×

Giỏ hàng

Một vài ý nghĩa của hành động: ''Xé áo mình ra'' trong Kinh thánh
Lượt xem:758   Ngày đăng: 2024-04-30 20:50:07

MỘT VÀI Ý NGHĨA CỦA HÀNH ĐỘNG: “XÉ ÁO MÌNH RA” TRONG KINH THÁNH

Lm. Gioakim Nguyễn Quốc Nam

Xé áo mình ra” là một hành động thường xuyên xuất hiện trong Kinh Thánh. Hành động này thường đi kèm với những hành động khác: mặc áo vải thô (x. St 37,34; 1 V 21,27; 2 V 19,1; Et 4,1), rắc tro trên đầu (x. Gs 7,6; 1 Sm 4,12; 2 Sm 1,2; 2 Sm 13,19…), phủ phục để cầu nguyện (x. 2 V 19,1; G 1,20…), kêu gào thảm thiết (x. 2 Sbn 23,13). Hành động này mang nhiều ‎ý nghĩa trong Kinh Thánh.

  1. Thể hiện cảm xúc

Đầu tiên, hành động “xé áo mình ra” thể hiện những cung bậc cảm xúc của chủ thể: đau buồn, thất vọng, mất mát, sợ hãi. Tổ phụ Giacóp đã xé áo mình ra khi hay tin người con mà ông yêu quí nhất đã bị thú dữ ăn thịt (x. St 37,34). Ông Giôsuê cùng với các kỳ mục trong dân đã xé áo mình ra, rắc tro trên đầu, rồi phủ phục xuống đất, cầu nguyện với Đức Chúa khi hay tin ba mươi sáu người Israel bị dân thành Ai giết chết (x. Gs 7,1-7). Thủ lãnh Ghíptác cũng xé áo mình ra khi thấy người con gái duy nhất của ông ra đón ông sau trận đánh với người Ammon. Ông đã xé áo mình ra vì tiếc thương cho số phận của con gái mình (x. Tl 11, 29-40). Vua Đavít cũng xé áo mình ra và khóc than khi hay tin vua Saun và hoàng tử Giônathan tử trận (x. 2Sm 1,11). Vua Đavít cũng yêu cầu các tướng sĩ phải xé áo mình ra, quấn vải thô để cử hành tang lễ cho tướng Ápne, và vua òa khóc bên mộ của Ápne. Như thế, qua những lần xuất hiện kể trên, hành động “xé áo mình ra” thể hiện cho cảm xúc đau buồn, sầu khổ và tiếc thương (cf. 1 Sm 4,12; 2 Sm 18,19-32; Tl 11,35; Ed 27,30; 2 V 6,24-30). Điều này cũng được minh chứng khi ông Gióp hay tin các con của mình chết, tài sản của mình bị chiếm hết, ông đã thể hiện sự đau buồn, mất mát qua hành động xé áo mình ra (x. G 1,20). Ngôn sứ Êlisa cũng dùng hành động xé áo mình ra để thể hiện sự đau buồn vì phải chia ly người “cha” của mình là ngôn sứ Êlia (x. 2 V 2,12).

Bên cạnh đó, hành động này cũng thể hiện cảm xúc thất vọng.[1] Ông Giôsuê và Calếp đã xé áo mình ra khi thấy niềm tin của dân Israel vào Đức Chúa bị lung lay. Các ông thất vọng vì dân đòi bỏ miền đất hứa đầy sữa và mật mà đòi trở về đất Aicập (x. Ds 14,1-9). Các ông thất vọng vì dân hoài nghi lời hứa của Thiên Chúa. Hành động “xé áo mình ra” còn thể hiện cảm xúc sợ hãi. Sách Macabê kể lại rằng: dân thành Ghede quần áo tả tơi và kêu lớn tiếng cầu xin lòng thương xót của ông Simon vì họ sợ ông đối xử với họ theo các việc gian ác họ đã làm (x. 1 Mcb 14,43-46). Trường hợp vua Israel xé áo mình ra khi đọc được lá thư mà vua Aram, qua tướng Naaman, yêu cầu nhà vua chữa lành bệnh phong hủi cho Naanma, ông đã xé áo mình ra khi cảm giác được một sự sợ hãi, một mối nguy hiểm sắp xảy đến (x. 2 V 5,7).[2] Bà Athangia cũng xé áo mình ra vì sợ hãi khi có cuộc bạo động xảy ra (x. 2 V 11,14 // 2 Sbn 23,13). Vua Giôsia cũng xé áo mình ra khi nghe những lời ghi chép trong sách Luật (được tìm thấy trong Nhà Đức Chúa), vì vua sợ Đức Chúa sẽ bừng bừng nổi giận và chống lại dân, vì tổ tiên của mình đã không vâng nghe, đã không làm theo các lời trong sách Luật này (x. 2 V 22,11-13 // 2 Sbn 34,19-21).

  1. Hành động diễn tả sự sám hối

Tự bản chất, khó có thể nói hành động “xé áo mình ra” là một hành vi thể hiện sự sám hối tận căn. Hành động này cần đi kèm theo những hành vi sau đó mới có thể mang ý nghĩa là một sự sám hối tận căn. Khi vua Akháp nghe những lời của ngôn sứ Êlisa tuyên cáo án lệnh của Thiên Chúa dành cho ông khi ông và hoàng hậu Ideben phạm tội tày đình là giết người cướp của (x. 1 V 20,8-16). Những lời tuyên án của ngôn sứ Êlisa đã khiến vua Akháp hối hận: nhà vua xé áo mình ra, khoác áo vải thô, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi sầu não (x. 1 V 21,27). Chính nhờ sự sám hối này, Đức Chúa đã không giáng họa trong buổi sinh thời của nhà vua, nhưng sẽ giáng họa ở đời con của nhà vua (x. 1 V 21,29). Tư tế Ezra cũng đã xé áo mình ra khi nhận thấy sự bất trung của dân Israel, ông bứt tóc bứt râu và phủ phục trước nhà Đức Chúa mà thú nhận tội lỗi (x. Er 9,3-5; 10,1-2). Một cách rõ ràng nhất, ngôn sứ Giôen nói: hãy xé (קָרַע) trái tim (לֵבָב) chứ không phải xé áo (בֶּגֶד) mà thôi. Sau hành động này là lời mời gọi: hãy trở về (x. Ge 2,13). Như vậy, hành động “xé áo mình ra” khi đi kèm với những hành vi: khóc lóc, xức tro trên đầu, phủ phục…sẽ trở thành một hành động thể hiện sự sám hối.

  1. Thể hiện sự chia cắt

Trong sách Các Vua quyển thứ nhất, khi ngôn sứ Akhigiahu bắt gặp Giaropam đang từ Giêrusalem đi ra, lúc bấy giờ, vị ngôn sứ đang mặc trong mình một chiếc áo choàng mới, ông đã lấy chiếc áo mình đang mặc và xé ra làm mười hai mảnh tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel, rồi trao cho Giaropam mười mảnh tượng trưng cho mười chi tộc, sau này trở thành vương quốc phía bắc (Israel). Hành động này biểu trưng cho một sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc là Israel và Giuđa (x. 1 V 11,29-39).[3] Tác giả Simon DeVries đã thấy được một sự tương đồng giữa hành động “xé áo choàng” trong 1 V 11,30 và 1Sm 15,27: quyền cai trị của một người sẽ bị lấy đi (chia cắt khỏi người đó) để trao vào tay người khác.[4] Hình phạt này đã được nói đến trước đó. Đức Chúa nổi giận với vua Salômon vì nhà vua đã không giữ giao ước cũng như các giới răn mà Đức Chúa đã truyền nên chắc chắc Đức Chúa sẽ giựt lấy vương quốc của nhà vua mà trao vào tay một thuộc hạ của vua (x. 1 V 11, 9-11). Động từ “giựt lấy” ở đây chính là động từ קָרַע vốn mang nghĩa là “xé”. Như thế, có thể hiểu: Đức Chúa sẽ “xé” vương quốc của nhà vua mà trao cho một người khác. Bởi đó, hành động “xé áo” trong trường hợp này sẽ thể hiện một sự chi cắt.

  1. Trách nhiệm bảo vệ

Khi Bengiamin bị hàm oan ở đất Ai Cập, ông bị vu khống là đã lấy trộm cái chén bạc của Giuse (x. St 44,11-12), mười người con của Giacóp đã “xé áo mình ra”. Hành động này, một mặt diễn tả sự ấm ức và sợ hãi, mặt khác, nó cũng diễn tả thái độ liên đới và có trách nhiệm với Bengiamin khi ông đang phải đối mặt với hình phạt là bị bắt làm nô lệ (x. St 44,10).[5] Đây là dấu hiệu đầu tiên của trách nhiệm và tình liên đới huynh đệ trong gia đình được thể hiện cách rõ ràng.[6] Một trường hợp khác, ông Mattitgia, con của ông Gioan, ông đã xé áo mình ra, mặc áo vải thô, để tang và than khóc khi thấy Thành Thánh bị dân ngoại vấy bẩn, xúc phạm, dân ngoại đã làm cho nơi Thánh ra uế tạp. Đây chính là một sự phạm thượng, xúc phạm đến chính Đức Chúa (x. 1 Mcb 2,6). Hơn nữa, trước khi bước vào cuộc chiến với dân ngoại ở Emmau (x. 1 Mcb 4,1-27), ông Giuđa Maccabê và những người Do Thái khác đã ăn chay, cầu nguyện, xức tro trên đầu và xé áo mình ra. Những hành động này nhằm chuẩn bị tinh thần để bước vào một cuộc chiến chống lại dân ngoại – những người xúc phạm đến Thành Thánh và làm cho Thánh Điện bị uế bẩn. Sau khi đã dành chiến thắng (1 Mcb 4,36), ông Maccabê và các anh em đã thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh (toàn bộ khu vực Đền Thờ). Trong lần thanh tẩy và cung hiến này, họ cũng lặp lại hành động: xé áo mình ra và rắc tro trên đầu (x. 1 Mcb 4,49). Như vậy, hành động “xé áo mình ra” ở đây được xem là hành động bảo vệ sự thánh thiêng của Đức Chúa khi Ngài bị dân ngoại xúc phạm, coi thường.

Trường hợp của thánh Phaolô và Barnaba trong sách Công Vụ Tông Đồ, khi các ngài bị dân vùng Lítra hiểu nhầm là những vị thần: Phaolô là Hermes (Mercury) và Barnaba là Zeus (Jupiter), ngay lập tức các ngài: xé áo mình ra và xông vào đám đông mà lớn tiếng giải thích (x. Cv 14,14). Đây là hành động biểu hiện cho sự đau khổ và sợ hãi của Phaolô và Barnaba. Các ngài đau khổ và sợ hãi vì các ngài ‎ý thức được bản thân mình không phải là “thần”, mà chỉ là những người phàm (Cv 14,15). Suy tư sâu xa hơn một chút, Phaolô và Barnaba đau khổ và sợ hãi vì lúc này, danh của Đức Kitô không được hiển sáng, mà chính danh của các ngài lại được người ta tôn vinh. Điều này trái ngược hoàn toàn với khát vọng của thánh Phaolô. Do đó, các ngài đã xé áo mình ra, xông vào đám đông như lao vào một cuộc chiến để bảo vệ cho danh Kitô. Các ngài như những chiến binh tràn đầy nhiệt huyết, luôn sẵn sàng lao vào bất kì cuộc chiến nào để bảo vệ cho danh của Đức Kitô.

 

[1] X. Obiorah M. Jerome and Favour C. Uroko, “Tearing of Clothes: A Study of an Ancient Practice in the Old Testament,” Verbum et Ecclesia 39, 1 (2018): 3.

[2] Ibid, 4.

[3] X. Tomasz Siemieniec, “Biblical Motif of Tearing of a Vesture as a Symbol of Division of a Community in the Light of 1 Kings 11:29-39 and John 19-23-24,” Roczniki Teologiczne 72 (2015): 31.

[4] DeVries, S. J., 1 Kings (Second Edition), Word Biblical Commentary (Dallas: Word, Inc., 2003), 286.

[5] Obiorah M. Jerome and Favour C. Uroko, “Tearing of Clothes,” 3.

[6] Gordon John Wenham, Genesis 16-50, Word Biblical Commentary (Dallas: Word, Incorporated, 2002), 425.