×

Giỏ hàng

1421   2023-03-26 20:26:41

MỘT KHO TÀNG TRƯỜNG TỒN:

HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM VÀ LỜI MỜI GỌI MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH

David Werning

Adobe Stock

Hiến chế tín lý Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II, ban hành vào ngày 21/11/1964, trình bày bản chất và sứ mệnh của Giáo hội.

Hiến chế bắt đầu bằng việc gọi Đức Giêsu, là “ánh sáng muôn dân” (lumen gentium) và là Đầu của Giáo hội, Thân mình của Ngài, bao gồm tất cả các tín hữu thuộc xã hội hữu hình ở trần gian cũng như cộng đoàn thiêng liêng trên trời. Đức Giêsu đã thiết lập và hằng nâng đỡ Giáo hội như dấu chỉ và khí cụ ân sủng của Ngài được trao ban cho muôn dân (Số 1, 8).

Phần lớn nội dung Hiến chế tập trung vào những vai trò và đặc sủng khác nhau của các thành phần trong Giáo hội – giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ – và cách thế để các chi thể chung bước trên đường lữ hành, làm chứng cho Đức Kitô trong thế gian bằng đời sống nên thánh, mời gọi người khác gia nhập hàng ngũ của mình và tiến tới sự hợp nhất toàn vẹn với Chúa, Mẹ Ngài, cùng toàn thể các thánh trên trời (Số 50).

Hiến chế Lumen Gentium kết thúc bằng việc hướng các tín hữu đến với Đức Maria, như là “chi thể trổi vượt độc đáo nhất của Giáo hội” (Số 53) và là “mẫu gương nhân đức” (Số 65).  Mẹ Maria được cứu chuộc “ cách kỳ diệu” nhờ công nghiệp của Đức Giêsu (ngay cả trước khi Ngài nhập thế) và “được rước lên trời”, là thụ tạo đầu tiên được hưởng hoa quả cứu chuộc của Đức Kitô. Mẹ tự do chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở thành mẹ của Đức Kitô và cộng tác với Ngài. Do đó, thật chính đáng khi gọi Mẹ là “Mẹ các chi thể của Đức Kitô,” vì mẹ chuyển cầu cho tất cả mọi người và dẫn họ đến con của Mẹ (Số 53, 60-65).

Bối cảnh

Bức tranh toàn cảnh Giáo hội trong hiến chế Lumen Gentium bao gồm các văn kiện giáo hoàng trước đây, vốn chỉ tập trung vào các đặc điểm cụ thể. Ví dụ, thông điệp Satis Cognitum (của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, ban hành 29 tháng 6 năm 1896) tập trung vào sự hợp nhất của Giáo hội, hay thông điệp Mystici Corporis (của Đức Giáo hoàng Piô XII, ban hành 29 tháng 6 năm 1943) xác định Giáo hội với Thân thể Đức Kitô như trong giáo huấn của thánh Phaolô. Những ý tưởng trọng tâm của cả hai văn kiện này có thể được tìm thấy trong hiến chế Lumen Gentium.

Có rất nhiều ảnh hưởng trên hiến chế Lumen Gentium - bao gồm quan điểm nhận xét của tất cả các giám chức về các lược đồ từ năm 1962 đến năm 1964 – tuy nhiên nổi bật nhất là hai ảnh hưởng sau đây. Thứ nhất, Hiến chế về Giáo hội Pastor Aeternus (1870) của Công đồng Vatican I đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí các nghị phụ của Vatican II. Pastor Aeternus tập trung vào một khía cạnh dễ dàng nhận thấy của Giáo hội là chức vụ và quyền lực của giáo hoàng. Một cách xem xét về Giáo hội đầy đủ hơn đã được đề ra nhưng chiến tranh và các vấn đề  chính trị đã làm gián đoạn Vatican I. Do đó, các nghị phụ tại Công đồng Vatican II muốn lấp vào khoảng trống ấy với hiến chế Lumen gentium, đặc biệt là mối quan hệ của giáo hoàng với các giám mục (xem nhất là Chương 3).

Ảnh hưởng lớn thứ hai cần đề cập ở đây đó là Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã triệu tập Công đồng Vatican II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Mặc dù Giáo hoàng Gioan  XXII đã qua đời (3 tháng 6 năm 1963) trước khi Lumen Gentium được ban hành, nhưng người kế vị ngài là Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, đón nhận chỉ thị của vị tiền nhiệm là giáo huấn của Công đồng Vatican II nên thiên về cách tiếp cận mục vụ, mở ra với điều tốt lành của thế giới (bao gồm các tôn giáo khác) và chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ Giáo hội hoặc lập trường bảo thủ đối với những người ngoài Công giáo, thì các nghị phụ của Công đồng Vatican II đã tìm cách trình bày niềm hy vọng tràn đầy và tầm nhìn và ý nghĩa của Giáo đối với các thành phần cũng như người ngoài Giáo hội.

Nội dung

Bản văn sau cùng của hiến chế Lumen Gentium đã  trình bày thành công  một bức tranh toàn diện và năng động về Giáo hội. Trong đó, độc giả nắm được nhiều yếu tố về Giáo hội: chẳng hạn bốn đặc tính của Giáo hội (duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền), bảy bí tích và những vai trò khác nhau của các thành phần Giáo hội. Nhưng tất cả các yếu tố này nhằm làm sáng tỏ bản chất của Giáo hội như một đoàn dân trên đường lữ hành qua dòng lịch sử dưới sự lãnh đạo của Chúa Kitô để được hiệp thông trọn vẹn với Ngài trên thiên đàng.

Ơn cứu độ thế giới là ý nghĩa chính yếu của hiến chế Lumen Gentium, vì bởi Đức Kitô thành lập Giáo hội để tiếp tục công trình cứu độ của Ngài. Qua việc nên thánh và làm chứng của các thành phần/ chi thể, Giáo hội không chỉ đón  nhận mà còn phân phát ân sủng của Chúa Kitô, đồng thời hướng về Ngài như Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Hiến chế Lumen Gentium dạy rằng mỗi “người môn đệ Đức Kitô đều có bổn phận truyền bá đức tin” để những người khác cùng được cứu rỗi (số 17). Cần lưu ý rằng không phải cứ là thành phần của Giáo hội là bảo đảm có ơn cứu độ, vì dù đã hoàn toàn gia nhập Giáo hội nhưng không kiên trì sống trong đức ái “thì vẫn không được cứu độ” (số 14). Và, bất kể là thành viên hay người ngoài Giáo hội đều có thể bị ma quỷ gạt gẫm (số 16). Do đó, mọi người có bổn phận truyền giáo.

Giáo hội là một xã hội hữu hình ở trần gian bao gồm giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ. Vì tất cả đều nên một trong Đức Kitô, nên họ cùng sẻ chia “sự bình đẳng đích thực” (số 32) và tham gia vào sứ mệnh của Đức Kitô tùy theo vai trò của mình. Mỗi người được rửa tội đều là tư tế, tiên tri và vương đế, được Đức Kitô kêu gọi để dâng của lễ, rao giảng Tin mừng và phục vụ người lân cận. Tuy nhiên, mỗi thành phần có một phận vụ khác nhau.

Các thành viên giáo sĩ được kêu gọi tham dự chức tư tế thừa tác. Họ có trách nhiệm chủ tọa cử hành phụng vụ, giảng dạy Tin mừng và cai quản Hội thánh. Các thành viên giáo dân được hưởng chức tư tế cộng đồng hoặc hay tư tế qua phép rửa, cũng chia sẻ sứ mệnh cứu độ của Giáo hội. Tuy nhiên, giáo dân có ơn gọi đặc biệt là trở thành men trong xã hội, tìm kiếm thánh ý Chúa trong các công việc trần thế và làm chứng nhân cho Đức Giêsu. Các tu sĩ có thể thuộc  thành phần  giáo sĩ hay giáo dân, nhận được ân huệ đặc biệt sống theo các lời khuyên Phúc âm của Đức Kitô: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.

Khi mỗi thành phần cố gắng hoàn thành vai trò của mình, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, mục tiêu Nước trời trở nên rõ ràng hơn cho họ và cho những người mà họ làm chứng.

Lời mời gọi

Vì Giáo hội bao gồm nhiều thành phần khác nhau, thi hành các phần vụ đa dạng,  hiến chế Lumen Gentium nêu khá rõ rằng “tất cả các Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống  hay địa vị nào đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo” hay nói cách khác, tất cả đều được mời gọi  nên thánh (số 40).

Nên thánh không phải là việc đón nhận ân sủng Thiên Chúa một cách thụ động. Đúng hơn, đó là sự đáp trả tích cực để “giữ gìn và hoàn thành trong đời sống mình sự thánh hóa mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa” (số 40). Nên thánh không chỉ dành riêng cho “các tu sĩ” (các nữ tu và linh mục, v.v.). Đó là lối sống bình thường cho bất cứ ai tìm cách bước theo Đức Kitô, và nó đòi hỏi phải vun đắp mối tương quan với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện hàng ngày, thực hành bác ái và tham gia vào đời sống Giáo hội (dĩ nhiên, nên thánh như vậy là kết quả sống chứng nhân cho Chúa Giêsu).

Đức Maria là một mẫu gương. Người ta có thể nghĩ rằng nhờ những biệt sủng được Chúa trao ban mà Mẹ dễ dàng nên thánh. Nhưng, Kinh thánh gợi lên một cách khác. Việc Đức Maria tự do vâng phục Thiên Chúa để trở thành Mẹ của Đức Giêsu đã đặt Mẹ vào những cảnh huống khó khăn. Thánh Giuse đã tính chuyện ly hôn Mẹ, Mẹ phải trốn khỏi quê hương mình để bảo vệ hài nhi mới sinh, và chứng kiến cảnh hành quyết dã man con trai mình. Không ai biết hết những điều Mẹ phải chịu đựng. Nhưng qua Kinh thánh, chúng ta cũng biết rằng, nhờ đức tin và vâng phục, Mẹ đã chịu đựng cho đến khi Thiên Chúa rước Mẹ lên trời.

Lời mời gọi nên thánh mà mỗi người môn đệ chia sẻ là: đặt niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa, đón nhận những ân sủng được Đức Kitô ban qua Giáo hội do quyền năng Chúa Thánh Thần, kiên trì yêu mến và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Nhóm dịch lớp Thần học I chuyển ngữ từ Oursundayvisitor.com