×

Giỏ hàng

Một Kho tàng trường tồn: Hiến chế Dei Verbum và mặc khải của Thiên Chúa
Lượt xem:72   Ngày đăng: 2024-09-26 20:03:58

MỘT KHO TÀNG TRƯỜNG TỒN: HIẾN CHẾ DEI VERBUM VÀ MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

David Werning

“Quả thế, các lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như xưa Ngôi Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như con người.” – Dei Verbum, số 13 (DV 13)

Hiến chế Dei Verbum (“Lời Chúa”, ban hành ngày 18/10/1965), văn kiện về Mặc khải của Thiên Chúa của Công đồng Vatican II là hiến chế ngắn nhất trong bốn hiến chế của Công đồng, chỉ vỏn vẹn 26 số. Tuy nhiên, sự ngắn gọn này đi ngược với lời công bố đầy cảm hứng, đáng kinh ngạc.

Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu, nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (DV 2).

Nói cách khác, chính Chúa Cha mời gọi “các thụ tạo đến cùng hợp nhất trọn vẹn với Ba Ngôi Diễm Phúc” (GLHTCG, số 260). Những người đón nhận ân ban này chấp nhận phép rửa và từ nay “ăn ở cho xứng với Tin mừng của Đức Kitô. Nhờ các bí tích và kinh nguyện, họ nhận được ân sủng của Đức Kitô và những hồng ân của Thần khí Người, làm cho họ có khả năng thực hiện điều đó” (GLHTCG, số 1692).

Bối cảnh

Người ta có thể nghĩ rằng Tin mừng như việc Thiên Chúa ước mong được ở cùng với thụ tạo của Người đã hình thành một nền tảng vững chắc và thống nhất, để viết nên Hiến chế Dei Verbum, nhưng thực tế không bắt đầu như thế. Văn kiện này được biên soạn qua bốn phiên họp Công đồng từ 1962 đến 1965. Nó đòi hỏi nhiều bản thảo và sự can thiệp của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, người kế vị khi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII mất ngày 3 tháng 6 năm 1963.

Hai vấn đề tranh luận liên tục trì hoãn việc hoàn thành Hiến chế. Một là luận cứ hay tranh cãi liên quan đến tầm quan trọng tương đối của Thánh truyền và Thánh kinh về sự lưu truyền mặc khải của Thiên Chúa, như thể là hai nguồn tách biệt. Một bên đặt Thánh truyền – giáo lý, đời sống và phụng tự của Giáo hội truyền từ các Tông đồ đến các Giám mục, những người giữ gìn, trình bày và phổ biến bằng việc rao giảng (GLHTCG, số 78 và 81)- là tối thượng. Họ nghĩ làm như thế sẽ ngăn cản việc tấn công các tín điểu, như tín điều Mẹ hồn xác lên trời. Những người ủng hộ Thánh kinh thì nhận thấy Thánh kinh mới là nền tảng chính yếu cho sự hiệp nhất. Bản thảo cuối cùng đã giải quyết luận cứ này khi tuyên bố mặc khải chỉ là một thực tại: “Thánh Truyền và Thánh Kinh làm thành kho tàng thánh thiêng duy nhất lưu trữ Lời Chúa” (GLHTCG, số 10)…“đều xuất phát từ một nguồn mạch thần linh” (số 9).

Một tranh luận khác trong suốt thời gian soạn thảo là định nghĩa “sự không sai lầm”. Sự nan giải của vấn đề là Kinh thánh có thể được xem là “không sai sót” trong khi bất kỳ độc giả nào cũng có thể chỉ ra các yếu tố lịch sử và khoa học [trong các trình thuật] rõ ràng là không chính xác. Hiến chế Dei Verbum đã minh giải vấn đề này bằng cách chứng minh Kinh thánh dạy “về chân lý mà Thiên Chúa muốn Thánh kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” (DV 11). Kinh thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa về khoa học hay lịch sử; nó không nhằm dạy những vấn đề này. Đúng hơn, Kinh thánh công bố chân lý của Thiên Chúa, và sử dụng nhiều thể văn khác nhau gắn liền với các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử cụ thể.

Dù mất ba năm để có được một bản thảo cuối cùng, các giám mục tại công đồng đã đưa ra một văn kiện sâu sắc trong Dei Verbum [Hiến chế về Mặc khải của Thiên Chúa] giúp các tín hữu hiểu rõ cách thức Thiên Chúa “trong tình yêu chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đến sống với họ để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (DV 2).

Nội dung

Trên hết, Hiến chế dạy rằng mặc khải của Thiên Chúa là mặc khải của chính Ngài “được thực hiện bằng những hành động và lời nói” (DV 2), và đỉnh cao của toàn bộ mặc khải là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời trở thành xác phàm, đã hoàn thành công trình cứu độ Chúa Cha giao phó cho Ngài thực hiện (xem DV 4). Qua cuộc sống, cái chết, sự phục sinh và việc cử Thánh Thần đến, Chúa Giêsu đã xác nhận “Thiên Chúa ở với chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, cho chúng ta sống lại để được sống đời đời” (DV 4).

Thiên Chúa đã “không ngừng minh chứng về chính mình” qua các thụ tạo (DV 3), để họ thấy rõ “quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người” (Rm 1,20). “Con người có thể nhận biết cách chắc chắn về Thiên Chúa từ các thụ tạo” (DV 6). Hơn nữa, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nguyên tổ loài người, và Ngài dạy dỗ dân Israel “để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật,” Cha của họ (DV 3). Sau cùng, vào những ngày sau hết, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến như sự tròn đầy của mặc khải để “chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai mới nào khác nữa” cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm (DV 4).

Thiên Chúa đã muốn mặc khải “được lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ” (DV 7). Bởi thế, Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể và Ngôi Hai Thiên Chúa đã sai các tông đồ truyền lại những gì các ông đã nhận lãnh nơi Ngài cho mọi người. Sứ vụ này bao gồm những tương tác của họ với Chúa Giêsu – lời nói, hành động, phép lạ, giáo huấn của Chúa và việc Ngài hoàn tất những gì đã tiên báo và sự ứng nghiệm nơi các ngôn sứ.  Bằng nhiều cách khác nhau, các tông đồ đã truyền lại những gì Chúa Giêsu dạy dỗ họ, qua việc giảng dạy, rao giảng, thư từ, bằng gương sống, việc phụng thờ Chúa Kitô và bằng các thể chế do các ngài thiết lập. Cuối cùng, để mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Kitô được lưu truyền cho muôn thế hệ, các tông đồ đã để lại những người kế vị sứ vụ của họ là các giám mục (DV 7-8).

Theo Hiến chế Dei Verbum, sự lưu truyền mặc khải của Thiên Chúa được bảo tồn qua “ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa”, Đấng giao nhiệm vụ cho các giám mục là những thầy dạy đức tin, giải thích xác thực Lời của Thiên Chúa dưới hình thứcbản văn hoặc hình thức Thánh truyền. Nhiệm vụ giảng dạy, hay huấn quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó là nhờ lắng nghe Lời Chúa, bảo tồn và giải thích “bởi ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần,” Đấng mà họ phải cố gắng nhường bước trước. Các giám mục vẫn là những tôi tớ Lời Chúa và giảng dạy với năng quyền khi họ rao giảng những điều được truyền lại (DV 10).

Đối với Kinh thánh, toàn bộ thư quy mà Giáo hội biết đến nhờ qua Thánh truyền, đến mức Giáo hội sơ khai dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần đã xác định là các sách thánh đích thực, Hiến chế Dei Verbum dạy rằng các sách này được viết ra dưới sự linh hứng của cùng một Thánh Thần. Do đó, Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh thánh, dù rằng Ngài đã dùng những tác giả con người với tất cả năng lực và khả năng của họ (nhờ tài năng và công sức của họ) để ủy thác cho họ “viết ra những gì Chúa muốn và chỉ những điều đó mà thôi” (DV 11). Hơn nữa, chính Thiên Chúa là tác giả nên bảo đảm tính không sai lầm của Thánh kinh.

Cựu ước chứa đựng lời chân thật của Thiên Chúa, chuẩn bị và tuyên bố lời ngôn sứ về ngày Đức Kitô xuất hiện. Tân ước bày tỏ những điều Cựu ước hướng tới: mầu nhiệm trọn vẹn của Chúa Giêsu, lời nói và việc làm, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, việc trao ban Chúa Thánh Thần và việc quy tụ Giáo hội lại với nhau. Bốn sách Tin mừng Matthêu, Maccô, Luca và Gioan “mà Giáo hội không ngần ngại khẳng định tính lịch sử” (DV 19), mang một địa vị trổi vượt trong Tân ước vì tập trung vào đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu.

Bất kỳ ai tiếp cận với Kinh thánh cần lưu tâm đến cách thức các sách được viết ra, tức là thông qua việc Thiên Chúa sử dụng các tác giả là con người. Vì thế, người ta cần tìm hiểu ý nghĩa chủ ý của các tác giả, cả  Thiên Chúa lẫn con người. Điều này có nghĩa là cần chú ý đến văn thể, lối hành văn, bối cảnh văn hóa lịch sử và quan trọng là “nội dung và tính duy nhất của toàn thể Sách Thánh” và Thánh truyền. Nhưng cuối cùng, mọi giải thích đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Giáo hội (DV 12).

Lời kêu gọi

Qua Hiến chế Dei Verbum, các giám mục trong Công đồng Vatican II khích lệ mọi tín hữu tiếp cận Thánh kinh cách rộng rãi và thường xuyên, và hơn nữa, chính các giám mục cũng ân cần lo liệu sao cho có một bản dịch thích hợp và đúng nghĩa (DV 22). Lý do là Chúa nói với con cái Ngài qua Kinh thánh, nên Kinh thánh cần có sẳn cho càng nhiều người càng tốt (DV 21).

Chúng ta ngỏ lời với Chúa khi cầu nguyện. Chúng ta lắng nghe Ngài khi đọc Kinh thánh (DV 25). Khi chúng ta bước sâu vào mối tương quan mà Thiên Chúa mời gọi này, thì chính Chúa nuôi dưỡng tâm trí, củng cố và thiêu đốt lòng con người yêu mến Thiên Chúa để chúng ta sẵn sàng thông phần vào bản tính thần linh của Ngài (DV 23).

 

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Oursundayvisitor.com (30/6/2022)