CƯ DÂN HỎA NGỤC
Dulles, Avery S.J. “The Population of Hell.” First Things 133 (May 2003): 36-41.
https://www.firstthings.com/article/2003/05/the-population-of-hell.
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ
Bài viết bàn về đề tài hỏa ngục khi nhìn lại quan điểm nơi Tân ước, truyền thống, những suy luận của thế kỷ XX, những tranh luận hiện nay và đặt câu hỏi có bao nhiêu người có thể ở hỏa ngục sau khi chết. Nơi các sách Tin mừng, Đức Giêsu nhiều lần nói về hỏa ngục. Trong khi giảng dạy, Ngài đề cập đến hai khả năng cuối cùng của cuộc sống con người: một là hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trước nhan Chúa và hai là chịu hình phạt đời đời xa cách Thiên Chúa. Ngài mô tả số phận của những người bị án phạt qua nhiều hình ảnh ẩn dụ như: lửa không hề tắt, giòi bọ không hề chết, chỗ tối tăm bên ngoài, cơn khát cực hình, khóc lóc nghiến răng. Giáo huấn Giáo hội thường xuyên ủng hộ ý tưởng có hai loại người: những người được cứu độ và những kẻ bị án phạt. Bài viết lưu ý rằng việc tìm biết số người ở hỏa ngục là điều vô ích. Nhiều lời nói của Đức Giêsu cho chúng ta cảm tưởng rằng có nhiều người hư mất.
Đôi khi chúng ta nghe phàn nàn rằng không còn ai giảng về hỏa ngục nữa. Đề tài hỏa ngục nếu không hấp dẫn thì ít ra nó cũng thật thú vị. Bất kì ai đọc cuốn Inferno (Hỏa ngục) của Dante hay Paradise Lost (Thiên đường đã mất) của Milton đều có thể chứng thực. Cũng có câu hỏi không kém thú vị và thực sự cấp thiết hơn nhiều, đó là có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ ở hỏa ngục sau khi chết.
Qua các sách Tin mừng chúng ta biết Đức Giêsu đã nhiều lần nói về hỏa ngục. Khi rao giảng, Đức Giêsu đưa ra hai và chỉ hai khả năng cuối cùng của đời người: một là hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa, hai là đau khổ đời đời khi vắng bóng Thiên Chúa. Đức Giêsu mô tả số phận của những kẻ bị án phạt hỏa ngục bằng nhiều hình ảnh khác nhau: lửa không bao giờ tắt, chỗ tối tăm bên ngoài, cơn khát giày vò, giòi bọ rúc rỉa, và khóc lóc nghiến răng.
Trong dụ ngôn chiên và dê, Đức Giêsu cho biết có một số người sẽ bị kết án. Con Người phán với những người phía bên dê rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41). Trong Tin mừng Gioan, dù ít đề cập về hỏa ngục, Đức Giêsu có nói: “Vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người [Cha] và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29).
Các tông đồ quan tâm đến vấn đề này là điều dễ hiểu khi họ đặt câu hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Không trực tiếp trả lời, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,23–24). Trong đoạn song song nơi Mátthêu, Đức Giêsu nói: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13–14). Trong một dụ ngôn ngay sau cuộc trao đổi này về những người cố gắng đến dự tiệc cưới, Đức Giêsu lại nói rằng: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính! Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng” (Lc 13,27–28). Trong một dụ ngôn khác về khách dự tiệc cưới bị đuổi ra ngoài vì không mặc trang phục xứng hợp, Đức Giêsu tuyên bố: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14). Những đoạn trích dẫn này rõ ràng tạo nên cảm tưởng là có hỏa ngục, và số người ở hỏa ngục nhiều hơn số người được cứu thoát.
Tân ước không cho chúng ta biết cụ thể người nào ở hỏa ngục. Nhưng khó có thể hiểu theo một cách khác một số lời tuyên bố về Giuđa. Đức Giêsu đã gìn giữ tất cả những ai Chúa Cha đã ban cho Ngài, ngoại trừ đứa con hư hỏng (x. Ga 17,12). Ở chỗ khác, Đức Giêsu gọi Giuđa là quỷ (x. Ga 6,70), và một lần nữa Ngài nói về ông: “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (x. Mt 26,24; Mc 14,21). Nếu Giuđa nằm trong số những người được cứu, thì những tuyên bố này hầu như không đúng. Nhiều vị thánh và tiến sĩ Giáo hội, gồm cả thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô, đã coi việc Giuđa bị đày xuống hỏa ngục như là một chân lý được mặc khải. Một vài giáo phụ thì kể Nêrô vào cùng nhóm với những người tội lỗi phải xuống hỏa ngục, nhưng lại không đưa ra những danh sách dài với tên tuổi như Dante sẽ làm.
Những chỗ nói về hình phạt sau khi chết trong phần còn lại của Tân ước chỉ đơn giản xác nhận giáo huấn của các sách Tin mừng. Trong Công vụ Tông đồ, Phaolô nói rằng những người được định để hưởng sự sống đời đời đã tin vào lời rao giảng của ngài, trong khi những người không tin đã tự coi mình là không xứng đáng hưởng sự sống đời đời (Cv 13,46–48). Thư thứ nhất của thánh Phêrô chất vấn: “Nếu người công chính còn khó được cứu độ, thì người vô đạo, kẻ tội lỗi sẽ ở đâu?” (1Pr 4,18). Khải huyền dạy rằng có một hồ lửa, ở đó Satan và những kẻ theo hắn sẽ bị hành hạ suốt đời, và có chỗ viết rằng: “Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Kh 21,8).
Các chứng từ của Phaolô thì phức tạp. Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân nói về sự phán xét của Thiên Chúa sắp xảy đến, trong đó Đức Giêsu sẽ giáng phạt “những kẻ không chịu nhận biết Thiên Chúa và những kẻ không vâng theo Tin mừng của Chúa chúng ta là Đức Giêsu. Những kẻ ấy sẽ lãnh án diệt vong muôn đời, xa thánh nhan Chúa” (1Tx 1,9–10). Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Phaolô nói rằng những người Do Thái không ăn năn sám hối sẽ phải chịu cơn thịnh nộ dành cho họ vào ngày phán xét (Rm 2,5). Khi viết thư cho các tín hữu Côrintô, ngài phân biệt giữa những người đang được Tin mừng cứu thoát và những người đang trên đà hư mất vì không chấp nhận Tin mừng (1Cr 1,18). Trong nhiều bản văn, Phaolô đưa ra một loạt danh sách những thứ tội khiến con người bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa (1Cr 6,9–10; Gl 5,19–21; Ep 5,3–6). Và ngài nói với các tín hữu Philipphê: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2,12).
Một số đoạn trong các thư của Phaolô có lối giải thích lạc quan hơn, nhưng cũng khó có thể sử dụng để minh chứng rằng mọi người đều được cứu độ. Trong Rm 8,19–21, Phaolô nói trước rằng “chính các thụ tạo sẽ được giải thoát khỏi sự trói buộc của cảnh hư nát và có quyền chung hưởng tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa,” nhưng bản văn dường như nói đến thế giới tự nhiên, chứ không nói rằng tất cả mọi người sẽ đạt tới tự do vinh quang như đang đề cập. Trong 1Cr 15,28, Phaolô nói mọi sự cuối cùng phải phục tùng Đức Kitô, nhưng ngài không ngụ ý rằng sự phục tùng đó mang ý nghĩa cứu độ. Có lẽ ngài muốn nói là quyền lực ma quỷ cuối cùng sẽ bị đánh bại. Trong Pl 2,9–10, thánh nhân dự đoán rằng cuối cùng mọi đầu gối sẽ bái quỳ và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Kitô. Nhưng đây không phải là một lời tuyên xưng xuất phát từ đức ái. Trong các sách Tin mừng, ma quỷ nhìn nhận và tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nhưng chúng vẫn không được cứu độ.
Theo tôi, cũng vô ích khi viện dẫn những đoạn nói rằng kế hoạch của Thiên Chúa là hòa giải mọi sự trong Đức Kitô (Ep 1,10; Cl 1,19–20). Mặc dù đây chắc chắn là ý định của Thiên Chúa, nhưng Ngài không phủ nhận quyền tự do cho phép con người chống lại thánh ý Chúa. Tương tự, cũng không hữu ích gì khi nại đến lời tuyên bố rằng Thiên Chúa “muốn mọi người được cứu và nhận biết sự thật” (1Tm 2,4). Phaolô rõ ràng là đang tìm cách thôi thúc lòng nhiệt thành tông đồ của những nhà truyền giáo sẽ mang chân lý cứu độ của Đức Kitô đến cho tất cả những ai chưa tin. Sự cần thiết tuyệt đối của đức tin để được cứu độ là chủ đề thường được nhắc đến trong các thư của Phaolô. Vậy tôi thấy không có lý do gì để xếp Phaolô vào số những người theo thuyết tất cả mọi người được cứu độ [universalists].
Giáo huấn vững bền của Giáo hội Công giáo ủng hộ ý tưởng có hai nhóm người: những người được cứu độ và những kẻ bị án phạt. Ba công đồng chung của Giáo hội (Lyon I, 1245; Lyon II, 1274; và Florence, 1439) và Tông hiến Benedictus Deus (Ơn phúc kiến Thiên Chúa, 1336) của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XII dạy rằng tất cả những ai chết trong tình trạng tội trọng thì tức khắc sẽ gánh chịu hình phạt đời đời nơi hỏa ngục. Niềm tin này đã tồn tại mà không gặp bất kì chất vấn nào trong Giáo hội Công giáo cho đến ngày nay, và được lặp lại gần như nguyên văn trong Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (SGLHTCG số 1022, 1035). Một số công đồng địa phương vào thời Trung cổ, rõ ràng không muốn định nghĩa thêm, nói phớt qua rằng một số người thực sự chết trong tình trạng tội và bị án phạt đời đời.
Không có con số tương đối những người được chọn và những kẻ bị án phạt trong bất kỳ tài liệu nào của Giáo hội, nhưng vấn đề này đã trở thành chủ đề thảo luận của các nhà thần học. Trong số các giáo phụ Hy Lạp thì thánh Irênê, thánh Basiliô và thánh Cyrilô thành Giêrusalem là những vị tiêu biểu trong việc giải thích những đoạn như Mt 22,14 theo nghĩa là phần lớn sẽ bị đày xuống hỏa ngục. Vị tiến sĩ xuất sắc của truyền thống Đông phương là thánh Gioan Kim khẩu thì tỏ ra rất bi quan: “Trong số hàng ngàn người, không có đến một trăm người sẽ được cứu độ, và tôi thậm chí không chắc chắn về con số này, có quá nhiều sự hư hỏng nơi người trẻ và quá nhiều sự bất cẩn nơi người lớn.”
Thánh Augustinô có thể được coi là đại diện của các giáo phụ Tây phương. Trong cuộc tranh cãi với Crêcôniô thuộc phái Đônatô, thánh nhân dựa vào Tin mừng Mátthêu và Khải huyền để minh chứng là có một số đông người được cứu độ, nhưng ngài cho rằng số lượng đó không vượt qua số người bị hư mất. Trong Quyển 21 của tác phẩm City of God (Thành đô Thiên Chúa), trước tiên ngài phi bác ý tưởng cho rằng tất cả mọi người đều được cứu độ, sau đó ngài cũng không chấp nhận ý tưởng là tất cả những người rửa tội cũng như tất cả mọi người Công giáo rửa tội, và cuối cùng là tất cả những người Công giáo rửa tội, trung thành với đức tin, đều được cứu độ. Dường như ngài giới hạn ơn cứu độ cho các tín hữu đã rửa tội mà xa tránh tội trọng hoặc là những người, sau khi phạm tội, đã ăn năn và hòa giải với Thiên Chúa.
Những tác giả Kinh viện lỗi lạc thời Trung cổ cũng không có thái độ lạc quan hơn. Thánh Tôma Aquinô, người đại diện hàng đầu của thời kỳ này, trong Summa Theologiae (Tổng luận Thần học) đã dạy rõ ràng rằng Thiên Chúa phạt một số người phải sa hỏa ngục. Ít lâu sau, ngài lại tuyên bố chỉ có Thiên Chúa mới biết số người được chọn. Tuy nhiên, thánh Tôma đưa ra lý do để nghĩ rằng con số này tương đối ít. Vì bản tính con người đã bị hư hoại, và vì ân sủng vĩnh cửu là một món quà vượt xa khả năng và công trạng của mọi loài thụ tạo, nên có lẽ hầu hết mọi người hiếm khi đạt được cùng đích đó.
Các nhà thần học hàng đầu của thời kỳ Barốc cũng theo quan điểm đó. Franciscô Suarez, trong khảo luận về sự tiền định, đã thẳng thắn đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người được cứu độ? Dựa vào Tin mừng Matthêu, thánh Gioan Kim khẩu, thánh Augustinô, và thánh Giáo hoàng Grêgôriô, Suarez đã ước tính như sau. Nếu như đặt câu hỏi về mọi người sinh sống từ khi tạo dựng cho đến ngày tận thế, thì số người bị án phạt hỏa ngục chắc chắn vượt quá số người được chọn. Điều này có thể, bởi vì người ta không nhận biết cách đúng đắn về Thiên Chúa trước khi Đức Kitô xuất hiện, và thậm chí từ thời gian đó, nhiều người vẫn còn trong bóng tối. Nếu hạn từ “Kitô hữu” được dùng cho cả những kẻ lạc giáo, ly giáo và những kẻ rửa tội nhưng bội giáo, thì vẫn có vẻ là hầu hết đều bị án phạt đời đời. Nhưng nếu như hỏi về những người đã chết trong Giáo hội Công giáo, Suarez cho rằng phần lớn được cứu độ, vì có nhiều người chết trước khi có thể phạm tội trọng, và nhiều người khác được nâng đỡ nhờ các bí tích.
Suarez có cái nhìn tương đối lạc quan hơn so với các nhà thần học Công giáo khác cùng thời. Chẳng hạn như linh mục Phêrô Canisiô và Hồng y Robert Bellarminô thì cho rằng hầu hết mọi người đều hư mất.
Nhiều nghiên cứu của giới Công giáo được công bố vào đầu thế kỷ XX đã kết luận rằng có một sự đồng thuận thực sự giữa các giáo phụ và các nhà thần học Công giáo sau này đến độ cho rằng phần lớn nhân loại phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Tuy nhiên, ngay cả khi công nhận sự đồng thuận này, thì nó cũng không có giá trị ràng buộc, bởi vì các nhà thần học đã không tuyên bố rằng đây là quan điểm được mặc khải, hay những quan điểm ngược lại là lạc giáo. Cũng như không cho rằng quan điểm đa số mọi người đều được cứu độ mâu thuẫn với giáo huấn có thẩm quyền của Giáo hội.
Ở đây cũng nên đề cập đến ý kiến không đồng tình trong số vài giáo phụ Hy Lạp. Clementê thành Alexandria, Origen, thánh Grêgôriô thành Nazian và thánh Grêgôriô thành Nyssa đôi khi cho rằng cuối cùng dường như tất cả sẽ được cứu độ. Origen, đại diện tiêu biểu nhất cho quan điểm này, thường được cho là đã giảng dạy rằng vào thời sau hết, những kẻ bị án phạt, nay biết ăn năn và được thanh luyện thì sẽ được dự phần vào việc phục hồi của vạn vật (apokatastasis – hoàn nguyên). Ba thế kỷ sau khi Origen qua đời, quan điểm này và một số chủ đề khác của ông đã bị lên án bởi công đồng địa phương Constantinôp do hoàng đế Justinianô triệu tập vào năm 563. Tuy nhiên, ngay cả khi còn sống, Origen tuyên bố rằng những người chống đối đã hiểu lầm hoặc trình bày sai lạc tư tưởng của ông. Một số học giả nổi tiếng suốt nhiều thế kỷ sau đã bảo vệ tính chính thống của Origen về số phận của kẻ bị án phạt. Giáo lý về hỏa ngục đời đời đã được khẳng định chắc chắn ít là từ thế kỷ VII, và không còn tranh luận trong Giáo hội Công giáo.
Khoảng giữa thế kỷ XX, dường như có một sự gián đoạn trong truyền thống. Kể từ đó, một số nhà thần học có ảnh hưởng đã ủng hộ quan điểm cho rằng cuối cùng tất cả mọi người có thể hoặc chắc chắn được cứu độ. Có thể minh họa với một số ví dụ sau.
Trong một loạt bài viết lưu hành trong số bạn bè nhưng chỉ xuất bản sau khi mất, triết gia Jacques Maritain có bài viết gọi là “tiểu luận phỏng đoán” về cánh chung. Trong đó, ông suy tư về khả năng là vào một lúc nào đó thì những kẻ bị án phạt có thể thoát khỏi đau khổ, dù vẫn ở trong hỏa ngục đời đời. Ông hình dung rằng: đáp lại lời cầu khẩn của các thánh, Thiên Chúa một cách nhiệm mầu có thể hoán cải ý muốn của những kẻ bị án phạt từ thù ghét sang yêu mến Chúa. Sau khi được tha thứ, họ sẽ được giải thoát khỏi hình phạt lửa hỏa ngục và được đặt vào một loại lâmbô. Đúng nghĩa thì đây vẫn là hỏa ngục, vì thiếu ơn phúc kiến, nhưng họ sẽ được hưởng niềm hạnh phúc tự nhiên như tình trạng của các trẻ em chết mà chưa được rửa tội. Cuối cùng, ông suy đoán, ngay cả Satan cũng sẽ hoán cải, và lửa hỏa ngục dù vẫn tồn tại nhưng không còn làm khổ các linh hồn. Maritain thừa nhận rằng đây là một phỏng đoán táo bạo, vì nó không được Kinh thánh hay Truyền thống ủng hộ cũng như mâu thuẫn với cách hiểu thông thường trong các bản văn như dụ ngôn về cuộc Phán xét cuối cùng trong Tin mừng Mátthêu. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng có ưu điểm là cho thấy lòng thương xót từ Máu Đức Kitô có thể dành cho mọi thụ tạo thiêng liêng, thậm chí những kẻ ở trong hỏa ngục đời đời.
Karl Rahner, một đại diện khác của khuynh hướng tự do hơn, cho thấy khả năng không ai phải sa hỏa ngục. Ông cho rằng không có một mặc khải rõ ràng về một người nào đó thực sự hư mất. Các bài giảng của Đức Giêsu về chủ đề này dường như có tính cảnh báo hơn là tiên báo. Mục đích là thuyết phục những thính giả bước theo con đường tốt lành và an toàn hơn bằng việc cảnh báo họ về nguy cơ phải sa hỏa ngục đời đời. Theo Rahner, trong khi xem xét khả năng thật sự của án phạt đời đời, chúng ta cũng phải đồng thời duy trì “chân lý về sự toàn năng trong ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, ơn cứu chuộc nhân loại của Đức Giêsu và bổn phận của con người là trông cậy được cứu độ.” Do đó, Rahner cho rằng thực sự có khả năng mọi người được cứu độ.
Lập luận thần học công phu nhất chống lại niềm tin cho rằng một số người thực sự phải sa hỏa ngục, đã được Hans Urs von Balthasar đề ra trong cuốn Dare We Hope “That All Men Be Saved?” (Chúng ta có dám trông cậy “mọi người sẽ được cứu độ?”). Ông bác bỏ ý kiến cho rằng hỏa ngục sẽ trống không vào thời thế mạt và những linh hồn bị án phạt cũng như ma quỷ sẽ được hòa giải với Thiên Chúa. Ông cũng tránh khẳng định là mọi người thực sự sẽ được cứu độ. Nhưng ông nhấn mạnh rằng chúng ta có quyền và thậm chí có bổn phận trông cậy [hope] là tất cả mọi người đều được cứu độ vì không gì là không thể, ngay cả một người tội lỗi tột cùng cũng có thể được ơn Chúa đánh động để hoán cải trước khi chết. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Vì chúng ta có thể chống lại ân ban của Chúa, nên không ai trong chúng ta được xem là an toàn cả. Do đó, chúng ta cần mở ngỏ vấn đề này và trước tiên hãy lo nghĩ về mối nguy hiểm mà chúng ta có thể đối diện.
Trong tác phẩm của mình, có một chỗ Balthasar trích dẫn khá dài Edith Stein, nay là thánh nữ Têrêsa Bênêđicta Thánh giá, người bảo vệ quan điểm rất giống với quan điểm của Balthasar. Thánh nữ cho rằng, vì tình yêu thương xót mọi người của Thiên Chúa ban xuống trên mỗi người, nên tình yêu ấy có thể tạo nên hiệu quả biến đổi cuộc sống của họ. Chừng nào con người mở lòng trước tình yêu ấy, thì họ bước vào lãnh địa của ơn cứu chuộc. Trên cơ sở này, Stein nhận thấy có thể hi vọng rằng có thể nói là tình yêu quyền năng của Thiên Chúa biết cách vượt thắng sự phản kháng của con người. Bathasar đồng ý với quan điểm này của Stein.
Đối với tôi, quan điểm trên của Balthasar có vẻ chính thống. Nó không mâu thuẫn với bất kỳ công đồng chung hay định tín đức tin. Nó có thể dung hòa với toàn bộ Kinh thánh, ít là nếu những lời dạy của Đức Giêsu về hỏa ngục được coi là cảnh báo hơn là tiên báo. Hơn nữa, quan điểm của Balthasar không làm suy giảm nỗi sợ hãi chính đáng về việc phải hư mất, nhưng ít là nó có tính mạo hiểm. Nó đi ngược với ý nghĩa rõ ràng nơi các lời nói của Đức Giêsu trong Tân ước cũng như với các quan điểm thần học thống trị nhiều thế kỷ nay vốn cho rằng, một số và thậm chí là rất nhiều người bị hư mất.
Với các nhà thần học trước đây xác tín rằng chỉ một số ít người được cứu độ, tôi cho rằng phần nào họ dựa trên giả định rằng đức tin vào Đức Kitô, phép rửa và gia nhập Giáo hội là những điều kiện cần thiết để được cứu độ. Hai điều kiện đầu tiên rõ ràng được khai triển từ Tân ước, và điều kiện thứ ba đã được nhiều vị thánh, các công đồng, các vị giáo hoàng và nhiều nhà thần học giảng dạy. Tuy nhiên, những điều kiện này có thể được giải thích rộng hơn cách người ta nghĩ. Trong những thế kỷ gần đây, chúng ta thấy phổ biến các kiểu nói, đức tin mặc nhiên, phép rửa “bằng lòng muốn,” thuộc về Giáo hội trong “tâm hồn,” hoặc bằng ước muốn (in voto). Công đồng Vatican II tuyên bố rằng, tất cả mọi người dù là những người chưa từng nghe Đức Kitô, đều nhận được đủ ân sủng để có thể được cứu độ.
Giáo hội tiếp tục nhấn mạnh rằng đức tin minh nhiên, việc lãnh nhận các bí tích và sự vâng phục Giáo hội là những phương thế cứu độ thông thường. Theo đó, Đức Piô IX trong văn kiện Syllabus of Errors (Bản mục các sai lầm, 1864) lên án đề xuất đó: “Ít ra, chúng ta nên hi vọng về ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai không có cách nào đến với Giáo hội đích thực của Đức Kitô.” Đức Piô XII trong Thông điệp Mystici Corporis (Nhiệm Thể Đức Kitô, 1943) đã dạy rằng ngay cả những người liên kết với Giáo hội bằng ước muốn mặc nhiên – một trạng thái không thể được coi là đương nhiên được hưởng – vẫn còn thiếu nhiều phương tiện quý giá sẵn có trong Giáo hội, và do đó “không thể chắc chắn họ được cứu độ.” Công đồng Vatican II nói rằng bất cứ ai biết rằng Giáo hội Công giáo được Đức Kitô thiết lập là điều cần thiết mà từ chối gia nhập thì không được cứu độ. Nếu chúng ta chấp nhận những giáo huấn này, chúng ta sẽ nhận ra rằng dường như tất cả mọi người đều không đủ điều kiện để được cứu độ.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong cuốn Crossing the Threshold of Hope (Bước qua ngưỡng cửa hy vọng) đã đề cập đến thuyết của Balthasar. Sau khi đặt câu hỏi liệu một Thiên Chúa yêu thương có thể để cho bất kỳ ai bị án phạt đời đời hay không, ngài trả lời: “Tuy nhiên, những lời của Đức Giêsu đã rõ ràng. Trong Tin mừng Mátthêu, Ngài nói rõ những ai sẽ phải chịu hình phạt đời đời (x. Mt 25,46).” Để chứng minh cho đánh giá này, Đức Giáo hoàng đặt một câu hỏi tu từ: liệu Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối công bằng, có thể dung thứ cho những tội ác khủng khiếp và để chúng nhởn nhơ không bị trừng phạt? Hình phạt chung cuộc dường như là cần thiết để thiết lập lại trạng thái cân bằng đạo đức trong lịch sử phức tạp của nhân loại.
Trong buổi Tiếp kiến chung ngày 28/7/1999, Đức Giáo hoàng dường như đã thay đổi quan điểm của mình và tiếp nhận quan điểm của Balthasar. Ngài nói:
Đức tin Kitô giáo dạy rằng khi đánh liều nói “có” hoặc “không” tức là diễn tả tự do của thụ tạo (con người), thì một số đã nói không. Họ là những loài thiêng liêng phản loạn chống lại tình yêu của Thiên Chúa và được gọi là ma quỷ (x. Công đồng Latêranô IV). Điều đã xảy ra cho họ là một lời cảnh báo cho chúng ta: đó là một lời kêu gọi liên tục tránh khỏi thảm trạng dẫn đến tội lỗi và rập đời sống mình theo Đức Giêsu, Đấng đã sống bằng lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa.
Án phạt đời đời vẫn có thể xảy ra, thế nhưng nếu không có sự mặc khải thần linh đặc biệt, chúng ta không thể tự mình biết được có án phạt hay không hoặc ai trong loài người thực sự chịu án phạt này. Ý tưởng về hỏa ngục – dù cho các hình ảnh Kinh thánh có ít được sử dụng thích đáng đi nữa – cũng không được tạo nên nỗi lo âu hay thất vọng, song phải là một nhắc nhở cần thiết và lành mạnh về sự tự do, trong việc loan báo rằng Đức Giêsu Phục sinh đã chiến thắng Satan, Ngài ban cho chúng ta Thánh thần của Thiên Chúa là Ðấng khiến chúng ta kêu lên “Abba, cha ơi!” (Rm 8,15; Gl 4,6).
Câu cuối cùng của đoạn trích đề cập đến niềm trông cậy của các Kitô hữu về ơn cứu độ của chính họ, và không thể dùng nó để ủng hộ bất kỳ lý thuyết cứu độ phổ quát nào. Nhưng câu trước đó ít nhất cho thấy một sự cởi mở với quan điểm cho rằng chúng ta có thể trông cậy là tất cả mọi người được cứu độ.
Mặc dù Đức Giáo hoàng có lẽ đã không còn chỉ trích Balthasar, nhưng một số nhà thần học vẫn còn phản đối. Trong phần bổ sung cuốn sách của Balthasar, chính ông ghi nhận có một người điểm sách đã cáo buộc Balthasar ủng hộ “chủ nghĩa lạc quan cứu độ vốn lan tràn mạnh mẽ ngày nay, nó vừa thiếu thận trọng, vừa là cám dỗ dẫn đến sự thiếu thận trọng.” Tại một hội nghị truyền hình quốc tế do Bộ Giáo sĩ của Tòa thánh tổ chức vào tháng 11 năm 2002, Jean Galot, rõ ràng ám chỉ đến Balthasar, đã nói rằng giả thuyết hỏa ngục nếu chỉ đơn thuần là một khả thể thì “những lời cảnh báo mà Đức Giêsu nhắc đến nhiều lần trong các sách Tin mừng sẽ không còn tác dụng.” Cũng tại hội nghị này, Cha Michael F. Hull ở New York đã tranh luận rằng lý thuyết của Balthasar “tương đương với sự bác bỏ giáo lý về hỏa ngục và phủ nhận ý chí tự do của con người.” Về lãnh vực này, Cha Regis Scanlon, O.F.M. Cap., cáo buộc Balthasar là người theo chủ thuyết tương đối thuộc trường phái Hegel, vì đã “tiêm nhiễm vào lòng người Công giáo những nghi ngờ nghiêm trọng về chân lý của đức tin Công giáo.” Chính Scanlon cho rằng giáo huấn của Giáo hội Công giáo dạy rằng một số người, ít là Giuđa, thực sự hư mất đời đời. Điều này mở đầu một cuộc tranh luận dữ dội giữa hai biên tập viên Công giáo, Richard John Neuhaus và Dale Vree, là những người trở lại Công giáo khi đã trưởng thành.
Neuhaus thổi bùng lên cuộc tranh luận trong First Things số tháng 6–7 năm 2000. Để bảo vệ Balthasar trước Scanlon, ông đã trích dẫn những đoạn trong cuốn Crossing the Threshold of Hope của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và cũng viện đến cuốn sách của chính mình, Death on a Friday Afternoon (Cái chết vào một chiều thứ sáu), trong đó thông qua một số bản văn Tân ước ông lập luận rằng dù không chắc chắn nhưng chúng ta thực sự có thể trông cậy và cầu nguyện cho tất cả mọi người được cứu độ.
Dale Vree trở lại trên New Oxford Review (NOR) với bài viết có tiêu đề “If Everyone Is Saved…” (“Nếu mọi người đều được cứu độ…”) để bảo vệ Regis Scanlon và bác bỏ cách Neuhaus chú giải các bản văn Kinh thánh được trích dẫn. Vree cũng cho biết là đã tìm thấy một phát biểu trong cuốn sách của Neuhaus có thể được hiểu là ngụ ý rằng mọi người sẽ được cứu độ.
Neuhaus trả lời trong First Things rằng sự công kích của Vree dựa trên sự sai lạc. Neuhaus chưa bao giờ giảng dạy một học thuyết nào được gọi là cứu độ phổ quát. Ông chỉ khẳng định chúng ta có thể trông cậy rằng cuối cùng tất cả sẽ được cứu độ. Đến đây vấn đề có lẽ đã kết thúc, nhưng trong NOR số tháng 5 năm 2001, Vree khẳng định ông không hiểu sai tác phẩm của Neuhaus và lặp lại cáo buộc của mình. Sau đó, trong số tháng 7–8 năm 2001, NOR đã đăng một bài bảo vệ Neuhaus của Janet Holl Madigan, đưa ra cáo buộc nghiêm trọng chống lại Vree cũng như chính NOR. Vree đã đáp trả trong cùng số báo.
First Things tháng 8–9 năm 2001, đăng lời đính chính của Neuhaus về những gì ông muốn nói trong cuốn sách của mình. Ông đã đưa ra một trường hợp xuất sắc để khẳng định rằng chúng ta có thể trông cậy và cầu nguyện cho tất cả mọi người được cứu độ. Trong một bài xã luận tháng 10 năm 2001 trên NOR, Vree tạm hài lòng với lời đính chính của Neuhaus, nhưng vẫn phản đối nhiều tuyên bố khác nhau mà Neuhaus đã không rút lại.
Giống như Vree, tôi chấp nhận bản chất của phát biểu cuối cùng trên đây của Neuhaus, nhưng tôi thấy lập luận của ông vẫn có những điểm tối nghĩa. Ông nói rằng một số bản văn của Phaolô (hầu hết trong số đó tôi đã trích dẫn ở trên) “ủng hộ” việc tất cả mọi người được cứu độ. Neuhaus lập luận, nếu chúng ta ưu tiên cho những đoạn văn này, chúng ta phải giải thích những đoạn Tin mừng nói về án phạt hỏa ngục như là “lời cảnh báo và cảnh giác, những lời báo trước nghiêm túc về một điều khủng khiếp có thể xảy đến.”
Neuhaus không nói (và tôi chắc chắn là ông không có ý nói) rằng Phaolô, với những đoạn mà ông trích dẫn, thực sự giảng dạy rằng tất cả mọi người đều được cứu độ. Nếu vậy, Phaolô sẽ biến những lời cảnh báo của Tin mừng thành những lời đe dọa trống rỗng, và sẽ chọn lập trường đối lập với truyền thống vững bền của Giáo hội. Tôi có thể đồng ý rằng những đoạn văn “lạc quan [về cứu độ]” này, nếu được tách riêng ra, thì có thể được giải thích như là diễn tả sự tin tưởng rằng tất cả mọi người sẽ được cứu độ. Nhưng cách giải thích đó không thể chấp nhận được dù chỉ là giải thích ý định của Phaolô, vì nó đi ngược lại với các bản văn khác, mà một số tôi đã trích dẫn ở trên, trong đó Phaolô rõ ràng cho rằng một số người thực sự hư mất. Tóm lại, tôi cho rằng ngay cả khi chúng ta công nhận đầy đủ giá trị nơi những đoạn văn của Phaolô mà Neuhaus trích dẫn, thì những lời cảnh báo của Tin mừng vẫn có thể được hiểu như những lời tiên báo rằng một số người sẽ bị án phạt.
Suy đoán của Neuhaus cũng có thể gây ra tranh cãi khi cho rằng “có lẽ số phận của Giuđa là bị hủy diệt hoàn toàn.” Huấn quyền từ trước đến nay đều dạy rằng những tội nhân không ăn năn sẽ phải chịu hình phạt đời đời. Giuđa phải sa hỏa ngục nếu ông không hoán cải.
Thật không công bằng và không đúng khi buộc tội Balthasar hay Neuhaus là giảng dạy rằng không ai phải sa hỏa ngục. Hai ông công nhận là có thể có một số người hoặc thậm chí nhiều người sa hỏa ngục. Thế nhưng, dựa vào việc Thiên Chúa có khả năng hoán cải bất kỳ tội nhân nào, hai ông khẳng định chúng ta có quyền trông cậy và cầu nguyện cho tất cả mọi người được cứu độ. Một điều gì đó thực sự rất khó xảy ra thì nó cũng không cản trở chúng ta tiếp tục cậy trông và cầu nguyện rằng một ngày nào đó nó sẽ xảy ra. SGLHTCG số 1821 dạy: “Với đức cậy, Hội thánh cầu nguyện cho ‘mọi người được cứu độ’ (1Tm 2,4).” Ở một chỗ khác, số 1058 dạy: “Hội thánh cầu nguyện để không ai bị hư mất.”
Tới đây, người ta có thể hỏi liệu có sự thay đổi nào trong quan điểm thần học Công giáo về vấn đề này hay không. Câu trả lời dường như là có, mặc dù sự thay đổi là không quá gây cấn như một số người tưởng nghĩ. Chủ nghĩa bi quan [về cứu độ] trước đây dựa trên một giả định không xác đáng khi cho rằng đức tin Kitô giáo minh nhiên tuyệt đối cần thiết cho ơn cứu độ. Giả định này đã được điều chỉnh, nhất là với Công đồng Vatican II. Cũng đã có phản ứng lành mạnh chống lại kiểu giảng dạy say sưa mô tả những đau khổ của những người bị án phạt trong ánh sáng khủng khiếp nhất có thể. Ví dụ điển hình là bài giảng hư cấu về hỏa ngục mà James Joyce đã thuật lại trong tác phẩm Portrait of the Artist as a Young Man (Chân dung người nghệ sĩ khi còn trẻ). Kiểu giảng dạy này cổ vũ hình ảnh Thiên Chúa như một bạo chúa tàn ác, không biết yêu thương, và trong một số trường hợp dẫn đến việc hoàn toàn phủ nhận hỏa ngục hoặc thậm chí dẫn đến thuyết vô thần.
Ngày nay, có một sai lầm phổ biến nhiều hơn đó là thuyết lạc quan thiếu suy nghĩ. Khác xa những gì các nhà thần học giảng dạy, lòng đạo đức bình dân rất lôi cuốn, hấp dẫn. Khi không thể nắm bắt được lý lẽ của hình phạt đời đời, nhiều Kitô hữu hầu như mặc định rằng tất cả hoặc gần như tất cả mọi người phải được cứu độ. Thánh lễ cầu cho người qua đời đã biến thành Thánh lễ của sự sống lại, mà đôi khi dường như không phải để cử hành việc Chúa sống lại cho bằng cử hành việc cứu độ của người qua đời, không hề nhắc đến tội lỗi và hình phạt. Mọi người cần được dạy dỗ nhiều hơn để hiểu rằng họ phải kính sợ Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giêsu đã dạy là có thể trừng phạt cả linh hồn và thân xác trong hỏa ngục (x. Mt 10,28).
Việc tìm xem có bao nhiêu cư dân nơi hỏa ngục là một điều vô ích. Thiên Chúa đã khôn ngoan ẩn giấu mọi số liệu thống kê. Một số lời của Đức Giêsu trong các sách Tin mừng cho chúng ta cảm tưởng rằng phần đông sẽ bị hư mất. Không phủ nhận khả năng một số tội nhân sẽ chết mà chưa sám hối đủ, Phaolô dạy rằng ân sủng của Đức Kitô mạnh hơn tội lỗi: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Những đoạn Kinh thánh như thế cho phép chúng ta trông cậy là có rất nhiều người, nếu không nói là tất cả, sẽ được cứu độ.
Như đã nói, thật là tốt khi Thiên Chúa đã không để lại cho chúng ta một thông tin chính xác. Nếu chúng ta biết rằng hầu như tất cả mọi người sẽ bị án phạt, chúng ta sẽ bị cám dỗ đi đến tuyệt vọng. Nếu chúng ta biết rằng tất cả, hoặc gần như tất cả, đều được cứu độ, chúng ta có thể trở thành tự phụ. Nếu chúng ta xác định được số phần trăm sẽ được cứu độ, chẳng hạn như năm mươi, thì chúng ta sẽ đưa mình vào một cuộc tranh đua khủng khiếp. Chúng ta sẽ vui mừng trước mọi dấu chỉ cho thấy những người khác thuộc về số những người hư mất, bởi vì như thế cơ hội chúng ta được chọn sẽ tăng lên. Một tinh thần cạnh tranh như vậy sẽ khó phù hợp với Tin mừng.
Chúng ta không được phép ích kỷ và ngạo mạn tìm kiếm ơn cứu độ cho riêng mình. Chúng ta là những người bảo vệ anh chị em của mình. Chúng ta càng làm việc để mang ơn cứu độ cho người khác, thì chúng ta càng có thể mong đợi nhiều ân huệ của Chúa dành cho mình. Ai trong chúng ta tin tưởng và tận dụng các phương tiện Chúa ban để được tha thứ và để canh tân cuộc sống thì không có việc gì phải sợ. Chúng ta có thể chắc chắn rằng, Đức Kitô, Đấng đã chết trên Thập giá vì chúng ta, sẽ ban những ơn lành cần thiết cho con người. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, và một khi chúng ta kiên vững trong tình yêu thì không gì có thể tách chúng ta ra khỏi Đức Kitô (x. Rm 8,28–39). Đó là tất cả sự đảm bảo mà con người có thể có, và chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ cho chúng ta rồi.
* Các câu trích Kinh thánh lấy từ Nhóm Phiên dịch CGKPV, Kinh thánh ấn bản 2011 (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2011).
Tin liên quan