×

Giỏ hàng

Dự án Thần Linh: Tạo dựng và Lý trí
Lượt xem:356   Ngày đăng: 2023-12-15 20:53:39

DỰ ÁN THẦN LINH: TẠO DỰNG VÀ LÝ TRÍ

Joseph Ratzinger [1]

Chủng sinh Phêrô Nguyễn Thành Công chuyển ngữ từ Church Life Journal

 

 

Khi bắt đầu thiết lập một số tiêu chuẩn giải thích trình thuật tạo dựng cũng như đưa ra một lối tiếp cận thần học để giải thích Kinh thánh nói chung, chúng ta đã đưa ra hai tiêu chuẩn cụ thể: thứ nhất, phải đọc Kinh thánh như một lộ trình toàn bộ và đầy đủ; thứ hai, chính xác hơn, Cựu ước và Tân ước đều soi sáng cho nhau trong suốt lộ trình này. Và điều này có ý nghĩa cụ thể cho chúng ta là Kitô hữu: đó là chúng ta đọc Kinh thánh với Đức Kitô. Ngài hướng dẫn chúng ta xuyên suốt toàn bộ Kinh thánh, và nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra cái gì là hình ảnh và đâu là nội dung đích thật, bền vững của một đoạn Kinh thánh.

Đồng thời, Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi sự ràng buộc sai lầm vào chủ nghĩa văn tự [việc giải thích theo nghĩa đen], và đảm bảo cho chúng ta tìm ra một chân lý Kinh thánh tốt nhất, đích thực và không thể tùy tiện thay thế, là chân lý không tan biến trong sương mù của những lời lẽ đạo hạnh làm vừa lòng nhau nhưng luôn là nền tảng vững chắc để chúng ta đứng vững.

Đối với phát hiện đầu tiên, mang tính cấu trúc hơn - mặc dù nó cho chúng ta biết khá nhiều về hành động của Thiên Chúa trong suốt lịch sử, cũng như khả năng tiếp cận, tính dễ hiểu và khả năng cảm nhận được hành động này - sau đó, chúng ta đã thêm một kết luận cụ thể, tuy nhiên, tôi đã đưa ra kết luận này theo cách dự đoán nhiều hơn: cụ thể là niềm tin tạo dựng, như chúng ta hiểu được nhờ đọc toàn bộ Kinh thánh, là hợp lý. Mặc dù lý trí có thể không tự mình đạt được niềm tin này, nhưng gợi lên và tìm thấy nơi niềm tin câu trả lời mà lý trí đang tìm kiếm, đồng thời niềm tin giúp lý trí có những nhận thức riêng được sắp xếp phù hợp trong toàn thể. 

Lý lẽ nơi tạo dựng và lý lẽ của Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi về sự hữu lý của tạo dựng. Trong bài nói chuyện đầu tiên [in trong tuyển tập The Divine Project], chúng ta hầu như đồng thuận rằng bản văn này (St 1) cho chúng ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng [thế giới]. Sự tạo dựng của một thế giới ngẫu nhiên không tự hiện hữu và không tự giải thích được, đòi hỏi phải có sự tạo dựng tự hữu để giải thích cho bất kỳ cái gì không tự hữu, đòi hỏi một sự tạo dựng tự chính nó để giải thích cho bất kỳ thứ gì không phải tự chính nó.

Mặc dù nhận thức triết học này tự nó khá hữu lý, nhưng vào thế kỷ XIX, nó hoàn toàn không được xem là đặc biệt hiển nhiên, một quan điểm có lẽ được nhiều người ngày nay cùng chia sẻ. Vào thế kỷ XIX, bạn biết rằng khoa học tự nhiên được đặc biệt biết đến với hai định luật quan trọng về bảo toàn, định luật bảo toàn vật chất và bảo toàn năng lượng. Tuy nhiên, do tác động đáng kể của hai định luật bảo toàn này lên hình ảnh con người có về thiên nhiên và thế giới, toàn bộ vũ trụ được cho là luôn tồn tại, bị chi phối bởi các định luật bất biến của tự nhiên, mà cuối cùng không cần thêm những giả thuyết hay câu hỏi nào, nhưng hiện hữu tự nó và không cần bất kỳ thứ gì bên ngoài nó. Vũ trụ đơn giản là ở đó, đã trọn vẹn. Đây là điều khiến Laplace nói rằng ông không còn cần đến giả thuyết về Thiên Chúa; tức là theo ông: “Nếu chỉ cần có thể giải thích điều này điều kia, thì chúng ta sẽ không cần đến giả thuyết Thiên Chúa nữa”. Nhưng những điều đó dường như đã có đó rồi.

Nhưng sau đó chúng ta đạt được những khám phá mới. Một trong những phát hiện này là định luật entropy[2], cho rằng năng lượng khi đã được tiêu thụ, sẽ chuyển hóa sang một trạng thái khác và không thể phục hồi. Điều này có nghĩa là thế giới đi theo một tiến trình hình thành và kết thúc, với thời gian tính được ghi trong chính cấu trúc của nó. Sau đó, người ta đi đến khám phá rằng vật chất có thể chuyển hóa thành năng lượng, và dựa trên hai khám phá này, định luật bảo toàn tự chúng bị thay đổi. Cuối cùng, sự xuất hiện của thuyết tương đối và nhiều khám phá khác đã cho thấy rằng thế giới đã có sẵn những đồng hồ tích hợp (built-in timepieces), có thể nói như vậy và do đó chúng ta có thể thấy rằng thế giới có khởi đầu và kết thúc, một khoảng thời gian từ khởi đầu đến kết thúc. Ngay cả nếu thời gian này mở rộng đến vô tận và các nhà khoa học đưa ra những niên đại ngày càng xa xưa hơn, thì sự hiểu biết về sự tồn tại của vũ trụ về cơ bản là tạm thời trong tự nhiên vẫn cho phép chúng ta nhận ra một lần nữa, xuyên qua bóng tối của hàng tỷ năm, khoảnh khắc mà Kinh thánh đề cập đến như là sự khởi đầu. Và sự khởi đầu đó cho thấy một Đấng có quyền năng biến sự hiện hữu thành hiện thực, Đấng đã phán “hãy có” và đã có. Hay nói cách khác, một lần nữa chúng ta phải phân biệt giữa bất tất là tự bản chất hiện hữu rồi biến mất và tất yếu.

Điều thứ hai cần xem xét là càng khám phá vũ trụ, chúng ta càng tìm thấy một loại lý do trong đó có những con đường mà chúng ta cố gắng đi theo. Ngày nay, ngay cả còn có ý tưởng ngày càng phổ biến từ Mỹ, đó là giả thuyết cho rằng vũ trụ do con người xác định (anthropically determined) [3] – nghĩa là, chỉ cần một khác biệt cực nhỏ trong những điều kiện ban đầu của vũ trụ cũng có thể đã làm con người không thể tồn tại. Nhưng khi mọi thứ diễn ra, dường như đã có một loại quyết định nào đó tác động trong tiến trình mà cuối cùng vũ trụ đã tuân theo. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta hãy tiếp tục và tạm gác lại giả thuyết đó. Mọi thứ mà chúng ta đang tìm hiểu, từ điều nhỏ bé nhất đến điều to lớn nhất, đều cho phép chúng ta có thể nhìn mọi sự một cách mới mẻ, và các công thức khoa học, như có thể nói, là cơ hội để chúng ta ngẫm nghĩ về Trí tuệ Sáng tạo mà từ đó chúng ta có lý trí. 

Ở đây, tôi luôn muốn nhắc đến những lời bất hủ của Albert Einstein, ông từng nói những định luật tự nhiên cho thấy “một trí tuệ vượt trội đến mức, so với nó, mọi suy nghĩ và hành động có tính hệ thống của con người là một suy tư hoàn toàn không đáng kể”. Ngày nay, ai cũng biết rằng điều này không đưa Einstein đến một khái niệm về một Thiên Chúa ngôi vị, và tất nhiên, ở đây chúng ta không đề cập đến một thần học đã phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, những gì ông nói biểu hiện một nguyên tắc mà toàn bộ khoa học dựa vào, đó là tư tưởng con người, theo cách sơ sài của nó, có thể chiêm ngắm một Lý trí luôn vĩ đại vượt xa lý trí của chúng ta, một Lý trí hiện hữu trước chúng ta và cũng giúp cho năng lực lý trí của chúng ta.

Chúng ta có thể nhận ra một Lý trí vĩ đại và quyền năng gắn kết vũ trụ lại với nhau nơi những vật thể to lớn tạo nên thế giới các vì sao và những thiên thể khác. Và khi chúng ta thâm nhập sâu hơn vào những điều nhỏ nhất, vào từng tế bào, vào những đơn vị nguyên thủy của sự sống, thì nơi đó chúng ta cũng khám phá ra sự hữu lý đáng kinh ngạc, đến nỗi ngày nay tôi cho rằng chúng ta không còn có thể nói thánh Bonaventura chỉ đơn thuần là đạo đức; đúng hơn, ngài cũng có lý, tôi có thể thêm là ngài theo sát truyền thống các sách Khôn ngoan, khi nói “Ai không nhìn thấy tất cả điều này là mù. Ai không nghe thấy tất cả điều này là điếc. Ai không bắt đầu thờ phượng và ca tụng Trí tuệ Sáng tạo dựa vào tất cả những điều này là câm”.

Cho phép tôi liên hệ đến một ví dụ khác, có thể gọi là đến từ “phía bên kia”; nó gần giống một câu chuyện cười, nhưng theo ý kiến của tôi, nó cũng là một câu chuyện có tác động mạnh. Như nhiều người biết, Jacques Monod[4] nhất quyết bác bỏ mọi niềm tin vào Thiên Chúa vì xem đó là phản khoa học, và trong một tác phẩm ấn tượng, ông cho rằng nguồn gốc vũ trụ là do tác động qua lại giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Tuy nhiên, cũng trong cuốn sách này, dịch từ tiếng Pháp và tóm tắt thế giới quan của ông, ông kể lại cách François Mauriac, sau khi tham dự những bài thuyết trình mà cuối cùng hình thành nên phần cơ bản của cuốn sách, được cho là đã nói: “Điều mà vị giáo sư này [J. Monod] muốn gây ra cho chúng tôi còn khó tin hơn nhiều so với điều mà những Kitô hữu đáng thương chúng tôi từng mong đợi phải tin”.

 

Chính Monod nói rằng Mauriac thật sự đã đúng – điều đó thậm chí còn khó tin hơn, nhưng thật không may, nó lại đúng về mặt khoa học. Quả thật, luận đề của Monod mà chúng ta sẽ trở lại trong bài thuyết trình tiếp theo, là “buổi hòa tấu tổng thể về thiên nhiên sống động” –chính xác như cách ông diễn đạt– “hoàn toàn xuất phát từ những sai sót và âm thanh chỏi, những thanh âm lớn tiếng chói tai, kết hợp với nhau cách kỳ diệu trong một buổi hòa tấu”. Vì vậy, chính ông thừa nhận –và sự thành thật này khiến tác phẩm của ông rất ấn tượng– bản thân ý niệm như vậy thật vô lý; nhưng ông nhấn mạnh phương pháp khoa học buộc chúng ta gạt ra như là phản khoa học bất kỳ câu hỏi nào có thể dẫn đến Lý trí sáng tạo nếu không có cách nào khác để trả lời. Tôi nghĩ đây là chỗ cho thấy một định nghĩa nhất định về phương pháp khoa học được cho là không hợp lý, và như vậy cũng là phản khoa học, vì khoa học được cho là liên hệ đến lý trí.

Vì vậy, khi thấy những rắc rối của sự phân tích ngược lại ở trên (counter-experiment), giờ đây dựa vào sự hiểu biết chúng ta có thể nói là khi quan sát tính hữu lý của tạo dựng, điều chúng ta thấy là chính Thiên Chúa đang nhìn lại chúng ta. Những người như Manfred Eigen và những người khác đã nỗ lực cho thấy cơ hội ngẫu nhiên là hợp lý, khi sử dụng lý thuyết trò chơi (game theory[5]) và những lý thuyết tương tự để thanh minh chính bản chất bất hòa hợp của cơ hội ngẫu nhiên. Tuy nhiên, tôi không cho rằng về cơ bản họ có thể thay đổi chẩn đoán của Monod. Về khía cạnh này, có thể nói rằng vật lý và sinh học, nói chung là các ngành khoa học tự nhiên, miễn là vẫn trong lãnh vực riêng của chúng, không cho thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa –thật vậy, một vị Thiên Chúa như thế [mà khoa học tự nhiên phát hiện được] chỉ có thể là một vị Thiên Chúa bị giảm thiểu rất nhiều. Tuy nhiên, trong chính những hạn chế mà những ngành khoa học tự nhiên có thể cho biết, và những gì chúng ám chỉ đến, chúng thực sự đã cung cấp cho chúng ta điều mà tôi thấy là một trình thuật mới về tạo dựng, chưa từng nghe nói đến, một trình thuật với những hình ảnh vĩ đại và mới mà nhờ đó chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng Tạo Hóa, vị Thiên Chúa hành động, nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng ngay từ lúc khởi đầu và hình thành mọi hữu thể thì đã có Trí tuệ Sáng tạo. Thế giới không phải là sản phẩm của bóng tối và sự vô nghĩa. Nó xuất phát từ trí tuệ, tự do và vẻ đẹp là tình yêu. Và khi nhìn thấy điều này, giữa tất cả những kinh hoàng của thế giới, chúng ta có can đảm tiếp tục sống sống và được thêm sức mạnh để tự tin bước vào cuộc phiêu lưu của đời sống.

Vì thế điều tôi mong muốn là khai triển nhiều hơn dòng suy tư này của bài thuyết trình trước. Chúng ta vẫn còn nhiệm vụ phải tiếp tục là cố gắng hiểu chính xác ý nghĩa cách nói “Thiên Chúa hành động”. Đối với những suy tư này, tôi muốn thêm vào một bước nữa như đã đề cập. Cho đến nay, tôi đã cố gắng làm sáng tỏ rằng các trình thuật tạo dựng trong Kinh thánh đưa ra một cách nói về thực tại khác với cách chúng ta biết từ vật lý và sinh học. Và đây là cách các trình thuật nhắm đến, chứ không phải chỉ những gì chúng ta nói bây giờ, giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn. Các trình thuật tạo dựng không mô tả quá trình sự vật xuất hiện hay cấu trúc toán học của thế giới; đúng hơn, bằng nhiều cách khác nhau, điều các trình thuật nói cho chúng ta là chỉ có một Thiên Chúa. Thế giới không phải là cuộc chiến giữa những thế lực tối tăm và mờ ảo nhưng là sự tạo dựng của một Thiên Chúa duy nhất.

Sự thật đằng sau những hình ảnh

Tuy nhiên điều này lại đưa chúng ta đến một câu hỏi khiến tôi luôn bận tâm, kể cả từ lúc còn là sinh viên đại học: Có phải đây là tất cả những gì chúng ta còn lại từ những chương này cũng như tất cả những bản văn khác về tạo dựng trong Kinh thánh? Ở đây chúng ta không đòi hỏi quá nhiều từ các hình ảnh phải không? Tôi sẽ nói, không, đây không phải là tất cả những gì chúng ta còn lại. Dù trong trường hợp nào, nếu chúng ta chấp nhận rằng những bản văn này chủ yếu liên quan đến việc truyền tải thông điệp căn bản này, điều đó không có nghĩa là những phân đoạn riêng lẻ của bản văn Kinh thánh – tức là những hình ảnh khác nhau mà chúng ta tìm thấy trong đó – bây giờ chỉ chìm vào vô nghĩa, không để lại gì trong chúng ta ngoài những hình ảnh mới, đoạn trích trần trụi này. Những hình ảnh riêng lẻ cũng diễn tả sự thật, ngay cả nếu tất cả chúng không diễn tả theo cùng một cách; nhưng một lần nữa sự thật này khác với loại sự thật mà chúng ta quen thuộc trong vật lý và sinh học. Chúng diễn tả sự thật theo cách những biểu tượng, giống như một cửa sổ kiểu Gothic có thể truyền đạt những điều cực kỳ sâu sắc nhờ hiệu ứng ánh sáng xuyên qua nó, qua các dấu hiệu và biểu tượng được trang trí trên đó. 

Bây giờ, tôi thật sự muốn chúng ta tập trung vào lối tiếp cận có hệ thống đối với những vấn đề này và đừng để bị cuốn theo việc chú giải, vì vậy hãy để tôi nhấn mạnh hai điểm chính ở đây.

Trước hết, nét đặc trưng của trình thuật tạo dựng trong Kinh thánh là việc sử dụng các con số. Tuy nhiên, những con số này không phản ánh cấu trúc toán học của thế giới, nhưng đúng hơn là khuôn mẫu bên trong được đan dệt vào chính trong kết cấu của nó, có thể nói như vậy – ý tưởng trên đó nó được xây dựng. Nổi bật là các con số ba, bốn, bảy, và mười; và bây giờ, tôi chỉ muốn tập trung vào hai con số, bảy và mười. Những từ “Thiên Chúa phán” xuất hiện mười lần trong trình thuật tạo dựng. Và vì đây là một trình thuật có chủ ý cẩn thận, chúng ta có thể nói chắc rằng không có sự trùng hợp ở đây. Đúng hơn, bằng việc để cho Thiên Chúa phán mười lần trong trình thuật tạo dựng – mười lời của Thiên Chúa – trình thuật này đã cho thấy trước Thập giới tức Mười Điều răn. Như thế, nó đã nhắm đến tính thống nhất nội tại của một hành động duy nhất của Thiên Chúa trong tạo dựng và lịch sử, một hành vi phán dạy duy nhất của Ngài, do đó mặc khải cho chúng ta một vị Thiên Chúa, Đấng nói thay cho lịch sử trong chính khuôn mẫu tạo dựng. Nó cho phép thấy rằng “mười lời” mà chúng ta gọi là Mười Điều răn, thực chất không khác gì tiếng vang của tạo dựng. Chúng không phải là những sáng kiến tùy tiện muốn đặt ra những rào cản trên tự do con người, nhưng là những dấu chỉ nhắm đến tinh thần, ngôn ngữ và ý nghĩa của tạo dựng. Vì thế, chúng là bản dịch ngôn ngữ vũ trụ, bản dịch luận lý của Thiên Chúa, mà thế giới này mong đợi. Đó là số mười. Có thể nói Thập giới, Mười Điều răn chỉ là một bản dịch của Lời nội tại của chính việc tạo dựng và của hành vi phát xuất từ nó, vốn hiện diện bên trong tạo dựng và không lấn át hành động của chúng ta.

Số còn lại là số bảy, chiếm ưu thế trong cả trình thuật tạo dựng. Quả thật, lược đồ bảy ngày khiến người ta không thể bỏ qua mức độ kỹ lưỡng của toàn bộ trình thuật được định hình bởi số bảy. Số bảy là số ngày trong một chu kỳ mặt trăng và vì thế xuyên suốt trình thuật này chúng ta biết được nhịp điệu của mặt trăng cũng biểu lộ nhịp điệu của cuộc sống con người. Rõ ràng là con người chúng ta không bị mắc kẹt bên trong cái “tôi” nhỏ bé của chính mình, nhưng chúng ta là một phần của nhịp điệu vũ trụ; một cách nào đó chúng ta cũng có thể học hỏi từ các tầng trời về nhịp điệu, chuyển động cuộc sống của chính mình bằng cách hòa hợp bản thân với lý lẽ vốn có trong vũ trụ.

Tôi tin rằng điều này rất quan tọng. Cuộc sống nhân sinh không ngừng mở ra với vũ trụ; chúng ta không bị vướng bận nơi những thứ ở trần gian, nói chi đến những chuyện riêng và một chút ít công việc chúng ta làm; đúng hơn, toàn bộ vũ trụ gắn kết trong một chu kỳ nhịp nhàng mà từ đó xuất phát nhịp sống của chúng ta, và bằng cách tham dự vào nhịp điệu này, chúng ta hoàn tất thế giới như chúng ta phải làm.

Nhưng, sau đó Kinh thánh đẩy ý tưởng này xa thêm một bước. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng theo một nghĩa sâu sắc hơn, nhịp điệu của các thiên thể diễn tả nhịp đập của một Trái tim tạo nên các tầng trời và con người, cũng như của tình yêu Thiên Chúa tự biểu hiện trong các thụ tạo này.

-----------------------

 

[1] Đây là đoạn trích từ tuyển tập những bài giảng chưa được công bố trước đây của Joseph Ratzinger: Kế hoạch thần linh: Suy tư về Tạo dựng và Giáo hội.

[2] Định luật entropy là định luật thứ hai của nhiệt động lực học do nhà vật lý người Đức Rudolf Clausius đề xuất vào năm 1850. Entropy mô tả mức độ mất trật tự của một hệ thống. Entropy của hệ càng lớn thì mức độ mất trật tự của hệ càng cao. Theo đó, trong một hệ kín, bất kỳ quá trình tự phát nào cũng sẽ làm cho entropy tổng thể của hệ tăng lên hoặc không đổi. Vũ trụ của chúng ta xét tổng thể là một hệ kín, tức là không có năng lượng và vật chất đầu vào hay đầu ra từ bên ngoài. Trong hệ này, theo thời gian, mọi cấu trúc có trật tự trong vũ trụ (như các ngôi sao, hành tinh, sự sống, v.v.) sẽ dần trở nên mất trật tự và vũ trụ sẽ đạt đến trạng thái chết nhiệt, ở trạng thái này, không tồn tại năng lượng và vật chất hữu ích, không tồn tại sự sống hay trí tuệ. Đây là ngày tận thế của vũ trụ được dự đoán bởi định luật entropy. [ND].

[3] Được biết đến qua nguyên lý vị nhân. Đây là một khái niệm triết học khẳng định rằng những định luật của tự nhiên và các thông số của vũ trụ phải phù hợp với sự hiện hữu của sự sống có trí tuệ, nếu không sẽ không có người quan sát có trí tuệ nào để quan sát các định luật này. Nguyên lý này được Robert Dicke đề xuất đầu tiên vào năm 1957, và từ đó được nhiều triết gia, thần học gia và khoa học gia phát triển và làm cho tinh tế hơn. [ND] (Có thể tham khảo thêm tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Anthropic_principle )

[4] Jacques Lucien Monod (9/2/1910-31/5/1976) là một nhà sinh hoá người Pháp. Ông đạt giải Nobel về sinh lý học và y học năm 1965. Monod và Francois Jacob nổi tiếng với công trình nghiên cứu về Mô hình điều hoà Operon Lac phát hiện ở vi khuẩn E.Coli (the Escherichia coli lac operon), nó mã hoá các protein cần thiết cho việc chuyển dịch và phân huỷ đường lactose (một loại cacbohidrat có rất nhiều trong sữa hoặc các thực phẩm chế biến từ sữa như pho-mát, sữa chua).

Kiểm soát ôpêron - khám phá đầu tiên về chức năng operon - là một loại điều hòa gen cho phép các sinh vật điều chỉnh sự biểu hiện của các gen khác nhau tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Operon này gồm ba gen cấu trúc liền kề nhau, một promoter, một terminator (vùng kết thúc) và một operator. Các operon lac được điều hòa bởi một số yếu tố; một trong số đó là môi trường có sẵn glucose và lactose không. Operon có thể được kích hoạt bởi allolactose. Lactose liên kết với protein ức chế và giải ức chế việc phiên mã của gen. Đây là một ví dụ về mô hình giải ức chế gen

[5] Lý thuyết trò chơi (Game theory) là mô hình để nghiên cứu các tình huống mang tính mâu thuẫn mà trong đó các bên tham gia sẽ lựa chọn các hành động khác nhau để cố gắng làm tối ưu hóa các kết quả nhận được. Ngày nay, nó được áp dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt là trong kinh tế, chính trị, lý luận, khoa học máy tính,... Vì thế, người nào nắm rõ được các quy tắc và áp dụng hiệu quả Lý thuyết trò chơi sẽ có nhiều khả năng nâng cao được quyền lực, địa vị trong xã hội, cũng như kiếm và tiết kiệm được nhiều tiền hơn.