HOÁN CẢI VÌ SỰ HĂNG SAY NÔNG CẠN
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật III Thường niên B.
Gn 3,1-10, 1Cr 7,29-31, Mc 1,14-20.
Tiếp nối chủ đề “kêu gọi và đáp trả” của tuần trước, các bài đọc Chúa nhật Thường niên III giới thiệu thêm một yếu tố mới cho chủ đề này. Lòng thương xót của Chúa lớn lao đến nỗi những ai đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa phải mở rộng tâm trí mới hiểu được. Đây là ý nghĩa cổ điển của “sự hoán cải”, trong tiếng Hy Lạp là metanoia nghĩa là “sự thay đổi tâm trí”. Chúng ta rất dễ nghĩ rằng lòng thương xót của Thiên Chúa cũng giới hạn và tầm thường như của chúng ta. Những người “thưa vâng” với Thiên Chúa phải biến đổi tâm trí của mình và từ bỏ hiểu biết nông cạn về công trình của Thiên Chúa.
Tuần vừa qua, nước Mỹ đã tổ chức lễ tưởng niệm một trong những ngôn sứ thời hiện đại của họ là mục sư Martin Luther King, Jr. Giữa những biến động của phong trào dân quyền, tiếng nói ngôn sứ của ông trong lá thư viết từ phòng giam ở thành phố Birmingham, Alabama đã xuyên thấu nền chính trị, thần học và bản sắc người da màu của đất nước. Bản cáo trạng đạo đức gay gắt nhất của ông không nhắm vào quyền hành của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mà ông đang chống lại cho bằng nhắm vào những người “tốt” đang im lặng trước những áp bức. “Sự hiểu biết nông cạn từ những người thiện chí còn khó chịu hơn là sự hiểu lầm hoàn toàn từ những người có ác ý” (Lá thư từ Nhà tù Birmingham của Martin Luther King, Jr.). Một vài đoạn phía sau, ông dùng những cụm từ gợi lại các bài đọc tuần này: “trong thế hệ này, chúng ta sẽ phải ăn năn sám hối không chỉ vì những lời nói và hành động cay nghiệt của kẻ xấu mà còn vì sự im tiếng đầy kinh khủng của những người tốt”. Mục sư Martin Luther King ngày nay vẫn được kính trọng trên toàn thế giới vì niềm tin nơi sự công bình của Thiên Chúa cho phép ông nói lên một ý thức đạo đức phổ quát mà mọi người đều có thể hiểu được.
Giôna, vị ngôn sứ xuất hiện trong bài đọc I là một minh hoạ khác về sự hẹp hòi và sự biến đổi. Giôna là một nhân vật tiêu biểu, một con người phản ánh bản sắc và thái độ của dân Israel vào khoảng năm 400 TCN. Ông là người phát ngôn bất đắc dĩ cho Thiên Chúa, nhất là vì ông được cử đi tiên báo tai họa cho thành Ninivê, thủ đô của những kẻ xâm chiếm Israel và là nơi đại diện cho mọi thứ tội lỗi thuộc về “các quốc gia” ngoài Israel. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của Giôna về kế hoạch của Thiên Chúa, một nơi đầy dẫy sự gian ác như vậy lẽ ra phải bị diệt vong, và dân Israel công chính sẽ nhận được ơn lành từ Thiên Chúa. Sau nhiều thập kỷ bị áp bức, trong khi kẻ ác dường như phồn vinh thì dân Israel chết ngạt dưới sự chèn ép của quân chinh phạt, “những kẻ xấu” (trong tâm trí Giôna) đã ăn năn và nhận ra rằng Thiên Chúa luôn tha thứ (xem Gn 3,10)! Ngôn sứ Giôna đã biết Thiên Chúa của Israel là Đấng nhân hậu vô cùng (x. Gn 4,2), và mặc dù ông thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng chính ông vẫn cần hoán cải để đón nhận sự chăm sóc nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho những kẻ xấu ngoài dân Israel. Việc Chúa “hối tiếc” về hình phạt mà Ngài dành cho Ninivê là một thực tế khó hiểu đã thử thách tâm hồn Giôna.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ với lời kêu gọi sám hối và thay đổi nhận thức: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Tiếp nối lời loan báo này, có hai nhóm môn đệ khác nhau đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Simon và Anrê “bỏ lưới” để theo lối sống mới này (Mc 1,18). Các con trai của ông Dêbêđê, Giacôbê và Gioan đã “bỏ cha mình ở lại trên thuyền” và đi theo Chúa Giêsu (Mc 1,20). Những thay đổi tư duy mà mỗi cá nhân này trải qua thật ấn tượng và là điểm nổi bật của đoạn Tin mừng này. Những con người “tiêu biểu” này từ bỏ những trụ cột nền tảng của thực tại xã hội của mình, bỏ lại nghề nghiệp và gia đình. Sự hy sinh này phải được đền đáp bằng một điều gì đó quan trọng để cân xứng với sự hy sinh đã bỏ ra. Chúa Giêsu đã hứa như vậy, vì “nước Thiên Chúa đã gần đến” (Mc 1,15).
Nơi ngôn sứ Giôna, chúng ta thấy rằng việc nắm giữ một hiểu biết hạn hẹp về lòng thương xót phổ quát của Thiên Chúa đòi hỏi sự hoán cải thực sự. Trong Tin mừng Máccô, các môn đệ đã hy sinh đời sống quen thuộc với gia đình và nghề nghiệp của mình. Những tiếng nói ngôn sứ trong các bài đọc Chúa nhật tuần này tiếp tục thách đố cộng đoàn Kitô hữu nhận thức sâu sắc hơn về hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới. Cho dù đây là sự hiểu biết bao quát hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa hay những chân trời rộng lớn hơn về tính cách của người môn đệ, các bài đọc Chúa nhật thách đố chúng ta hãy sẵn sàng can đảm đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có đôi khi cảm thấy đi theo Đức Kitô là việc không cần thiết không?
Liệu tôi vẫn có thể cầu nguyện để thay đổi tâm trí, để hoán cải và tin rằng Thiên Chúa đang hành động không?
Ngay lúc này, ai là người đang cần lời cầu nguyện để cảm thấy được an nghỉ nơi Thiên Chúa khi làm việc để thăng tiến nhân loại?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (18/01/2024)
Tin liên quan