QUYỀN TỐI THƯỢNG TRONG SỰ HIỆP THÔNG[1]
Hermann J. Pottmeyer
Chủng sinh Giacôbê Nguyễn Tiến Lộc chuyển ngữ từ https://www.americamagazine.org/issue/301/article/primacy-communion
Vào tháng 12 năm 1998, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố một tài liệu đáng chú ý có tựa đề “Những suy tư về quyền tối thượng của Thánh Phêrô.” Ngay phần mở đầu, tài liệu nói rằng các giáo hoàng nên thi hành quyền bính của mình “với sự lưu tâm đặc biệt đến mầu nhiệm Giáo hội xét như một Thân Thể Giáo hội (corpus ecclesiarum), nghĩa là, như sự hiệp thông của các giáo hội địa phương. Nói cách khác, Giáo hoàng phải nhìn nhận cấu trúc cộng đoàn và hiệp đoàn của Giáo hội.
Theo hướng này, tài liệu định vị vai trò của Giám mục Rôma ở giữa Giám mục đoàn. Trích dẫn lại thông điệp về đại kết Ut Unum Sint năm 1995 của Đức Gioan Phaolô II, thay vì nói giáo hoàng là đại diện của Chúa Kitô, tài liệu lưu ý rằng “tất cả các giám mục đều là đại diện và là sứ giả của Chúa Kitô” (Lumen Gentium 27). Giám mục Rôma là “thành viên của Giám mục đoàn,” và các giám mục khác là “anh em với Giám mục Rôma trong sứ vụ.” Đặc biệt, Giám mục Rôma là “đại diện của Chúa Kitô theo cách thức riêng dành cho thánh Phêrô như là thủ lãnh của Giám mục đoàn.”
Đề cập đến nguyên tắc giáo luật “Không ai có quyền xét xử Giáo hoàng,” tài liệu nhận xét rằng “tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giáo hoàng có quyền lực tuyệt đối. Thật vậy, lắng nghe những gì các giáo hội đang nói, là một dấu ấn của sứ vụ hợp nhất, và cũng là hệ quả của sự hợp nhất trong Giám mục đoàn và của cảm thức đức tin (sensus fidei) nơi toàn thể Dân Thiên Chúa.” Liệu có thể phê bình mạnh mẽ hơn sự tập quyền và cách ra quyết định từ trên xuống của Vatican không?
Trong một bước tiến quyết liệt, tài liệu thừa nhận rằng cách thức thực thi quyền tối thượng hệ tại điều kiện lịch sử và có thể thay đổi. Tài liệu giải thích: “Giáo hội lữ hành vẫn mang khuôn mặt chóng qua của đời này, thể hiện nơi các dấu chỉ và các định chế vốn gắn liền với cuộc sống trần thế” (Lumen Gentium 48). Vì thế, bản chất bất biến của quyền tối thượng nơi đấng kế vị thánh Phêrô đã được thể hiện trong lịch sử dưới nhiều cách thức khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh của Giáo hội lữ hành trong thế giới đang thay đổi này.”
Tài liệu nói thêm: “Vì thế, sự kiện một nhiệm vụ riêng biệt do quyền tối cao thực hiện trong một thời kỳ nào đó tự nó không có nghĩa rằng nhiệm vụ này nhất thiết phải luôn được dành riêng cho Giáo hoàng Rôma; và ngược lại… Trong bất cứ trường hợp nào, điều cần thiết là phải xem xét khả thể thi hành thừa tác vụ Phêrô có phù hợp với bản chất của nó hay không, đó chính là sự biện phân phải làm trong Giáo hội, nghĩa là với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và trong sự đối thoại huynh đệ giữa Giáo hoàng Rôma và các giám mục khác, tuỳ theo những nhu cầu cụ thể của Giáo hội.” (12-13).
Tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin thực sự là một tuyên bố chấn động, khi ủng hộ quan điểm mà Giáo triều Rôma chưa bao giờ tán thành. Ngược lại, Giáo triều luôn nhấn mạnh phạm vi quyền tài phán hiện tại của Giám mục Rôma là do chính ý định của Thiên Chúa. Nếu thực hiện nghiêm túc điều tài liệu này trình bày, thì bộ giáo luật mới (1983) cũng đã trở nên cũ rồi[2], và việc thâu tóm về quản trị và giáo thuyết của Vatican phải chấm dứt.
Thừa tác vụ Phêrô trong sự hiệp thông
Cần làm gì để chức vụ giáo hoàng tập quyền mang tính hiệp thông hơn? Việc canh tân thừa tác vụ Phêrô phải bắt đầu với điều mà tài liệu gọi là “tính nội tại hỗ tương giữa giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương.” Nói cách khác, Giám mục Rôma nói chung không nên đưa ra các sắc lệnh và quyết định tác động đến giáo hội hoàn vũ mà không chính thức mời các giáo hội địa phương cùng các giám mục tham gia. Hơn nữa, các giáo hội địa phương và các miền hoặc hội đồng giám mục có thể chuẩn nhận mọi quy định miễn là không đe dọa sự hợp nhất của toàn thể Giáo hội.
Sự công nhận quyền bính các giám mục địa phương như vậy đồng nghĩa với việc Giáo triều Rôma không còn tự mình hành động vượt trên cả hàng giám mục. Khi Giáo triều quyết định thay thế các giám mục là xâm phạm quyền bính và trách nhiệm của cá nhân giám mục đối với giáo hội địa phương của ngài cũng như của giám mục đoàn đối với giáo hội hoàn vũ.
Việc các giáo hội địa phương và các giám mục đòi hỏi được tham gia tích cực hơn có thể áp dụng vào cách thực thi quyền giáo huấn phổ quát. Các giám mục không chỉ đồng trách nhiệm trong giáo hội hoàn vũ mà còn là những chứng nhân chính thức cho đức tin của các giáo hội địa phương và của toàn giáo hội. Họ phải cùng tham gia soạn thảo các sắc lệnh tín lý long trọng cũng như những vấn đề ít quan trọng hơn. Giám mục phải cùng với các thần học gia và cảm thức đức tin (sensus fidei) của các tín hữu đóng góp vào các tuyên bố của huấn quyền thông thường của giáo hoàng gửi đến toàn thể giáo hội với một mức độ ràng buộc nào đó. Đây là việc cần làm nhất là khi có một tuyên bố muốn ngăn cấm hoặc hạn chế thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi.
Việc phát triển giáo thuyết không nên dành riêng cho giáo hoàng và Bộ Giáo lý Đức tin. Dù vậy, trên thực tế, cách làm này diễn ra ngày càng nhiều khi Vatican bày tỏ quan điểm của mình trong các văn kiện có tính ràng buộc và trong các bản tuyên thệ mới kèm theo các tuyên xưng đức tin bổ sung[3].
Trong những năm gần đây, nhiều giám mục đã đề xuất những cách thức để chấm dứt hình thức giáo hoàng tập quyền này. Trong số đó có ít nhất sáu khuyến nghị quan trọng:
Những bước này sẽ giúp phục hồi đặc tính thiết yếu của giáo hội, đó là sự hiệp thông giữa các cộng đoàn. Tuy nhiên, việc phục hồi thể thức hiệp thông này không chỉ là nhiệm vụ tổ chức; nhưng còn là một thách đố thiêng liêng đòi hỏi tất cả các tín hữu phải hoán cải, nhất là các vị lãnh đạo trong Giáo hội. Cuộc hoán cải (metanoia) này, hay sự biến đổi con tim, đòi hỏi một sự thừa nhận mới mẻ về Giáo hội như là mầu nhiệm.
Giáo hội như là mầu nhiệm
Chương đầu tiên của “Hiến chế Tín lý về Giáo hội” của Công đồng Vatican II, nói về mầu nhiệm Giáo hội, là một trong những phần bị bỏ quên nhiều nhất trong giáo huấn của Công đồng. Sự xao nhãng này bộc lộ yếu kém của những cải cách hậu công đồng. Mọi lời kêu gọi tham gia tích cực hơn và hiệp thông hiệu quả hơn trong Giáo hội đều thất bại khi không đặt nền trên cách hiểu về Giáo hội như là mầu nhiệm hợp nhất chúng ta với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa.
Nhắc lại giáo huấn của Chúa Giêsu, Hiến chế nhấn mạnh rằng triều đại Thiên Chúa đang đến và đã hiện diện trên trần gian. Nước Thiên Chúa đến có nghĩa là Thiên Chúa đã hiệp thông với gia đình nhân loại bằng việc sai Ngôi Lời nhập thể đến. Sự kết hợp của Thiên Chúa với chúng ta và của chúng ta với Thiên Chúa nuôi dưỡng tình liên đới của chúng ta với nhau, tức là sự hiệp thông của Giáo hội và cuối cùng là sự liên đới của tất cả những người thiện chí. Chúa Giêsu cho thấy sự hiệp thông của chúng ta với nhau chỉ diễn ra khi mỗi người sống tình bằng hữu với Thiên Chúa. Giáo hội tin rằng sự hoán cải của mỗi phần tử trong Giáo hội sẽ làm nên cuộc biến đổi trong đó các tín hữu dâng hiến đời mình cho mối ưu tiên của Chúa Giêsu, đó là Nước Chúa trị đến.
Theo Công đồng Vatican II, “trong Đức Kitô, Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người…,” nghĩa là kết hợp với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Nói cách khác, Giáo hội là bí tích trong cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa. Tầm nhìn này liên kết mầu nhiệm với sứ mạng của Giáo hội (do đó “Hiến chế Tín lý về Giáo hội” cũng liên kết với “Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại” [1965]).
Hiệp thông là hình thái thiết yếu của Giáo hội, bởi vì chỉ khi là mối liên đới trong đức tin, đức cậy và đức mến, thì Giáo hội mới trở thành dấu chỉ và khí cụ của triều đại Thiên Chúa. Do đó, nói Giáo hội là bí tích có nghĩa là Giáo hội tự mình không phải là cứu cánh. Thay vào đó, Giáo hội là chứng tá và tác nhân của vương quốc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ hợp nhất gia đình nhân loại. Do đó, Giáo hội phải hành động vì công lý và hòa bình.
Nhìn nhận quyền tối thượng trong hiệp thông đòi hỏi một giáo hội học hiểu được sự hiệp thông trong tương quan với sứ điệp của Chúa Giêsu về triều đại Thiên Chúa và về Giáo hội như bí tích của Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, thừa tác vụ Phêrô phải khởi đi từ Giáo hội như mầu nhiệm và bí tích. Lập luận mạnh mẽ nhất chống lại chức giáo hoàng tập quyền độc đoán không dựa vào các yêu sách dân chủ, nhân quyền hay tự do, mà dựa vào lời hứa của Chúa Giêsu về cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa.
Để trung thực với căn tính và sứ mạng của mình, Giáo hội phải cân bằng cách thích hợp giữa “tính địa phương” và “tính toàn cầu”, giữa các giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ. Trái tim của Giáo hội Công giáo (theo lời của thần học gia người Anh Nicholas Lash) phải đập theo một nhịp kép. Một mặt, mỗi giáo hội địa phương, mỗi giáo phận, mỗi Thánh lễ phải thực sự là Giáo hội tròn đầy trong thời gian và không gian. Mặt khác, Giáo hội phổ quát như bí tích phải mang diện mạo hữu hình xuyên qua mọi nền văn hóa, quốc gia và với thời đại Chúa Thánh Thần thâu họp cứu độ dân Thiên Chúa “từ Aben người công chính, đến những người cuối cùng được tuyển chọn”[5].
Cách hiểu Giáo hội như mầu nhiệm thách thức Công giáo phải cân bằng giữa giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ. Một biểu hiện của sự cân bằng này là sự tôn trọng mà chúng ta dành cho nhau, kể cả sự tôn trọng của giáo hoàng đối với các giáo hội địa phương và ngược lại. Vì lẽ đó, việc nhận biết quyền tối thượng trong sự hiệp thông là một thách đố thiêng liêng.
Việc toàn cầu hóa và đa dạng hoá văn hoá trong Giáo hội thách thức thừa tác vụ hợp nhất của Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng phải được thực hiện không phải với tư cách là cơ quan tài phán bao trùm khắp nơi, có quyền quyết định tất cả, mà là trung tâm của sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương. Nếu giáo hoàng phải can thiệp vào một giáo hội địa phương thì nên tuân theo nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity)[6].
Chỉ có một Giáo hội hoàn vũ với tâm điểm hợp nhất thực sự mới thụ hưởng được tính đa dạng do hội nhập văn hoá sản sinh. Quyền tối thượng là yếu tố thiết yếu trong một giáo hội được tạo nên bởi mối hiệp thông giữa các cộng đoàn. Khi thừa tác vụ Phêrô được thi hành cách thích hợp như một dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa, thì tác vụ ấy chuyển tải ước muốn của Chúa Kitô nơi chúng ta “tất cả nên một” “ut unum sint” (Ga 17-21).
------------------------------
Chú thích trong bài là của người dịch.
[1] Linh mục Hermann Josef Pottmeyer (1934-2023), người Đức, là một trong những chuyên viên Giáo hội học Công giáo hàng đầu tại Âu châu, thành viên Uỷ ban Thần học quốc tế (1992-2003). Cha từng thụ huấn với Bernard Lonergan tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriana, Rôma, và với Karl Rahner tại Đại học Munster, Đức. Nghiên cứu của Pottmeyer tập trung vào chức giám mục, chức giáo hoàng, quyền tối thượng của giáo hoàng, đối thoại đại kết, vai trò của giáo dân, và việc giải thích Công đồng Vatican II. Bài viết này được tác giả đăng trên tạp chí America vào tháng 6/2000, sau khi xuất bản cuốn sách nổi tiếng Towards a Papacy in Communion: Perspectives from Vatican Councils I & II (1998), và nhất là sau khi Toà Thánh công bố tài liệu “Những suy tư về quyền tối thượng của Thánh Phêrô” (1998). Những đề xuất của Pottmeyer dường như đều được gặp thấy trong một tài liệu nghiên cứu mới đây của Toà Thánh – “Giám mục Rôma: Quyền tối thượng và tính hiệp hành trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các câu trả lời cho thông điệp Ut Unum Sint” (7/2024).
[2] Năm 1989, Bộ Giáo lý Đức tin công bố một bản Tuyên xưng đức tin mới cùng với Công thức Tuyên thệ dành cho các tín hữu đảm nhận một số giáo vụ trong Giáo hội, nhất là các giáo sư giảng dạy tại các Chủng viện và Đại học Công giáo. Năm 1998, Đức Gioan Phaolô II đã cho công bố Tự sắc Ad Tuendam Fidem để bổ sung các điều khoản của Công thức Tuyên thệ mới này vào Bộ Giáo luật của Giáo hội Latinh (đ.750; 1371) cũng như của các Giáo hội Đông phương (đ.598; 1436). Việc công bố tự sắc này cùng với tài liệu Giải thích Bản Tuyên xưng đức tin mới ngay sau đó của bộ Giáo lý Đức tin đánh dấu thành quả của công việc đã khởi sự suốt 10 năm của Đức Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma, trong việc ấn định tính pháp lý hình phạt đối với những người bất tuân các chân lý đức tin và luân lý do Huấn quyền tuyên bố dứt khoát. Tuy nhiên, sự kiện cũng gây nhiều tranh cãi nơi các nhà giáo hội học và chuyên viên giáo luật quanh các khía cạnh thần học, pháp lý, đặc biệt là vấn đề tập quyền Rôma (Roman centralism) trong các quyết định quan trọng của Tòa Thánh.
Bản Tuyên xưng đức tin mới, Công thức Tuyên thệ, Tự sắc Ad Tuendam Fidem và Giải thích tín lý về Bản Tuyên xưng đức tin mới, đều được đăng tại:
[3] Cấu trúc bản Tuyên xưng mới bao gồm Kinh Tin kính Nicea-Constantinople và thêm ba phân đoạn mới đề cập đến ba cấp độ giáo lý khác nhau, cũng như các thái độ tuân phục tương ứng phải có của những người thi hành nhiệm vụ giảng huấn. Với Tự sắc Ad Tuendam Fidem thì lần đầu tiên những sự phân biệt chính xác về các cấp độ chân lý đức tin được đưa vào thực hành kỷ luật của Giáo hội.
Công thức yêu cầu phải tuyên thệ: “Tôi cũng chấp nhận và tuân giữ mọi điều có liên quan đến giáo thuyết về đức tin và phong hoá đã được cũng một Huấn quyền giảng dạy cách rõ ràng.” Nhiều thần học gia tỏ ra không chắc chắn khi phải xác định thế nào là “mọi điều có liên quan” mà họ phải chấp nhận tuân giữ. Bộ Giáo lý Đức tin, qua tài liệu Giải thích về Bản Tuyên xưng đức tin mới (1998), khẳng định rằng “mọi điều” ở đây là những chân lý đức tin và luân lý dù không được Thiên Chúa mặc khải, vẫn liên hệ chặt chẽ và mật thiết đến chính Mặc khải về mặt luận lý và lịch sử. “Chấp nhận và tuân giữ” chính là thoả đáp điều mà Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã yêu cầu khi những chân lý ấy được Huấn quyền giảng dạy dứt khoát.
Giới chuyên môn thần học và giáo luật vẫn còn tiếp tục thảo luận về các quyết định kỷ luật tín lý này của Toà Thánh. Chẳng hạn, Ladislas Orsy, “Profession of Faith and the Oath of Fidelity” America 160 (15/4/1989): 345-347, 358; Thomas J. Reese, “Bishops and Theologians: A Report” America 161 (1/7/1989); James A. Coriden, “Inflating the Oath: The Rule Maker Breaks the Rules” Commonweal (8/9/1989): 455-456.
Đặc biệt, Francis A. Sullivan đã liên tục đưa ra các đánh giá qua nhiều năm:
“Some Observations on the New Formula for the Profession of Faith” Gregorianum 70.3 (1989): 549-558; “The Theologian’s Ecclesial Vocation and the 1990 CDF Instruction” Theological Studies 52 (1991): 51-68; Developments in Teaching Authority since Vatican II” Theological Studies 73 (2012): 570-589; “The Definitive Exercise of Teaching Authority” Theological Studies 75.3 (2014): 502-514.
[4] Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Rôma có nhiều danh hiệu cổ kính nói lên vị thế người đứng đầu một Giáo hội địa phương cụ thể, cũng như thừa hưởng quyền tài phán phổ quát trên một vùng rộng lớn về lãnh thổ và ảnh hưởng văn hoá: Giám mục Rôma (Episcopus Romanus), Tổng Giám mục trưởng Giáo tỉnh Rôma (Archiepiscopus metropolitanus provinciae Romanae), Giáo trưởng Italia (Primatus Italiae), Thượng phụ Tây phương (Patriarcha Occidentis). Riêng danh hiệu “Thượng phụ Tây phương” lần đầu được sử dụng bởi Đức Giáo hoàng Thêôđôrê vào năm 642 và trở nên thịnh hành vào các thế kỷ XVI-XVII là thời đại gia tăng sử dụng các loại danh hiệu giáo hoàng. Năm 1863, danh hiệu này chính thức xuất hiện trong Niên giám Toà Thánh (Annuario Pontificio). Năm 2006, danh hiệu này bị Đức Benêđictô XVI loại bỏ khỏi Niên giám, nhưng được Đức Phanxicô khôi phục lại trong Niên giám 2024.
[5] Lêô Cả, Hom. In Evang. 19,1: PL 76, 1154B; x. LG 2.
[6] Tính bổ trợ là một nguyên tắc trong tổ chức xã hội, cho rằng các vấn đề xã hội và chính trị nên được giải quyết ở cấp độ trực tiếp địa phương cho phù hợp hoàn cảnh riêng. Trong học thuyết xã hội Công giáo, nguyên tắc này lần đầu được ám chỉ trong Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII (1891) và minh nhiên sử dụng như một thuật ngữ chính thức trong Thông điệp Quadragesimo Anno của Đức Piô XI (1931). Nguyên tắc này xác định thế ưu tiên của cá nhân so với các tổ chức hiệp hội, bảo vệ địa vị của các nhóm nhỏ trên các nhóm lớn hơn, và khẳng định nghĩa vụ của các hiệp hội lớn là phải hỗ trợ các nhóm nhỏ khi cần thiết. Trong Giáo hội học, nguyên tắc bổ trợ cho rằng những vấn đề địa phương tốt nhất nên được giải quyết ở cấp độ địa phương. Một quyền bính cao hơn chỉ can thiệp khi nào vấn đề không được giải quyết ở cấp độ địa phương hoặc khi lợi ích của số đông bị đe doạ.
Tác giả bài viết này (J. Pottmeyer) đề ra 3 nguyên tắc để phát triển cấu trúc hiệp thông trong Giáo hội: 1/ nguyên tắc Công giáo, tạo chỗ đứng cho nhiều tác nhân và sự đa diện trong Giáo hội, để thay thế cho tính tập quyền và đồng nhất hiện có; 2/ nguyên tắc hiệp đoàn và cộng tác, giúp cho việc ra quyết định mang tính tập thể và có sự cộng tác của mọi tín hữu; 3/ nguyên tắc bổ trợ giúp cho các quyết định không làm phương hại đến sự duy nhất và hiệp thông của Giáo hội phổ quát được thực thi ngay chính nơi các giáo hội địa phương. Tác giả tin rằng việc áp dụng 3 nguyên tắc này không làm suy yếu chức giáo hoàng, nhưng trái lại, nó giả định một tâm điểm của mối hợp nhất và của một thừa tác vụ hiệp thông được hết thảy mọi người thừa nhận.
X. Hermann J. Pottmeyer, Towards a Papacy in Communion: Perspectives from Vatican Councils I & II, trans. Matthew J. O’Connell (New York, NY: Herder and Herder Books, 1998), 132.
Về nguyên tắc bổ trợ nói chung và ứng dụng trong Giáo hội học, xem hai nghiên cứu của Richard, R. Gaillardetz:
The Church in the Making: Lumen Gentium, Christus Dominus, Orientalium Ecclesiarum, Rediscovering Vatican II (New York, NY: Paulist, 2006), 80-82, 132-133;
và By What Authority? Foundations for Understanding Authority in the Church (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2018), 139.
Tin liên quan