×

Giỏ hàng

chia sẻ về tầm nhìn của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Lượt xem:183   Ngày đăng: 2024-10-12 15:54:45

CHIA SẺ VỀ TẦM NHÌN CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII

Randall Rossenberg [1]

Chủng sinh Phêrô Nguyễn Thành Công chuyển ngữ từ Daily Theology

Trang “Thần học thường ngày” (Daily Theology) đã mời Randall Rossenberg nói về những động lực thúc đẩy ông viết tác phẩm “Tầm nhìn của Thánh Gioan XXIII” (The Vision of Saint John XXIII) và những điều ông đã khám phá trong suốt thời gian hoàn thành tác phẩm.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày qua đời của Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có suy nghĩ như sau “Sự hướng dẫn khôn ngoan đầy tình phụ tử của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, tình yêu dành cho truyền thống Giáo hội và sự quan tâm đến nhu cầu đổi mới liên tục, trực giác tiên tri của ngài về việc triệu tập Công đồng Vatican II và sự cống hiến cả đời cho sự thành công của Giáo hội đều là những cột mốc quan trọng trong lịch sử Giáo hội ở thế kỷ 20 và là ngọn hải đăng chiếu sáng cho hành trình tương lai”.

Tôi chưa từng nghĩ sẽ viết một cuốn sách về Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Nhờ một chút may mắn, tôi có bài thuyết trình chính tại Hội nghị Học thuật Newman thường niên lần thứ hai với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Robert J. Carlson và các hiệu trưởng, giảng viên khoa thần học cùng nhiều sinh viên của trường Đại học Thánh Louis, Đại học Fontbonne, Học viện thần học Aquinô và chủng viện Kenrick-Glennon. Sự kiện này khởi đầu cho tác phẩm của tôi: “Tầm nhìn của Thánh Gioan XXIII”.

Cuốn sách của tôi không phải là một cuốn tiểu sử về Đức Gioan XXIII. Có rất nhiều sách đã viết tiểu sử của ngài rất hay (xem cuốn tiểu sử (biography) do Massimo Faggioli viết, Gioan XXIII: Phương dược của lòng thương xót!). Thay vào đó, với một cử tọa chung, tôi cố gắng nắm bắt một vài yếu tố chính trong tầm nhìn của ngài (về mục vụ, nối kết với mọi người, đại kết và liên tôn, chính trị, niềm vui và sự hài hước,…).  Nhận thấy hầu hết sinh viên đại học cùng những người ở độ tuổi 30, 40 và 50 phần lớn đều không biết đến Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, nên tôi gợi lại ký ức về ngài,  đặc biệt chú ý nơi các triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bênêdictô XVI và hiện tại là Đức Phanxicô, với hy vọng rằng những nhà giáo dục đại học và nhân viên mục vụ có thể thấy điều này hữu ích.

Tình bằng hữu với thế giới hiện đại

Đức Gioan XXIII đã mở rộng đáng kể nhận thức của người Công giáo (the Catholic imaginary), và sự mở rộng này được minh họa bằng ẩn dụ về tình bạn. Ngài đã giúp điều chỉnh lại một cách đáng kể tương quan của Giáo hội với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của thời đại; cách chúng ta nghĩ về [chức vụ] Giáo hoàng theo hướng truyền giáo nhiều hơn và ít quan liêu hơn (cùng một liều lượng hài hước lành mạnh); về mối quan hệ với những kitô hữu khác, người Do Thái và Hồi Giáo,..; về sự công bằng xã hội và về Giáo hội trên bình diện toàn thế giới. Tôi cho rằng trung tâm của sự tưởng tương Công giáo mà ngài đào sâu là tình thân hữu yêu thương nhưng có phê phán đối với thế giới hôm nay. Như gần đây Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lưu ý  là Đức Gioan XXIII đã tạo nên “tình bạn vững chắc ở khắp nơi”.

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII thường được phác họa như một người tốt bụng, vui tính. Thật vậy, Ngài rất hài hước, với tính cách ấm áp và lôi cuốn. Chắc chắn, ngài có thiên hướng quan tâm đến những gì tạo nên hợp nhất hơn là những gì gây chia rẽ. Ẩn dụ về “tình bạn” có thể giúp chúng ta nhận ra điều này. Nhưng, tình bạn theo nghĩa sâu sắc nhất của nó không chỉ bao gồm sự thích nghi, chấp nhận, nịnh hót hay khiếu hài hước. Thay vào đó, tình bạn có được bằng sự cởi mở với người khác như họ là, bằng cách mong muốn điều tốt đẹp cho người khác; những mối quan hệ này phải gắn với việc cùng nhau thăng tiến đức hạnh, tình yêu thương và khi bị tổn thương, nhưng cũng có thách thức trong sự nghiêm túc và rộng lượng với nhau để xoá bỏ những thành kiến và điều ẩn khuất làm cản trở sự phát triển toàn diện của con người.

Đức Gioan XXIII không mù quáng trước những gì đen tối của lịch sử nhân loại; Ngài từng là tuyên uý quân đội trong Thế Chiến Thứ Nhất và góp phần cứu giúp hàng ngàn người Do thái trong suốt Thế Chiến thứ Hai. Ngài nổi lên trong cương vị Giáo hoàng khi thế giới đang đối mặt với hậu quả của cuộc diệt chủng Holocaust[2], một cuộc chiến tranh toàn cầu đã cướp đi hơn 50 triệu sinh mạng, bom nguyên tử và chiến tranh lạnh. Trong bài phát biểu khai mạc Công đồng, Ngài thừa nhận rằng lịch sử nhân loại là cả “một đám mây đau buồn”  xen lẫn “sự cay đắng trong tương quan con người” và “mối nguy hiểm rình rập từ những cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Nguồn cảm hứng cho đóng góp quan trọng nhất của Ngài về giáo huấn xã hội Công giáo, Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới), có thể khởi đi từ ngày 25 tháng 10 năm 1962, khi Đức Giáo hoàng viết lời kêu gọi đàm phán trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Như thế, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII là một người bạn đầy yêu thương với thế giới hôm nay theo nghĩa sâu sắc nhất của từ “tình bạn hữu”.

Bắt nguồn từ sự hiệp thông của các Thánh

Nếu Đức Gioan XXIII đã đưa Giáo hội vào một cuộc đối thoại sâu sắc và cởi mở hơn trong thời hiện đại cũng như đã mở rộng nhận thức của người Công giáo, thì Ngài đã không làm như vậy dù đã tận tâm cầu nguyện, những thực hành thiêng liêng và sống tình bạn hữu trọn đời với các thánh. Hơn thế, sự khôn ngoan của một số vị thánh cải cách vĩ đại đã in đậm dấu ấn trong phong cách mục vụ và lời kêu gọi cải cách của Đức Gioan như: Thánh Leô Cả, Thánh Grêgôriô Cả, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Charles Borromeo, Thánh Phanxicô Saledi, Thánh Ignatiô Loyola và một số vị khác. Đức Gioan XXIII đã kết hợp sự cập nhật hoá (aggiornamento) và trở về nguồn (ressourcement)[3] bằng những cách thức ý nghĩa mà ngài mời gọi.

Tôi xin đưa ra một vài ví dụ:

Có lẽ ảnh hưởng sâu sắc nhất là từ Thánh Phanxicô Salê. Việc thánh nhân rất lưu tâm đến tính hoà nhã, khiêm tốn và làm những việc nhỏ bé với tình yêu sâu sắc đã ghi dấu ấn quan trọng trên cách lãnh đạo của Đức Gioan XXIII khi làm Giáo hoàng. Tôi nghĩ rằng người ta có thể nhận ra ảnh hưởng của Thánh Phanxicô Salê trong lời khuyên của Đức Gioan XXIII nơi bài diễn từ khai mạc Công đồng để thu hút thế giới bằng “phương dược của lòng thương xót” chứ không bằng “những vũ khí tàn bạo”. Nói cách khác, lời kêu gọi lòng thương xót không chỉ là vấn đề khoan dung; nhưng đó còn là một cách thể hiện sự thánh thiện của các thánh.

Thánh Grêgoriô Cả cũng là người ảnh hưởng lớn đối với Đức Gioan, đặc biệt trong Qui tắc mục vụ của ngài. Như mọi người biết, tước hiệu mà thánh Grêgoriô Cả thích dùng dành cho Giáo hoàng là “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa”, đã ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo mục vụ và truyền giáo của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

Cuối cùng, Đức Gioan XXIII còn được truyền cảm hứng từ tình yêu trọn đời của thánh Phanxicô Assisi. Thật vậy, khi Công đồng Vaticanô II sắp bắt đầu, Đức Giáo hoàng Gioan đã quyết định đến viếng thăm Assisi. Những chuyến đi như thế này thường không phổ biến đối với các Giáo hoàng vào thời điểm này. Trong chuyến hành hương đó, ngài đã đặc biệt chú ý đến cuộc đời của thánh Phanxicô như một mẫu gương canh tân Giáo hội theo Tin mừng. Đối với Đức Gioan XXIII, thánh Phanxicô Assisi đã là hình mẫu cho những cột mốc quan trọng cho bất cứ cuộc cải cách đích thực nào. Vì ngài hy vọng rằng Giáo hội có thể thấm nhuần tinh thần của thánh Phanxicô Assisi và thật phù hợp khi người kế vị hiện tại của ngài đã chọn tước hiệu Phanxicô.

Đức Gioan XXIII cho các thế hệ mới

Một trong những câu hỏi khá thú vị nảy lên khi tôi viết cuốn sách này là làm thế nào để khôi phục ký ức về Đức Giáo hoàng XXIII cho các thế hệ trẻ hơn. Về kinh nghiệm nơi các thế hệ về Công đồng Vaticanô II, William Portier đã nhấn mạnh đến hai trình thuật (và chắc chắn có nhiều bài tường thuật khác không được đề cập ở đây): một tường thuật từ những người sống trước Công đồng và một bản khác từ những người lớn lên sau Công đồng với sự tan rã của nền văn hoá Công giáo Hoa Kỳ[4].

Nhóm đầu tiên có thể tập trung vào Vatican II “như việc giải phóng cả một thế hệ khỏi một thế giới Công giáo nhập cư hẹp hòi và độc đoán đến mức vào giữa thế kỷ này [XX], nó có thể được gọi là khu ổ chuột”.

Nhóm thứ hai đưa “những quan điểm chính trị của những người theo chủ nghĩa tự do và bảo thủ thời hậu công đồng Vatican II ra hàng ghế sau”. Trên thực tế, cách phân loại như thế khá xa lạ với họ, vì nhìn chung, họ không sống trong một nền văn hoá phụ là Công giáo[5]. Câu chuyện của họ chủ yếu là “làm sao học cách trở thành người Công giáo thực sự trong bối cảnh đa nguyên của người Mỹ mà không cần một nền văn hoá phụ.”

Chắc chắn nhóm đầu tiên hoan nghênh sự sụp đổ não trạng về khu ổ chuột, phá bỏ các bức tường, tầm nhìn của người Công giáo như những đối tác với tất cả những người thiện chí để bảo vệ phẩm giá con người và làm việc cho công bằng xã hội, nhấn mạnh đến tinh thần đồng nghiệp,…, tức là hoan nghênh sự phá vỡ những yếu tố chính trong tầm nhìn mục vụ của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Nhóm thứ hai - những người trẻ và trung niên -  cũng có thể học hỏi từ Ngài sự cam kết dấn thân phát triển đời sống Giáo hội bằng cách nuôi dưỡng sự tưởng tượng Công giáo và cam kết thực hiện các thực hành thiêng liêng thường xuyên.

Sự phân chia giữa phe dân chủ - bảo thủ ở Bắc Mỹ nổi lên trong thời kỳ hậu Vaticanô II không phải là một phần rõ ràng trong nhận thức của người Công giáo nơi các thế hệ trẻ, tuy nhiên những tàn dư của sự phân chia này có thể định hình nơi họ những giả định ngầm. Đối với những thế hệ này, một nhận thức sâu sắc hơn về bản sắc Công giáo dường như là điều không thể thiếu-  không phải để nuôi dưỡng một não trạng về khu ổ chuột hay để dựng lên những thành trì mới- mà là để chấp nhận rằng trong nhiều bối cảnh, căn tính và ước muốn của con người về ý nghĩa, chân lý, sự thiện, cái đẹp và sự hiệp thông được định hình rất nhiều bởi các thế lực chủ nghĩa tiêu dùng toàn cầu.

Các thế hệ trẻ không chỉ tìm kiếm những người truyền rao thông tin, mà còn là những người mang đến những thông điệp và thói quen sống mà có khả năng mở ra những lối sống phong phú, đầy thách thức và thánh thiện trong thế giới hiện đại - những lối sống phát xuất từ trong cả hình ảnh lẫn thực hành về một hình thức sống đạo Công giáo, chứ không phải là từ những hình ảnh và thực hành của chủ nghĩa tiêu dùng. Đức Gioan XXIII chính là một người đưa tin, một người bạn và là một vị thánh đã đưa ra một lối sống như vậy.

 

-----------------------

[1] Randall S.Rosenberg nhận bằng tiến sĩ về Thần học Hệ thống tại trường Đại học Boston và hiện đang giảng dạy tại phân khoa nghiên cứu thần học của trường Đại học Thánh Luy. [ND]

Các phần của bài đăng này được lấy từ cuốn sách mới phát hành của Randall S.Rosenberg Tầm nhìn của Thánh Gioan XXIII (New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2014), phần “Giới thiệu” và “Kết luận”. Được sử dụng với sự cho phép.

[2] Holocaust là tên gọi của một cuộc tàn sát diệt chủng, do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái trên toàn Đức Quốc xã và các vùng lãnh thổ bị quốc gia này chiếm đóng toàn Châu Âu trong thời gian Thế chiến II. Cuộc khủng bố và diệt chủng được tiến hành theo từng giai đoạn, mà đỉnh cao nhất được gọi là "Giải pháp tối hậu cho vấn đề Do Thái". (ND)

[3] Ressourcement có nghĩa là quay trở lại các nguồn - trên hết là Kinh thánh, được bổ sung bởi các Giáo phụ và những thành tựu của thần học Kinh viện.

Aggiornamento có nghĩa là “cập nhật” - tìm ra những cách thức mới để loan báo Tin Mừng theo cách phù hợp với một thế giới hậu Ánh sáng bị tàn phá sâu xa bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa vô thần toàn trị và việc vỡ mộng bởi chủ nghĩa tự do thế tục.

[4] William L. Portier, “Here Come the Evangelical Catholics,” Communio 31.1 (Spring 2004), 51.

[5] "Tiểu văn hóa"  (Subculture) là thuật ngữ chỉ một nhóm nhỏ trong xã hội sở hữu những đặc điểm riêng so với cộng đồng chung, như là sở thích, giá trị sống và quan điểm riêng biệt với các nhóm khác. những cộng đồng quen thuộc như Otaku (những người đam mê truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Bản) hay "Tín đồ K-pop", hay nhiều cộng đồng mới gần đây hội yêu thú cưng độc lạ, "nhạc ngầm" (underground) hay hội "Sống xanh". Nền văn hoá phụ Công giáo (hay tiểu văn hoá Công giáo) theo cách hiểu đó chỉ là một nhóm nhỏ trong bối cảnh đa nguyên văn hoá.