NGUỒN GỐC SÂU XA NƠI KINH THÁNH, LỊCH SỬ VÀ TRIẾT HỌC
CỦA QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO VỀ PHÁ THAI
Tôi thường nhận thấy những quan niệm sai lầm về truyền thống Công giáo trong các bài tranh luận và nêu quan điểm về phá thai trên báo chí phổ thông. Một ví dụ là bài viết của Gary Wills trên tờ The New York Times vào ngày 27/6/2021, mặc dù sắc sảo nhưng không mang nhiều truyền thống Công giáo.
Ông Wills cho thấy rằng không có chỗ nào trong các sách Tin mừng nói rằng Đức Giêsu cụ thể cấm phá thai. Điều này đúng. Tuy nhiên, Wills thể hiện một lối đọc Kinh thánh cực kỳ hạn chế mà chỉ nhấn mạnh đến bản văn, và chữ viết không thể nói lên cách thức các Kitô hữu đã nghe và sống những gì chữ viết diễn tả. Chúng ta cần xem xét toàn bộ đời sống của Giáo hội, đặc biệt lịch sử và triết học.
Về mặt lịch sử, câu hỏi chúng ta có thể đặt ra là: Tại sao có những ghi chép của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai về việc cấm phá thai? Sách Giáo huấn Kitô giáo thế kỷ II, Didache, nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp, dạy các Kitô hữu rằng “có hai con đường, con đường sống và con đường chết”. “Con đường sống” bao gồm việc tuân giữ các giới răn mến Chúa và yêu người thân cận, và tác giả sách Didache giải thích yêu người thân cận nghĩa là: “không phá thai hay không giết trẻ sơ sinh”. Nghĩa là, ngay cả nếu Đức Giêsu không cụ thể cấm phá thai, thì những cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã sử dụng giới răn yêu thương tha nhân để bảo vệ mạng sống của những người dễ bị tổn thương nhất.
Các Kitô hữu phải có lòng trắc ẩn đối với các bà mẹ, cũng như các phụ nữ đang cân nhắc phá thai. Nhưng điều này có nghĩa là giúp họ nhận ra không nhất thiết phải giết một người khác, cũng như phải giúp hỗ trợ các điều kiện cần thiết để họ có thể cưu mang sự sống mới đó. Hãy nhớ lại có người đã hỏi Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” Đối với người Công giáo, câu trả lời luôn kéo theo việc xem xét ai là người nghèo khổ nhất, dễ bị tổn thương nhất. Đôi khi đó là những người nhập cư, hoặc bị phân biệt đối xử vì chủng tộc hay giới tính, hoặc là những người khuyết tật. Đôi khi đó là những đứa trẻ chưa chào đời.
Về mặt triết học, chúng ta có thể xét đến truyền thống Luật tự nhiên. Luật tự nhiên đôi khi được hiểu đơn thuần là những gì mà một người có lý trí quyết định hợp lý về thế giới. Quan điểm đó có thể khiến những người như Wills lập luận rằng bởi vì một số người có lý trí nghĩ việc phá thai là được phép, nên Luật tự nhiên đưa ra một lập luận nghèo nàn chống lại việc phá thai (hoặc làm cho các giám mục “quan niệm sai về phá thai”).
Tuy nhiên, Luật tự nhiên trong truyền thống Công giáo không chỉ rút ra từ lý trí tự nhiên, mà còn liên kết với gia sản Kitô giáo. Người Công giáo xem Luật tự nhiên là ánh sáng của lý trí mà mọi người đều có vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, liên kết chúng ta với công cuộc sáng tạo và kế hoạch của Thiên Chúa. Hơn nữa, thánh Tôma Aquinô, một học giả của thế kỷ XIII, lập luận rằng Luật tự nhiên là “sự tham dự của các thụ tạo có lý trí vào Luật vĩnh cửu”. Cụm từ “sự tham dự vào Luật vĩnh cửu” nối kết chúng ta và lý trí với Luật Thiên Chúa. Luật Thiên Chúa cung cấp một quy chuẩn để dựa vào đó chúng ta xem xét lý trí tự nhiên. Dĩ nhiên, bởi vì chúng ta đơn thuần là người, nên chỉ có thể thấy Luật vĩnh cửu cách bất toàn, nhưng chúng ta đã thoáng thấy trong Kinh thánh. Ví dụ, chúng ta nhận biết ý nghĩa lớn lao của chính cuộc sống đối với Đấng tác tạo vũ trụ.
Mặc dù vậy, người Công giáo cũng sử dụng Luật tự nhiên mà không cần trực tiếp nhắc đến Mặc khải của Thiên Chúa. Việc phát triển các lập luận viện đến lý trí con người và hiểu biết triết học giúp chúng ta có thể nói chuyện được với những người không chia sẻ niềm tin Kitô giáo nhưng dù sao cũng có chung những xác tín về ý nghĩa sự sống con người. Chính vì vậy, những người vô thần như Nat Hentoff và Christopher Hitchens đã nổi tiếng vì chống đối phá thai, và nhiều nhóm thế tục ủng hộ sự sống cũng vậy.
Điều đó nói lên rằng, mặc dù Luật tự nhiên liên hệ đến lý trí con người, nhưng không phải lúc nào người ta cũng nhận thấy những lập luận hữu lý từ luật tự nhiên có sức thuyết phục hay hiển nhiên. Một cách khác để hiểu Luật tự nhiên là nó xác định những gì giúp triển nở con người chúng ta. Một lập luận của Luật tự nhiên chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không chỉ được phát biểu là “chúng ta nên hiểu biết hơn trong tư cách những con người có lý trí” nhưng còn là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các hành vi kèm theo làm cản trở sự phát triển con người”. Những người ngoài Kitô giáo có thể tìm thấy nền tảng chung khi suy nghĩ về điều làm tất cả chúng ta là người tốt hơn.
Cuối cùng, có ba lập luận triết học cụ thể hơn, phần nào sử dụng Luật tự nhiên cũng như nổi bật trong các cuộc tranh luận về phá thai.
Một lập luận liên quan đến quan niệm ý hướng, là cách chúng ta phân biệt giữa những gì xảy ra “tự nhiên” và những gì là một hành động tội lỗi – tức điều xấu mà một hữu thể nhân linh chọn lựa cách hữu ý. Chúng ta biết rằng mọi người đều phải chết bởi vì là loài hữu tử; chúng ta cũng biết chết khi đang ngủ thì khác xa với bị cố tình bắn chết. Tương tự, trong khi nhiều thai kỳ kết thúc khi bị sẩy thai (là thuật ngữ y học để gọi việc mất thai tự nhiên), tuy là một bi kịch nhưng nó khác với việc giết chết một đứa trẻ trong bụng mẹ cách hữu ý trực tiếp.
“Ý hướng” liên hệ đến khái niệm triết học thứ hai, khá quan trọng trong quan điểm Công giáo về phá thai: nguyên tắc song hiệu. Nguyên tắc này xuất phát từ một lĩnh vực khác mà xem xét việc tước đoạt mạng sống người vô tội (nguyên tắc “chiến tranh chính nghĩa”), và nó giúp người ta có thể suy xét thấu đáo trong những tình huống sinh-tử gay go, khi mà một hành động cùng đưa đến hai hiệu quả tốt và xấu. Việc sử dụng nguyên tắc song hiệu đòi hỏi bốn điều kiện sau đây phải được đáp ứng để hành vi được xem là cho phép: 1) bản chất của hành vi là không xấu; 2) khi thực hiện hành vi, chúng ta không nhắm tới hiệu quả xấu; 3) hiệu quả tốt phải được gây ra trực tiếp; 4) hiệu quả tốt phải cân xứng với hiệu quả xấu.
Nguyên tắc song hiệu có thể được sử dụng trong trường hợp gay go và đau xót như một thai phụ đang ở giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ hai [tức ba tháng giữa đối với cách chia thai kỳ làm ba giai đoạn] thì phát hiện mình bị ung thư tử cung giai đoạn bốn. Đối với ung thư tử cung, hầu hết các nhà đạo đức sinh học Công giáo sẽ đi đến thống nhất chung rằng việc điều trị ung thư, dù dẫn đến cái chết của đứa trẻ, nhưng đáp ứng được các điều kiện của nguyên tắc song hiệu. Đó là: 1) hành vi (cắt bỏ tử cung bị bệnh có thể là một khả năng điều trị ngay cả nếu người phụ nữ đó không mang thai) là không xấu; 2) ý hướng là điều trị ung thư; 3) hiệu quả trực tiếp của hành vi là tốt vì giúp điều trị ung thư; và 4) hiệu quả tốt – cứu sống người mẹ cân xứng với hiệu quả xấu – cái chết của cả mẹ và con. Nguyên tắc song hiệu có thể được sử dụng trong những trường hợp gay go tương tự, như mang thai ngoài tử cung, với những thông số [hay điều kiện] nhất định[1].
Nhưng khi xem xét đến ý hướng, mục đích chính yếu luôn luôn là tránh rủi ro và tránh điều xấu là giết thêm một người khác. Luật yêu người thân cận của Kitô giáo, Luật tự nhiên, và Luật vĩnh cửu của Thiên Chúa đều bao gồm mong muốn không giết người.
Khái niệm triết học thứ ba là cuộc tranh luận về ngôi vị tính [personhood – là tình trạng tồn tại như một cá nhân], nổi lên vào thập niên 1960 và 1970 liên quan đến việc chăm sóc cuối đời (end-of-life care) (tức đâu là thời điểm mà một con người không còn là một ngôi vị nữa, để có thể rút máy thở?) Cuộc tranh luận này cũng nhanh chóng trở nên thành phần của các cuộc tranh luận “thời điểm sự sống bắt đầu” (beginning-of-life).
Cần lưu ý rằng trong cuộc tranh luận này, “ngôi vị” (person) không giống với “con người” (human). Theo hiểu biết của tôi, không có nhà sinh học nào cố nói rằng một phôi thai sống trong tử cung người không phải là con người. Nhưng câu hỏi khi nào một con người là một ngôi vị có nghĩa là xác định điều gì làm nên đặc tính của ngôi vị mà không phải là của phi-ngôi vị (non-persons). Người ta đưa ra nhiều đề xuất khác nhau về đặc tính xác định [một ngôi vị]: phẩm giá, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, sở hữu một tính cách như khả năng lý trí, hoặc khả năng độc lập.
Nhiều cuộc tranh luận về ngôi vị tính liên quan đến những câu hỏi về tính độc lập: Đâu là thời điểm một bào thai có thể độc lập khỏi người mẹ? Thời điểm nào một bào thai có thể sống bên ngoài bụng mẹ? Không thể dễ dàng xác định thời điểm một ngôi vị trở nên “độc lập”. Nếu một đứa bé có thể sống được nhờ oxy và lồng kính, đó có phải chỉ đơn giản là phụ thuộc vào máy móc? Những đứa bé không thể tự bú mớm khi mới sinh, vậy điều đó có làm cho chúng “phụ thuộc”? Bắt đầu suy nghĩ nhiều về điều này, chúng ta mới nhận ra tất cả chúng ta, trong một chừng mực nào đó, đều phụ thuộc vào người khác. Đó là điều răn yêu người thân cận của Đức Giêsu theo một cách diễn đạt khác.
Điều đó đưa chúng ta về lại lý do tại sao người Công giáo xem phá thai là sai trái – xét theo Kinh thánh, lịch sử và triết học. Phá thai ưu tiên việc cố ý tước đoạt một sinh mạng rất dễ tổn thương, điều đó trái ngược với tình yêu mà Đức Giêsu rao giảng.
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (20/8/2021)
[1] Xem thêm “Liệu pháp phá thai” trong Trần Mạnh Hùng, Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2020), 118–120. [Chú thích của người dịch]
Tin liên quan