việc nhiều nhất để hướng dẫn lược đồ này trong suốt Công đồng đã có những phát biểu quan trọng. Người đầu tiên là Đức Phaolô VI đã phát biểu rằng bản văn này đã chứng tỏ “Giáo hội sinh động . . . đây là bằng chứng, là hơi thở, là tiếng nói và bài hát. . . . Giáo hội đang sống, đang suy nghĩ, đang nói, đang lớn lên. Chúng ta phải lưu tâm đến hiện tượng lạ lùng này” (Oesterreicher, 1968: 129). Nhân vật thứ hai là ĐHY Bea cũng đã phát biểu hùng hồn, mang tính ngôn sứ về sự kiện trọng yếu này, khi lưu ý rằng,

Tuyên ngôn Về các tôn giáo ngoài Kitô giáo thực sự là một khởi đầu quan trọng và đầy hứa hẹn, tuy nhiên cũng chỉ là khởi đầu của một con đường dài và đòi hỏi hướng đến mục đích đầy gian nan của một nhân loại mà những thành viên cảm thấy thực sự thuộc về cùng một người Cha ở trên trời, và hành động với sự xác tín này (Oesterreicher, 1968: 130).

Nostra Aetate đã là thành quả nổi bật không chỉ trong cách thức Giáo hội đến với các tôn giáo ngoài Kitô giáo mà còn trong việc tỏ lộ bản chất và sứ vụ của Giáo hội trong thế giới.

Sắc lệnh Ad gentes

Cũng vào mùa hè năm 1960, khoảng thời gian Tuyên ngôn Về người Do Thái được ủy thác soạn thảo, Đức Gioan XXIII đã thành lập một Ủy ban chuẩn bị để khảo sát vấn đề được xem là ít phức tạp và ít tranh luận hơn tuyên ngôn của Công đồng về mối quan hệ Kitô giáo – Do Thái giáo, đó là hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Vào thời điểm đó, không có ý thức thực tiễn nào cho rằng công cuộc truyền giáo của Giáo hội thiết yếu cần có suy tư thần học; đúng hơn, ủy ban này được thành lập để có thể trình bày ở Công đồng những thành quả của công cuộc truyền giáo của Giáo hội và cũng để nhắc đến vài vấn đề về cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, ngay khi công việc thu thập tài liệu bắt đầu thì người ta nhanh chóng thấy rõ rằng việc đưa ra một tuyên bố hợp tình về chỗ đứng của việc truyền giáo trong Giáo hội sẽ đòi hỏi tính cần mẫn và nỗ lực thần học có tính xây dựng nhiều hơn những gì đã dự tính.

Hầu như ngay sau khi khởi sự việc soạn thảo tuyên bố về hoạt động truyền giáo của Giáo hội thì đã nổi lên những chất vấn về nội dung phù hợp và sự liên hệ với những văn kiện khác của Công đồng. Ban đầu, Ủy ban về truyền giáo tiếp cận sắc lệnh này không như là một bản văn thần học, nhưng như là một nghiên cứu thực tiễn cho việc thực hành hoạt động truyền giáo ở những vùng khác nhau trên thế giới. Trong giai đoạn đầu, Ủy ban hoạt động với giả định rằng bất kỳ ở chỗ nào có khả năng trùng lặp giữa bản văn về truyền giáo với những bản văn khác của Công đồng – ví dụ như trong việc xem xét vai trò của giáo dân trong công cuộc truyền giáo hay những chuẩn mực cho việc thực hành Phụng vụ trong bối cảnh truyền giáo – thì tư liệu được xếp vào nội dung không phải nơi những tuyên bố về truyền giáo nhưng ở nơi các tài liệu khác. Phương thức này được dùng để làm ngắn gọn những nghiên cứu về hoạt động truyền giáo và để Công đồng có thời gian tập trung vào những vấn đề được cho là khẩn cấp hơn. Tuy nhiên, ngay cả với phạm vi tối thiểu này, giữa thời gian chuẩn bị thì Ủy ban Truyền giáo đã nhận được lời đề nghị từ Ủy ban điều phối Trung ương của Công đồng là sắc lệnh của Ủy ban Truyền giáo chỉ là những đề nghị ngắn gọn và những nguyên tắc hướng dẫn.

Dù cho rằng truyền giáo là một vấn đề không phức tạp và ít tranh luận nhưng đại đa số các giám mục vùng truyền giáo đã quyết liệt bác bỏ lược đồ trình bày về việc truyền giáo của Giáo hội. Theo quan điểm của các giám mục này, không thông qua một sắc lệnh nào thì tốt hơn việc phải kéo dài quan điểm về truyền giáo như một hiện tượng ngoài lề. Khi bắt đầu phiên tranh luận, bản văn ít gây tranh cãi này đã có ít cơ hội để thông qua trong hình thức hiện tại. Một dịp giúp quyết định số phận của bản dự thảo là bài phát biểu của Đức cha Donal Lamont thuộc vùng truyền giáo Nam Rhode, đã bác bỏ bản văn, coi đó như là “bộ xương khô cần có thịt và cần được thổi hơi sự sống” (Brechter 1969: 97). Nhìn chung, lời phát biểu của Đức cha Lamont diễn tả cách hiệu quả việc không hài lòng về lược đồ đến nỗi từ đó trở đi bản văn này đi liền với tên gọi “bộ xương khô” mà ít người dám nói là thích bản văn đó. Trong những buổi họp kế tiếp, Hồng y Frings tranh luận một điểm chính yếu khác khi ngài khẳng định rằng cần thiết phải nghiên cứu rộng rãi hơn về vấn đề này. Ngài tuyên bố “theo quan điểm của tôi, vấn đề truyền giáo rất thiết yếu đối với Giáo hội, và một cách chung rất quan trọng, nhất là trong thời đại chúng ta, chúng ta không thể hài lòng chỉ với vài nguyên tắc hướng dẫn này. Chúng ta phải dành một lược đồ đặc biệt, đầy đủ cho vấn đề này và sẽ bàn thảo nó trong khóa họp thứ tư” (Brechter 1969: 97). Với những phát biểu như của Hồng y Frings và Giám mục Lamont những cánh cửa xả lũ được mở ra và rõ ràng là các giám mục sẽ không bao giờ chấp thuận sắc lệnh truyền giáo được đề xuất bởi Ủy ban điều phối. Cuối buổi họp đó vấn đề được đưa ra bỏ phiếu khi các nghị phụ Công đồng được hỏi rằng: “Các nghị phụ có muốn lược đồ về hoạt động truyền giáo của Giáo hội được sửa lại bởi Ủy ban có thẩm quyền không?” Trong 1914 nghị phụ hiện diện, có 1610 bỏ phiếu thuận, 311 phiếu chống và 2 phiếu trắng (Brechter, 1969: 99). Như thế, bản văn mong được các nghị phụ thông qua như một tài liệu nhỏ và không quan trọng đã bị bác bỏ cách quyết liệt.

Khi có chiến thắng lớn thì lại không có thời gian để ăn mừng. Một bản dự thảo mới đã được soạn kịp thời để cứu xét tại khóa họp thứ tư và cuối cùng của Công đồng. Mục đích của bản dự thảo thứ hai này là lấy những nguyên tắc hướng dẫn chỉ được kết nối lỏng lẻo trong bản văn ngyên thủy và khai triển thành một khảo luận có hệ thống. Để hoàn thành công việc này, Ủy ban đã cam kết tập trung vào hai nguồn tài liệu chính: (1) Những phát biểu và tham luận viết của các nghị phụ về chủ đề này (đáng lưu ý là có một nghị phụ viết trên 1000 trang để “mặc áo cho bộ xương khô”), và (2) những nguyên tắc thần học được phát triển trong những lần tranh luận khác tại Công đồng. Thật rõ ràng cho Ủy ban Truyền giáo là những tiến triển về thần học nơi các văn kiện như Lumen Gentium, Gaudium et Spes, Nostra Aetate cần được trình bài lại trong văn kiện truyền giáo nếu muốn nó có tác động đầy ý nghĩa sau Công đồng. Bởi vậy, như đối lập với bản dự thảo trước đã chủ ý tránh nền tảng thần học về truyền giáo, bản văn mới này được ý thức đặt trọng tâm nơi sự cần thiết mang tính thần học của hoạt động truyền giáo – đặc biệt trong các chiều kích Kinh thánh, đại kết, và mục vụ.

Trong bản dự thảo được soạn lại của Sắc lệnh về Truyền giáo đã có nhiều nền tảng thần học được đề cao như là nền tảng cho việc truyền giáo của Giáo hội. Một trong những điều chính yếu nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tài liệu này nhấn mạnh rằng việc ra đi truyền giáo tìm thấy nguồn trợ lực của nó từ những sứ vụ của Ba ngôi. Bản văn nêu lên rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha. Ý định này tuôn trào từ ‘mạch suối yêu thương’ nghĩa là tình yêu của thiên Chúa Cha” (AG 2). Trong đó sự nhiệm sinh Ba ngôi hiện hữu như nguồn nguyên thủy của tình yêu, tình yêu đã thúc đẩy người nam lẫn người nữ loan báo Tin mừng có nguồn mạch nơi sự nhiệm sinh này. Nền tảng thần học thứ hai được nhấn mạnh trong bản văn sửa đổi là việc nhập thể của Đức Kitô. Sự kiện Ngôi Lời trở thành xác phàm là kiểu mẫu cho tất cả mọi công cuộc truyền giáo. Chúa Cha sai gởi Chúa Con đến hầu mọi người nam lẫn nữ có thể được cứu độ, và hành động này báo trước việc sai phái con cái của Giáo hội đi loan báo Tin mừng. Thật vậy, Ủy ban này lưu ý rằng “trong thực tế, chỉ có một sứ vụ, là sứ vụ của Chúa Con, và tất cả những sứ vụ khác cũng chỉ tham gia vào và là kết quả của sứ vụ này (Brechter, 1969: 115). Khi đưa ra hai nền tảng thần học này, tài liệu được sửa đổi nhấn mạnh rằng chính hồng ân Thiên Chúa gợi hứng cho các Kitô hữu loan báo Tin mừng đã có nơi các cộng đoàn trước bất kỳ hoạt động truyền giáo rõ ràng nào. Mục số 4 của văn kiện sửa đổi chỉ rõ điểm này khi cho rằng:

Trước khi nhà truyền giáo bắt đầu công việc của mình bằng chứng tá và lời rao giảng thì Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, đã thực sự hoạt động rồi. . . . Nếu nhà truyền giáo khôn ngoan thì họ kiếm thời gian để lắng những người khác trước khi họ nói. Nếu làm như vậy thì có lẽ họ sẽ thấy rằng trong cuộc sống của những người nghe, đang có những kinh nghiệm, ngoài tính toán của con người, làm dễ dàng cách thức đón nhận và làm cho người nghe có thể đón nhận Tin mừng (Brechter, 1969: 115).

Nhìn từ những khía cạnh đó, các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội trước hết và trên hết là sự tham gia vào công trình phổ quát và đang tiếp diễn của Thiên Chúa để chữa lành cũng như hòa giải thế giới với chính Thiên Chúa.

Trong lần bỏ phiếu cuối cùng Sắc lệnh Truyền giáo nhận được nhiều phiếu đồng ý hơn bất kỳ sắc lệnh nào tại Công đồng. Trong 2399 nghị phụ hiện diện, có 2349 phiếu chấp thuận bản văn và chỉ có 5 phiếu chống (Brechter, 1969: 121). Các nghị phụ Công đồng đã từ chối phê chuẩn bản văn nguyên thủy gồm những đề nghị và những nguyên tắc hướng dẫn việc truyền giáo. Việc các nghị phụ khước từ bản văn đầu tiên và việc sửa lại sau đó đã khởi đầu nền thần học canh tân về việc truyền giáo trong Giáo hội.

Xem tiếp P2: Sự hiện diện phổ quát của ân sủng (P2)

Nguồn:

Kristin Colberg, “The Omnipresence of Grace: Revisiting the Relationship between Ad Gentes and Nostra Aetate 50 Years Later”, in Missiology: An International Review 2014, Vol. 42 (2), 181-194.

Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển