MỘT CÁI NHÌN SƠ LƯỢC VỀ ĐỘNG TỪ “THẤY” TRONG Ga 20,1-8
Lm. Gioakim Nguyễn Quốc Nam
Khi đọc về trình thuật “Ngôi Mộ Trống” trong Tin Mừng Thứ Tư, đặc biệt trong Mùa Phục Sinh, chúng ta thấy có ba nhân vật được tác giả nói đến: Maria Magdala, Phêrô và Người Môn Đệ Kia. Cả ba nhân vật này được đề cập với một động từ mà các bản dịch tiếng Việt dịch là “thấy”: Maria Magdala thấy tảng đá được lăn khỏi mồ (c.1); Phêrô thấy những băng vải và khăn che đầu (c. 7); Người Môn Đệ Kia thấy những băng vải còn ở trong mồ (c.5) và Người Môn Đệ Kia đã thấy và đã tin (c.8). Bỏ qua một bên tất cả những từ ngữ, hình ảnh mang tính biểu tượng quan trọng trong trình thuật Ga 20,1-8 này, trong giới hạn nội dung bài viết này, người viết chỉ trình bày những “cấp độ” thấy trong Tin Mừng Thứ Thư, đặc biệt thể hiện qua ba nhân vật trong đoạn trích này mà thôi.
Đầu tiên, trong Tin Mừng Thứ Tư, tác giả dùng bốn động từ Hy Lạp để nói về việc “nhìn, xem, thấy”: θεάομαι, θεωρέω, βλέπω (ἀναβλέπω, ἐμβλέπω), ὁράω. Những động từ này được tác giả dùng nhiều lần trong tác phẩm của mình với nhiều sắc thái nghĩa phong phú và đa dạng.
Trong Ga 20, 1-8 Maria Magdala đi đến mộ từ tảng sáng và βλέπω tảng đá được lăn ra khỏi mồ. Động từ được dùng ở đây là một cái nhìn, một việc thấy theo nghĩa thể lý.[1] Như thế đây là một cái nhìn theo nghĩa sự kiện: thấy một sự việc trước mắt đang diễn ra: tảng đá đã được lăn khỏi mồ, ngoài ra không còn một “tầng nghĩa” nào ẩn đằng sau đó nữa. Cho nên Maria Magdala mới vội vàng chạy đi gặp các Tông Đồ để kể về sự kiện đó.
Tiếp đến trình thuật tiếp tục với việc Phêrô và Người Môn Đệ Kia đi ra mộ, nhưng kẻ trước người sau. Người Môn Đệ Kia đến trước, ông cúi xuống nhìn vào mồ và cũng βλέπω, nghĩa là một sự thấy thể lý giống như Maria Magdala. Ông chỉ thấy những băng vải còn ở đó, và ông không vào, ông chờ Phêrô.
Đến lượt Phêrô, ông đến mồ sau, ông không đợi, ông vào thẳng trong mồ, ông θεωρέω cũng là một sự thấy thể lý[2] nhưng với sự chăm chú liên tục không ngừng.[3] Như thế, ở đây chúng ta nhận thấy một sự chuyển biến về tầng nghĩa nơi động từ mà tác giả Tin Mừng Thứ Tư dùng: từ một cái nhìn phớt qua, ít chăm chú, đến một cái nhìn chăm chú hơn. Nhờ cái nhìn chú ý liên tục này, Phêrô nhận thấy nhiều điều hơn: ông thấy những băng vải vẫn còn để ở trong mồ, ông thấy khăn che đầu được xếp ngay ngắn và không để lẫn với các thứ khác, nhưng được để riêng ra một nơi (c.7).
Bước chuyển biến quan trọng nhất được xuất hiện nơi Người Môn Đệ Kia – Người Môn Đệ được Chúa Giêsu thương mến (c.2): ông đi vào trong mồ, ông đã ὁράω và đã tin. Động từ này xuất hiện tám mươi sáu lần trong Tin mừng Thứ Tư. Trong trường hợp Ga 20,8 này: đây là một hành động thấy trong mối tương quan dẫn đến đức tin. Người Môn Đệ được Chúa yêu này đã thấy những gì trong ngôi mộ trống và ông đã tin.[4] Trường hợp thấy và tin (ὁράω καί πιστεύω) xuất hiện đối với trường hợp của Người Môn Đệ Chúa yêu ở đây và nơi Thánh Tôma khi ngài đòi thấy dấu đinh ở tay, đòi xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa Phục Sinh (Ga 20, 25) và sau đó khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ngài để cho phép ngài làm tất cả những chuyện mà ngài mong muốn, ngài lập tức tuyên xưng đức tin, và Chúa nói: vì Tôma đã ὁράω nên Tôma mới tin.
Cả Người Môn Đệ Chúa yêu và Tôma đều thấy rồi mới dẫn đến tin nhưng hai trường hợp khác biệt nhau: một đàng chỉ cần thấy những dấu chỉ, còn một đàng lại muốn thấy chính Đấng Phục Sinh.
Như thế, ở đây người viết nhận thấy, qua cách tiến triển của việc sử dụng động từ thấy trong đoạn Ga 20, 1-8 đã diễn tả một tiến trình Đức tin của một người môn đệ: từ những sự việc có thể thấy được một cách thể lý, đến những sự việc vẫn thấy được bằng con mắt thể lý nhưng cần sự chăm chú, đến việc hình thành nên một Đức tin qua con mắt thiêng liêng. Ở đây có thể liên hệ giữa Ga 20,8 về việc người môn đệ Chúa yêu đã “thấy và tin” với câu Ga 1,39 khi Chúa Giêsu kêu mời hai môn đệ của Gioan Tiền Hô là “hãy đến mà xem” (ἔρχεσθε καὶ ὄψεσθε) hay dịch sát là “hãy đến mà thấy” nhưng thấy gì thì tác giả không nói. Cho đến lúc này, với Ga 20,8 người môn đệ ấy đã thấy điều cần thấy và chính điều đó đã khiến ông tin.
[1] X. Lê Minh Thông, Nghe và Thấy trong Tin Mừng Gioan (Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2019), 26.
[2] X. Sđd, 24.
[3] X. Frederick William Danker, A Greek – English Lexicon of The New Testametn and Other Early Christian Literature (Chicago and London: The University of Chicago Press, 2000), 454.
[4] X. Lê Minh Thông, Sđd, 33.